Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa
VnDoc xin giới thiệu bài Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa
1. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
1.1. Quan niệm về dân chủ và nền dân chủ
Dân chủ và thực hiện dân chủ là nhu cầu khách quan của con người. Ngay từ xã hội công xã nguyên thủy, để duy trì sự tồn tại của mình, con người đã biết tự tổ chức ra những hoạt động có tính cộng đồng, các thành viên công xã đều bình đẳng tham gia vào mọi công việc của xã hội. Việc cử ra những người đứng đầu các cộng đồng và phế bỏ những người đứng đầu nếu không thực thi đúng những quy định chung được giao do mọi thành viên công xã quyết định thông qua đại hội nhân dân. Đây được coi là hình thức dân chủ sơ khai, chất phác của những tổ chức cộng đồng tự quản trong xã hội chưa có giai cấp.
Trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại, khái niệm “dân chủ” được hiểu là: việc “cử ra và phế bỏ người đứng đầu” đó là “quyền và sức lực của nhân dân”. Như vậy, ngay từ buổi sơ khai của lịch sử nhân loại, dân chủ được hiểu với tư cách là quyền lực của nhân dân.
Khi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ra đời, giai cấp và bất bình đẳng xuất hiện, các hình thức tự quản của xã hội trước đây đã không còn thích hợp, xã hội cần đến những tổ chức chính trị với những công cụ bạo lực, cưỡng bức để điều chỉnh hoạt động của xã hội, giai cấp và công dân. Trong điều kiện như vậy, một tổ chức đặc biệt đã ra đời, đó là nhà nước. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, giai cấp chủ nô đã lập ra cơ quan quyền lực nhằm trước hết bảo vệ lợi ích của mình và sau nữa nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định trật tự xã hội. Cơ quan quyền lực đó chính là nhà nước dân chủ đối với chủ nô, thực hiện sự thống trị của thiểu số đối với đại đa số những người lao động tức những người nô lệ. Khi đó người ta đã ghép hai từ trong tiếng Hy Lạp cổ là “Demos” có nghĩa là “dân”, “dân chúng” vả “Kratos” có nghĩa là “quyền lực”, “sức mạnh” để diễn đạt nội dung của dân chủ. Nhà nước chủ nô chính thức sử dụng thuật ngữ “dân chủ” với nghĩa là nhà nước dân chủ chủ nô có “quyền lực của dân”. Nhưng cũng từ đây, nhà nước do giai cấp chủ nô nắm giữ đã quy định dân bao gồm chủ nô, quý tộc, tăng lữ, thương gia, một số trí thức và người tự do, còn tuyệt đại đa số nô lệ thì không được coi là dân.
Như vậy, về thực chất, ngay từ thế kỷ VIII trước Công nguyên, với nhà nước đầu tiên trong lịch sử, giai cấp tư hữu, áp bức bóc lột (giai cấp chủ nô) đã dùng pháp luật và bộ máy thống trị của mình để chiếm mất quyền lực của đông đảo quần chúng nhân dân lao động là những người nô lệ.
Sau hàng ngàn năm lịch sử, các giai cấp chúa đất phong kiến và giai cấp tư sản đã bằng mọi cách tiếp tục chiếm đoạt quyền lực của nhân dân lao động.
Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới: lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nhân dân lao động đã giành lại được quyền lực thực sự của mình. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của nó đã trở thành nhà nước đầu tiên thực hiện quyền lực của nhân dân.
Từ thực tiễn lịch sử ra đời và phát triển của dân chủ, chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu ra những quan niệm cơ bản về dân chủ như sau:
Thứ nhất, dân chủ là sản phẩm tiến hóa của lịch sử, là nhu cầu khách quan của con người. Với tư cách là quyền lực của nhân dân, dân chủ là sự phản ánh những giá trị nhân văn, là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân chống lại áp bức, bóc lột, bất công.
Thứ hai, dân chủ với tư cách là một phạm trù chính trị gắn với một kiểu nhà nước và một giai cấp cầm quyền thì sẽ không có “dân chủ phi giai cấp”, “dân chủ chung chung”.
