Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tổng hợp câu hỏi thi tình huống hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" cấp tiểu học

Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" không chỉ thể hiện được sự duyên dáng và tài ứng biến nhanh nhạy của các cô giáo tiểu học, mà còn là dịp để tôn vinh sự sáng tạo; khơi dậy và phát huy phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương quý mến học trò của đội ngũ các nhà giáo. Dưới đây là Tổng hợp câu hỏi thi tình huống hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" cấp tiểu học dành cho các thầy cô tham khảo.

Câu hỏi thi tình huống hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng cấp Tiểu học

Câu hỏi 1:

Bạn được giao chủ nhiệm lớp 5 bao gồm những học sinh có học lực khá - giỏi nhưng trong đó có 2 học sinh nữ thường xuyên nói chuyện riêng khi bạn giảng bài. Bạn có biện pháp gì giúp 2 học sinh đó bỏ thói quen xấu trong học tập

Gợi ý trả lời:

Như chúng ta đã biết đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Tiểu học rất hiếu động. Nhiệm vụ của người thầy là định hướng, giáo dục hình thành các thói quen, hành vi, tính cách theo chuẩn mực đạo đức nên người thầy phải kiên nhẫn, tận tâm, yêu nghề và có trách nhiệm

- Gặp trường hợp trên là giáo viên cần tìm hiểu rõ:

+ Đặc điểm tâm lý của 2 học sinh này

+ Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình

+ Các biện pháp mà đồng nghiệp áp dụng

+ Tách 2 học sinh đó ngồi xa nhau trong lớp

+ Thường xuyên gọi các em phát biểu ý kiến để các em phải liên tục suy nghĩ. Lấy khen ngợi, kể chuyện vui, lời khuyên gần gũi để thu hút các em

+ Dùng tập thể, người thân như nhóm, tổ, tập thể lớp để cùng quản lý

Câu hỏi 2:

Một lần do đồng nghiệp của bạn bị ốm phải nghỉ dạy, bạn được phân công dạy thay. Sau khi kết thúc bài giảng, bạn hỏi các em: Cô dạy thế các em có hiểu bài không? Các em trả lời: Cô dạy hay lắm ạ. Cô V dạy chúng em không hiểu bằng cô, hay là cô dạy luôn lớp em đi ạ! Vào tình huống này bạn chọn cách xử lý nào?

Gợi ý trả lời:

- Câu trả lời rất hồn nhiên của học sinh: “Cô dạy hay lắm ạ” có thể chỉ là một lời “xã giao” nhưng cũng có thể là một lời nói thật. Với câu nói “vô hại” này ta có thể mỉm cười và cám ơn các em đã nhận xét tốt về cách dạy của mình.

- Nhưng khi học sinh có sự so sánh với cô giáo của mình: “Cô V dạy chúng em không hiểu bằng cô, hay là cô dạy luôn lớp em đi ạ!” thì vấn đề lại không còn đơn giản nữa. Dù đó là một lời khen thật lòng và nhận xét đúng đi nữa thì ta không mỉm cười và không nói gì. Vì như vậy rất dễ khiến các em hiểu rằng mình đồng tình với nhận xét đó của HS -> mối quan hệ tốt đẹp giữa mình và đồng nghiệp rất có thể sẽ bị ảnh hưởng.

- Không phê bình HS:

+ Trước hết, tôi mỉm cười cám ơn các em đã chú ý lắng nghe bài giảng và dành tình cảm cho cô.

+ Sau đó nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu mỗi thầy cô giáo đều có một phương pháp dạy riêng nhưng đều có chung một mục đích là giúp các em hiểu bài, nắm vững được kiến thức. Chính vì vậy các em không nên so sánh để rồi khen cô mà chê cô V.

- Sẽ nói để HS hiểu các em rất may mắn là đã được học cô V. Cô V có kinh nghiệm và đã đào tạo được nhiều học sinh có thành tích cao trong học tập, rèn luyện được học sinh nhiều thế hệ yêu quý, ngợi ca. Có thể là các em chưa quen với phương pháp dạy học của cô nên các em cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng.

- Các em nên trao đổi với cô V để cô trò có thể hiểu nhau. Với một giáo viên luôn có tinh thần trách nhiệm cao như cô V, cô sẽ sẵn sàng điều chỉnh phương pháp dạy để các em dễ hiểu hơn.

Câu hỏi 3:

Bạn là một giáo viên tiểu học, một số phụ huynh học sinh đề nghị bạn dạy trẻ chuẩn bị vào học lớp 1 học trước chương trình. Bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Trước hết cảm ơn phụ huynh đã tin tưởng và nhờ kèm con họ.

