Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tổng hợp mở bài, kết bài các tác phẩm học kì 2 lớp 12 môn Ngữ Văn

Tổng hợp mở bài, kết bài các tác phẩm học kì 2 lớp 12 môn Ngữ Văn do VnDoc biên soạn bám sát chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập trong quá trình ôn tập tác phẩm văn học và luyện tập các đề văn lớp 12 có đáp án.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

1. Vợ chồng A Phủ

a. Mở bài Vợ chồng A Phủ

Mở bài phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

“Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được.

Mở bài phân tích nhân vật Mị

Người con gái trong xã hội cũ cường quyền phải chịu nhiều những áp bức bất công. Họ không được lựa chọn số phận, cuộc đời cho chính mình. Nếu Vũ Nương tròn Chuyện người con gái Nam Xương phải chọn cái chết để giải thoát bản thân thì cô Mị trong Vợ chồng A Phủ tuy phải sống trong đau khổ, tủi nhục nhưng cuối cùng cô đã tìm được lối thoát cho chính mình.

Mở bài phân tích nhân vật A Phủ

“Cây ngay không sợ chết đứng” là thành ngữ diễn tả chính xác nhất tính cách của A Phủ. A Phủ là hình ảnh đại diện cho chính nghĩa của xã hội bấy giờ. Không nhún nhường trước áp bức, cường quyền. Bằng tài hoa của mình, nhà văn Tô Hoài đã khắc họa thành công nhân vật này khiến chúng ta yêu quý và khâm phục.

Mở bài phân tích sức sống tiềm tàng của Mị

Tô Hoài một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Trước cách mạng, các sáng tác của ông nghiêng về mảng truyện loài vật và cuộc sống của những người dân nghèo. Sau cách mạng, các sáng tác của ông vẫn tiếp tục đi khai thác cuộc sống của người dân, song ông đi sâu vào quá trình đổi đời của họ, đi từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” chính là nhân vật tiêu biểu cho quá trình vận động ấy. Quá trình vận động từ khổ đau đến hạnh phúc đó đã cho thấy sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân vật này.

Mở bài phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm nổi bậc nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm kể về số phận đáng thương và cuộc sống vô cùng khắc nghiệt của Mị và A Phủ ở nhà thống lí Pá Tra chốn Hồng Ngài. Dù bị đày đọa đến kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác nhưng nỗi khổ đau ở nhà thống lí không thể nào giết chết được sức sống tiềm tàng ẩn sâu trong nhân vật Mị. Trong đêm tình mùa xuân năm ấy, sức sống ấy có dịp trỗi dậy mạnh mẽ.

b. Kết bài Vợ chồng A Phủ

Kết bài Vợ chồng A Phủ

Gấp lại những trang sách của Tô Hoài mà dư âm về nhân vật Mị, về cô gái Mèo với sức sống mãnh liệt, về số phận đáng thương của người dân nghèo dưới chế độ chủ nô phong kiến miền núi vẫn in đậm trong tâm khảm của bạn đọc. Sức sống của Mị hay sức hút của ngòi bút Tô Hoài quả thực có sức lay động lòng người để lại những day dứt, ám ảnh không nguôi.

Kết bài phân tích nhân vật Mị

Câu chuyện đã cho ta thấy rõ và hiểu hơn về cô gái chịu nhiều đau khổ, tổn thương nhưng vẫn luôn chứa đựng những sức sống dồi dào. Mị không chỉ là đại diện cho những người con gái thời bấy giờ mà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất đáng quý xứng đáng để chúng ta học tập và noi theo dù ở bấy cứ thời đại nào.

Kết bài phân tích nhân vật A Phủ

Nhà văn Tô Hoài đã vô cùng thành công trong việc khắc họa hình ảnh nhân vật A Phủ không chỉ có ngoại hình rắn rỏi mà còn có tính cách và chí khí hơn người; từ đó làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn và gây được ấn tượng độc đáo, là điểm nhấn quan trọng cho sự thành công của tác phẩm.

