Ý nghĩa của việc tính giá trong công tác quản lý
Ý nghĩa của việc tính giá trong công tác quản lý được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Ý nghĩa của việc tính giá trong công tác quản lý
Tài sản dùng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở một doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều dạng vật chất khác nhau như: nhà xưởng, vất kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, vật tư, hàng hoá ... Để ghi nhận tình trạng hiện có cũng như những sự thay đổi của chúng trong quá trình sản xuất kinh doanh ta có thể sử dụng nhiều phương thức đo lường khác nhau. Chẳng hạn tài sản cố định có thể đo lường bằng đơn vị như cái, chiếc... hoặc vật tư, hàng hoá... có thể sử dụng kg (trọng lượng), mét (chiều dài), lít (thể tích)... Tuy nhiên nếu dùng những đơn vị đo lường này thì không thể nào tổng hợp được toàn bộ tài sản và xác định những chi tiêu tổng hợp khác để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Như vậy, ngoài những tài sản mà ngay từ đầu chúng đã biểu hiện dưới hình thức giá trị như: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, các khoản công nợ, thì những tài sản còn lại cũng cần thiết phải quy về hình thức tiền tệ. Đây là một trong những đặc trưng nổi bật của hạch toán kế toán - tiền tệ là thước đo chủ yếu và thường xuyên của hệ thống kế toán.
Tiền là phương thức đo lường phổ biến cho tất cả các đối tượng và nghiệp vụ kinh tế. Hệ thống đơn vị tiền tệ mà một đơn vị sử dụng tuỳ thuộc vào quốc gia mà nó hoạt động như đồng Việt Nam, Mỹ, ... Nếu có nghiệp vụ liên quan giữa các quốc gia thì nhất thiết phải đổi từ hệ thống tiền tệ này sang hệ thống tiền tệ khác tương ứng với việc cung cấp những chỉ tiêu kinh doanh có liên quan đến hoạt động của đơn vị.
Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta có thể nói, tính giá là một phương pháp kế toán biểu hiện các đối tượng kế toán bằng tiền theo những nguyên tắc và yêu cầu nhất định.
Trong điều kiện của nền sản xuất hàng hoá, biểu hiện của đối tượng kế toán bằng thước đo tiền tệ là một tất yếu khách quan. Xét về thực chất, tính giá chính là dùng thước đo giá trị để biểu hiện các đối tượng kế toán, các nghiệp vụ thay cho thước đo hiện vật và cả thước đo thời gian lao động.
Trong hệ thống kế toán, tính giá giữ một vị trí và vai trò rất quan trọng. Rõ ràng là chỉ có thông qua tính giá mới cho phép tổng hợp và phản ánh đúng đắn tình hình vốn (tài sản) và nguồn vốn kinh doanh như cơ cấu của vốn, nguồn vốn có hợp lý hay không, tốc độ chu chuyển vốn kinh doanh nhanh hay chậm ... Và cũng thông qua tính giá mới có thể xác định được chi phí đầu vào của các yếu tố sản xuất đế tạo ra doanh thu trong kỳ. Qua đó cho phép tính toán chính xác chỉ tiêu giá thành, kết quả kinh doanh và những thông tin tổng hợp cần thiết khác cho việc quản lý các đối tượng kế toán. Mặc dù giá cả của sản phẩm hàng hóa, lao vụ dịch vụ là do nhiều yếu tố khác nhau chi phối nhưng để đảm bảo bù đắp được chi phí đã bỏ ra và đảm bảo có lãi thích hợp buộc các doanh nghiệp phải xác định giá bán của sản phẩm hàng hóa, lao vụ dịch vụ sau khi căn cứ vào chi phí đầu vào của các yếu tố đã được tổng hợp với điều kiện đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Qua một số vận dụng được phân tích ở trên có thể rút ra phương pháp tính giá các đối tượng kế toán có ý nghĩa kinh tế quan trọng, biểu hiện ra:
- Ý nghĩa về mặt hạch toán: là đặc trưng cơ bản cho phép phản ánh và xác định những chỉ tiêu tổng hợp phục vụ cho công tác quản lý sản xuất kinh doanh và quản lý tài chính.
- Ý nghĩa về mặt quản lý nội bộ: cho phép xác định những căn cứ hoặc những chỉ tiêu để thực hiện hạch toán kinh tế nội bộ và đánh giá hiệu quả hoạt động ở từng bộ phận hoặc giai đoạn sản xuất cụ thể.
- Ý nghĩa về mặt giám đốc bằng đồng tiền: thông qua phương pháp tính giá thì toàn bộ tình hình kết quả hoạt động của doanh nghiệp, toàn bộ tài sản cũng như bất kỳ nghiệp vụ kinh tế phát sinh nào cũng được biểu hiện dưới hình thức tiền (hoặc dùng tiền để đo lường). Dựa vào đó có thể xác lập được những căn cứ để phản ánh, giám đốc một cách thường xuyên, nhanh nhạy và có hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Ý nghĩa của việc tính giá trong công tác quản lý về tính giá là một phương pháp kế toán biểu hiện các đối tượng kế toán bằng tiền theo những nguyên tắc và yêu cầu nhất định..
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Ý nghĩa của việc tính giá trong công tác quản lý. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.