Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 có đáp án

Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 có đáp án là tài liệu ôn tập giữa kì giúp các em học sinh ôn luyện, củng cố kiến thức các dạng bài tập hay chuẩn bị cho bài thi giữa học kì 2 lớp 3 tốt nhất.

Đề thi giữa kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 - Đề 1

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Hai Bà Trưng (Trang 4 – TV3/T2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 – TV3/T2)

3. Ông tổ nghề thêu (Trang 22 – TV3/T2)

4. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 – TV3/T2)

5. Nhà ảo thuật (Trang 40 – TV3/T2)

6. Mặt trời mọc ở đằng… tây! (Trang 52 – TV3/T2)

7. Hội vật (Trang 58 – TV3/T2)

8. Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử (Trang 65 – TV3/T2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Rùa và Thỏ

Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông, Rùa đang cố sức tập chạy. Thỏ trông thấy liền mỉa mai Rùa:

- Đồ chậm như sên. Mày mà cũng đòi tập chạy à?

- Anh đừng giễu tôi. Anh với tôi thử chạy thi, coi ai hơn?

Thỏ vểnh tai tự đắc:

- Được, được !ời dám chạy thi với ta sao? Ta chấp mi một nửa đường đó.

Rùa không nói gì. Nó biết mình chậm chạp, nên có sức chạy thật nhanh. Thỏ nhìn theo mỉm cười. Nó nghĩ : Ta chưa cần chạy vội, đợi Rùa gần đến đích ta phóng cũng vừa. Nó nhởn nhơ trên đường, nhìn trời, nhìn mây. Thỉnh thoảng nó lại nhấm nháp vài ngọn cỏ non, có vẻ khoan khoái lắm.

Bỗng nó nghĩ đến cuộc thi, ngả đầu lên thì đã thấy Rùa chạy gần tới đích. Nó cắm cổ chạy miết nhưng khôn nữa. Rùa đã tới đích trước nó.

(Theo La Phông - ten)

1. Vì sao có cuộc chạy thi giữa Rùa và Thỏ? (0,5 điểm)

A. Rùa thích chạy thi với Thỏ

B. Thỏ thách Rùa chạy thi

C. Thỏ chê Rùa chậm chạp khiến Rùa quyết tâm chạy thi.

D. Rùa muốn thách Thỏ chạy thi với mình.

2. Thỏ chế giễu Rùa như thế nào? (0,5 điểm)

A. Bảo Rùa là chậm như sên.

B. Bảo Rùa thử chạy thi xem ai hơn .

C. Bảo Rùa “Anh đừng giễu tôi”

D. Bảo Rùa là đồ đi cả ngày không bằng một bước nhảy của Thỏ.

3. Rùa đã chạy thi như thế nào? (0,5 điểm)

A. Cố sức chạy thật nhanh.

B. Vừa chạy vừa nhìn theo Thỏ mỉm cười.

C. Chưa cần chạy vội.

D. Vừa chạy vừa hái hoa.

4. Thỏ đã chạy thi như thế nào? (0, 5 điểm)

A. Không chạy ngay mà nhởn nhơ trên đường.

B. Không chạy mà chỉ hái hoa, bắt bướm.

C. Khi Rùa đến gần đích mới bắt đầu chạy.

D. Cả ba ý trên.

5. Vì sao Thỏ thua Rùa? (0.5 điểm)

A. Rùa chạy nhanh hơn Thỏ.

B. Rùa cố gắng còn Thỏ chủ quan, coi thường Rùa.

C. Rùa dùng mưu mà Thỏ không biết.

D. Rùa vừa chạy vừa chơi mà vẫn tới đích trước.

6. Gạch dưới bộ phận trả lời câu hỏi “Để làm gi? (0,5 điểm)

Rùa đang cố hết sức tập để chuẩn bị thi chạy với Thỏ.

7. Qua câu chuyện trên em hiểu được điều gì? (1 điểm)

8. Điền l hoặc n vào chỗ trống: (1 điểm)

Mùa …….ắng, đất …….ẻ chân chim, …….ền nhà cũng rạn …….ứt. Trên cái đất phập phều và …….ắm gió …….ắm dông như thế, cây đứng …….ẻ khó mà chống chọi …….ổi.

9. Gạch dưới bộ phận trả lời câu hỏi Khi nào? trong mỗi câu sau: (1 điểm)

a) Hỡi các loài chim, ngày mai, trong các ngươi có kẻ nào dám đọ sức kêu to, ăn nhiều, bay cao cùng ta không?

b) Bé Na bừng tỉnh khi tiếng gà trống gáy “Ò...ó...o....”

