Suy nghĩ của em về "Tiếng kêu cứu của môi trường"
Những bài văn mẫu hay lớp 9
Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về "Tiếng kêu cứu của môi trường" được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Suy nghĩ của em về "Tiếng kêu cứu của môi trường"
Loài người và muôn loài sống trên trái đất này đang đứng trước một hiểm họa lớn: Môi trường sống đã và đang bị ô nhiệm nặng nề.
Môi trường sống là toàn bộ các điều kiện tự nhiên và nhân tạo tác động đến đời sống và sự tồn vong của nhân loại.
Những điều kiện tự nhiên mà tạo hóa đã ban cho loài người thật đa dạng và phong phú. Đó là tầng ôzôn với bầu không khí trong lành, những mảnh đất màu mỡ man mác phù sa, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngắt ngào ngạt hương hoa,những đại dương mênh mông dạt dào sóng vỗ, những dòng sông quê hương chở nặng ân tình, những nguồn nước ngầm vô hạn, những mỏ than,mỏ sắt, mỏ vàng…
Tất cả những điều kiện tự nhiên đó đã cống hiến hết mình cho nhân loại. Nó chính là không gian sống của con người và động vật, là nơi cung cấp tài nguyên cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người, là nơi chứa đựng các chất phế thải, là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người… Có một lúc nào đó bạn cô đơn buồn chán bạn ngồi bên dòng sông xanh nhìn hoàng hôn đỏ rực phía chân trời, hay ngả mình trên thảm cỏ xanh rờn ngát hương hoa đồng nội bạn sẽ thấy lòng mình thư thái hơn, vui vẻ hơn. Môi trường không chỉ nuôi sống mà còn xoa dịu những nỗi buồn mang lại niềm vui cho con người.
Tất cả những điều kiện tự nhiên đó chính là ân nhân của con người. Nhưng loài người đã đối xử với ân nhân của mình như thế nào?
Hàng ngày có hàng trăm tấn rác thải ra môi trường chưa đươc xử lý triệt để, đặc biệt là các vật dụng khó bị phân hủy như túi nilon, hộp nhựa… Các chất độc hóa học, sinh học bị lạm dụng.. Khói, bụi từ các nhà máy, khu công nghiệp, từ các phương tiện giao thông bốc lên bầu trời. Nước bẩn chứa hóa chất độc hại từ một số nhà máy thải trực tiếp ra sông ra suối, ra biển đã giết chết hàng loạt thủy hải sản gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của con người. Xăng, dầu bị rò rỉ và loang rộng trên biển cả. Khoáng sản tài nguyên bị khai thác bừa bãi. Nạn đốt rừng làm nương làm rẫy ở nhiều nơi đã trở thành thói quen.Lâm tặc hoành hành đốn cây lấy gỗ. Việc sử dụng các phương tiện hủy diệt hàng loạt trong khai thác khoáng sản và đánh bắt động vật còn diễn ra ở một số nước trên thế giới.Nạn khai thác kinh doanh các loại động vật quý hiếm vẫn còn phổ biến… Những sự cố môi trường đang ngày một gia tăng. Đó là những cơn cháy rừng khủng khiếp ở một số nước như Nga, Mỹ… thải lên bầu trời một lượng khói bụi khổng lồ. Sự cố rò rỉ lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, ở Ucraina là thảm họa gây nhiễm phóng xạ nguyên tử ra môi trường xung quanh. Những cuộc chiến tranh liên miên diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới từ đời này sang đời khác đã tàn phá biết bao nhiêu tài nguyên ruộng đồng, nhà cửa…
Từ những hoạt động, hiện tượng, sự cố đó mà môi trường sống của muôn loài đang bị ô nhiễm nặng nề. Hiệu ứng nhà kính đang gia tăng, tầng ô zôn bị chọc thủng làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Bầu không khí bị ô nhiệm. Bụi, SO2, CO2 vượt quá tiêu chuẩn cho phép tại các đô thị và khu công nghiệp. Đất đai màu mỡ đang dần dần bị sa mạc hóa. Những cánh rừng đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Ô nhiễm nước biển xẩy ra với mức độ ngày càng tăng. Nguồn nước ngầm nhiều nơi bị ô nhiễm. Nguồn khoáng sản tài nguyên đang dần dần bị cạn kiệt…
Sự tắc trách của con người đã góp phần gây nên những thảm họa mà chính con người phải hứng chịu: bão lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất… Những thảm họa này đã tàn phá môi trường sống, khiến hàng triệu người và sinh linh trên trái đất bị hủy diệt. Sóng thần ở Indonessia, ở Nhật Bản … đã giết chết hàng chục vạn người. Trận đại hồng thủy ở Thái Lan, những trận lụt ở Việt Nam, Philippines… đã nhấn chìm các thành phố làng xóm trong biển nước.Ô nhiệm môi trường còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của sinh vật. Con người sống được là nhờ không khí, nhờ nước, nhờ thực phẩm lương thực. Những nguồn sống đó bị ô nhiễm thì con người tồn tại sao đây? Dịch bệnh đã và đang lây truyền nhiều nơi ở người và động vật. Dịch cúm, dịch tả …, những dị tật do chất độc màu da cam gây ra là nỗi đau của hàng triệu người. Thế giới hiện nay đang đứng trước năm cuộc khủng hoảng lớn: dân số, lương thực, năng lượng,tài nguyên, sinh thái. Những cuộc khủng hoảng này liên quan trực tiếp đến môi trường. Sự suy giảm môi trường làm tăng mức độ khủng hoảng,làm cạn dần nguồn năng lượng, tài nguyên, làm vẩn đục hệ sinh thái, cây lương thực khó phát triển, sức khỏe con người bị giảm sút…
Môi trường sống đang kêu cứu. Chỉ có con người mới có khả năng bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm ngăn chặn, khắc phục những hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra hạn chế tối đa sự ô nhiệm môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại.
Để thúc đẩy loài người tích cực tham gia bảo vệ môi trường,năm 1987 Ủy ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc đã đưa ra khái niệm: “Phát triển bền vững”. Đó là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại của con người nhưng không ảnh hưởng đến sự thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đưa ra khái niệm này Liên Hợp Quốc muốn nhắc nhở nhân loại rằng khi sử dụng môi trường sống để thỏa mạn nhu cầu hiện tại của mình con người cần có ý thức giữ gìn bảo vệ vì bản thân mình và vì tương lai của các thế hệ tiếp theo.
Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam cũng ghi rõ ở điều 6: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân. Các tổ chức,cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, có quyền và có trách nhiệm phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Các chương trình bảo vệ môi trường được phát động rầm rộ trên khắp thế giới. Những chương trình này tập trung vào các vấn đề như sau:
- Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho toàn thể mọi người.
- Trồng cây xanh che phủ đồi trọc.
- Hạn chế sử dụng các chất độc hại,các vật dụng khó phân hủy như túi ni lon, hộp nhựa...
- Khuyến khích sử dụng các vật dụng dễ phân hủy thân thiện với môi trường.
- Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
- Xử lý triệt để các chất thải trước khi thải ra môi trường như khói bụi, nước bẩn ở các nhâ máy, khu công nghiệp…
- Không sử dụng các phương tiện hủy diệt hàng loạt trong khai thác khoáng sản và đánh bắt động vật.
- Không đốn cây lấy gỗ bừa bãi.
- Hạn chế việc đốt nương làm rẫy.
- Khắc phục nhanh chóng hậu quả của thiên tai như bão, lụt, động đất, sóng thần, núi lửa…
- Ngăn chặn việc rò rỉ xăng dầu, các chất độc hại, chất phóng xạ ra môi trường.
- Chống chiến tranh xâm lược bảo vệ hòa bình trên trái đất …
Hoạt động của loài người để bảo vệ môi trường đã mang lại một số kết quả đáng kể. Hàng nghìn hecta rừng đã mọc lên xanh tươi phủ kín đồi trọc. Một số thiết bị, vật dụng được sáng chế và sử dụng thân thiện với môi trường như điện mặt trời, xe hơi chạy bằng năng lượng mặt trời, túi vải đựng rác dễ phân hủy…Con người ngày càng hiểu hơn tác hại của ô nhiễm môi trường và đang cố gắng ngăn chặn khắc phục những hậu quả do bản thân mình cũng như do thiên nhiên gây nên. Tuy nhiên bên cạnh những hoạt động tích cực đó thì những hành vi tiêu cực của con người vẫn thường xuyên xẩy ra khiến môi trường phải cất tiếng kêu cứu.
Tiếng kêu cứu của môi trường sống ngày càng được nhiều người nghe thấy và chắc chắn sẽ có nhiều hơn các chương trình hoạt động để bảo vệ ân nhân của muôn loài.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về "Tiếng kêu cứu của môi trường". Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.
Bài tiếp theo: Từ bài Lặng lẽ Sapa, suy nghĩ của em về lẽ sống của thế hệ trẻ trong những năm miền Bắc vừa chiến đấu vừa xây dựng XHCN