Bản chất của văn hóa tổ chức
Bản chất của văn hóa tổ chức được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Bản chất của văn hóa tổ chức
Con người bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa trong đó họ sống. Ví dụ, một người lớn lên trong gia đình sẽ được dạy về những điểm chung của gia đình như cá giá trị, niềm tin và những hành vi mong đợi. Điều này cũng đúng với các thành viên trong một tổ chức. Một xã hội có nền văn hóa của nó, và một tổ chức cũng có văn hóa tổ chức.
Khái niệm văn hóa tổ chức
Khi con người tham gia một tổ chức, họ mang vào trong tổ chức những giá trị và niềm tin mà họ đã học được. Tuy nhiên, dường như rất thường xuyên, những giá trị và niềm tin là không đủ để giúp các cá nhân thành công trong tổ chức. Con người cần học cách thức mà một tổ chức cụ thể giải quyết các vấn đề.
Khi bắt đầu một công việc mới, người công nhân có thể nghe:” Đây chính là cách chúng ta sẽ thực hiện công việc”. Văn hóa công ty đó chính là một hệ thống các giá trị, niềm tin và thói quen được chia sẻ. Nó ảnh hưởng lẫn nhau đến các nhóm chính thức và cấu trúc tổ chức và tạo ra các tiêu chuẩn hành vi”. Những điều này liên quan đến các tiêu chuẩn, các giá trị và chuẩn mực được chia sẻ bởi các thành viên trong tổ chức nhằm cung cấp lời chỉ dẫn về hành vi cho người công nhân.
Theo Edgar Schein- nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất về văn hóa tổ chức- định nghĩa văn hóa tổ chức: “Một dạng của những giá trị cơ bản- được sáng tạo, được khám phá hoặc được phát triển bởi các nhóm khi họ học về cách thức giải quyết với những vấn đề của thích ứng với môi trường bên ngoài và hội nhập bên trong- những giả định cơ bản này đã vận hành tốt và được quan tâm là có giá trị và vì vậy được dạy cho những thành viên mới như những cách thức đúng để nhận thức, suy nghĩ, và cảm giác trong các quan hệ với các vấn đề”.
Joanne Martin chú trọng vào những viên cảnh khác nhau của văn hóa trong các tổ chức: “Khi một cá nhân liên hệ với một tổ chức, họ liên hệ với những chuẩn mực, những câu chuyện mà mọi người kể về những điều đang diễn ra, những thủ tục và nguyên tắc chính thức của tổ chức, những dạng hành vi chính thức của tổ chức, những nghi lễ, nhiệm vụ, hệ thống trả công lao động, những biệt ngữ mà chỉ những người bên trong mới hiểu. Những yếu tố này là một phần những cái gắn liền với văn hóa tổ chức.”
Văn hóa tổ chức là một chủ đề phức tạp, mặc dù có những sự không nhất trí giữa các nhà nghiên cứu về khái niệm này song phần lớn các định nghĩa đã nhận dạng tầm quan trọng của những chuẩn mực và giá trị chung mà những giá trị và chuẩn mực này chỉ dẫn các hành vi của các cá nhân trong tổ chức. Sự thật là những giá trị và chuẩn mực này không chỉ được dạy cho những người mới tới, mà những người mới tới cũng cố gắng và muốn học về văn hóa tổ chức của họ.
