Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Trần thuật sáng tạo truyền thuyết Thánh Gióng

Những bài văn mẫu hay lớp 6

Văn mẫu lớp 6: Trần thuật sáng tạo truyền thuyết Thánh Gióng gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Đề bài: Trần thuật sáng tạo truyền thuyết Thánh Gióng

Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng bên tả ngạn sông Cái (sông Hồng ngày nay) có một người đàn bà nghèo khổ, cô đơn. Sau một đêm mưa to gió lớn, bà ra đồng hái cà. Bà vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy trên luống cà cỏ một lốt chân người rất to, bà bèn đưa chân ướm thử. Kì lạ thay, bà thụ thai, sau đúng một năm trời, bà sinh ra một đứa con trai kháu khỉnh. Nhưng bà rất buồn vì đứa con đã lên ba mà chẳng biết nói, biết cười.

Bấy giờ nước ta bị giặc Ân từ phương Bắc kéo sang xâm lược. Lũ giặc tham lam tàn bạo, ra sức hoành hành. Chúng giết người, cướp của, đốt phá tan hoang. Khói lửa mịt mù sông núi. Thế giặc mạnh lắm. Vua Hùng vô cùng lo sợ, sai sứ giả đi khắp mọi nơi tìm người hiền tài ra đánh giặc để cứu dân, cứu nước.

Sáng tinh mơ, chú bé làng Gióng lắng tai nghe tiếng rao của sứ giả. Lần đầu chú cất tiếng gọi mẹ. Mẹ hiền cảm động, tay run run ôm con vào lòng, nước mắt ứa ra khi nghe con nói: “Mẹ ơi! Xin mẹ cho con được gặp người của nhà vua”. Sứ giả vào nhà, em bé bảo: "Nhà ngươi hãy về tâu với Đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt, rèn cho ta một chiếc roi sắt, một áo giáp sắt, ta sẽ đánh tan lũ giặc này". Từ đó Gióng lớn nhanh như thổi. Cơm ăn bao nhiêu cũng chẳng no. Áo vừa may, mặc đã chật. Dân làng nô nức đem cơm gạo và vải vóc để nuôi chú. Gióng càng lớn càng tuấn tú, đôi mắt sáng như sao, tiếng nói vang như sấm. Gióng là người Trời:

''Ăn bảy nong cơm, ba nong cà.

Uống một hớp nước cạn đà khúc sông".

Giặc đã tràn tới chân núi Trâu Sơn. Cả một vùng quê náo động. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé làng Gióng vô cùng mừng rỡ, vươn vai một cái bỗng trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Gióng mặc áo giáp, tay cầm roi sắt, cúi đầu lạy tạ mẹ hiền và dân làng rồi nhảy lên mình ngựa sắt. Ngựa hí vang trời, phun lửa phóng lên như bay. Gióng phingựa xông thẳng vào lũ giặc, vung roi sắt giết giặc. Xác giặc ngổn ngang trên bãi chiến trường. Gióng xông đến đâu, giặc tan đến đấy. Cuộc chiến đang diễn ra dữ dội và ác liệt thì bỗng roi sắt bị gãy. Gióng bình tĩnh nhổ tre làm vũ khí quật vào lũ giặc. Giặc chết như ngả rạ. Tướng giặc bạt vía kinh hồn, gục ngã:

"Đứa thì sứt mũi, sứt tai,

Đứa thì chết nhóc bởi gai tre ngà".

Giặc Ân thảm bại. Thánh Gióng phi ngựa truy kích giặc Ân đến tận chân núi Sóc Sơn. Giặc tan,ThánhGióng cởi áo giáp sắt mắc lên cành cây, ngoái nhìn lại quê mẹ lần cuối, rồi cùng ngựa sắt bay lên trời biến mất.

Vua Hùng sai lập đền thờ và phong người anh hùng làng Gióng là Phù Đổng Thiên Vương để đời đời ghi nhớ công ơn. Hiện nay, tre đằng ngà, làng Cháy, những ao đầm – dấu chân ngựa sắt… ở huyện Gia Bình thuộc tỉnh Bắc Ninh là những dấu tích thiêng liêng trong chiến trận mà Thánh Gióng còn để lại. Đã hàng ngàn năm nay, hội Gióng là một lễ hội tưng bừng ở nước ta.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn văn 6 siêu ngắn Cánh diều

    Xem thêm