Tuyển chọn 8 bài Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về Cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay là một đề văn hay được học trong chương trình Ngữ văn 8. Để giúp các em học sinh triển khai đề văn này, VnDoc gửi tới các em dàn ý và các đoạn văn mẫu hay cho các em tham khảo, có thêm ý tưởng làm bài.

I. Dàn ý Cách nhìn nhận đánh giá con người

1. Dàn ý cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay.

2. Thân bài

a. Giải thích

Cách nhìn nhận, đánh giá người khác là việc chỉ dựa vào ngoại hình hoặc một lời nói, một hành động của người khác để nhận xét họ.

Ngày nay, khi xã hội phát triển nhanh chóng thì con người dường như có ít thời gian dành cho nhau hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng phán xét, nhìn nhận và đánh giá người khác một cách nóng vội, chưa chính xác.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người phán xét người khác một cách dễ dàng:

Dựa vào một hành động, một lời nói mà chưa rõ nguyên nhân, đầu đuôi câu chuyện đã đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trước con người, sự việc đó.

Có cái nhìn phiếm diện, một chiều, không đủ tinh tế khi phán xét người khác.

- Hậu quả của việc phán xét người khác một cách dễ dàng:

Việc phán xét người khác một cách dễ dàng dễ gây tổn thương cho người bị phán xét, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ cũng như mối quan hệ giữa mình và người đó.

Việc đánh giá người khác một cách dễ dàng không thể hiện phong cách hay tầm hiểu biết mà nó chứng tỏ rằng người đánh giá người khác một cách dễ dàng là người nông cạn, thiếu hiểu biết, thiếu tinh tế.

Việc phán xét người khác thường mang tính tiêu cực, có tác động đến cuộc sống của họ.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về hậu quả của việc phán xét người khác một cách dễ dàng để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống tôn trọng người khác, biết lắng nghe quan điểm của họ và không phán xét ai qua một lời nói hay một hành động. Họ là những người biết nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, có tư duy, chiều sâu… những người này đáng được học tập.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luân: cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

2. Dàn ý Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 2

* Mở bài:

Giới thiệu câu chuyện và vấn đề nghị luận

- Với câu chuyện này, các em có thể tóm lược nội dung câu chuyện và nêu vắn tắt ý nghĩa của câu chuyện đó.

* Thân bài:

Bước 1: Phân tích câu chuyện để rút ra ý nghĩa vấn đề

- Giải thích từ cách nhìn: cách nhìn là sự quan sát, đánh giá, quan niệm của mỗi người về hiện tượng, sự vật, con người, cuộc sống…

- Khái quát ý nghĩa của câu chuyện: câu chuyện đề cập đến hai cách nhìn.

Nhân viên công ti 1: là cách nhìn xuất phát từ sự quan sát vội vã, lướt qua hiện tượng và vội vàng đưa ra kết luận một cách an phận, bằng lòng chấp nhận thực tế. Cách nhìn này tiêu biểu cho sự đánh giá nông cạn, hời hợt.

Cách nhìn của nhân viên công ti 2: là cách nhìn từ sự quan sát kĩ lưỡng, cẩn thận và đưa ra kết luận một cách tích cực, tao ra một cơ hội đầu tư. Cách nhìn này biểu tượng cho sự đánh giá sâu sắc, thấu đáo.

Bài học từ câu chuyện trên: trong cuộc sống có khi cùng một vấn đề nhưng đem đến nhiều cách đánh giá khác nhau. Có những cách đánh giá chỉ dừng lại ở sự quan sát bên ngoài hiện tượng nhưng cũng có những cách đánh giá độc đáo, bất ngờ đem đến niềm tin, thúc đẩy hành động hướng tới mục đích.

Bước 2: Bình luận về ý nghĩa gợi ra từ câu chuyện

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, cùng một sự việc xảy ra, cùng một vấn đề nhưng mỗi người lại có cách đánh giá khác nhau, phụ thuộc vào cách nhìn nhận chủ quan của bản thân.

Trong cuộc sống có những cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề đánh mất cơ hội, sự tự tin, lạc quan của con người. Cách nhìn này kìm hãm sự nỗ lực hành động vươn lên của con người. Nhưng trong cuộc sống cũng có những cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề tạo cơ hội, niềm tin, lạc quan của con người. Đó là cách nhìn tạo động lực giúp con người nỗ lực hành động để tạo ra những thành quả có ý nghĩa cho bản thân và xã hội.

Để có được cách nhìn đúng đắn, tích cực con người cần có sự tinh nhạy, sắc bén, sâu sắc khi quan sát và suy xét thấu đáo vấn đề trước khi đưa ra kết luận. Và quan trọng hơn là phải có niềm tin đối với đối tượng được nhìn nhận, đánh giá.