Văn hóa hầu như có ở mỗi công ty và nó đại diện cho công ty, tất cả những chỉ dẫn chung về cách thức làm việc, các vấn đề phát sinh và các cơ hội được định nghĩa. Nó xác định việc phân phối các nguồn lực, cơ cấu tổ chức, các hệ thống được sử dụng, nhân công được thuê, sự hòa hợp giữa công việc và con người và các kết quả, mục tiêu cần đạt được. Văn hóa công ty liên quan đến khái niệm bầu không khí, môi trường tổ chức. Như thời tiết được định nghĩa là một hệ thống các biến số như nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa. Văn hóa công ty phản ánh các đặc tính, các tính chất như sự thân thiện, sự hỗ trợ giúp đỡ và chấp nhận rủi ro. Mỗi cá nhân sẽ nhận thức công việc, cơ cấu tổ chức và văn hóa công ty trong một giai đoạn thời gian khi anh ta làm việc dưới sự chỉ dẫn của người giám sát và thông qua các chính sách của tổ chức. Vì vậy, văn hóa công ty ảnh hưởng, tác động đến sự thỏa mãn và hoàn thành công việc. Mỗi cá nhân có thể sẽ cảm nhận văn hóa tổ chức theo các cách khác nhau tùy thuộc và đặc tính cá nhân và sự tham khảo nhưng sẽ cùng chia sẻ chung những giá trị, các chuẩn mực được mong đợi. Những nhân viên không thỏa mãn có thể sẽ rời tổ chức với kỳ vọng sẽ tìm thấy một nền văn hóa hợp tác hơn tại công ty khác. Văn hóa công ty đóng vai trò như là nội lực của việc thiết lập các mục tiêu và nhiệm vụ của công ty.
Những đặc tính quan trọng của văn hóa tổ chức
a-Tính hợp thức của hành vi: Khi các cá nhân trong tổ chức tương tác với nhau, họ sử dụng cùng một ngôn ngữ, thuật ngữ và những nghi lễ liên quan tới sự tôn kính và những cách cư xử.
b- Các chuẩn mực: những tiêu chuẩn của hành vi.
c- Các giá trị chính thống: Có những giá trị chủ yếu mà tổ chức tán thành, ủng hộ và mong đợi những người tham gia chia sẻ nó.
d- Triết lý: Có những chính sách xác định những niềm tin của tổ chức về cách thức đối xử với người lao động, khách hàng và người tiêu dùng.
e- Những luật lệ: Có những nguyên tắc chặt chẽ liên quan tới việc được chấp nhận là thành viên của tổ chức. Những người mới tới luôn phải học những điều này để được chấp nhận là thành viên một cách đầy đủ của nhóm và tổ chức.
f- Bầu không khí tổ chức: Tổng thể những cảm giác được tạo ra từ những điều kiện làm việc, những cách thức cư xử và tương tác, và những cách thức mà những thành viên quan hệ với khách hàng và những người bên ngoài.
Các đặc tính trên được sự ủng hộ khác nhau của các nhà nghiên cứu khác nhau. Hiện nay vẫn có sự tranh luận về các đặc tính trên, ví dụ có sự tranh luận về sự tương đồng và sự khác biệt giữa văn hóa tổ chức và bầu không khí tổ chức. Hơn nữa, trong các tổ chức của các quốc gia khác nhau tầm quan trọng (ưu tiên) của 6 đặc tính trên là không giống nhau. Ví dụ như đối với các công ty Mỹ việc thực hiện các chỉ tiêu tài chính đóng vai trò quan trọng trong những giá trị văn hóa của công ty, trong khi đó các công ty Nhật Bản lại đặt tầm quan trọng cao vào sự trung thành và uy tín.
Sự đồng nhất của văn hóa tổ chức
Có một nhận thức sai lầm là các tổ chức có văn hóa giống nhau. Thực chất, tất cả các tổ chức đều có văn hóa của nó song văn hóa của mỗi tổ chức gắn liền với văn hóa của xã hội trong đó tổ chức tồn tại. Theo quan điểm này, văn hóa tổ chức là nhận thức chung được nắm giữ bởi các thành viên của tổ chức. Tất cả các thành viên của một tổ chức phải chia sẻ và có chung nhận thức này. Tuy nhiên, mức độ chia sẻ là không giống nhau, và vì thế có văn hóa chính thống và văn hóa nhóm trong các tổ chức.
Văn hóa chính thống là những giá trị cốt lõi được chia sẻ bởi đa số các thành viên trong tổ chức. Ví dụ, nhiều tổ chức trên thế giới hiện nay đã tạo ra được những giá trị cốt lõi được chia sẻ giữa các thành viên trong tổ chức của nó như: trung thành với công ty, có trách nhiệm với những nhu cầu của khách hàng, sáng tạo, chất lượng sản phẩm. Những giá trị này tạo ra văn hóa chính thống trong tổ chức và nó giúp chỉ dẫn các hành vi hàng ngày của người lao động.
Một điểm quan trọng và thường bị coi nhẹ là văn hóa nhóm trong tổ chức. Văn hóa nhóm trong tổ chức là những giá trị được chia sẻ bởi thiểu số các thành viên trong tổ chức. Văn hóa nhóm là kết quả của những vấn đề hoặc những kinh nghiệm được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của một bộ phận hoặc một đơn vị trong tổ chức. Văn hóa nhóm có thể làm yếu hoặc xói mòn văn hóa tổ chức nếu nó mâu thuẫn với văn hóa chính thống và với các mục tiêu tổng thể. Tuy nhiên các công ty thành công chỉ ra rằng không phải bao giờ cũng như vậy. Phần lớn các văn hóa nhóm được hình thành để giúp các thành viên của một nhóm cụ thể trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể hàng ngày mà họ phải đối mặt.
Văn hóa mạnh và văn hóa yếu
Một số văn hóa tổ chức có thể được gọi là “mạnh”, một số khác có thể được gọi là “yếu”. Những người lãnh đạo mạnh tạo ra văn hóa mạnh. Tuy nhiên bên cạnh nhân tố về lãnh đạo còn có hai nhân tố chủ yếu xác định sức mạnh của văn hóa tổ chức đó là sự chia sẻ và cường độ. Sự chia sẻ đề cập tới mức độ theo đó các thành viên trong tổ chức có cùng những giá trị cốt lõi. Cường độ là mức độ của sự tích cực nhiệt tình của các thành viên tổ chức với các giá trị cốt lõi.
Mức độ của sự chia sẻ bị ảnh hưởng của hai nhân tố chủ yếu: sự định hướng và các phần thưởng. Để cho mọi người trong tổ chức chia sẻ cùng những giá trị cốt lõi, họ phải hiểu những giá trị cốt lõi đó là gì. Rất nhiều tổ chức bắt đầu quá trình này bằng một chương trình định hướng và hội nhập. Những người mới tới được nói cho biết về triết lý và các phương pháp vận hành của công ty. Sự định hướng này tiếp tục tại nơi làm việc khi người lãnh đạo và các cộng sự chia sẻ những giá trị này thông qua lời nói à những thói quen công việc hàng ngày. Sự chia sẻ cũng bị ảnh hưởng bởi các phần thưởng. Khi các tổ chức thực hiện sự thăng tiến, tăng lương, nhận dạng, và các hình thức khác của phần thưởng đối với người trung thành với những giá trị cốt lõi chủ yếu thì những hành động này giúp những người khác trong tổ chức hiểu rõ hơn về những giá trị đó. Một số tổ chức được gọi là “nơi tốt nhất để làm việc” vì những phần thưởng mà nó trao cho người lao động là để làm gương và giúp củng cố sự nhiệt tình tích cực với những giá trị cốt lõi.
Mức độ của cường độ là kết quả của cấu trúc phần thưởng. Khi những người lao động hiểu rằng họ sẽ được thưởng cho việc thực hiện công việc theo cách thức của tổ chức, mong muốn của họ để làm điều đó sẽ tăng lên. Ngược lại, khi họ không được thưởng hoặc họ cảm thấy rằng họ sẽ được nhiều hơn khi làm việc ít hơn theo cách thức của tổ chức thì sự nhiệt tình tích cực với những giá trị cốt lõi bị giảm. Tiền vẫn đóng một vai trò quan trọng song sự nhận dạng và các phần thưởng phi vật chất cũng rất quan trọng. Khảo sát văn hoá của các tổ chức người ta thấy rằng các tổ chức thành công đều có văn hóa mạnh.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Bản chất của văn hóa tổ chức về khái niệm văn hóa tổ chức, sự đồng nhất của văn hóa tổ chức, những đặc tính quan trọng của văn hóa tổ chức....
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Bản chất của văn hóa tổ chức. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.