Kết bài phân tích sức sống tiềm tàng của Mị

Vợ chồng A Phủ đã để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của lòng nhân đạo, tình yêu thương đồng cảm sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Qua nhân vật Mị nhà văn đã làm hiện lên vẻ đẹp của một sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người phụ nữ miền núi nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Sức sống tiềm tàng ấy giúp nhà văn khẳng định được sức mạnh của tâm hồn con người Việt Nam và chân lí muôn đời: ở đâu có áp bức bất công thì ở đó có sự đấu tranh để chống lại nó dù đó là sự vùng lên một cách tự phát như Mị. Đây chính là cuộc đấu tranh đi lên từ tự phát đến tự giác theo ánh sáng của cách mạng. Đó là giá trị nhân văn ngời sáng của tác phẩm.

2. Vợ nhặt

a. Mở bài Vợ nhặt

Mở bài phân tích Vợ Nhặt

Cái đói là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Có lẽ vì vậy mà các nhà văn thường viết về nó ở những khía cạnh tối tăm và bất lực. Nhưng với tác phẩm Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân đã thật sự tìm được một tiếng nói riêng khi ông đã mang đến cho những nạn nhân của năm đói một khát khao cháy bỏng về tương lai tươi sáng và nhất là làm nổi bật vẻ đẹp của truyền thống nhân văn: Lòng yêu thương và quý trọng hai chữ Con Người.

Mở bài phân tích nhân vật Tràng

Kim Lân là nhà văn lão làng trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Ngòi bút của ông hướng đến những mảnh đời bất hạnh, làng quê Việt Nam, những người nông dân chân chất mộc mạc, nghèo đói nhưng tràn đầy tình yêu. Truyện ngắn “Vợ nhặt” là một trong những kiệt tác tái hiện lại chân thực nhất hình ảnh người nông dân sống trong nạn đói năm 1945. Đặc biệt tác giả đã khắc họa thành công diễn biến tâm lý của nhân vật chính: anh cu Tràng.

Mở bài phân tích nhân vật bà cụ Tứ

Kim Lân là nhà văn chuyên viết về truyện ngắn. Đề tài của ông thường gắn liền với hơi thở ruộng đồng Bắc Bộ nơi những con người quê hương chân chất thật thà, coi trọng nghĩa tình, rất nhân hậu và giàu yêu thương. “Vợ nhặt” là tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được trích trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy, nhất là bậc thầy của miêu tả tâm lý. Kim Lân đã mang đến cho người đọc sự xúc động mãnh liệt thông qua diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ.

Mở bài phân tích nhân vật người vợ nhặt

Kim Lân là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết chân chất, mộc mạc và những hình ảnh nhân vật điển hình cho làng quê. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Tác phẩm “Vợ nhặt” là một “kiệt tác” của văn học hiện thực Việt Nam, tái hiện thành công xã hội nghèo khổ, cùng cực, bế tắc của người nông dân. Bằng bút pháp tả thực Kim Lân đã xây dựng thành công tuyến nhân vật đại diện cho cuộc sống bần cùng giai đoạn đó. Nổi bật đó là nhân vật người vợ nhặt.

b. Kết bài Vợ nhặt

Kết bài phân tích Vợ nhặt

Truyện mở ra bằng cảnh chiều chạng vạng và kết thúc trong buổi sáng mùa hè với ánh nắng chói lóa, rực rỡ, các nhân vật bắt đầu bằng không gian ảm đảm chết chóc của xóm ngụ cư dưới gầm trời đói khát và khép lại bằng khung cảnh đầm ấm của một gia đình quây quần bên mâm cơm ngày đói. Cách kết thúc đã cho người đọc tin tưởng và tương lai cuộc đời các nhân vật “hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau lưng bạn”. Dù khó khăn đến đâu thì hạnh phúc lứa đôi vẫn đủ khả năng thay đổi con người và hoàn cảnh.