Phản đề: Phê phán những người có cái nhìn hời hợt, có cách đánh giá chủ quan theo cảm tính. Phê phán cái nhìn bi quan, thiếu tự tin,…

Bước 3: Liên hệ và rút ra bài học:

Cuộc sống vốn muôn màu, muôn sắc nên khi nhìn nhận vấn đề không được vội vàng, hấp tấp chỉ nhìn hời hợt bên ngoài hiện tượng mà phải suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi đưa ra kết luận. Và phải có trách nhiệm trước sự đánh giá của bản thân.

Cần có cách nhìn lạc quan để phát hiện mặt tốt, mặt tích cực của sự vật, hiện tượng, con người…. Từ đó luôn biết vượt qua những khó khăn, thử thách để tạo cơ hội hướng tới mục đích cao cả.

* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của câu chuyện.

II. Văn mẫu Cách nhìn nhận đánh giá con người

1. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 1

Mỗi con người là một cá thể độc lập với những đặc điểm riêng. Chính bản sắc của cá nhân làm nên sự đa dạng về cộng đồng và quy chuẩn của cộng đồng sẽ có tác động ngược lại đối với cá nhân. Chính vì vậy, cách nhìn nhận và đánh giá con người là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển hay đi xuống của một xã hội.

Cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá người khác là việc ta căn cứ vào ngoại hình, ngôn ngữ, hành động...của người khác để đưa ra những nhận xét về họ. Thực chất, việc nhận xét là một phần tất yếu của đời sống. Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để nhìn nhận, đánh giá về những người xung quanh một cách đúng đắn?

Về mặt tích cực, những lời nhận xét hay góp ý thường giúp con người trưởng thành hơn, nhận ra ưu – khuyết điểm của bản thân để trở nên tiến bộ. Khi biết đưa ra quan điểm, cảm nhận về một sự việc nào đó, con người cũng chứng tỏ được lập trường riêng. Không chỉ nhận xét người khác, ta còn phải biết cách đánh giá chính mình để biết ta đang là ai, mục đích sống của ta là gì, những hành động ta làm có đúng đắn hay không,...

Bên cạnh những tác động tốt, những cách đánh giá sai lệch có thể hủy hoại con người. Oscar Wilde đã từng nói: “Không phải ai cũng tốt đẹp, nhưng luôn có điều gì đó tốt đẹp trong bất cứ ai. Đừng bao giờ vội vã phán xét người khác bởi vị Thánh nào cũng có một quá khứ và kẻ tội đồ nào cũng có một tương lai”. Mỗi con người đều có đặc điểm riêng, mỗi vùng đất đều có phong tục riêng,.. Việc ta cần làm là tôn trọng sự khác biệt, điều riêng tư của người khác. Không thể chỉ vì ngoại hình, ngôn ngữ, gia cảnh,... mà miệt thị ai đó. Đằng sau một câu câu nói, một hành động có thể ẩn chứa rất nhiều uẩn khúc. Việc phán xét và “dán nhãn” có thể khiến bất kì ai bị tổn thương và suy sụp. Khi chê bai người khác, ta cũng đang hạ thấp bản thân. Có lẽ chúng ta vẫn chưa thể quên được cô gái trẻ Sulli - thành viên nhóm nhạc F(x) ra đi ở tuổi 25 sau một thời gian dài chịu đựng căn bệnh trầm cảm. Là đất nước có nền công nghiệp giải trí hàng đầu châu Á nhưng nhiều năm qua, Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ nghệ sĩ tự tử vì trầm cảm thuộc hàng cao nhất khu vực do bế tắc trước áp lực công việc, phải gánh chịu những lời đàm tiếu của dư luận.

Tóm lại, hãy biết tôn trọng người khác, mở lòng lắng nghe những tâm tư và đừng bao giờ phán xét ai một cách dễ dàng. Hãy trở thành con người có chiều sâu trong tư duy thay vì làm những “Thầy bói xem voi” nông cạn và bảo thủ.

“Mọi thứ làm cho chúng ta tức tối về người khác có thể giúp chúng ta hiểu chính mình hơn”. Quả thật, khi ta phán xét ai đó, nó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn là ảnh hưởng người đó. Mỗi người đều có một cảm nhận của về thế giới và có sự thiên vị trong mình. Thay vì phán xét, chúng ta nên quan sát và tìm hiểu kỹ càng để thu hẹp ranh giới giữa việc góp ý và phán xét.

2. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 2

Mỗi ngày, chúng ta đều được gặp và giao tiếp với nhiều người. Từ các đoạn giao tiếp đó, chúng ta rút tra được bài học về cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay. Mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá con người khác nhau. Nhìn nhận, đánh giá người khác là việc mỗi người thông qua hành động, lời nói của người khác để đưa ra cảm quan của bản thân về người đó, từ đó quyết định đến thái độ, tình cảm của mình đối với người đó. Ngày nay, khi xã hội phát triển nhanh chóng thì con người dường như có ít thời gian dành cho nhau hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng phán xét, nhìn nhận và đánh giá người khác một cách nóng vội, chưa chính xác. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, cùng một sự việc xảy ra, cùng một vấn đề nhưng mỗi người lại có một cảm quan, một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bản thân. Trong cuộc sống có những cách đánh giá, nhìn nhận phiến diện, nông cạn khiến ta đánh mất cơ hội, sự tự tin, lạc quan của con người. Cách nhìn này kìm hãm sự nỗ lực, hành động vươn lên của con người. Để có được cách nhìn đúng đắn, tích cực con người cần có sự tinh nhạy, sắc bén, sâu sắc khi quan sát và suy xét thấu đáo vấn đề trước khi đưa ra kết luận. Và quan trọng hơn là phải có niềm tin đối với đối tượng được nhìn nhận, đánh giá. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người có cái nhìn hời hợt, có cách đánh giá chủ quan theo cảm tính đối với người khác. Những người này cần thay đổi quan điểm, góc nhìn của bản thân nếu muốn có được nhiều cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Cuộc sống vốn muôn màu, muôn sắc nên khi nhìn nhận vấn đề không được vội vàng, hấp tấp chỉ nhìn hời hợt bên ngoài hiện tượng mà phải suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi đưa ra kết luận. Và phải có trách nhiệm trước sự đánh giá của bản thân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có cách nhìn lạc quan để phát hiện mặt tốt, mặt tích cực của sự vật, hiện tượng, con người, luôn biết vượt qua những khó khăn, thử thách để tạo cơ hội hướng tới mục đích cao cả. Cách nhìn nhận, đánh giá người khác có tác động to lớn đến đời sống con người. Hãy có cách nhìn sáng suốt nhất cho bản thân mình để cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 3

Con người ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm của riêng mình. Chính vì vậy, khi nhìn nhận và đánh giá một người, chúng ta cần quna sát thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Hiện nay trong cuộc sống, cách nhìn nhận, đánh giá người cũng là một vấn đề đáng để quan tâm.

Cách nhìn nhận, đánh giá người khác là việc chỉ dựa vào ngoại hình hoặc một lời nói, một hành động của người khác để nhận xét họ. Ngày nay, khi xã hội phát triển nhanh chóng thì con người dường như có ít thời gian dành cho nhau hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng phán xét, nhìn nhận và đánh giá người khác một cách nóng vội, chưa chính xác.

Người phán xét người khác một cách dễ dàng là những người chỉ dựa vào một hành động, một lời nói mà chưa rõ nguyên nhân, đầu đuôi câu chuyện đã đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trước con người, sự việc đó. Họ thường có cái nhìn phiếm diện, một chiều, không đủ tinh tế khi phán xét người khác.

Việc phán xét người khác một cách dễ dàng để lại hậu quả mà chúng ta khó có thể lường trước. Nó dễ gây tổn thương cho người bị phán xét, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ cũng như mối quan hệ giữa mình và người đó. Việc đánh giá người khác một cách dễ dàng không thể hiện phong cách hay tầm hiểu biết mà nó chứng tỏ rằng người đánh giá người khác một cách dễ dàng là người nông cạn, thiếu hiểu biết, thiếu tinh tế. Việc phán xét người khác thường mang tính tiêu cực, có tác động đến cuộc sống của họ.

Bên cạnh những người phán xét người khác một cách dễ dàng thì vẫn còn có nhiều người sống tôn trọng người khác, biết lắng nghe quan điểm của họ và không phán xét ai qua một lời nói hay một hành động. Họ là những người biết nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, có tư duy, chiều sâu… những người này đáng được học tập.

Chúng ta có cách cảm, cách nhìn của riêng mình nên hãy suy xét thật kĩ, sống và tôn trọng người khác để cuộc sống này thêm tình yêu thương, chan hòa, gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.

4. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 4

Trong cuộc sống muôn hình vạn trạng mà ta không thể biết hết được, con người xung quanh ta cũng vậy, mỗi người sẽ là một tính cách khác nhau, chính vì vậy để đánh giá đúng một con người chúng ta phải có cái nhìn tổng quát.

