Bình giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Văn mẫu lớp 9: Bình giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Đồng chí
Có thể nói chưa bao giờ hình ảnh người lính được đưa vào thơ ca một cách sinh động và tuyệt đẹp như trong giai đoạn văn học 1945 – 1975. Có lẽ cái ấn tượng ban đầu sâu sắc nhất trong lòng người đọc là hình tượng người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp được thể hiện trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Bài thơ ra đời vào khoảng đầu năm 1948, là kết quả của những trải nghiệm thực và những cảm xúc sâu xa, mạnh mẽ của tác giả với đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông năm 1947).
Khác với một số tác phẩm đương thời là khi viết về người lính cách mạng thường chủ yếu khai thác cảm hứng lãng mạn anh hùng với những hình ảnh có tính ước lệ mang dáng dấp tráng sĩ như bài Tây Tiến của Quang Dũng: “Áo bào thay chiếu anh về đất – Sông Mã gầm lên khúc độc hành” hoặc như trong bài Ngày về của Chính Hữu: “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm – Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” thì ở bài Đồng chí, ông đã mở ra một khuynh hướng mới khi viết về người lính cách mạng: cảm hứng thơ hướng về chất thực của đời sống người lính, khai thác cái đẹp và chất thơ trong cái bình dị, bình thường, không nhấn mạnh cái phi thường.
“Đồng chí” được coi như là tiếng nói trung thực về tình cảm đồng đội, đồng chí cao cả thiêng liêng của những người nông dân mặc áo lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ là những con người ra đi từ những làng quê nghèo khó.
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Trong cảnh ngộ chung ấy, khiến họ dễ dàng đồng cảm với nhau, hòa điệu với nhau để trở thành những người bạn thân thiết tha có thể nhận ngay ra rằng: cơ sở của tình bạn được bắt đầu từ tình yêu giai cấp. Bởi ở họ, dù là người xuất thân từ quê hương “nước mặn đồng chua” hoặc ở làng quê “đất cày lên sỏi đá”, nhưng ngay từ những phút đầu gặp nhau họ đã tỏ ra thân thiện, không chỉ là hiểu nhau mà còn thân mật với nhau qua cách xưng hô “quê hương anh”, “làng tôi”. Tất cả đều được nhà thơ cảm nhận và thể hiện hết sức cô đúc về tình đồng đội vừa gắn bó, vừa cao cả thiêng liêng ở họ, không chỉ có tình đồng đội mà còn có chung một lý tưởng và mục đích chiến đấu.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Thật cao cả và ấm áp tình người! Đứng trước tiếng gọi của lịch sử, họ từ mọi phương trời về đây để họp thành đồng đội và trở thành tri kỷ. Ở câu thơ thứ bảy, chỉ có một từ với hai tiếng và dấu chấm than: “Đồng chí!” vang lên như một lời khẳng định, khái quát sự kết tinh tình cảm, cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí keo sơn giữa những người đồng đội đầy xúc động và thiêng liêng đã được thể hiện ở sáu dòng thơ đầu, đồng thời tiếp tục khơi mở trong những hình ảnh chi tiết biểu hiện cụ thể, thấm thía tình đồng chí và sức mạnh của nó trong những dòng thơ tiếp theo. Với cách sử dụng một cấu trúc đặc biệt ở câu thơ thứ 7, chứng tỏ bản lĩnh nghệ thuật của Chính Hữu khi viết về tình cảm đồng đội, đồng chí.