Trong xã hội có giai cấp, việc thực hiện dân chủ cho những tập đoàn người này là đã loại trừ hay hạn chế dân chủ của tập đoàn người khác. Mỗi chế độ dân chủ gắn với nhà nước đều mang bản chất của giai cấp thống trị.
Thứ ba, dân chủ còn được hiểu với tư cách là một hệ giá trị phản ánh trình độ phát triển cá nhân và cộng đồng xã hội trong quá trình giải phóng xã hội, chống áp bức, bóc lột và nô dịch để tiến tới tự do, bình đẳng. Theo V.I. Lênin, dân chủ là bình đẳng. Rõ ràng là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản để giành quyền bình đẳng có một ý nghĩa rất lớn, nghĩa là phải hiểu bình đẳng cho đúng, hiểu theo nghĩa xóa bỏ giai cấp.
Trong xã hội có giai cấp và nhà nước, quyền lực của nhân dân được thể chế hóa bằng chế độ nhà nước, pháp luật và cũng từ khi xã hội có giai cấp, dân chủ được thực hiện dưới hình thức mới - hình thức nhà nước với tên gọi là “chính thể dân chủ” hay “nền dân chủ”.
Bước chuyển từ xã hội công xã nguyên thủy sang xã hội chiếm hữu nô lệ đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của dân chủ. Dân chủ là quyền lực của nhân dân được thực hiện bởi những tổ chức tự quản một cách tự nguyện, theo truyền thống đã chuyển sang một hình thức mới gắn với nhà nước. Từ đây dân chủ được thể chế hóa bằng chế độ nhà nước, bằng pháp luật của giai cấp thống trị chủ nô và được thực hiện chủ yếu bằng cưỡng chế. Nền dân chủ hay chế độ dân chủ đầu tiên trong lịch sử của xã hội có giai cấp xuất hiện.
Nền dân chủ hay chế độ dân chủ là hình thái dân chủ gắn với bản chất, tính chất của nhà nước; là trạng thái được xác định trong những điều kiện lịch sử cụ thể của xã hội có giai cấp. Nền dân chủ do giai cấp thống trị đặt ra được thể chế hóa bằng pháp luật.
V.I. Lênin cho rằng: “Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, một trong những hình thái của nhà nước. Cho nên, cũng như mọi nhà nước, chế độ dân chủ là việc thi hành có tổ chức, có hệ thống sự cưỡng bức đối với người ta”. Do đó, nền dân chủ luôn gắn với nhà nước như là cơ chế để thực thi dân chủ và mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị.
1.2. Những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Phân tích thực tiễn quá trình xuất hiện, tồn tại và phát triển của các nền dân chủ trong lịch sử, đặc biệt là những quy luật của nền dân chủ chủ nô, dân chủ tư sản, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: đấu tranh cho dân chủ là một quá trình lâu dài và không thể dừng lại ở dân chủ tư sản. Sự tất yếu diễn ra và thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng là sự tất yếu ra đời của một nền dân chủ mới - dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó gắn liền với quá trình ra đời của chủ nghĩa xã hội.
Sự hình thành dân chủ xã hội chủ nghĩa đánh dấu bước phát triển mới về chất của dân chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử, đã hình thành chế độ dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân.
Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tạo ra những điều kiện cần thiết để giải phóng quần chúng nhân dân lao động, để mở rộng dân chủ và trên cơ sở đó cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng lôi cuốn nhân dân lao động vào công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng nền dân chủ mới.
Chính vì vậy, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ được hình thành, phát triển dần dần, từng bước phù hợp với quá trình phát triển của kinh tế, chính trị và văn hóa, xã hội.
Trong quá trình hình thành và phát triển, dân chủ xã hội chủ nghĩa có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, với tư cách là chế độ nhà nước được sáng tạo bởi quần chúng nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là thiết chế chủ yếu thực thi dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của nó. Nhà nước bảo đảm thỏa mãn ngày càng cao các nhu cầu và lợi ích của nhân dân, trong đó có lợi ích của giai cấp công nhân. Đây chính là đặc trưng bản chất chính trị của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Điều đó cho thấy, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa có bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc.