Đánh giá một con người chúng ta không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài của họ được mà chúng ta phải đánh giá cả quá trình dài thông qua tính cách của họ đối sử với những người xung quanh ra sao, bởi mỗi chúng ta có suy nghĩ và nhận định một sự việc khác nhau. Có rất nhiều người ăn mặc gọn gàng, nói năng lịch sự, lễ độ có chuẩn mực nhưng khi về nhà họ lại chửi cha, mắng mẹ, tính tình hung hăng ngạo mạn. Nhưng lại có những người vẻ mặt lúc nào cũng hung hăng, dữ dằn nhưng bên trong họ là một con người ấm áp, họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo đối với những người thiếu thốn hơn mình, biết hiếu kính cha mẹ…Thế nên nếu chúng ta chỉ đánh giá qua vẻ ngoài nhiều khi đó lại là sai lầm và cũng là tuột mất cơ hội làm bạn với những người tốt, bởi mỗi chúng ta đều có suy nghĩ và cách nhìn nhận một vấn đề khác nhau, hành động thể hiện ra ra bên ngoài cũng khác nhau. Hãy nhìn đời bằng con mắt tích cực, cũng như hãy nhìn cuộc sống bằng nhiều gam màu khác nhau để chúng ta biết trân trọng cũng như góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn nhé

5. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 5

Không bằng lượng thời gian sống để đánh giá một đời người

Trong cuộc sống, ai cũng mong tồn tại được lâu trên trần gian này. Gặp nhau chúc nhau, trong dịp Tết ai cũng không quên câu "chúc sống lâu trăm tuổi". Ngành y tế và các cơ quan có liên quan đến chăm sóc cuộc sống của con người đều có ý thức, có kế hoạch làm sao cho sức khỏe của con người ngày càng tăng tiến, tuổi thọ được nâng cao.

Đó là mong muốn của mọi người và cũng là mục tiêu của chế độ chúng ta, của thời đại chúng ta.

Song đánh giá một đời người thì không bao giờ người ta căn cứ vào tuổi thọ, căn cứ vào lượng thời gian sống mà chủ yếu căn cứ vào thực tế người đó đã sống như thế nào.

Cuộc đời của bất kỳ ai cũng chỉ sống có một lần và nó cũng trôi qua rất nhanh chóng kể cả người thọ nhất. Do đó phải sống như thế nào để thực sự có ích cho đời, cho xã hội. Có những người sống không được lâu nhưng để lại cho đời rất nhiều giá trị quý báu; tên tuổi của họ được lưu mãi đến bao đời sau. Song cũng có không ít người thời gian sống rất dài nhưng những ngày sống cho thật có ý nghĩa thì chẳng bao nhiêu. Rõ ràng cách sống, chất lượng sống mới thực sự là tiêu chí, mới là căn cứ để đánh giá một đời người.

Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối

Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối.

Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất.

Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ.

Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển, trong vài giờ, đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay.

Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước.

Phong cách sống có khi không tương ứng với học vấn

Thông thường phong cách sống tương ứng với trình độ học vấn. Ít thấy trường hợp người có trình độ văn hóa cao mà lại sống theo một phong cách thấp hèn hoặc ngược lại.

Song trên thực tế, cũng có không ít nghịch lý diễn ra. Người có trình độ văn hóa cao, thậm chí là giáo sư tiến sĩ nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện quá tồi tệ, làm cho nhiều người kinh ngạc. Ở một cơ quan nọ, có một người đường đường là một phó giám đốc, có học hàm học vị cao nhất cơ quan nhưng chẳng có chút uy tín nào chỉ vì trong cuộc sống anh có quá nhiều lệch lạc, nhỏ nhen, tầm thường. Trước đông người, anh hay vỗ ngực ta đây đã từng bảo vệ xuất sắc luận án này luận án nọ, khi tranh cãi với ai, anh thường dùng những từ ngu dốt, văn hóa ngắn, trình độ lùn, cái đầu củ đậu để miệt thị người có ý kiến trái ngược mình, ăn uống thì nhồm nhoàm trông đến bệ rạc. Một con người có địa vị, học hàm, học vị như thế mà khi tiếp khách quan trọng, đồng chí giám đốc không dám mời anh ta tham dự.

Điều đó cho thấy rõ rằng, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng không ít đến ý thức tu tỉnh đạo đức, tác phong, thái độ. Muốn có một phẩm chất cao đẹp đòi hỏi con người phải phấn đấu toàn diện. Có học vấn cao mà đạo đức yếu kém, tác phong thái độ lệch lạc thì uy tín cũng không thể cao được.
Mặc đẹp chưa hẳn thành người tử tế

Có những hình thức thể hiện nội dung, nhưng cũng có hình thức độc lập, thậm chí trái ngược hẳn với nội dung. Cuộc sống đa dạng là thế.

Một con người nói năng trôi chảy gọn gàng thường chứa đựng một tư duy chặt chẽ, sâu sắc. Song cũng không phải một hình thức diễn đạt nào cũng đi kèm với một nội dung tương ứng.

Một con người ăn mặc đẹp, sang trọng có khi là con người đứng đắn, tử tế. Nhưng cũng có người bề ngoài thì tuyệt diệu nhưng phẩm chất thì tầm thường thậm chí tồi tệ. Ông bà A có đứa con hư hỏng; đã bước vào tuổi trưởng thành mà nói năng xấc xược, tục tĩu, hay đánh mắng trẻ con, trêu ghẹo phụ nữ, chơi bời trác táng. Ông bà A thật là khổ sở, buồn bã mỗi khi họp tổ dân phố, nghe người ta nhận xét về con mình.