Từ tình cảm đồng đội, đồng chí keo sơn gắn bó đó mà họ rất hiểu và thông cảm cho nhau trong mọi hoàn cảnh:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Tấm lòng của họ đối với đất nước thật cảm động. Khi đất nước có giặc, họ quyết ra đi và để lại phía sau lưng mình mảnh ruộng chưa cày, “mặc kệ” những ngôi nhà bị gió tốc lung lay. Nghĩa cử của họ sao mà đẹp quá! Dẫu biết rằng họ ra đi kháng chiến là tạm thời đoạn tuyệt với gia đình, bè bạn, nhưng trong lòng họ sao quên được hình bóng quê hương, vì ở đó, các anh em còn có mẹ già, vợ con, người thân đang trông ngóng các anh trở về:
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Tình cảm đồng đội, đồng chí còn được biểu hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là sự san sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Từ trải nghiệm thực của đời lính mà nhất là sự kết hợp giữa cái chất thi sĩ và chiến sĩ, Chính Hữu đã khắc họa một hiện thực khó khăn đến mức tối đa của người lính cách mạng. Đó là cái cách trang phục phong phanh giữa mùa đông giá lạnh nơi chiến trường Việt Bắc: “Áo anh rách vai – Quần tôi có vài mảnh vá… Chân không giày”. Vậy mà phải trải qua những “cơn ớn lạnh” những “cơn sốt run người”. Thực ra cái khó khăn không phải là điều chủ yếu Chính Hữu muốn nói ra ở đây. Cái ta cần hiểu là phải nhận ra từ trong hiện thực khắc nghiệt để toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Đó là tình đồng đội, đồng chí mà họ sẵn sàng chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khắc nghiệt của thực tại để hoàn thành mục đích cao cả là chiến đấu cho độc lập dân tộc tự do của dân tộc. Từ trong cái rét run người ấy, họ chuyền tay nhau cùng nắm chặt để truyền hơi ấm cho nhau. Có thể nói, đây là một phát hiện và thể hiện một cách tinh tế và tình cảm đồng đội, đồng chí mà bản thân nhà thơ – người lính cách mạng ấy đã nhận ra từ đời sống thực của cuộc chiến đấu gian khổ nhưng đầy tinh thần lạc quan yêu đời, và luôn chia sẻ cảm thông cho nhau. Đặc biệt với hình ảnh “miệng cười buốt giá” làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn người lính. Họ yêu đời lạc quan và sẵn sàng động viên nhau lúc gian khổ để xua đi cái lạnh lẽo giá buốt nơi rừng hoang sương muối. Từ những câu thơ quá ư mộc mạc, giản dị này, Chính Hữu đã vẽ nên chân dung người lính cách mạng, mà ở họ có một tình cảm chân thật và tuyệt đẹp đã làm xúc động đến mọi thế hệ bạn đọc.
Tình cảm đẹp đẽ ấy cũng được Chính Hữu thể hiện một cách cụ thể, sinh động ở đoạn cuối bài thơ:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo!
Từ hiện thực khắc nghiệt của cảnh “rừng hoang sương muối” những người đồng chí, đồng đội cùng nhau vững tay súng để chờ giặc tới như một hành động sẵn sàng chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, vì độc lập tự do cho dân tộc. Trong cái cảnh vắng lặng bát ngát nơi rừng khuya, trăng bất ngờ xuất hiện chơi vơi, lơ lửng nơi đầu súng – Hình ảnh người lính “áo vải chân không” hiện lên trong vẻ đẹp bình dị nhưng lại đầy chất thơ.
Hình ảnh “đầu súng trăng treo” là nét sáng tạo độc đáo thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của Chính Hữu. Trăng và súng được đặt trong mối quan hệ với nhau để làm tôi vẻ đẹp hoàn mỹ nhất: VẺ ĐẸP NGƯỜI LÍNH – một vẻ đẹp không mang dáng dấp tráng sĩ như Chính Hữu có lần nhắc đến trong Ngày về hoặc trong Tây Tiến của Quang Dũng, mà cái đẹp ở đây là hình ảnh người lính nông dân ra trận vì lí tưởng độc lập tự do cho dân tộc. Để thực hiện lí tưởng cao đẹp đó, họ phải trải qua những cơn ớn lạnh nơi rừng hoang sương muối, mà đứng sát bên nhau trong những đêm hành quân phục kích và tìm trong nhau hơi ấm của tình người.
Bài thơ là bức tranh trung thực nhất về vẻ đẹp của người lính cách mạng nông dân. Đó là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà trong sáng cao cả của tình đồng chí thiêng liêng gắn bó với tình cảm giác ngộ sâu sắc. Bài Đồng chí được xem như là một trong những tác phẩm khởi đầu trong bút pháp hiện thực viết về người lính.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: