Bộ đề thi học kì 1 lớp 8 môn Ngữ Văn năm học 2021 - 2022

Bộ đề thi học kì 1 năm học 2021 - 2022 môn Văn 8 do VnDoc biên soạn, bao gồm 8 đề kiểm tra Văn 8, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 8 luyện thêm đề môn Ngữ văn, nắm được cấu trúc đề thi, từ đó chuẩn bị tốt cho kì thi học kì học kì 1 sắp tới.

Bộ đề thi học kì 1 năm 2020 môn Văn 8 bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Tập làm văn giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 1

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bây giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng vì bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu lúc đó phả ra thơm tho lạ thường.”

Câu 1 (1đ): Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (1đ): Người mẹ trong đoạn trích được miêu tả như thế nào?

Câu 3 (2đ): Nêu cảm nghĩ của anh/chị về tình mẫu tử.

II. Làm văn (6đ):

Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 1

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (1đ):

Đoạn văn trên trích từ văn bản Trong lòng mẹ của tác giả Nguyên Hồng.

Câu 2 (1đ):

Người mẹ trong đoạn trích được miêu tả: không còm cõi xơ xác quá như lời người cô nói. Gương mặt vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má.

Câu 3 (2đ):

Cảm nghĩ về tình mẫu tử: học sinh tự nêu những cảm nhận của mình bằng đoạn văn ngắn dựa vào các gợi ý sau:

Tình mẫu tử là gì: là tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, đùm bọc của người mẹ dành cho con và những tình cảm, sự đền ơn đáp nghĩa của những người con đối với mẹ.

Suy nghĩ về tình mẫu tử: tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, nó là tiền đề để hình thành những tính cách, phẩm chất khác của con người,…

Hành động: mỗi chúng ta cần yêu thương, vâng lời, kính trọng mẹ của mình đồng thời có những hành động đền ơn đáp nghĩa thiết thực với mẹ của mình.

II. Làm văn (6đ):

Dàn ý Suy nghĩ của em về nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc.

2. Thân bài

a. Lão Hạc trước khi bán cậu Vàng

Lão Hạc một người đàn ông hơn 60 tuổi cũng như bao người đàn ông nông dân Việt Nam, cuộc sống đói khổ phải ăn khoai, ăn củ chuối và mọi thứ có thể ăn.

Tình cảm của Lão Hạc dành cho con chó của mình: Lão gọi con chó là cậu Vàng, coi nó như con của mình; hằng ngày chăm sóc và bầu bạn với nó. → Cậu Vàng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Lão Hạc.

→ Sự đói nghèo không làm lão tha hóa biến chất mà còn góp phần bộc lộ những tính cách, phẩm chất tốt đẹp của lão.

b. Lão Hạc sau khi bán cậu Vàng

Lão suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở rất nhiều mới quyết định bán cậu Vàng.

Hình ảnh đám người bắt cậu Vàng đi gây ám ảnh trong lòng lão Hạc khiến lão luôn day dứt. Sự ra đi của cậu Vàng làm cho lão buồn phiền vì lão chỉ có cậu bầu bạn và lão coi cậu như con mình.

Cái chết của Lão Hạc: Chết để tự giải thoát kiếp sống mòn; vì quá thương con, muốn giữ trọn vốn liếng cho con, giữ tiếng cho con. Chết để tránh bị đẩy vào con đường tha hóa, biến chất. Và để bù đắp tội lỗi vì đã lừa bán cậu Vàng. → Cái chết như một sự hi sinh tàn khốc vì tương lai, nó chứng tỏ sự bế tắc của hiện tại và minh chứng cho tấm lòng lương thiện của lão.

→ Hình tượng Lão Hạc được nhà văn Nam Cao xây dựng vừa gần gũi người dân vừa không kém phần bi thương gợi được sự thương cảm, đau xót từ bạn đọc.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

---------------------------

Đáp án đề thi học kì số 1: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 1.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 2

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau, hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.

Câu 1 (0,5đ): Thành quả sau những đau đớn mà ngọc trai phải chịu là gì?

Câu 2 (1đ): Khi bị những hạt cát xâm lăng, những chú trai đã có hành động gì?

Câu 3 (2,5đ): Viết một đoạn văn với chủ đề vươn lên trong cuộc sống.

II. Làm văn (6đ):

Đóng vai chị Dậu kể lại đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

Đáp án đề thi học kì số 2: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 2.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 3

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Câu 1 (1đ): Cảnh con thuyền ra khơi đánh cá được miêu tả như thế nào?