Một dịp, nhân thị trấn tổ chức lễ hội, bà A nảy sáng kiến, mua cho đứa con một bộ comple, một cái cà vạt với hy vọng ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như vậy mọi người sẽ nhìn nhận khác, đứa con sẽ trở nên đứng đắn, nghiêm túc hơn chăng. Nhưng chẳng ngờ, cậu ta vẫn chứng nào tật ấy. Bộ comple sang trọng kia càng làm cho hình ảnh cậu ta thêm kệch cỡm.

Rõ ràng không thể lấy hình thức mà che đậy nội dung, không thể lấy bề ngoài mà đánh lừa được thiên hạ, mà cải tạo được cái bên trong rỗng tuếch, thối nát. Vấn đề là phải tìm đúng nguyên nhân đích thực rồi tìm cách xóa bỏ nó mới mong kiểm soát được kết quả cuối cùng.
Lẽ đời là biết nghe phải, nói phải, làm phải

Trong cuộc sống ngày nay, với một nền dân chủ đang được mở rộng, nền kinh tế thị trường đang được phát triển, với một lượn thông tin ngày càng lớn đang được bùng ra, con người thực sự luôn luôn gặp thử thách. Con người phải có đôi tai biết sàng lọc để tìm ra những điều đúng, hay, bổ ích mà ghi nhận, học tập và làm theo. Con người cũng phải biết nói những điều cần nói, nói đúng lúc, đúng chỗ những điều thích hợp, nói theo lẽ phải, hợp với đạo lý, lương tri con người, hợp với xu thế thời đại. Con người phải biết hành động đúng, giúp cho sự bảo vệ chân lý, phải biết hành động có hiệu quả công việc được phân công, nghề nghiệp mình đang theo đuổi để giúp cho sự phát triển của xã hội.

Câu thành ngữ phương Đông "lẽ đời là biết nghe phải, nói phải, làm phải" đã thực sự giúp ta củng cố lòng tin vào lý tưởng sống của con người mới, giúp ta xây dựng một cách sống thích hợp với yêu cầu thời đại.

Trên thực tế, số người nghe quá nhiều những điều sai, vô bổ, nói lung tung, thiếu trách nhiệm và hành động trái với lương tâm và pháp luật không phải ít. Rõ ràng họ cần phải được giáo dục và tự giáo dục tích cực.

Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen

Khó có thể nói có ai đó là hoàn hảo, mặt nào cũng tốt, khi nào cũng tốt và ai đó là hoàn toàn ngược lại, không có gì đáng giá cả, cuộc đời họ là một màu đen tuyền.

Ngay cả người được coi là xấu nhất, nếu chịu khó nhìn kỹ, theo dõi kỹ, ta vẫn cảm nhận được không ít điều hay lẽ phải với những nét hấp dẫn mà chưa chắc người bình thường đã có. Còn người tốt thì cũng đừng có nghĩ rằng không có lúc nào họ xấu hoặc có những mặt những tính chất khác người khó chịu, làm nhiều người phiền muộn.

Vấn đề ta thường thấy ở đây là có người tốt nhiều, người tốt ít, người xấu nhiều, người xấu ít hoặc người này bản chất là tốt hay người kia bản chất là xấu.

Nhà văn hóa M. Twain (Mỹ) có dùng một hình ảnh khá chí lý: "Ai cũng có một vầng trăng và một đám mây đen". Câu nói đó có ý nghĩa tích cực là khuyên răn con người hãy luôn làm cho ánh hào quang của vầng trăng thêm rực rỡ và xóa dần màu xám xịt của đám mây đen. Người tốt cũng đừng chủ quan là mình sẽ không biến chất và người xấu cũng không phải không giáo dục được, không tự tu dưỡng điều chỉnh mình được.

Đời người là một sự phấn đấu không ngừng, một sự điều chỉnh bổ sung liên tục.

Biết sửa lỗi là hứa hẹn thành công

Trên đời này không phải ai cũng dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình hoặc có khi thấy mà không dám khẳng định, không dám công khai tự phê bình.

Lại có trường hợp thấy khuyết điểm, nhận khuyết điểm nhưng lại không sửa chữa hoặc không tích cực, quyết tâm sửa chữa.

