Sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa xã hội khoa học từ sau khi V.I.Lênin qua đời đến nay
VnDoc xin giới thiệu bài Sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa xã hội khoa học từ sau khi V.I.Lênin qua đời đến nay được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Chủ nghĩa xã hội khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa xã hội khoa học từ sau khi V.I.Lênin qua đời đến nay
Sau khi V.I.Lênin qua đời, đời sống chính trị thế giới chứng kiến nhiều thay đổi. Chiến tranh thế giới lần thứ hai do các thế lực đế quốc phản động cực đoan gây ra từ 1939-1945 để lại hậu quả cực kỳ khủng khiếp cho nhân loại.
Trong phe đồng minh chống phát xít, Liên xô góp phần quyết định chấm dứt chiến tranh, cứu nhân loại khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít và tạo điều kiện hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, tạo lợi thế so sánh cho lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
J.Xtalin kế tục là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản (b) Nga và sau đó là Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời là người ảnh hưởng lớn nhất đối với Quốc tế III cho đến năm 1943, khi G. Đi-mi-trốp là chủ tịch Quốc tế III. Từ năm 1924 đến năm 1953, có thể gọi là “Thời đoạn Xtalin” trực tiếp vận dụng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học. Chính Xtalin và Đảng Cộng sản Liên Xô đã gắn lý luận và tên tuổi của C.Mác với V.I.Lênin thành “Chủ nghĩa Mác - Lênin”. Trên thực tiễn, trong mấy thập kỷ bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, với những thành quả to lớn và nhanh chóng về nhiều mặt để Liên Xô trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên và duy nhất trên toàn cầu, buộc thế giới phải thừa nhận và nể trọng.
Có thể nêu một cách khái quát những nội dung cơ bản phản ánh sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ sau Lênin:
- Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Matxcơva tháng 11-1957 đã tổng kết và thông qua 9 qui luật chung của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù, về sau do sự phát triển của tình hình thế giới, những nhận thức đó đã bị lịch sử vượt qua, song đây cũng là sự phát triển và bổ sung nhiều nội dung quan trọng cho chủ nghĩa xã hội khoa học
- Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế cũng họp ở Matxcơva vào tháng giêng năm 1960 đã phân tích tình hình quốc tế và những vấn đề cơ bản của thế giới, đưa ra khái niệm về “thời đại hiện nay”; xác định nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản và công nhân là bảo vệ và củng cố hòa bình ngăn chặn bọn đế quốc hiếu chiến phát động chiến tranh thế giới mới; tăng cường đoàn kết phong trào cộng sản đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Matcơva thông qua văn kiện: “Những nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn hiện tại và sự thống nhất hành động của các Đảng Cộng sản, công nhân và tất cả các lực lương chống đế quốc”. Hội nghị đã khẳng định: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, các lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc nhằm cải tạo xã hội theo chủ nghĩa xã hội, đang quyết định nội dung chủ yếu, phương hướng chủ yếu của những đặc điểm chủ yếu của sự phát triển lịch sử của xã hội loài người trong thời đại ngày nay”.
- Sau Hội nghị Matxcơva năm 1960, hoạt động lí luận và thực tiễn của các Đảng Cộng sản và công nhân được tăng cường hơn trước. Tuy nhiên, trong phong trào cộng sản quốc tế, trên những vấn đề cơ bản của cách mạng thế giới vẫn tồn tại những bất đồng và vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin với những người theo chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều biệt phái.
- Đến những năm cuối của thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do nhiều tác động tiêu cực, phức tạp từ bên trong và bên ngoài, mô hình của chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, chủ nghĩa xã hội đứng trước một thử thách đòi hỏi phải vượt qua.
Trên phạm vi quốc tế, đã diễn ra nhiều chiến dịch tấn công của các thế thực thù địch, rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung… Song từ bản chất khoa học, sáng tạo, cách mạng và nhân văn, chủ nghĩa xã hội mang sức sống của qui luật tiến hóa của lịch sử đã và sẽ tiếp tục có bước phát triển mới.
Trên thế giới, sau sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu, chỉ còn một số nước xã hội chủ nghĩa hoặc nước có xu hướng tiếp tục theo chủ nghĩa xã hội, do vẫn có một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Những Đảng Cộng sản kiên trì hệ tư tưởng Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, từng bước giữ ổn định để cải cách, đổi mới và phát triển.
Trung Quốc tiến hành cải cách, mở từ năm 1978 đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận, cả về lý luận và thực tiễn. Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ ngày thành lập (1 tháng 7 năm 1921) đến nay đã trải qua 3 thời kỳ lớn: Cách mạng, xây dựng và cải cách, mở cửa. Đại hội lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002 đã khái quát về quá trình lãnh đạo của Đảng như sau: “Đảng chúng ta trải qua thời kỳ cách mạng, xây dựng và cải cách; đã từ một Đảng lãnh đạo nhân dân phấn đấu giành chính quyền trong cả nước trở thành Đảng lãnh đạo nhân dân nắm chính quyền trong cả nước và cầm quyền lâu dài; đã từ một Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước trong điều kiện chịu sự bao vây từ bên ngoài và thực hiện kinh tế kế hoạch, trở thành Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước trong điều kiện cải cách mở cửa (bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI cuối năm 1978) và phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” kiên trì phương châm: “cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật; “tất cả vì nhân dân”; “tất cả dựa vào nhân dân” và thực hiện 5 nguyên tắc, 5 kiên trì:
Đại hội XIX (2017) với chủ đề: “Quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả, giành thắng lợi vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, đã khẳng định: Xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào năm 2050; “Nhân dân Trung Quốc sẽ được hưởng sự hạnh phúc và thịnh vượng cao hơn, và dân tộc Trung Quốc sẽ có chỗ đứng cao hơn, vững hơn trên trường quốc tế”.
Thực ra công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc cũng còn nhiều vấn đề cần trao đổi, bàn cãi. Song, qua 40 năm thực hiện, Trung Quốc đã trở thành nước thứ hai trên thế giới về kinh tế và nhiều vấn đề, nhất là về lý luận “Một quốc gia, hai chế độ” cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội lần thứ VI (1986) đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà còn có những đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin:
- Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật của cách mạng Việt Nam, trong điều kiện thời đại ngày nay;
- Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, đồng thời đổi mới từng bước về chính trị, đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện gắn phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng là khâu then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo ra ba trụ cột cho sự phát triển nhanh và bền vững ở nước ta;
- Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò kiến tạo, quản lý của Nhà nước. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái;
- Phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân;
- Mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của mọi giai cấp và tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc và tôn giáo, mọi công dân Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội tạo động lực cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc;
- Mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện hội nhập quốc tế; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, khai thác mọi khả năng có thể hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;
- Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Từ thực tiễn 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra một số bài học lớn, góp phần phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ mới:
Một là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Hai là, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Bốn là, phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.
Ngoài những cống hiến về lý luận do Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết, phát triển trong công cuộc cải cách, mở cửa, đổi mới và hội nhập, những đóng góp của Đảng Cộng sản Cu Ba, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng có giá trị tạo nên sư bổ sung, phát triển đáng kể vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin trong thời đại mới.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa xã hội khoa học từ sau khi V.I.Lênin qua đời đến nay về xác định nhiệm vụ hàng đầu của các Đảng Cộng sản và công nhân là bảo vệ và củng cố hòa bình ngăn chặn bọn đế quốc hiếu chiến phát động chiến tranh thế giới mới; tăng cường đoàn kết phong trào cộng sản đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa xã hội khoa học từ sau khi V.I.Lênin qua đời đến nay. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.