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Ở lại với chiến khu

Bỗng một em cất tiếng hát, cả đội đồng thanh hát vang:

“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có mong chi đâu ngày trở về

Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi, ra đi thà chết không lui....”

Tiếng hát bay lượn trên mặt suối, tràn qua lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh tối, làm cho lòng người chỉ huy ấm hẳn lên.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Hãy viết về một người lao động trí óc mà em biết theo gợi ý sau:

a) Người đó là ai, làm nghề gì?

b) Người đó hằng ngày làm những việc gì?

c) Người đó làm việc như thế nào?

d) Tình cảm của em đối với người đó?

Đáp án Đề thi giữa kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 - Đề 1

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) C. Thỏ chê Rùa chậm chạp khiến Rùa quyết tâm chạy thi.

2. (0.5 điểm) A. Bảo Rùa là chậm như sên.

3. (0.5 điểm) A. Cố sức chạy thật nhanh.

4. (0.5 điểm) D. Cả ba ý trên.

5. (0.5 điểm) B. Rùa cố gắng còn Thỏ chủ quan, coi thường Rùa.

6. (0.5 điểm)

Rùa đang cố hết sức tập để chuẩn bị thi chạy với Thỏ.

7. (1 điểm)

Qua câu chuyện trên em hiểu rằng mình không nên chủ quan và coi thường người khác. Mỗi người đều có thế mạnh của riêng mình và cần được tôn trọng.

8. (1 điểm)

Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió lắm dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống chọi nổi.

9. (1 điểm)

a) Hỡi các loài chim, ngày mai, trong các ngươi có kẻ nào dám đọ sức kêu to, ăn nhiều, bay cao cùng ta không?

b) Bé Na bừng tỉnh khi tiếng gà trống gáy “Ò...ó...o....”

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung:

Viết được mỗi ý sau, mỗi ý 1 điểm

a) Người đó là ai, làm nghề gì?

b) Người đó hằng ngày làm những việc gì?

c) Người đó làm việc như thế nào?

d) Tình cảm của em đối với người đó?

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Cô Hồng-hàng xóm thân thiết của nhà em-là một kĩ sư nông nghiệp. Hàng ngày, cô đến Sở Nông nghiệp để làm việc. Cô chuyên nghiên cứu các giống cây trồng và vật nuôi với mong muốn sẽ tạo ra nhiều giống mới đạt chất lượng và năng suất cao, giúp ích cho người nông dân. Cô rất tận tụy và say mê công việc của mình. Tuy là một kĩ sư nhưng cô rất giản dị, gần gũi với người lao động để trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Nhờ vậy, cô luôn được mọi người quý mến. Em rất biết ơn cô và nguyện ra sức học tập để sau này trở thành một người có ích.

Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 - Đề 2

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Hai Bà Trưng (Trang 4 – TV3/T2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 – TV3/T2)

3. Ông tổ nghề thêu (Trang 22 – TV3/T2)

4. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 – TV3/T2)

5. Nhà ảo thuật (Trang 40 – TV3/T2)

6. Mặt trời mọc ở đằng… tây! (Trang 52 – TV3/T2)

7. Hội vật (Trang 58 – TV3/T2)

8. Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử (Trang 65 – TV3/T2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Cây gạo

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng gọi nhau, trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy!

Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im, cao lớn, hiền lành, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ.

Theo Vũ Tú Nam

1. Mục đích chính của bài văn trên là tả sự vật nào? (0.5 điểm)

A. Tả cây gạo.

B. Tả chim.

C. Tả cây gạo và chim.

2. Bài văn tả cây gạo vào thời gian nào? (0.5 điểm)

A. Mùa hè.

B. Mùa xuân.

C. Vào hai mùa kế tiếp nhau.

3. Câu: “Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi.” thuộc mẫu câu nào? (0.5 điểm)

A. Ai làm gì?

B. Ai thế nào?

C. Ai là gì?

4. Bài văn trên có mấy hình ảnh so sánh? (0.5 điểm)

A. 1 hình ảnh.

B. 2 hình ảnh.

C. 3 hình ảnh.

5. Trong câu “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.” tác giả nhân hóa cây gạo bằng cách nào? (1 điểm)

A. Dùng một từ chỉ hoạt động của người để nói về cây gạo.

B. Gọi cây gạo bằng một từ vốn dùng để gọi người.

C. Nói với cây gạo như nói với con người.

6. Đặt câu hỏi cho bộ phận được in đậm trong câu sau: (0.5 điểm)

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.

7. Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống: (1.5 điểm)

tuần tra, canh gác, xây dựng, bảo vệ, gìn giữ, non sông

a. Thành phố ngổn ngang gạch vữa vì đang được........

b. Các chú bộ đội ngày đêm giữ vững tay súng để........... biên cương.

c............ Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

8. Đặt dấu chấm, dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong đoạn văn dưới đây rồi chép lại vào dòng bên dưới. (1 điểm)

Với người Hà Nội Hồ Gươm là một mảnh tâm hồn của mình những ngày mùa thu nước Hồ gươm đầy ắp những ngày hè gió lộng tưởng như gió lặn trong lòng hồ chiều đến gió mưới cất cánh bay lên.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử

Sau khi về trời, Chử Đồng Tử còn nhiều lần hiển linh giúp dân đánh giặc.

Nhân dân ghi nhớ công ơn Chử Đồng Tử, lập đền thờ ở nhiều nơi bên sông Hồng. Cũng từ đó hằng năm, suốt mấy tháng mùa xuân, cả một vùng bờ bãi sông Hồng lại nô nức làm lễ, mở hội để tưởng nhớ ông.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Viết một đoạn văn nói về một ngày hội mà em biết theo gợi ý sau:

a) Đó là hội gì?

b) Hội được tổ chức khi nào? Ở đâu?

c) Mọi người đi xem hội như thế nào?

d) Hội được bắt đầu bằng hoạt động gì?

e) Hội có những trò vui gì (chơi cờ, đấu vật, kéo co, đua thuyền, ném còn, ca hát, nhảy múa,…)?

g) Cảm tưởng của em về ngày hội đó như thế nào?

Đáp án Đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 - Đề 2

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) A. Tả cây gạo.

2. (0.5 điểm) C. Vào hai mùa kế tiếp nhau.

3. (0.5 điểm) C. Ai là gì?

4. (0.5 điểm) C. 3 hình ảnh.

5. (1 điểm) A. Dùng một từ chỉ hoạt động của người để nói về cây gạo.

6. (0.5 điểm)

Cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim vào khi nào?

7. (1.5 điểm)

a. Thành phố ngổn ngang gạch vữa vì đang được xây dựng.

b. Các chú bộ đội ngày đêm giữ vững tay súng để canh gác biên cương.

c. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

8. (1 điểm)

Với người Hà Nội, Hồ Gươm là một mảnh tâm hồn của mình. Những ngày thu, nước Hồ Gươm đầy ắp. Những ngày hè gió lộng, tưởng như gió lặn trong lòng hồ, chiều đến gió mới cất cánh bay lên.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung:

Bài viết đầy đủ các ý sau:

a) Đó là hội gì? (0.5 điểm)

b) Hội được tổ chức khi nào? Ở đâu? (0.5 điểm)

c) Mọi người đi xem hội như thế nào? (1 điểm)

d) Hội được bắt đầu bằng hoạt động gì? (0.5 điểm)

e) Hội có những trò vui gì (chơi cờ, đấu vật, kéo co, đua thuyền, ném còn, ca hát, nhảy múa,…)? (1 điểm)

g) Cảm tưởng của em về ngày hội đó như thế nào? (0.5 điểm)

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Cứ vào đầu xuân, quê em lại háo hức tổ chức hội đua thuyền. Ngày thi đã tới, hai bên bờ sông Trà Giang nhộn nhịp, đông đúc như mở hội. Mọi người nóng lòng chờ đợi cuộc đua, họ mang theo cả cờ và trống đến để cổ vũ cho đội nhà. Những chiếc thuyền đua được trang trí đẹp mắt, thuyền nào cũng cắm cờ. Các vận động viên trên thuyền là những chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ và nhanh nhẹn. Khi nghe hiệu lệnh thối còi của ban tổ chức, mọi người đều hướng mắt ra phía trước. Khi nhận được khẩu lệnh "bắt đầu", những chiếc thuyền hối hả tiến nhanh, các tay đua thoăn thoắt, không ngừng nghỉ. Nước bắn tung tóe, tiếng trống giục "tùng ! tùng !" vang dội. Khán giả cổ vũ bằng những tràng pháo tay rộn rã. Tiếng cười, tiếng nói cùng tiếng gọi nhau í ới đã làm cho khung cảnh ngày hội thật náo nhiệt. Đây là một trò chơi dân gian rất bổ ích và lí thú.