Sự đời cũng lắm điều oái oăm. Có những khuyết điểm, nếu xóa bỏ được thì chỉ có lợi cho mình một cách chính đáng, tất nhiên cũng có lợi cho đời. Song có khuyết điểm lại gắn chặt với quyền lợi ích kỷ của chủ nhân nó. Ví dụ những khuyết điểm thuộc loại lợi dụng địa vị, uy tín, quyền lực để tạo điều kiện, để bảo vệ, để tranh giành cái gì đó bất chính cho con cháu, cho người thân, hoặc những khuyết điểm thuộc loại vơ vét tham nhũng, thuộc loại nịnh bợ tranh thủ cảm tình cá nhân của cấp trên để duy trì cái ghế của mình, để chuyển dịch lên ghế cao hơn... thì thường rất khó sửa chữa; đa số người chỉ giảm bớt mức độ hoặc tìm hình thức thực hiện khôn khéo hơn, bí mật hơn mà thôi.

Do vậy mà ta có thể khẳng định ai đã thực sự sửa chữa lỗi lầm là đã thắng thực sự kẻ thù của chính mình - một sức mạnh phản diện luôn luôn ẩn dấu trong tim óc của mỗi chúng ta. Thực sự sửa chữa khuyết điểm là xóa bỏ nguyên nhân của thất bại, là xác định được động cơ đúng đắn cho những công việc sắp tới, cho những hành động thường ngày. Điều đó sẽ hứa hẹn cho sự xuất hiện hết thành công này đến thành công khác một cách vững chắc.

Nhiều lúc kẻ thù là chính mình

Xin hiểu kẻ thù ở đây là theo nghĩa rộng, là nguyên nhân của những hiện tượng không tốt.
Ta thường mất nhiều thì giờ, tiền bạc và công sức đi tìm nguyên nhân của những hiện tượng không tốt.

Ta thường mất nhiều thì giờ, tiền bạc và công sức đi tìm nguyên nhân tận đâu đâu, những nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân có ý nghĩa biện minh rằng: mình không tự gây ra khuyết điểm đó, sai lầm đó, tội lỗi đó.

Hướng suy nghĩ đó, phương pháp tư tưởng đó đã đánh lừa mọi người và ru ngủ mình, làm cho mọi lệch lạc, sai phạm cứ thế trượt dài, trượt dài.

Con người ta, ai cũng có một góc tối trong tâm hồn; vấn đề là góc tối đó rộng hay hẹp, chủ nhân nó có nhận ra được hình thù của nó, có biết cách kiềm chế, biết cách xóa bỏ nó không.

Có một đồng chí quản lý giáo dục ở một địa phương nọ lớn tiếng đặt vấn đề toàn cơ quan phải có trách nhiệm tìm cho ra nguyên nhân của hiện tượng lộ đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Suốt một tháng trời điều tra rồi tranh cãi nhau về hàng chục nguyên nhân chẳng đâu vào đâu. Đồng chí quản lý tỏ ra rất bực mình về kết quả làm việc này của nhiều người mà không hề tự xem lại mình: liệu có quản lý đề thi cẩn mật không, có tổ chức triển khai chặt chẽ không, liệu bản thân mình có cố tình hay vô ý nói chuyện với con cháu về nội dung đề thi không? Nếu tự trả lời nghiêm túc thật thà thì có thể xác định được ngay nguyên nhân đích thực. Ở đây, người cán bộ quản lý không gương mẫu thành khẩn, tự phê bình nên để mấy tháng sau, vấn đề mới sáng tỏ. Người cán bộ quản lý ấy đã không còn chút uy tín nào nữa.

Sai lầm của người này là bài học của người khác

Trong cuộc sống không có điều gì diễn ra mà không có ý nghĩa đối với con người. Ngay một vở kịch dở, một cuốn sách nhạt nhẽo, nếu biết xem nó, đọc nó, vẫn có thể rút ra những điều bổ ích.

Đặc biệt, một sai lầm, thậm chí một sai lầm nghiêm trọng của ai đó càng có ý nghĩa đối với những người chứng kiến nó, hiểu rõ về nó.

Một sai lầm do chuẩn bị không đầy đủ của ai đó rất bổ ích cho những người tinh thần trách nhiệm còn hạn chế hay tư tưởng chủ quan, tác phong đại khái. Một sai lầm của ai đó do áp dụng trật kỹ thuật, do biện pháp thực thi không thích hợp cũng rất có lợi cho những cán bộ chuyên môn chưa thành thạo nghề nghiệp. Một sai lầm của ai đó do thiếu sự phối hợp tốt giữa các bộ phận do quy trình thực hiện nó lộn xộn lại rất có ích về mặt tổ chức cho những người đóng vai trò tổ chức điều hành. Đó là những bài học kinh nghiệm.

Thành ngữ của phương Đông "Sai lầm của người này là bài học của người khác" là rất chính xác. Tất nhiên, nhấn mạnh điều này không hề có ý nghĩa khuyến khích mắc sai lầm. Bởi một trong những yêu cầu hạnh phúc của con người là ít mắc sai lầm và đạt nhiều thắng lợi.
Nạn thiếu biết những điều cần và thừa biết những điều không cần

Trong cuộc sống, con người cần phải biết những điều cần thiết để làm người, để làm một công dân trong một đất nước độc lập, để làm một nhân lực trong công cuộc xây dựng xã hội phồn vinh. Song trong cuộc sống cũng có những điều không cần biết, không nên biết ( như những điều riêng tư của người này người khác, những điều bí mật của ngành nọ ngành kia, cấp nọ cấp kia...); ngay cả những điều vô hại mà chẳng có lợi gì cũng chẳng nên biết. Trí nhớ của con người có hạn, khả năng ghi nhận giải mã thông tin của con người... có hạn; hãy dành cho những tích lũy có ích.

Con người là tinh hoa của muôn loài nhưng con người cũng là một thực thể phức tạp. Sự hình thành tính cách và mức độ tài năng phụ thuộc không ít vào hướng và cách trau dồi tiềm năng hiểu biết.

Trong cuộc sống sôi động và muôn hình muôn vẻ hiện nay, ta thấy có khá nhiều người biết rất ít những điều cơ bản của luật pháp, những nguyên tắc xử thế, những mặt đạo lý trong các mối quan hệ, những tri thức chuyên môn nghề nghiệp... nhưng lại biết rất nhiều, rất nhiều những điều riêng tư của bạn bè, của những cán bộ cấp trên, những điều bàn riêng trong lãnh đạo, những điều kín có tính chất nội bộ của chi bộ Đảng, của chi đoàn Thanh niên trong cơ quan. Họ hay tuôn ra làm quà cho nhau những chuyện phiếm trong các cuộc tụ hội ở phòng khách bên bàn nước, ở câu lạc bộ, ở hành lang hội trường... và chính những anh chàng và nàng đó trong các cuộc họp bàn bạc việc công thì lại im thin thít vì trong đầu chẳng có hiểu biết gì đúng đắn đáng giá.

Tôi tạm đặt tên cho cái nạn phổ biến này là nạn "thiếu hiểu biết những điều cần và thừa biết những điều không cần".

6. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 6

Đôi lúc có những việc chúng ta mắt thấy, tai nghe nhưng lại không phải vậy. Thế nên chúng ta không nên trông mặt mà bắt hình dong, không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài mà cần có thời gian, cái nhìn chiều sâu. Đánh giá con người là quá trình chúng ta nhìn vào hành động, tính cách của họ trong một khoảng thời gian để đưa ra cái nhìn trực quan, tổng thể nhất về người đó và suy xét mối tương quan giữa bản thân mình và họ. Mỗi người lại có một cách nhìn nhận, đánh giá con người khác nhau. Có rất nhiều người nhìn bên ngoài có vẻ bụi bặm, hầm hố nhưng bên trong lại vô cùng ấm áp, tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn. Lại có những người tuy vẻ ngoài trong sáng, hiền lành nhưng lại là tội phạm giết người, gây ra những tội lỗi ghê rợn,… Nếu chúng ta chỉ dựa vào ngoại hình để đánh giá con người thì rất có thể ta đã nghĩ sai về người đó và bỏ lỡ nhiều cơ hội, và người chỉ nhìn vào ngoại hình để đánh giá người khác là người có cái nhìn hạn hẹp cần phải thay đổi. Vẻ đẹp bên ngoài cũng vô cùng quan trọng những sẽ tuyệt vời hơn khi ta có một tâm hồn đẹp đẽ. Mỗi người một cá tính, một màu sắc khác nhau góp phần tạo nên sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ cho cuộc sống. Hãy nhìn cuộc đời, nhìn con người bằng ánh mắt của sự tích cực, sống chan hoàn, yêu thương với mọi người để xã hội này trở nên tốt đẹp hơn.

7. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 7

Mỗi con người có một tính cách, một quan điểm, một cá tính khác nhau. Bên trong nội tâm họ cũng sẽ có những nét khác nhau. Để đánh giá một con người, chúng ta không nên dựa vào ngoại hình mà nên tiếp xúc và cảm nhận tâm hồn.

Xã hội luôn có nhiều màu sắc khác nhau, con người cũng thế. Trong một địa cầu, con người có nhiều kiểu tính cách, phẩm chất khác nhau. Cá tính của con người được hình thành từ môi trường sống, từ những kiến thức họ được học, được dạy dỗ. Muốn đánh giá đúng được một con người, chúng ta cần phải tiếp xúc với con người bên trong của họ, lắng nghe suy nghĩ, cảm nhận hành động mà họ đối xử với những người xung quanh.

Có rất nhiều người nhìn bên ngoài có vẻ bụi bặm, hầm hố nhưng bên trong lại vô cùng ấm áp, tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn. Lại có những người tuy vẻ ngoài trong sáng, hiền lành nhưng lại là tội phạm giết người, gây ra những tội lỗi ghê rợn,… Ngoại hình, dáng vẻ bên ngoài không thể đánh giá đúng về một con người.

