Tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi để bạn đọc cùng tham khảo và có thể viết được bài tham luận cho riêng mình nhé.
Mẫu tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
1. Tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi mẫu 1
Kính thưa các Quý vị đại biểu khách quý.
Kính thưa Đoàn chủ tịch.
Kính thưa Toàn thể đại hội.
Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo tổng kết công tác Đoàn nhiệm kì 2….. và Phương hướng hoạt động nhiệm kì …….5 mà đồng chí Bí thư chi đoàn đã trình bày trước Đại hội. Với vai trò là một đoàn viên giáo viên được chi bộ Đảng, BGH nhà trường tin tưởng giao cho nhiệm vụ dạy và bồi dưỡng HSG, tôi xin trình bày một số ý kiến tham luận về công tác bồi dưỡng HSG.
Kính thưa Toàn thể đại hội.
Năm 1484 vua Lê Thánh Tông giao cho danh sĩ Thân Nhân Trung cùng các quan bộ lễ tiến hành viết các bài văn bia để khắc vào các bia tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong đó có câu nói rất nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” thấm nhuần tư tưởng đó Đảng, nhà nước đã thường xuyên quan tâm đến công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài. Có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học tài năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ cống hiến và trưởng thành. Công tác đào tạo nhân tài là nhiệm vụ cao cả của toàn xã hội, song trách nhiệm trực tiếp là của những người làm công tác giáo dục, chính vì thế trong những năm gần đây, Bộ giáo dục và đào tạo có nhiều chủ trương mới về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Điển hình như đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn ……….., hay thay đổi cách thức thi chọn đội tuyển tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Đặc biệt hàng năm tổ chức Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh đạt điểm xuất sắc nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH. Kính thưa Toàn thể đại hội.
Trường ………. là trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh, nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đối với nhà trường. Công việc này có tác dụng rất mạnh mẽ và thiết thực để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, tạo khí thế hăng say vươn lên trong học tập của học sinh từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn điện góp phần khẳng định tên tuổi của nhà trường.
Kính thưa Toàn thể đại hội.
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG theo tôi cần thực hiện tốt những công việc sau đây.
Thứ nhất là phát hiện và tuyển chọn học sinh giỏi, việc này cần được giáo viên thực hiện ngay từ đầu cấp học. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải luôn đồng hành cùng học sinh để cùng nhau khám phá, dạy cho học sinh phương pháp tiếp cận vấn đề mới, qua đó phát hiện học sinh có tư chất thông minh. Chú trọng đánh giá, phát hiện học sinh có tố chất về:
- Năng lực tư duy mô hình hóa, sơ đồ hóa các khái niệm, các mối quan hệ;
- Năng lực, kĩ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo cái mới; kĩ năng thực hành, tổ chức sắp xếp công việc;
- Năng lực tư duy liên kết. Đó là sự nhận biết mối quan hệ giữa các khái niệm trong cùng một lĩnh vực hoặc trong nhiều lĩnh vực, giữa lí thuyết với thực tiễn cuộc sống;
- Năng lực tư duy phản biện. Trước mỗi tình huống, học sinh có khả năng phản biện hay không? Có biết thay đổi giả thiết, thay đổi hoàn cảnh để tạo ra tình huống mới hay không?
- Tinh thần vượt khó và bản lĩnh trước tình huống khó khăn. Học sinh có sẵn sàng chấp nhận thách thức? Có khả năng tìm tòi phương hướng giải quyết vấn đề khó hay không? Có biết tự bổ sung kiến thức, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ hay không
- Tinh thần hợp tác, chia sẻ, sự nhạy cảm đón bắt ý tưởng từ những người xung quanh;
- Kĩ năng hòa nhập với cộng đồng, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của những người xung quanh; khả năng tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp ý kiến; năng lực thuyết phục, đàm phán…
- Giáo viên đánh giá năng lực học sinh bằng nhiều hình thức, chú ý việc xử lí kết quả, rút kinh nghiệm về giảng dạy, học tập sau đánh giá. Kết hợp kết quả đánh giá thường xuyên với kết quả các kì thi phong trào, các kì thi do cấp trên tổ chức.
