Thu nhập doanh nghiệp
Chúng tôi xin giới thiệu bài Thu nhập doanh nghiệp được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết đầy đủ của môn Tài chính tiền tệ để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Thu nhập doanh nghiệp
Thu nhập doanh nghiệp là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được từ các hoạt động đầu tư kinh doanh mang lại. Thu nhập doanh của doanh nghiệp chính là cơ sở kinh tế tạo lập nguồn tài chính của doanh nghiệp. Tại một thời điểm kinh doanh, thu nhập của doanh nghiệp luôn tồn tại 2 dạng là khối lượng tiền tệ và số nợ phải thu.
Thu nhập của doanh nghiệp về cơ bản bao gồm các bộ phận sau: Doanh thu về bán sản phẩm hàng hóa và cung cấp dịch vụ; Thu nhập từ hoạt động đầu tư; Thu nhập khác (thanh lý, bán TSCĐ, tiền phạt vi phạm hợp đồng, nợ khó đòi đã xử lý nay đòi được, nợ vô chủ nay đòi được).
Theo điều 78 của thông tư 200/2014/TT-BTC thì doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.
Doanh thu về bán sản phẩm hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho khách hàng là một bộ phận chủ yếu trong thu nhập của doanh nghiệp và là nguồn tài chính quan trọng để doanh nghiệp trang trải chi phí, nộp thuế, chia lãi cổ phần và trích lập các quỹ.
Theo điều 79 của thông tư 200/2014/TT-BTC thì doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu bán hàng hoá, sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho công ty mẹ, công ty con trong cùng tập đoàn. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh từ các giao dịch và các nghiệp vụ sau:
- Bán hàng: Bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, bán hàng hóa mua vào và bán bất động sản đầu tư;
- Cung cấp dịch vụ: Thực hiện công việc đã thỏa thuận theo hợp đồng trong một kỳ, hoặc nhiều kỳ kế toán, như cung cấp dịch vụ vận tải, du lịch, cho thuê TSCĐ theo phương thức cho thuê hoạt động, doanh thu hợp đồng xây dựng....
- Doanh thu khác.
Thu nhập từ hoạt động đầu tư là những khoản thu do hoạt động đầu tư tài chính hoặc kinh doanh vốn mang lại, như đầu tư chứng khoán, góp vốn liên doanh, cổ phần, cho thuê tài chính,…
Theo điều 80 của thông tư 200/2014/TT-BTC thì doanh thu hoạt động tài chính là doanh thu tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức, lợi nhuận được chia và doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp, gồm:
- Tiền lãi: Lãi cho vay, lãi tiền gửi Ngân hàng, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, chiết khấu thanh toán được hưởng do mua hàng hóa, dịch vụ;...
- Cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn sau ngày đầu tư;
- Thu nhập về hoạt động đầu tư mua, bán chứng khoán ngắn hạn, dài hạn; Lãi chuyển nhượng vốn khi thanh lý các khoản vốn góp liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư vào công ty con, đầu tư vốn khác;
- Thu nhập về các hoạt động đầu tư khác;
- Lãi tỷ giá hối đoái, gồm cả lãi do bán ngoại tệ;
- Các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác.
Thu nhập khác: là những khoản thu mà đơn vị không dự tính trước hoặc có dự tính nhưng ít có khả năng thực hiện hoặc những khoản thu không mang tính chất thường xuyên bao gồm: Thu về nhượng bán, thanh lý TSCĐ; Thu tiền từ phạt vi phạm hợp đồng; Thu từ các khoản nợ khó đòi đã xử lý; Thu các khoản nợ không xác định được chủ,…
Theo điều 93 của thông tư 133/2016/TT-BTC, các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, gồm:
- Thu nhập từ nhượng bán, thanh lý TSCĐ;
- Chênh lệch giữa giá trị hợp lý tài sản được chia từ BCC cao hơn chi phí đầu tư xây dựng tài sản đồng kiểm soát;
- Chênh lệch lãi do đánh giá lại vật tư, hàng hóa, tài sản cố định đưa đi góp vốn liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết và đầu tư khác;
- Các khoản thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn (thuế xuất khẩu được hoàn, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường phải nộp nhưng sau đó được giảm);
- Thu tiền phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng;
- Thu tiền bồi thường của bên thứ ba để bù đắp cho tài sản bị tổn thất (ví dụ thu tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh và các khoản có tính chất tương tự);
- Thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý xóa sổ;
- Thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ;
Các khoản tiền thưởng của khách hàng liên quan đến tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không tính trong doanh thu (nếu có);
- Thu nhập quà biếu, quà tặng bằng tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân tặng cho doanh nghiệp;
- Giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại nhà sản xuất;
- Các khoản thu nhập khác ngoài các khoản nêu trên.
Theo điều 81 của thông tư 200/2014/TT-BTC, các khoản giảm trừ doanh thu là các khoản được điều chỉnh giảm trừ vào doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ, gồm: Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và hàng bán bị trả lại. Tài khoản này không phản ánh các khoản thuế được giảm trừ vào doanh thu như thuế GTGT đầu ra phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Thu nhập doanh nghiệp về toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được từ các hoạt động đầu tư kinh doanh mang lại...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Thu nhập doanh nghiệp. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc nhiều ngành nghề khác của Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.