Người chỉ biết nhìn vào ngoại hình của người khác để đánh giá là những người có tầm nhìn hạn hẹp, điều này sẽ gây ra những hậu quả như khiến ta nghĩ xấu về người khác, xa lánh họ,… vô tình tạo nên khoảng cách giữa người với người khiến cho xã hội phát triển theo chiều hướng sai lệch.

Mỗi người sinh ra đều được học về lối tư duy, cách suy nghĩ, chúng ta hãy nhìn nhận và đánh giá người khác thật công tâm để không bỏ lỡ những người tốt cũng như bài trừ được người xấu ra khỏi xã hội.

8. Cách nhìn nhận đánh giá con người - Mẫu 8

Chúng ta không nên đánh giá hoàn toàn một con người khi ta vừa gặp họ hay chỉ nhìn thấy họ trong chốc lát. Bởi vì con người sẽ thay đổi tính cách theo thời gian và đối tượng giao tiếp, cùng với những kinh nghiệm sống rút ra được trong quá trình trưởng thành, họ sẽ có cách ứng xử khác nhau trong từng giai đoạn.

Do đó, ta nên tiếp xúc nhiều hơn và trong thời gian lâu dài để có cái nhìn chính xác và khách quan khi đánh giá một con người. Trong cuộc sống, đôi khi ta bắt gặp một người với những hành động xấu, ngay sau đó ta liền đánh giá họ là một người không tốt và hình thành những định kiến về con người họ. Để rồi khi cùng nhau hợp tác làm một việc gì đó, những thành kiến trong chúng ta sẽ ngăn không cho ta thấy được năng lực cũng như mặt tốt của họ một cách chính xác và khách quan nhất. Điều này cũng là một trong những lý do gây nên hiểu lầm giữa người và người. Giả sử như những người đó không xấu như ta vẫn từng cho rằng, thì với cái suy nghĩ tiêu cực ấy, ta sẽ vô tình tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của họ. Đôi khi, ta lại bắt gặp một người có hành động cao đẹp và mặc định họ là người tốt. Giả sử họ không tốt như ta vẫn nghĩ, mà ẩn sau những điều đẹp đẽ đó lại là những mưu toan khó lường thì vô tình cái suy nghĩ nhất thời ban đầu lại trở thành một trong những lý do để họ có thể dễ dàng lừa gạt chúng ta. Đơn cử như việc giả vờ làm ăn xin để lợi dụng người khác như hiện nay. Ai trong chúng ta cũng dễ dàng đồng cảm với những người chẳng may bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể, dù là do bẩm sinh hay bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Do đó, xuất phát từ việc đồng cảm khi mơi nhìn vào sự khiếm khuyết của họ, đại đa số người sẽ rộng lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, có một số người lại lợi dụng điều đó để giả làm người tàn tật dù thực chất họ vẫn lành lặn, mạnh khỏe. Trong trường hợp đó, sự đánh giá vội vàng của chúng ta ngay từ đầu đã vô tình làm hại chính bản thân ta và cũng đồng thời tiếp tay cho những con người luôn “há miệng chờ sung rụng” trong xã hội. Nói tóm lại, ta không nên đánh giá một người khi chỉ nhìn thấy họ trong chốc lát, bởi lúc đó ta chỉ thấy được một phần nhỏ trong con người họ.

Muốn đánh giá một người một cách toàn vẹn và khách quan nhất, ta nên tiếp xúc với họ nhiều hơn và trong khoảng thời gian dài. Từ đó tránh gây ra hiểu lầm đáng tiếc và đồng thời cũng là bảo vệ bản thân.

---------------------------

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 8. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

Như vậy VnDoc đã chia sẻ tới các em dàn ý và các bài văn mẫu Viết đoạn văn trình bày Cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay. Hy vọng với 8 bài văn mẫu trên đây sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo để hoàn thành tốt bài văn nghị luận của mình. Chúc các em học tốt.

Ngoài tài liệu Văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn trình bày Cách nhìn nhận đánh giá con người trong xã hội hiện nay, các em có thể tham khảo thêm soạn bài Ngữ văn 8 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 8.

Đặt câu hỏi về học tập, giáo dục, giải bài tập của bạn tại chuyên mục Hỏi đáp của VnDoc
Hỏi - ĐápTruy cập ngay: Hỏi - Đáp học tập
Đánh giá bài viết
92 175.369
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bọ Cạp
    Bọ Cạp

    Thanks

    Thích Phản hồi 18/11/22
    • Bé Cún
      Bé Cún

      Cảm ơn nhé

      Thích Phản hồi 18/11/22
      • Bánh Tét
        Bánh Tét

        hữu ích

        Thích Phản hồi 18/11/22

        Học tốt Ngữ Văn lớp 8

        Xem thêm