- Phân tích để họ hiểu được:

+ Trẻ đang theo học chương trình Mầm non phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ và tâm lý.

+ Không nên cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 học trước chương trình vì như vậy gây áp lực cho trẻ về việc học tập.

+ Cho trẻ học trước chương rình lớp 1 sẽ tạo cho trẻ khi bước vào học lớp 1 sẽ có tâm lý chủ quan vì đã biết đọc, biết viết trước các bạn.

+ Vào học lớp 1 trẻ sẽ không chú ý khi giáo viên hướng dẫn cách học. Đến lớp không chỉ trẻ được học đọc, viết mà trẻ còn được học rất nhiều kiến thức, kĩ năng sống, được rèn luyện các năng lực và phẩm chất khác cho nên trẻ cần phải tập trung trong khi học tập.

+ Giải thích để phụ huynh yên tâm khi đến trường tiểu học thì các con sẽ được sự quan tâm dạy dỗ của giáo viên, đồng thời các con sẽ thi đua với các bạn vì vậy các con sẽ tiếp thu được kiến thức một cách nhẹ nhàng phù hợp.

+ Nếu phụ huynh cứ nhờ giáo viên dạy trước chương trình có thể dẫn đến tình trạng đua nhau phụ huynh khác cũng lo lắng, sốt ruột mà tìm mọi cách để gửi con học trước, từ đó dẫn đến hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng quy định.

- Khuyên phụ huynh có thời gian thì nên trò chuyện cùng con, giúp đỡ con những điều con chưa hiểu, định hướng cho con tâm lý thật tốt để chuẩn bị bước vào học ở một môi trường mới một cách tự tin, thoải mái.

Câu hỏi 4:

Là một giáo viên dạy giỏi. Những giờ dạy của bạn, học sinh thường rất sôi nổi, hăng hái phát biểu. Vì vậy bạn rất tự tin khi lên lớp. Hôm đó, lớp bạn có đoàn thanh tra của Sở về dự. Không hiểu sao, khi giảng bài, bạn đặt câu hỏi, không có em nào xung phong phát biểu, bạn gọi thì các em nói rất nhỏ. Nếu ở tình huống như vậy, bạn sẽ làm gì?

Gợi ý trả lời:

Giáo viên cần bình tĩnh động viên các em. Chia câu hỏi thành những ý nhỏ, gợi ý cho các em. Khơi gợi không khí sôi nổi của giờ học: bằng những tràng pháo tay khen ngợi hs có câu trả lời đúng, khen hs trả lời to rõ ràng. Thưởng cho các em những phần thưởng nho nhỏ: hoa điểm tốt, chiếc bút chì, cái thước kẻ. Khen hs trả lời tốt, các em là niềm tự hào của lớp….

Câu hỏi 5:

Gần đây ở lớp bạn chủ nhiệm rộ lên phong trào bạn này chế bạn kia yêu đương. Giờ ra chơi hôm đó, Tuấn Anh chạy lại thưa với bạn rằng: Thưa cô bạn Nam cứ bảo là con và bạn Hà yêu nhau ạ. Là cô giáo chủ nhiệm của lớp bạn sẽ giải quyết như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Gọi HS tên Nam đến nhắc nhở: không nên đùa nếu bạn không hài lòng. Vào dịp Sinh hoạt lớp sau đó, đưa vấn đề này ra để trao đổi. Giải thích cho HS hiểu: bạn bè cần yêu thương nhau là việc nên làm. Yêu quý các bạn thì chúng ta sẽ có thêm nhiều bạn mới. Nhắc hs không nên đùa quá làm các bạn khác không hài lòng

Câu hỏi 6:

Trong lớp của bạn có một HS mang biểu hiện tự kỷ rõ rệt, bạn phải làm hồ sơ theo dõi sự tiến bộ của em. Tuy nhiên, khi trao đổi với phụ huynh, phụ huynh kiên quyết không thừa nhận tình trạng của con mình. Bạn sẽ làm gi?

Gợi ý trả lời

- Trao đổi với phụ huynh về những biểu hiện không bình thường của HS ở lớp và tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh gia đình HS.

- Động viên gia đình cho con tới trung tâm tư vấn sức khoẻ, bác sĩ tâm lý để kiểm tra xác định rõ tình trạng sức khoẻ của HS.

- Báo cáo với BGH về tình hình, đặc điểm của HS để nhà trường hỗ trợ và thống nhất phương pháp GD.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để HS được giáo dục hoà nhập tại trường.