Đề thi giữa kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 - Đề 3

A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Hai Bà Trưng (Trang 4 – TV3/T2)

2. Chú ở bên Bác Hồ (Trang 16 – TV3/T2)

3. Ông tổ nghề thêu (Trang 22 – TV3/T2)

4. Nhà bác học và bà cụ (Trang 31 – TV3/T2)

5. Nhà ảo thuật (Trang 40 – TV3/T2)

6. Mặt trời mọc ở đằng… tây! (Trang 52 – TV3/T2)

7. Hội vật (Trang 58 – TV3/T2)

8. Sự tích lễ hội Chử Đồng Tử (Trang 65 – TV3/T2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chú dế sau lò sưởi

Buổi tối ấy, nhà Mô-da thật yên tĩnh. Cậu bé thiu thiu ngủ trên ghế bành.

Bỗng dưng! … Hình như có một cái gì đó đã xảy ra? Có một âm thanh kéo dài lạ lùng làm sao. Mô-da nghĩ: “Chắc hẳn ánh trăng mảnh dẻ bị giá lạnh, tan vỡ ra, đập vào cửa sổ…”

Cậu bé đứng dậy tìm kiếm. Và đây… Đúng là có một chú dế sau lò sưởi với “cây vĩ cầm” của mình. Dế kéo đàn hay đến nỗi cậu bé không nén nổi phải kêu lên:

- Chao ôi, hay quá! Ước gì tôi trở thành nhạc sĩ nhỉ?

Rồi chỉ ít lâu sau, chú bé chinh phục được cả công chúng thủ đô nước Áo. Bản nhạc kết thúc mà giây phút im lặng vẫn còn kéo dài. Phải chăng tiếng vọng của âm thanh đang lịm dần trong mỗi trái tim? Nhưng kìa, gian phòng bỗng sống lại: “Thật là tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!”.

Sau này, nhạc sĩ Mô-da thường nhắc đến chú dế với tấm lòng biết ơn.

(G.Xư-phe-rốp – Nam Cường dịch)

1. Buổi tối ấy, trong căn nhà yên tĩnh, Mô-da được chứng kiến sự việc gì? (0.5 điểm)

A. Âm thanh của ánh trăng bị giá lạnh, tan vỡ ra, đập vào cửa sổ

B. Âm thanh kéo dài từ cây đàn vĩ cầm của nhà bên cạnh

C. Âm thanh kéo dài lạ lùng của chú dế kéo đàn sau lò sưởi

2. Sau khi nghe được âm thanh hấp dẫn, Mô-da mong muốn điều gì? (0.5 điểm)

A. Trở thành người ca sĩ

B. Trở thành người nhạc sĩ

C. Trở thành người nhạc công

3. Chi tiết nào cho thấy tài năng chơi đàn tuyệt diệu của Mô- da trước công chúng thủ đô nước Áo? (0.5 điểm)

A. Bản nhạc kết thúc mà giây phút im lặng vẫn còn kéo dài.

B. Bao cánh tay vung cao, nhắc đi nhắc lại: “Thật là tuyệt diệu!”

C. Cả hai chi tiết nói trên

4. Vì sao sau này, Mô-da thường nhắc đến chú dế với tấm lòng biết ơn? (0.5 điểm)

A. Vì chú dế đã khơi dậy ước mơ trở thành người chơi vĩ cầm giỏi

B. Vì chú dế đã khơi dậy ở Mô-da ước mơ trở thành người nhạc sĩ

C. Vì chú dế đã đánh thức tài năng âm nhạc tuyệt vời ở Mô-da

5. Em hãy viết một câu trong đó có sử dụng biện pháp nhân hóa. (1 điểm)

6. Đặt câu hỏi cho bộ phận trả lời câu hỏi Ở đâu? trong mỗi câu sau: (1 điểm)

a) Tuyết trắng đọng lại trên những cành cây như những bông hoa long lanh.

b) Anh Kim Đồng sinh ra ở quê hương Cao Bằng.

7. Điền d hoặc r vào chỗ trống: (1 điểm)

- Đường dài ...ằng ...ặc.

- Mưa rơi ...ả ...ích.

- Lửa cháy ...ừng ...ực.

8. Đặt dấu phẩy vào chỗ thích hợp trong mỗi câu sau. (1 điểm)

a. Tính thỏ hiền lành nhân hậu còn gà trống nhanh nhẹnh thông minh.

b. Tiếng cười nói xôn xao tiếng mái chèo khua nước ven sông người lên bến xuống thuyền nhộn nhịp.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)

I/ Chính tả (4 điểm)

Người sáng tác Quốc ca Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Cao tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Ông sáng tác bài hát “Tiến quân ca” trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Bài ca đã nhanh chóng phổ biến trong cả nước và được Quốc hội đầu tiên của nước ta chọn làm Quốc ca. Không chỉ sáng tác nhạc, Văn Cao còn vẽ tranh và làm thơ.

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Hãy kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em được xem theo gợi ý sau:

a) Đó là buổi biểu diễn gì?

b) Buổi biểu diễn được tổ chức ở đâu? Khi nào?

c) Em cùng xem với những ai?

d) Buổi diễn có những tiết mục gì?

e) Em thích tiết mục nào nhất? Hãy nói cụ thể về tiết mục ấy.

Đáp án Đề thi giữa kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 - Đề 3

A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

II/ Đọc hiểu (6 điểm)

1. (0.5 điểm) C. Âm thanh kéo dài lạ lùng của chú dế kéo đàn sau lò sưởi

2. (0.5 điểm) B. Trở thành người nhạc sĩ

3. (0.5 điểm) C. Cả hai chi tiết nói trên

4. (0.5 điểm) B. Vì chú dế đã khơi dậy ở Mô-da ước mơ trở thành người nhạc sĩ

5. (1 điểm)

Gợi ý:

- Chiếc máy xúc đang dang cánh tay khổng lồ ra múc đất.

- Chú cá vàng vừa uốn lượn, vừa vẫy chiếc vây xinh như đang nhảy múa.

- Cây chuối mẹ dang rộng cánh tay để bảo vệ cho đàn con nhỏ.

6. (1 điểm)

a) Tuyết trắng đọng lại như những bông hoa long lanh ở đâu?

b) Anh Kim Đồng sinh ra ở đâu?

7. (1 điểm)

- Đường dài dằng dặc.

- Mưa rơi rả rích.

- Lửa cháy rừng rực.

8. (1 điểm)

a. Tính thỏ hiền lành, nhân hậu còn gà trống nhanh nhẹnh, thông minh.

b. Tiếng cười nói xôn xao, tiếng mái chèo khua nước ven sông, người lên bến xuống thuyền nhộn nhịp.

B. KIỂM TRA VIẾT

I/ Chính tả (4 điểm)

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm

II/ Tập làm văn (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

* Về nội dung:

Trong bài viết đầy đủ các ý sau:

a) Đó là buổi biểu diễn gì?(0.5 điểm)

b) Buổi biểu diễn được tổ chức ở đâu? Khi nào? (0.5 điểm)

c) Em cùng xem với những ai? (1 điểm)

d) Buổi diễn có những tiết mục gì? (1 điểm)

e) Em thích tiết mục nào nhất? Hãy nói cụ thể về tiết mục ấy. (1 điểm)

* Về hình thức:

- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm

- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm

- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm

Bài viết tham khảo:

Tối thứ bảy tuần trước, em được bố mẹ cho đi xem biểu diễn ca múa nhạc tại Cung Văn hoá Thiếu nhi của thành phố. Đúng mười chín giờ ba mươi phút, buổi biểu diễn bắt đầu. Lúc này khán giả đã ngồi chật tất cả các hàng ghế. Trên sân khấu, đèn bật sáng trưng. Cô dẫn chương trình ra giới thiệu về buổi biểu diễn và sau đó là một bản đồng ca hùng tráng vang lên, mở đầu cho đêm diễn. Tiếp sau đó là các bài đơn ca, các tiết mục múa được trình diễn xen kẽ nhau. Tiếng đàn, tiếng hát khi thì êm ái, du dương, khi lại sôi nổi, rộn ràng. Em vô cùng thích thú khi được xem buổi biểu diễn. Về tới nhà mà em còn nhớ mãi hai ca sĩ hát bài Bà Rằng bà Rí, một bài dân ca Bắc Bộ nói về nỗi khổ của một cô gái bị ép duyên phải lấy một anh chồng bé tẹo.

Như vậy, VnDoc.com đã gửi tới các bạn Bộ đề thi giữa học kì 2 lớp 3 môn Tiếng Việt năm 2020-2021 có đáp án. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo môn Toán lớp 3 nâng caobài tập môn Toán lớp 3 đầy đủ khác, để học tốt môn Toán hơn và chuẩn bị cho các bài thi đạt kết quả cao.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi giữa kì 2 lớp 3

    Xem thêm