Thứ hai là việc xây dựng chương trình bồi dưỡng: Hiện nay có rất nhiều sách nâng cao và các nguồn tài liệu tham khảo khác song chương trình bồi dưỡng HSG thì chưa có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng buổi học như trong chương trình chính khoá. Vì vậy việc xây dưỡng chương trình bồi dưỡng là một việc làm hết sức quan trọng và rất khó khăn nếu như chúng ta không có sự tham khảo, tìm tòi và chọn lọc tốt. Đối với cá nhân tôi, thì tôi xây dựng chương trình bồi dưỡng theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề được xây dựng theo trình tự sau:
Mục tiêu của chủ đề
Kiến thức, kĩ năng cần bồi dưỡng: bao gồm kiến thức cơ bản, kiến thức mở rộng và nâng cao, kĩ năng thực hành, đo đạc.
Phương pháp giải cho từng dạng bài: có chú ý đến những phương pháp giải khác nhau.
Bài tập mẫu.
Bài tập luyện tập:
Bài tập cơ bản
Bài tập nâng cao
Đề kiểm tra hết chủ đề
Rút kinh nghiệm giảng dạy
Tóm lại nội dung, chương trình bồi dưỡng phải rõ ràng, cụ thể về từng mảng kiến thức, chi tiết cho từng khối, lớp và nội dung nhất thiết phải được sắp xếp từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.
Thứ ba là dạy như thế nào cho đạt hiệu quả ? Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học là làm cho học sinh yêu thích môn học, “thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Mỗi bài dạy, giáo viên luôn tìm nội dung mới mẻ, làm cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tầm quan trọng của môn học, khơi dậy trong học sinh niềm đam mê khám phá. Hạn chế việc giáo viên làm thay học sinh những điều mà học sinh có thể làm được.
Sau khi trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản của bộ môn, giáo viên chú ý nhiều hơn đến việc dạy học sinh phương pháp học và dần coi đây là mục tiêu chính của quá trình dạy học.
Đối với học sinh giỏi, giáo viên sử dụng nhiều hơn các hình thức dạy học:
- Chuyển giao chủ đề, hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu.
- Tổ chức cho học sinh báo cáo theo chủ đề, thảo luận, phản biện…;
- Kiểm tra việc tự học, tự đọc tài liệu của học sinh; rút kinh nghiệm kịp thời;
- Sử dụng các thiết bị giảng dạy phù hợp; tăng cường thời gian thực hành;
- Đa dạng các hình thức đánh giá: Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá nhau và học sinh tự đánh giá;
Thứ tư đối với giáo viên dạy và bồi dưỡng HSG:
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói, muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi vì vậy người thầy phải luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để luôn xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” của học sinh. Phải thường xuyên tìm tòi nguồn tư liệu thông qua các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang Website nào hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả có các bài viết hay, khả quan nhất để sưu tầm làm tài liệu…Các thầy cô giáo trẻ cần tích cực chủ động nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, tận dụng công nghệ thông tin để tích luỹ kiến thức nâng cao trình độ. Lấy nỗ lực của bản thân là chính, coi việc học hỏi vốn kiến thức, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước là quan trọng.
Kính thưa toàn thể các đồng chí.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, tri thức, trí tuệ mỗi con người không còn là tài sản riêng của từng quốc gia. Việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Công việc bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc khó khăn và vất vả nhưng rất vinh quang. Để có học sinh giỏi đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải say mê tâm huyết với nghề
Thomas A. Edison đã từng nói:
“Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác”
Trên đây là một số ý kiến chủ quan của cá nhân tôi về công tác bồi dưỡng HSG. Chắc chắn còn nhiều thiếu sót và hạn chế. Rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đ/c để bản tham luận của tôi hoàn chỉnh hơn. Cuối cùng tôi xin kính chúc các quý vị đại biểu, các đồng chí, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
2. Tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi mẫu 2
Kính thưa các quý vị đại biểu
Thưa hội nghị.
Chúng ta vừa được nghe kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học ……., tôi hoàn toàn nhất trí với kế hoạch trên. Theo chương trình của hội nghị mà ban tổ chức đã thông qua, tôi rất vinh dự được thay mặt cho một số giáo viên có thành tích trong việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội tuyển học sinh giỏi nhà trường trong năm học qua phát biểu đôi lời bày tỏ suy nghĩ của mình về những thành tích mà tôi cùng đồng nghiệp đã đạt được để hội nghị chúng ta cùng chia xẻ.
Như chúng ta đã biết, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học. Bồi dưỡng HSG là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò. Trong những năm gần đây, qua các kỳ thi HSG vòng huyện, vòng tnh chúng ta đã đạt được những thành công nhất định góp phần vào kết quả thi HSG, cũng như thành tích chung của toàn trường.
Trước hết chúng ta nhìn lại thực trạng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường
1. Thuận lợi:
- Được sự chỉ đạo, quan tâm, kịp thời của BGH, có những kế hoạch cụ thể, lâu dài trong công việc bồi dưỡng HSG.
- Trường có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị phục vụ tương đối đầy đủ giúp cho việc dạy và học đạt kết quả tốt.
- Giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng HSG nhiều năm.
- Học sinh hiếu học, yêu thích môn học, có tính tự giác cao.
- Đa số phụ huynh lo lắng, quan tâm đến chất lượng học sinh giỏi.
2. Khó khăn:
- Đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn do vậy cường độ làm việc tương đối căng thẳng, việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế.
- Học sinh vừa phải hoàn thành chương trình chính khóa vừa phải học chương trình bồi dưỡng HSG nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập cũng như kết quả
- Một số học sinh tham gia học bồi dưỡng chưa cố gắng nhiều nên kết quả thi học sinh giỏi ở một số môn chưa cao.
- Một số ít phụ huynh chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện đến học tập của con em mình.
- Một số cán bộ, phụ huynh chưa có sự nhìn nhận đúng mức đối với thành tích của nhà trường, cho rằng hội thi THCS dể dãi nên có nhiều học sinh đạt giải, băn khoăn về tiền thưởng của nhà trường. Mọi sự nhìn nhận chưa đúng đó đã làm ảnh hưởng đến tâm tư của người thầy nói chung và người thầy làm công tác bồi dưỡng HSG nói riêng.
Sau đây tôi trình bày: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi:
Giải pháp 1. Đối với giáo viên bồi dưỡng:
- Để có đội tuyển HSG lâu dài phải có lộ trình bồi dưỡng và biết thừa kế qua các năm học trước vì thế người thầy phải luôn luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, luôn xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” cho học sinh noi theo. Phải thường xuyên tìm tòi các tư liệu, có kiến thức nâng cao trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang Web nào hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả nào hay có các chuyên đề hay, khả quan nhất để sưu tầm tài liệu…
- Trong công tác BDHSG khâu đầu tiên là khâu tuyển chọn học sinh thông qua việc trao đổi với GV giảng dạy trước đó để lựa chọn những em có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê, tính sáng tạo vào đội tuyển, làm nguồn cho năm học kế tiếp.
- Bước tiếp theo, chúng ta lập kế hoạch cho mình một cách cụ thể tránh tình trạng thích đâu dạy đó. Dạy theo chuyên đề là biện pháp mà cá nhân tôi thấy đó là hữu hiệu nhất.
-.GV BDHSG cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, với giáo viên chủ nhiệm trong việc dạy đối tượng HSG để tạo mọi điều kiện giúp các em phát huy hết năng lực của mình.
- Thực hiện phương châm: dạy chắc cơ bản rồi dạy nâng cao, thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp tư duy dạy kiểu dạng bài có quy luật, loại bài có tính đơn lẻ rồi luyện các dạng tổng quát.
- Trong mỗi bài tập cần đưa ra nhiều câu với mức độ từ dễ đến khó (có thể 4 đến 6 câu nhỏ) và câu nhỏ cuối cùng ta nên vận dụng vào thực tế để các em hiểu rõ đây là câu vận dụng tích hợp.
- Trước khi giải các dạng BT nâng cao, lắt léo thì GV có thể sử dụng một số pp phân tích bài toán theo pp đi lên, đi xuống hoặc sử dụng pp giải hệ PT hai ẩn (GV bổ sung cho HS kiến thức toán học của lớp 9) quá trình giải các em giảm được một số bước rườm rà, không cần thiết và dễ hiểu hơn nhưng cũng không được quá tắt.
- Sau mỗi bài tập nâng cao GV cần đưa ra phương pháp giải hoặc những lưu ý nhằm học sinh tự khắc sâu kiến thức để cách trình bày được lập luận lôgic hơn.
- Sau mỗi chuyên đề cần có bài kiểm tra đánh giá theo các mức độ để nắm ngay được tình hình học sinh bị hổng phần nào, những bài đa số HS làm được gọi HS trực tiếp lên bảng làm (mối lần ghi bảng các em nhớ hơn là ghi ở vở), bài nào chưa tốt GV sửa và khắc sâu ngay.
- Ngoài ra giáo viên sưu tầm ngân hàng bộ đề thi các cấp trường, cấp huyện và các tỉnh khác thông qua công nghệ thông tin nhằm giúp các em tiếp xúc làm quen với các dạng đề có nhiều điểm mới, hay và hữu ích.
- Nên tránh:
+ Đừng để HS tâm lý trong thi cử và không nặng thành tích đối với HS dẫn đến HS bị áp lực từ nhiều phía.
+ Một số giáo viên mới bồi dưỡng học sinh giỏi, thường hay nôn nóng, bỏ qua bài tập cơ bản, cho ngay bài khó, học sinh mới đầu đã gặp ngay một “mớ bòng bong”, không nhận ra được nên bắt đầu từ đâu hoặc việc ghi nhớ từng đơn vị kiến thức kỹ năng dễ lộn xộn hay kết quả là không định hình được phương pháp từ đơn giản đến phức tạp, càng học càng hoang mang.
+ Một số gv lại coi những bài đơn lẻ không có quy luật chung là quan trọng, cho học sinh làm nhiều hơn và trước những bài có nguyên tắc chung (coi những bài đó mới là “thông minh”), kết quả là học sinh bị rối loạn, không học được phương pháp tư duy theo kiểu đúng đắn khoa học
Giải pháp 2. Đối với học sinh:
- Bồi dưỡng học sinh giỏi là một quá trình lâu dài. Cần phải bồi dưỡng hứng thú và tính tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh.
- Cần phát hiện sớm các em học sinh giỏi và bồi dưỡng sớm và tạo nguồn từ lớp đầu cấp học.
- Cách tốt nhất bồi dưỡng hứng thú cho học sinh là hướng dẫn dìu dắt cho các em đạt được những thành công từ thấp lên cao. Nhiều học sinh lúc đầu chưa bộc lộ rõ năng khiếu nhưng sau quá trình được dìu dắt đã trưởng thành rất vững chắc và đạt thành tích cao.
- Học sinh phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của học tập.
- Học sinh phải yêu thích môn học, say mê trong học tập và ham học hỏi.
- Học sinh phải cần cù tích luỹ và chăm chỉ rèn luyện, ngoài đọc sách giáo khoa, học sinh cần đọc thêm sách tham khảo và tài liệu khác.
Nên trách:
- Điều kiện gia đình một số em còn khó khăn gia đình không có máy tính và mạng e nên việc tìm tài liệu trên Internet là thiệt thòi lớn đến bản thân các em. Nhiều em lợi dụng điều này xin tiền cha mẹ đến các quán Internet việc tốt thì ít, việc xấu thì nhiều, cũng có khi bị bạn bè rủ rê đến quán xem chơi game, sau đó nghiện game dẫn việc học giảm sút, lừa rối thầy, cô, cha mẹ.
Một số kiến nghị:
- Phụ huynh cần quan tâm tạo điều kiện, động viên tích cực con em học tập tốt hơn.
- Phụ huynh thường xuyên liên lạc với Thầy cô giáo, nhà trường để nắm tình hình học tập của học sinh.
- GVBD cần quản lí học sinh của mình một cách nghiêm túc.
Nhà trường cần quan tâm đến công tác tuyên truyền đẻ CB và nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng HSG, HSNK để từ đó có sự động viên, hỗ trợ tích cực đối với học sinh và đọi ngũ.
Trên đây là kinh nghiệm và giải pháp về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của bản thân. Rất mong được sự đóng góp của các đồng chí. Cuối cùng, xin kính chúc các vị đại biểu khách quý, các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
3. Tham luận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi mẫu 3
I. Đặt vấn đề:
Người xưa từng nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” vì vậy bồi dưỡng học sinh giỏi là bước đi đầu tiên để đào tạo nhân tài cho đất nước, cho địa phương và là nhiệm vụ trọng tâm của toàn nghành giáo dục ở nước ta hiện nay. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã nêu rõ: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Đối với trường THCS Quảng Phương hiện nay, để phấn đấu trở thành 1 trường trọng điểm chất lượng cao, phát huy truyền thống hiếu học của xã nhà, bên cạnh làm tốt công tác giáo dục nhà trường đã đẩy mạnh công tác BDHSG, chú trọng chất lượng mũi nhọn thông qua các hoạt động xã hội hóa, khen thưởng, huy động các nguồn lực tập trung cho chất lượng mũi nhọn HSG.
II. Thực trạng của vấn đề:
Thuận lợi:
– Trường THCS Quảng Phương đóng trên địa bàn xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo huyện nhà; sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, hội khuyến học xã cũng như các tổ chức đoàn thể khác…
– BGH nhiệt tình có những kế hoạch cụ thể, lâu dài chỉ đạo quyết liệt trong công tác bồi dưỡng HSG, làm tốt công tác xã hội hóa cũng như huy động các nguồn lực tập trung cho công tác dạy học nói chung và bồi dưỡng HSG nói riêng.
– Trường có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị phục vụ tương đối đầy đủ : Trang bị màn hình ti vi trong các phòng học, tăng trưởng máy tính, sách tham khảo hằng năm giúp cho việc dạy học và NDHSG đạt kết quả tốt.
– Giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng HSG nhiều năm.
– Học sinh ngoan, có truyền thống hiếu học, yêu thích môn học BD, có tính tự giác cao.
– Phụ huynh lo lắng, quan tâm đến chất lượng học sinh giỏi của con em.
2. Khó khăn:
* Về phía nhà trường:
-1 số GV có hoàn cảnh khó khăn : con nhỏ, nhà ở xa, dạy BD nhiều khối nên thời gian nghiên cứu các tài liệu.
– Chất lượng HSG hằng năm đều có giải Huyện, giải Tỉnh nhưng chưa bền vững.
– Nguồn kinh phí khen thưởng cho giáo viên bồi dưỡng; GVG; HSG hằng năm còn hạn chế chưa tạo động lực cho học sinh trong quá trình bồi dưỡng.
* Về phía giáo viên:
– Các môn văn, toán SL đông mỗi người bồi dưỡng đỡ vất vả, song bên cạnh đó 1 số môn chỉ có 1 GV nên phải bồi dưỡng 2-3 khối vì thế việc đầu tư nghiên cứu và thời gian tập trung bồi dưỡng có phần hạn chế: môn Hóa, Sử, Địa…GV ở xa, có hoàn cảnh khó khăn: cô Hân, cô Lan Phương…
* Về phía phụ huynh:
– Một số ít phụ huynh chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện đến học tập của con em mình.
– Phụ huynh phần lớn ở nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa có điều kiện để đầu tư máy tính cũng như hòa mạng internet để con em tìm kiếm tài liệu học và làm bài tập nâng cao ở nhà.
* Về phía học sinh:
– Một số học sinh tham gia học bồi dưỡng chưa cố gắng nhiều (còn ham chơi, bỏ học la cà quán hang, quán game) nên kết quả thi học sinh giỏi ở một số môn chưa cao.
-Trong chọn đội tuyển: HS chưa chủ động chọ môn bồi dưỡng còn phụ thuộc vào gia đình….
3. Nguyên nhân:
– Nhận thức của một số phụ huynh về công tác bồi dưỡng chưa cao: còn phó mặc cho đó là trách nhiệm của giáo viên, coi đó là thành tích của nhà trường có phân biệt giữa môn phụ và môn chính …Đặc biệt can thiệp vào định hướng môn học của con (cho con học các môn KHTN…). Sự nhìn nhận chưa đúng đó đã làm ảnh hưởng đến tâm lí của người thầy làm công tác bồi dưỡng .
– Việc thực hiện các chính sách khen thưởng cho GV, HS chưa đủ để khuyến khích, tạo động lực trong công tác bồi dưỡng của GV.
– Chưa huy động hết các nguồn lực trong công tác bồi dưỡng.
– Công tác tham mưu, phối hợp với các tổ chức (hội khuyến học xã; hội cha mẹ học sinh; …) trong việc khen thưởng động viên GVG, HSG, GVBD có phần hạn chế. (hai năm học 2015-2016; 2016-2017 HKH xã không phát thưởng cho GV và HSG kịp thời).
III. Giải pháp: Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, phân tích nguyên nhân kết quả đạt được trong công tác BDHSG trong những năm qua, sau đây tôi xin trình bày: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi:
1.Về công tác xã hội hóa:
– Đối với BGH:
Lãnh đạo nhà trường luôn xác định công tác xã hội hóa giáo dục muốn thực hiện tốt trước tiên phải làm tốt công tác tham mưu: cần trình bày, giải thích để chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là cha mẹ các em hiểu được từng nội dung yêu cầu trong nhiệm vụ dạy học,
Thứ hai, phối kết hợp với hội phụ huynh, tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học nói chung và bồi dưỡng HSG nói riêng, quan tâm nhắc nhở học sinh học và làm bài tập ở nhà, tạo quỹ thời gian cho con em học tập, không tạo áp lực, căng thẳng.
Thứ ba: tham mưu với hội phụ huynh xây dựng quỹ khuyến học của trường có kế hoạch quy chế khen thưởng rõ ràng.