Câu 2 (1đ): Đoạn thơ sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Nên tác dụng.

Câu 3 (2đ): Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về vẻ đẹp lao động của những con người Việt Nam.

II. Làm văn (6đ):

Hóa thân vào nhân vật ông giáo kể lại chuyện Lão Hạc sang báo tin bán chó.

Đáp án đề thi học kì số 3: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 3.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 4

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Có thói quen tốt và có thói quen xấu. Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,… là thói quen tốt.

Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự là thói quen xấu. Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã hình thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa. […]

Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo nên nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội?

(Theo Băng Sơn, Giao tiếp đời thường)

Câu 1 (1đ): Theo tác giả, thế nào là thói quen tốt? Thế nào là thói quen xấu?

Câu 2 (1đ): Đoạn trích sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng.

Câu 3 (2đ): Để rèn luyện thói quen tốt bản thân em cần làm những gì?

II. Làm văn (6đ):

Diễn biến tâm lý chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”.

Đáp án đề thi học kì số 4: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 4.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 5

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Cuối thu

Cuối thu, trời biếc, lúa vàng bông,
Cỏ nhạt màu xanh, lá úa hồng,
Hôm tối chân trời sương tím phủ
Gió đưa hương lúa bốc thơm lừng.

(Đoàn Văn Cừ)

Câu 1 (0,5đ): Kể tên những màu sắc trong đoạn thơ trên.

Câu 2 (0,5đ): Đoạn thơ gợi cho em nghĩ đến mùa thu ở đâu?

Câu 3 (1đ): Đoạn thơ đã để lại cho em ấn tượng gì về mùa thu?

Câu 4 (2đ): Viết đoạn văn ngắn miêu tả mùa thu trên quê hương em.

II. Làm văn (6đ):

Hãy tưởng tượng mình là con trai Lão Hạc để kể lại câu chuyện ngày trở về quê hương thăm mộ cha.

Đáp án đề thi học kì số 5: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 5.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 6

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay bước đi từng bước nhẹ. Họ như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.”

Câu 1 (0,5đ): Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,5đ): Bối cảnh trong đoạn trích là gì?

Câu 3 (1đ): Đoạn trích sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng.

Câu 4 (2đ): Ghi lại những cảm xúc của em về ngày đầu tiên đi học bằng đoạn văn ngắn.

II. Làm văn (6đ):

Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ".

Đáp án đề thi học kì số 6: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 6.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 7

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.”

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,5đ): Kể tên những tính từ được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3 (1đ): Nêu nội dung chính của đoan trích.

Câu 4 (1,5đ): Đoạn trích để lại cho em những suy nghĩ gì? (Trình bày thành đoạn văn ngắn).

II. Làm văn (6đ):

Diễn biến tâm lí chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”.

Đáp án đề thi học kì số 7: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 7.

Đề thi học kì 1 môn Văn 8 Đề 8

I. Đọc hiểu văn bản (4đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Huế đẹp với cảnh sắc sông núi. Sông Hương đẹp như một dải lụa xanh bay lượn trong tay nghệ sĩ múa. Núi Ngự Bình như cái yên ngựa nổi bật trên nền trời trong xanh của Huế. Chiều đến, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên dòng nước dịu hiền của sông Hương. Những mái chèo thong thả buông, những giọng hò Huế ngọt ngào bay lượn trên mặt sóng, trên những ngọn cây thanh trà, phượng vĩ.”

(Dẫn theo Tiếng Việt thực hành)

Câu 1 (0,5đ): Những sự vật nào của Huế được nhắc đến trong đoạn trích trên?

Câu 2 (1,5đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.

Câu 3 (2đ): Cảm nhận của em về Huế qua đoạn trích trên.

II. Làm văn (6đ):

Thuyết minh về một loại vật nuôi mà em yêu thích.

Đáp án đề thi học kì số 8: Đáp án Đề thi học kì 1 năm 2021 môn Văn 8 Đề 8.

-------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Bộ đề thi học kì 1 lớp 8 môn Ngữ Văn năm học 2021 - 2022. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 8, Trắc nghiệm Tiếng Anh 8, Lý thuyết môn Vật lí lớp 8, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 8 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em thi tốt.

Đánh giá bài viết
24 21.148
Sắp xếp theo

    Đề thi học kì 1 lớp 8

    Xem thêm