Kết bài phân tích nhân vật Tràng

Gấp lại những trang sách của Kim Lân mà dư âm về nhân vật Tràng, về chàng trai xóm ngụ cư với sức sống mãnh liệt, về số phận đáng thương của người dân nghèo vẫn in đậm trong tâm khảm của bạn đọc. Sức sống của Tràng hay sức hút của ngòi bút Kim Lân quả thực có sức lay động lòng người để lại những day dứt, ám ảnh không nguôi.

Kết bài phân tích nhân vật bà cụ Tứ

Cuộc đời mẹ con Tràng nhất định sẽ "đâm cành nở hoa". Có biết trận đói năm Ất Dậu 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói mới thấy hết lòng mẹ được miêu tả, mới cảm nhận được giá trị nhân đạo của truyện ngắn "Vợ nhặt" này. Giọt nước mắt, tiếng thở dài, nụ cười của bà cụ Tứ khi nhận nàng dâu mới làm ta cảm động khi khép trang văn "Vợ nhặt"của Kim Lân với nhiều bâng khuâng.

Kết bài phân tích nhân vật người vợ nhặt

Qua truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã khắc họa nhân vật người phụ nữ vợ nhặt rất thành công. Nhân vật vợ nhặt giữ vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm đồng thời có vai trò quyết định trong việc hình thành nên tình huống truyện trong mái ấm gia đình, người đàn bà ấy đã sống với bản chất tốt đẹp vốn có của mình, của một người phụ nữ Việt Nam.

3. Rừng xà nu

a. Mở bài Rừng xà nu

Mở bài phân tích Rừng xà nu

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiêng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn qua “Rừng Xà Nu”, “Đất nước đứng lên”… Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào mùa hè 1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi ác liệt. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình tượng cây xà nu - tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hùng, bất khuất.

Mở bài phân tích nhân vật Tnú

Đề tài người anh hùng từ xưa đến nay đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn nhà thơ khác nhau. Một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài anh hùng không thể không nhắc đến là tác giả Nguyễn Trung Thành với truyện ngắn Rừng xà nu. Câu chuyện đã cho chúng ta cái nhìn xác thực hơn về cuộc sống, kháng chiến của con người dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà điển hình là nhân vật Tnú.

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu

Qua cuộc đời nhiều mất mát, đau thương cùng tinh thần mạnh mẽ, kiên cường vươn lên từ trong đau thương để chiến đấu, chống lại thế lực ngoại xâm bạo tàn của Tnú, nhà văn Nguyễn Trung Thành trong truyện ngắn Rừng xà nu đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực, sâu sắc nhất về quá trình trưởng thành trong nhận thức và đấu tranh của cả cộng đồng làng Xô Man hay cũng chính là con người Tây Nguyên và cả miền Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhiều gian khổ. Tinh thần, âm vang hào hùng của thời đại, của dân tộc được khắc họa ấn tượng qua những con người làng Xô Man qua các thế hệ, đó là cụ Mết, là Tnú, Mai, Dít, bé Heng.

Kết bài phân tích nhân vật Tnú

Tác phẩm không chỉ giúp bạn đọc mở mang tầm hiểu biết, thêm đồng cảm, yêu thương nhân vật Tnú mà còn thể hiện tài năng uyên bác của tác giả Nguyễn Trung Thành trong việc dùng ngòi bút của mình để khắc họa nhân vật. Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

4. Những đứa con trong gia đình

a. Mở bài Những đứa con trong gia đình

Mở bài phân tích Những đứa con trong gia đình

Nguyễn Thi là một trong các nhà văn tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ. Ông viết nhiều, viết chân thực về mảnh đất và con người Nam Bộ để rồi nó trở thành không gian vô cùng đặc sắc trong văn thơ Nguyễn Thi. Trong đó, “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm mà ông đặt nhiều tâm huyết để nói về con người Nam Bộ với những vẻ đẹp phẩm chất, tính cách anh hùng.

Mở bài phân tích nhân vật Chiến

Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa, song những vết thương chiến tranh vẫn còn đọng lại cùng năm tháng. Những ngày tháng chiến tranh ấy ta cũng có thể tìm thấy trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”. Đặc biệt nhân vật chị Chiến được tác giả xây dựng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

Mở bài phân tích nhân vật Việt

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nguyễn Thi là một trong những cây bút tiêu biểu cho văn học Việt Nam. Tuy quê ở Nam Định nhưng ông lại được mệnh danh là nhà văn của người nông dân Nam Bộ. Trong những sáng tác của ông, tiêu biểu hơn cả là tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt –“Những đứa con trong gia đình”. Qua tác phẩm, nhà văn cho ta thấy được vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật Việt đi lên từ tuổi thơ đau thương, mất mát mà đến với cuộc chiến.

b. Kết bài Những đứa con trong gia đình

Kết bài phân tích Những đứa con trong gia đình

Từ dòng chảy truyền thống của gia đình Chiến, Việt, nhà văn Nguyễn Thi đã gợi nhắc đến cội nguồn của mọi dòng chảy, đó là dòng chảy truyền thống của một đất nước. Hình ảnh của Chiến, Việt - những người con yêu nước, căm thù giặc, có trách nhiệm sâu sắc trong việc trả nợ nhà, đền nợ nước người đọc còn thấy được trong "Những đứa con trong gia đình" hình ảnh của cả một thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ xưa. Chính truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức đấu tranh của con người Việt Nam đã kết thành sức mạnh to lớn giúp ta đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, thống nhất đất nước.

Kết bài phân tích nhân vật Chiến

Hiện lên thật bình dị, Chiến đã để lạ nhiều xúc cảm trong lòng bạn đọc. Hình ảnh với tính cách đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam bộ nói riêng" đảm việc nước, giỏi việc nhà". Chính những con người bình thường ấy đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Kết bài phân tích nhân vật Việt

Tóm lại, “Những đứa con trong gia đình” đã thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Chiến - thanh niên một thời hào hùng của dân tộc. Thông qua nhân vật này nhà văn đã cho thấy chính sự gan góc, kiên cường đã tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

5. Chiếc thuyền ngoài xa

a. Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) quê tỉnh Nghệ An. Bắt đầu viết văn từ năm 1960 Nguyễn Minh Châu đã có những đóng góp đáng kể cho văn học kháng chiến chống Mĩ. Sau 1975, đặc biệt từ 1980 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải là hai cây bút tiên phong trong phong trào đổi mới văn học. Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm xuất sắc của ông trong giai đoạn này.

Mở bài phân tích nhân vật người đàn bà làng chài

Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc là người đàn bà làng chài - người phụ nữ vô danh với tấm lòng bao dung, vị tha, đức hi sinh.

Mở bài phân tích nhân vật Phùng

Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, dù có là tiểu thuyết hay truyện ngắn, cốt truyện thường không đóng một vai trò nào đáng kể. Nhà văn tập trung chú ý vào thân phận con người, tính cách nhân vật và đã huy động vào đấy tâm hồn đa cảm dồi dào ấn tượng tươi mới và xúc động về cuộc sống, bút pháp chân thực và một giọng văn trữ tình trầm lắng ấp áp".

b. Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

Với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, mới lạ, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về cuộc đời, và cách trao ngòi bút cho nhân vật kể chuyện (nhân vật Phùng), "Chiếc thuyền ngoài xa" đã để lại ấn tượng sâu đậm. Thành công của Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho người đọc một tác phẩm đầy tính triết lý và chiêm nghiệm về cuộc đời, con người và cả nghệ thuật. Những triết lý luôn đúng với mọi thời đại.

Kết bài phân tích nhân vật người đàn bà làng chài

Gấp trang truyện lại người đọc còn mãi ám ảnh bởi những câu hỏi: Cuộc đời người đàn bà ấy rồi sẽ kết thúc ra sau? Những đứa con tội nghiệp của bà có được cuộc sống hạnh phúc? Đó là những vấn đề nhà văn vẫn chưa đưa ra lời giải đáp. Câu trả nằm trong cuộc sống, hành động của mỗi người chúng ta. Điều đó nói lên giá trị của tác phẩm và tầm vóc to lớn của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Kết bài phân tích nhân vật Phùng

Cuộc sống vốn vậy, vẫn đẹp tươi, vẫn êm ả, nhưng nếu không có tấm lòng để nhận ra những uẩn khúc số phận thì những vẻ đẹp như màu hồng hồng của ánh sương mai kia cũng trở nên vô nghĩa, người nghệ sĩ phải nhận ra sự thật ẩn khuất sau màn sương huyền ảo kia, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống và con người.

Kết bài phân tích hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng

Qua đây, Nguyễn Minh Châu muốn gửi đến người đọc những suy ngẫm hết sức sâu sắc: mỗi chúng ta và nhất là người nghệ sĩ không nên đơn giản sơ lược để mà nhìn nhận cuộc sống bởi cuộc sống rất đa dạng và phức tạp. Nó không chỉ có những vẻ đẹp như mơ và còn có cả những điều xấu xa, độc ác. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp thì hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ thường tình, biết hành động để xứng đáng là một con người.

6. Hồn Trương Ba, da hàng thịt

a. Mở bài Hồn Trương Ba da hàng thịt

Mở bài phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt

Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi dấu của bao tác giả, tác phẩm nổi tiếng. Những tác phẩm đó không chỉ giúp cho cuộc đời tươi đẹp hơn mà còn khắc họa vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của con người để bạn đọc cùng cảm nhận. Tiêu biểu trong đó là tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt của tác giả Lưu Quang Vũ.

Mở bài phân tích nhân vật Trương Ba

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nổi tiếng với những tác phẩm có nội dung giàu tính hiện thực, có tính đả kích sâu sắc và mang đậm giá trị nhân văn. Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của ông phải nhắc đến đó chính là tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt. Trong tác phẩm này những vấn đề mấu chốt và tình huống truyện đều tập trung xoay quanh nhân vật Trương Ba, một con người phải sống nhờ ở đậu trong thân xác của người khác.

Mở bài đoạn kết Hồn Trương Ba, da hàng thịt

“Tác phẩm chân chính không chấm dứt ở trang cuối cùng” - ngược lại, một tác phẩm chân chính sẽ còn lưu động mãi những ý nghĩa sâu xa trong lòng độc giả. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đã để lại cho người xem những suy nghĩ và niềm tin rất tích cực về cuộc sống qua đoạn kết rất có hậu.

b. Kết bài Hồn Trương Ba da hàng thịt

Kết bài phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt

Tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt không chỉ giúp bạn đọc mở mang tầm hiểu biết, thêm đồng cảm, yêu thương nhân vật ông Trương Ba mà còn thể hiện tài năng uyên bác của tác giả Lưu Quang Vũ trong việc dùng ngòi bút của mình để khắc họa nhân vật. Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Kết bài phân tích nhân vật Trương Ba

Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.

Kết bài phân tích bi kịch của Trương Ba

Qua bi kịch của Trương Ba nhà văn Lưu Quang Vũ muốn gửi đến người đọc những thông điệp: Con người cần phải sống hài hòa giữa hai mặt vật chất và tinh thần. Không nên kì thị những đòi hỏi vật chất của con người, cần tôn trọng quyền tự do cá nhân, giúp mỗi người phải được là mình, sống đúng với chính mình. Và phải sửa chữa những sai lầm để xây dựng một tương lai tốt đẹp.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12

    Xem thêm