Hai là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu của toàn xã hội. Chế độ sở hữu đó phù hợp với quá trình xã hội hóa ngày càng cao của sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cầu không ngừng tăng lên về vật chất và tinh thần của tất cả quần chúng nhân dân lao động. Đây là đặc trưng kinh tế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đặc trưng này được hình thành và bộc lộ ngày càng đầy đủ cùng với quá trình hình thành và hoàn thiện của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đó là quá trình cải tạo và xây dựng lâu dài kể từ khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cho đến khi chủ nghĩa xã hội thực sự trưởng thành.
Ba là, trên cơ sở của sự kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội (do nhà nước của giai cấp công nhân đại diện), nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có sức động viên, thu hút mọi tiềm năng sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và mọi công dân đều được tham gia vào công việc của nhà nước (bằng thảo luận, góp ý kiến xây dựng chính sách, hiến pháp, pháp luật...). Mọi công dân đều được bầu cử, ứng cử và đề cử vào các cơ quan nhà nước các cấp.
Bốn là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cần có và phải có những điều kiện tồn tại với tư cách là một nền dân chủ rộng rãi nhất trong lịch sử nhưng vẫn là nền dân chủ mang tính giai cấp. Thực hiện dân chủ rộng rãi với đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời hạn chế dân chủ và thực hiện trấn áp thiểu số những thế lực phản động chống phá chủ nghĩa xã hội. Trong nền dân chủ đó, chuyên chính và dân chủ là hai mặt, hai yếu tố quy định lẫn nhau, tác động, bổ sung cho nhau. Đây chính là chuyên chính kiểu mới và dân chủ theo lối mới trong lịch sử.
Năm là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội; hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế hoạt động và trình độ dân trí.
Tính tất yếu của việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quá trình tất yếu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã có những luận điểm khái quát về chủ nghĩa xã hội, về dân chủ xã hội chủ nghĩa và tính tất yếu của việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, động lực của quá trình phát triển xã hội, của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là dân chủ. Dân chủ phải được mở rộng để phát huy cao độ tính tích cực, sáng tạo của nhân dân, để nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước, quản lý và phát triển xã hội. “Với việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi công việc quản lý nhà nước.
Như vậy, thực hiện dân chủ đầy đủ, rộng rãi trở thành một yêu cầu khách quan, một động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể có được bằng phương pháp thực hành dân chủ một cách rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của những sắc lệnh từ trên ban xuống... chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân”. Thực hành dân chủ rộng rãi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng chính là quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, một nền dân chủ mới bảo đảm cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quy luật của sự hình thành và tự hoàn thiện của hệ thống chuyên chính vô sản, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng là quá trình vận động và thực hành dân chủ; là quá trình vận động biến dân chủ từ khả năng thành hiện thực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; là quá trình đưa các giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc của dân chủ vào thực tiễn xây dựng cuộc sống mới. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự trở thành một cuộc cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng thực hiện chuyên giao quyền lực thực sự về cho nhân dân với mục đích lôi cuốn nhân dân vào quá trình sáng tạo xã hội mới.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là quá trình tất yếu diễn ra nhằm xây dựng, phát triển và hoàn thiện dân chủ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trước hết, nó trở thành điều kiện, tiền đề thực hiện quyền lực, quyền làm chủ của nhân dân; là điều kiện cần thiết, tất yếu để mỗi công dân được sống trong bầu không khí thực sự dân chủ.
Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng chính là quá trình thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua chính đảng của nó, đảng cộng sản. Đây cũng là nhân tố quan trọng chống lại những biểu hiện của dân chủ cực đoan, vô chính phủ, ngăn ngừa mọi hành vi coi thường kỷ cương, pháp luật.
Tóm lại, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một quá trình tất yếu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, của quá trình vận động biến dân chủ từ khả năng trở thành hiện thực, đô nền dân chủ “ngày càng hướng tới cơ sở hiện thực của nó, tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực, và được xác định là sự nghiệp của bản thân”.
2. Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa
2.1. Khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức mà thông qua đó, đảng của giai cấp công nhân thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội; là một tổ chức chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng dựa trên cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội; đó là một nhà nước kiểu mới, thay thế nhà nước tư sản nhờ kết quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; là hình thức chuyên chính vô sản được thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Với tư cách là một trong những tổ chức cơ bản nhất của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân. Đó là một công cụ quản lý do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân tổ chức ra nhằm thực hiện quyền lực và lợi ích của nhân dân, đồng thời cũng thông qua nó, giai cấp công nhân và chính đảng của mình thực hiện sự lãnh đạo đối với toàn xã hội trong quá trình bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa là cơ quan quyền lực, vừa là bộ máy hành chính, vừa là tổ chức quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân, được thể hiện tập trung qua hai chức năng chủ yếu của nó, đó là chức năng thống trị giai cấp và chức năng xã hội.
2.2. Đặc trưng, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Khác với các hình thức nhà nước đã từng có trong lịch sử, nhà nước xã hội chủ nghĩa là một kiểu nhà nước đặc biệt. Đó là kiểu nhà nước có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ cơ bản để thực hiện quyền lực của nhân dân lao động, đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản.
Hai là, nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ chuyên chính giai cấp, nhưng vì lợi ích của tất cả những người lao động tức là tuyệt đại đa số nhân dân; thực hiện sự trấn áp đối với những lực lượng chống đối, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, trong khi nhấn mạnh sự cần thiết của bạo lực và trấn áp, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn xem mặt tổ chức, xây dựng là đặc trưng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa, của chuyên chính vô sản. V.I. Lênin cho rằng, chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực mà mặt cơ bản của nó là tổ chức, xây dựng toàn diện xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Bốn là, nhà nước xã hội chủ nghĩa là yếu tố cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo V.I. Lênin, con đường vận động, phát triển của nó là ngày càng hoàn thiện các hình thức đại diện của nhân dân, mở rộng dân chủ nhằm lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Năm là, nhà nước xã hội chủ nghĩa là một kiểu nhà nước đặc biệt, “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, là “nửa nhà nước”. Sau khi những cơ sở kinh tế - xã hội cho sự tồn tại của nhà nước mát đi thì nhà nước cũng không còn, nhà nước “tự tiêu vong”. Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của nhà nước vô sản.
Những đặc trưng cơ bản đó cho thấy chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa biểu hiện tập trung ở việc quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực bằng pháp luật.
Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa được thực hiện cả bằng tổ chức có hiệu quả công việc xây dựng toàn diện xã hội mới, cả bằng việc sử dụng những công cụ bạo lực để đập tan sự phản kháng của kẻ thù chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, giữ vững an ninh xã hội.
Bạo lực, trấn áp là cái vốn có của mọi nhà nước, do đó bạo lực, trấn áp cũng là cái vốn có của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đều cho rằng, với bản chất của nhà nước vô sản, thì việc tổ chức, xây dựng mang tính sáng tạo nhằm cải biến xã hội cũ, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chức năng căn bản, chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Khi xác định những nấc thang, những giai đoạn phát triển của một cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đi tới giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và phát triển toàn diện con người, C. Mác và Ph. Ăngghen đều cho rằng, việc giai cấp công nhân giành xây quyền lực nhà nước mới chỉ là giai đoạn đầu tiên. Trong giai đoạn tiếp theo, phải sử dụng quyền lực nhà nước “đê tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”. Như vậy, rõ ràng chức năng tổ chức và xây dựng phải là chức năng chủ yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Phát triển quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về vấn đề này, V.I. Lênin khẳng định, việc tích cực xây dựng chủ nghĩa cộng sản, sáng tạo ra một xã hội mới, đó là chức năng quan trọng của nhà nước xã hội chủ nghĩa, quan trọng hơn cả việc đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản.