Câu hỏi 7:

Có một HS bị đau mắt nhưng phụ huynh vẫn đưa con đến lớp. Bạn đã khuyên phụ huynh nên cho con nghỉ ở nhà nhưng phụ huynh trình bày không có ai trông cháu. Với tình huống trên bạn xử lý ra sao?

Gợi ý trả lời:

- Nếu phụ huynh thực sự khó khăn, không thể không nghỉ ở nhà trông con thì nhà trường sẽ tiếp nhận HS, nhưng phải đề nghị phụ huynh bàn giao đơn thuốc (nếu có);

- Thoả thuận để phụ huynh tự chịu trách nhiệm về việc phụ huynh tự nguyện gửi con.

- Trao đổi với BGH để BGH phân công cán bộ y tế hỗ trợ, giúp đỡ và có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xảy ra trong nhà trường.

Câu hỏi 8:

Phụ huynh đến đón con nhìn thấy con đang kê bàn ghế, phơi khăn mặt, lau và tưới cây cảnh. Phụ huynh tỏ ý không hài lòng. Cô nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

Gợi ý trả lời

- Tuyên truyền tới phụ huynh nội dung giáo dục học sinh tại lớp trong đó có nội dung lao động tự phục vụ.

- Giải thích để phụ huynh hiểu về mục đích, vai trò của việc hình thành những kỹ năng lao động tự phục vụ đối với cuộc sống thường ngày của trẻ em.

Câu hỏi 9:

Giờ ra chơi, một học sinh đùa nghịch ngoài sân, không may bị ngã va vào chiếc ghế đá và kêu khóc, lúc đó cô giáo mới biết. Nếu bạn là cô giáo đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời

- Đưa HS tới phòng y tế của trường để nhân viên y tế kiểm tra.

- Tuỳ mức độ thương tích của HS để có hướng xử lý phù hợp.

- Có biện pháp giáo dục trẻ vui chơi đảm bảo an toàn, tránh những hoạt động nguy hiểm.

- Lưu ý lựa chọn, bố trí, sắp xếp đồ dùng, sử dụng sân chơi, bãi tập đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất.

Câu hỏi 10:

Theo bạn, giáo viên Tiểu học có được sử dụng điện thoại di động trong giờ dạy trên lớp không? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

- Sử dụng điện thoại trong giờ dạy trên lớp là không đúng vì trong Điều lệ trường học đã quy định rõ hành vi giáo viên không được làm (không làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em).

- Nếu trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng điện thoại thì phải có những biện pháp phù hợp.

Câu hỏi 11:

Khi trả bài kiểm ta định kì ở lớp 5, có một học sinh bị điểm kém đã xé bài của mình. Khi cô giáo hỏi tại sao em xé bài thì em trả lời rất thản nhiên rằng: “Bài của em thì em xé”? Bạn sẽ giải quyết tình huống này thế nào?

Gợi ý trả lời:

Bạn dành vài phút xuống chỗ em học sinh đó để phân tích về hành động vừa rồi của em, khéo léo nhắc nhở em để em hiểu là bài kiểm tra của em cô đã chữa, đã đánh giá và chỉ ra cái sai cho con để lần sau con cố gắng để không mắc phải lỗi đó nữa vì làm như vậy sẽ làm mất đi công sức của em và của cô.

Câu hỏi 12:

Phụ huynh trao đổi với giáo viên về việc con mình không tự giác làm vệ sinh cá nhân tại nhà như tắm, gội, đánh răng, rửa mặt…Cô sẽ hướng dẫn phụ huynh của mình như thế nào để học sinh tự giác thực hiện những việc cá nhân đó?

Gợi ý trả lời:

GV hướng dẫn cha mẹ học sinh:

- Trang bị các vật dụng cần thiết cho HS. Tạo hứng thú cho con trẻ vệ sinh cá nhân.

- Hướng dẫn trẻ nhẹ nhàng, kịp thời khen ngợi.

- Cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên việc thực hiện vệ sinh của con trẻ.

- Cha mẹ nên là những tấm gương về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.

GV cũng sẽ phối hợp để thường xuyên kiểm tra, động viên, khích lệ để các em thực hiện tốt các công việc vệ sinh cá nhân hàng ngày.

--------------

Mời các thầy cô cùng tham khảo thêm các tài liệu dành cho giáo viên, giáo án điện tử cấp tiểu học khác đã được VnDoc.com đăng tải và cập nhật.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi giáo viên dạy giỏi

    Xem thêm