Thứ tư: Thiết lập mối quan hệ với các tổ chức cá nhân trên địa bàn xã, huy động mọi tổ chức đoàn thể, dân nhân nhằm hỗ trợ nhiều mặt cho nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục (nhất là nhân dân vùng công giáo thông qua hội đồng mục vụ ) .
– Đối với giáo viên – nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có năng lực vận động quần chúng, tổ chức quần chúng thành lực lượng thực hiện tích cực. Giáo viên cần chú ý những việc như: Nâng cao nhận thức, sự tự giác của quần chúng bằng mọi hình thức tuyên truyền (khéo léo thuyết phục phụ huynh hoàn thành các khoản thu nộp, tích cực trong công tác xã hội hóa).
2.Về công tác khen thưởng:
+ BGH có kế hoạch khen thưởng GV-HS đạt giải cấp Huyện, cấp tỉnh cụ thể ngay từ đầu năm (Quỹ khuyến học trường).
Tham mưu với hội phụ huynh xây dựng quỹ khuyến học (quỹ khen thưởng) để động viên, khích lệ GV-HS phấn đấu. Xây dựng quy chế khen thưởng phải có tính chất thực tế (đặt các chỉ tiêu giải huyện, giải Tỉnh không quá chú trọng giải cấp quốc gia).
+ Hội khuyến học xã cần quan tâm kịp thời, thể hiện tốt hơn vai trò khuyến học, khuyến tài cho GV, HSG (Trao thưởng trong buổi lễ tổng kết năm học cho GV-HS); phối hợp với hội khuyến học các thôn làm tốt công tác khen thưởng cho HSG các cấp ở địa phương tạo động lực cho HS phấn đấu học tập; thưởng cho GV đạt GVG cấp huyện, cấp tỉnh, GVBD đạt giải các cấp tạo động lực cho GV – HS .
+ Nên có điểm khen thưởng cụ thể cho chất lượng và số lượng giải cho cả GV và HS để tiện trong xếp loại thi đua khen thưởng, xét danh hiệu thi đua cho GV cuối năm học .
+ Đối với hội phụ huynh: trong kế hoạch, quy chế hoạt động của hội cần có quan tâm hơn đối với hoạt động dạy học của GV-HS; nên khen thưởng GV-HS đạt giải; GVBD có thành tích cao trong năm học (Trong buổi tổng kết năm học hoặc các đợt phát thưởng của nhà trường).
+ Đối với lãnh đạo địa phương: Cần qua tâm hơn đến công tác BDHSG, khen thưởng vinh danh các GVBD đạt thành tích cao tạo động lực cho GV trong công tác BD.
Về huy động nguồn lực phục vụ tốt cho công tác bồi dưỡng:
Ngoài việc tham mưu, phối hợp với hội cha mẹ học sinh xây dựng qũy hội PH, quỹ KH trường, BGH cũng như toàn thể GV trường phải huy động sự đóng góp hảo tâm của các phụ huynh học sinh các mạnh thường quân, các doanh nghiệp đóng tại địa phương tốt hơn phục vụ cho khen thưởng (Hợp tác xã mây xiên;…).
Bên cạnh đó cần quản lý chặt chẽ các nguồn lực được huy động nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, công khai rõ ràng, hàng năm tổng kết đánh giá các mặt mạnh mặt yếu, đề ra giải pháp khắc phục, thông báo trong cuộc họp phụ huynh toàn trường.
Làm tốt công tác dân vận, đặc biệt đối với phụ huynh học sinh vùng công giáo, tranh thủ sự ủng hộ của các cha xứ trên địa bàn xã hoặc huyện nhà để làm tốt công tác khen thưởng hằng năm.
IV. Kiến nghị:
– Về khen thưởng: quỹ khuyến học trường cần có quy chế khen thưởng hội KH trường ở các giải đối với GV-HS cụ thể hơn.
-Làm tốt công tác xã hội hóa, tham mưu với địa phương, hội đồng mục vụ để tuyên truyền vận động nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh về công tác BDHSG.
V. Kết luận vấn đề
Tóm lại, bồi dưỡng HSG trong các nhà trường là vấn đề cấp thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là tiền đề, là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục. Qua thực tế tổ chức công tác bồi dưỡng HSG trên địa bàn xã Quảng Phương, việc chú trọng mối quan hệ nhà trường, gia đình, học sinh đã thúc đẩy nâng cao hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới./.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục giáo dục đào tạo trong mục biểu mẫu nhé.