Từ hai chức năng trên, nhà nước xã hội chủ nghĩa có những nhiệm vụ chính là: quản lý kinh tế, xây dựng và phát triển kinh tế; cải thiện không ngừng đời sống vật chất và tình thần cho nhân dân; quản lý văn hóa - xã hội, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện giáo dục - đào tạo con người phát triển toàn diện, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Ngoài ra, nhà nước xã hội chủ nghĩa còn có chức năng, nhiệm vụ đối ngoại nhằm mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, bình đăng, tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển và tiến bộ xã hội đối với nhân dân các nước trên thế giới.
Từ thực tế xây dựng xã hội mới ở nước Nga Xô viết, V.I. Lênin đã làm rõ nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa trên hai lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Trên lĩnh vực kinh tế nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước vô sản là phải nhanh chóng phát triển mạnh số lượng sản phẩm, củng cố kỷ luật lao động mới và nâng cao năng suất lao động.
Trên lĩnh vực xã hội, nhà nước xã hội chủ nghĩa phải xây dựng được quan hệ xã hội mới, hình thành những tổ chức lao động mới, tập hợp được đông đảo những người lao động có khả năng vận dụng những thành tựu của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện từng bước cải tạo những người tiểu sản xuất hàng hóa thông qua những tổ chức thích hợp.
Tính tất yếu của việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, giai cấp công nhân khi thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, xóa bỏ tình trạng người bóc lột người và mọi sự tha hóa của con người do chế độ tư hữu sản sinh ra, thì trước hết họ phải cùng với nhân dân lao động “phá hủy nhà nước tư sản” chiếm lấy chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản. Bởi vì, “giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.
Sau khi trở thành giai cấp cầm quyền, giai cấp công nhân phải nắm vững công cụ chuyên chính, phải xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh, trở thành một công cụ trấn áp các thế lực đi ngược lại lợi ích của nhân dân để bảo vệ thành quả cách mạng nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Sự cần thiết tất yếu phải xác lập chuyên chính vô sản, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh còn xuất phát từ thực tiễn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ còn tồn tại các giai cấp bóc lột, chúng hoạt động chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó khiến cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động thông qua nhà nước phải trấn áp bằng bạo lực khi cần thiết. V.I. Lênin xem dấu hiệu tất yếu, điều kiện bắt buộc của chuyên chính là trấn áp bằng bạo lực những kẻ bóc lột, phản động với tính cách là một giai cấp. Đồng thời, trong thời kỳ quá độ cũng còn có các giai cấp, tầng lớp trung gian khác và do địa vị kinh tế - xã hội vốn có, các giai cấp này thường dao động, không thể tự mình đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước thực tế đó, giai cấp công nhân phải tuyên truyền, thuyết phục, lôi cuốn họ đi theo mình trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Do đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa đóng vai trò là thiết chế cần thiết bảo đảm sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn xã hội.
Để mở rộng dân chủ tới mức tối đa đối với mọi tầng lớp nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi hành vi đi ngược lại những chuẩn mực dân chủ, vi phạm những giá trị dân chủ chân chính của nhân dân, đòi hỏi phải có một thiết chế nhà nước phù hợp. Chính vì vậy trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước phải được củng cố, xây dựng để trở thành công cụ bảo vệ và phát triển thành quả của dân chủ. Dân chủ cần phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ, để những hành vi gây tác hại tới quyền dân chủ của nhân dân được xử lý kịp thời... Các quyền đó phải được thể chế hóa trong hiến pháp, pháp luật và được thực hiện bằng những thiết chế tương ứng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, quá trình xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa tất yếu gắn liền với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quá trình này cho thấy, dân chủ và pháp luật, dân chủ và kỷ cương không bài trừ và phủ định nhau, trái lại, đó chính là sự thống nhất biện chứng, là điều kiện, tiền đề tồn tại và phát triển của nhau.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Với ý nghĩa đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa là phương thức, phương tiện, là một công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, để bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa - một trong những công cụ chủ yếu của quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa về những đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa, đặc trưng, chức năng và nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.