Các công cụ của chính sách tiền tệ
Chúng tôi xin giới thiệu bài Các công cụ của chính sách tiền tệ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Các công cụ của chính sách tiền tệ
Để thực thi chính sách tiền tệ, thực hiện chức năng và vai trò của mình, ngân hàng trung ương đã sử dụng hàng loạt các công cụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở,… Mỗi loại công cụ có cơ chế vận hàng riêng và ưu nhược điểm khác nhau.Tùy thuộc vào tình hình thực tế của nền kinh tế để sử dụng các công cụ này một cách phù hợp, hiệu quả.
1. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các ngân hàng trung gian phải duy trì theo quy định của ngân hàng trung ương. Nó được xác định bằng tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng số dư tiền gửi trên một khoảng thời gian nhất định.
Dự trữ bắt buộc được xác định bằng cách:
Tiền dự trữ bắt buộc = Tổng tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc * Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tùy theo điều kiện của từng nước, trong từng thời kỳ, có nhiều quy định về việc xác định tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau.
Việc quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của các ngân hàng trung gian và quan trọng hơn là để ngân hàng trung ương kiểm soát quá trình tạo tiền của hệ thống ngân hàng.
Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng, các yếu tố khác không đổi, khả năng cho vay và đầu tư của ngân hàng trung ương giảm, lượng tiền trong lưu thông giảm.
Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, khả năng cho vay và đầu tư của ngân hàng trung gian được mở rộng, tăng lượng tiền trong lưu thông
Việc tăng (giảm) tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa là ngân hàng trung ương đang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt (nới lỏng), tức là thắt chặt (nới lỏng) khả năng tạo tiền của ngân hàng trung gian.
Việc tăng (giảm) tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng có nghĩa là làm tăng (giảm) chi phí tín dụng của các ngân hàng trung gian.
* Công cụ dự trữ bắt buộc có các ưu điểm
- Sử dụng dự trữ bắt buộc để kiểm soát cung tiền tệ tác động đến các ngân hàng như nhau và đầy quyền lực.
- Một sự thay đổi nhỏ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì tác động đến khối tiền tệ rất lớn.
* Công cụ dự trữ bắt buộc có các nhược điểm
- Ngân hàng trung ương muốn thay đổi cung tiền tệ ở biên độ nhỏ khó thực hiện nếu sử dụng công cụ này.
- Thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến khả năng thu doanh lợi của ngân hàng thương mại.
- Thường xuyên thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc gây ra tình trạng không ổn định của ngân hàng thương mại.
2. Lãi suất
Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng vốn, thay đổi lãi suất kéo theo thay đổi chi phí tín dụng, tác động đến khối lượng tín dụng trong nền kinh tế. Lãi suất là một trong những công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương kiểm soát trực tiếp lãi suất bằng cách: Lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay theo từng kỳ hạn; Sàn lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay; Công bố lãi suất cơ bản cộng với biên độ giao dịch.
Ngân hàng trung ương kiểm soát gián tiếp lãi suất bằng cách: Công bố lãi suất cơ bản để hướng dẫn lãi suất thị trường; Sử dụng công cụ lãi suất tái cấp vốn và kết hợp với thị trường mở để can thiệp và điều chỉnh lãi suất thị trường.
Tái cấp vốn là cách để ngân hàng trung gian đưa tiền ra lưu thông, đồng thời khống chế về số lượng và chất lượng tín dụng của các ngân hàng trung gian.
Nếu căn cứ vào mục đích, các khoản tái cấp vốn của ngân hàng trung ương đối với các ngân hàng trung gian bao gồm: Cho vay thanh toán đối với các ngân hàng thiếu hụt tạm thời, cho vay bổ sung nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, cho vay thời vụ để đáp ứng nhu cầu thời vụ của một số ngân hàng.
Thông qua việc ấn định lãi suất tái cấp vốn, ngân hàng trung ương tác động đến chi phí vay mượn của các ngân hàng trung gian tại ngân hàng trung ương:
- Nếu lãi suất tái cấp vốn tăng lên, chi phí khoản tiền vay từ ngân hàng trung ương tăng lên, ngân hàng trung gian bất lợi trong vay vốn, ngân hàng trung gian không có khả năng bành trướng tín dụng.
- Nếu lãi suất tái cấp vốn giảm xuống, ngân hàng trung gian có khả năng bành trướng tín dụng.
Tái cấp vốn là nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng trung ương tất yếu sẽ làm tăng lượng tiền cung ứng, vì vậy phải đòi hỏi tiến hành một cách thận trọng dựa trên hai tiêu chuẩn: Định lượng và định tính.
- Về mặt định lượng: Cần xem lại hạn mức tín dụng mà ngân hàng trung ương dành cho ngân hàng trung gian có và còn hay không
- Về mặt định tính: Cần xem xét các hồ sơ tín dụng và các chứng từ xin tái chiết khấu có lành mạnh hay không và có xứng đáng được tiếp vốn hay không ở các nước công cụ tái cấp vốn được sử dụng một cách phổ biến. Qua công cụ tái cấp vốn, ngân hàng trung ương là người cho vay cuối cùng. Tái cấp vốn được thực hiện trên nền các giấy tờ có giá nên thời hạn vay mượn là rõ ràng, việc hoàn trả nợ tương đối chắc chắn, tiền vay vận động phù hợp với sự vận động của quy luật cung cầu thị trường.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các công cụ của chính sách tiền tệ về thực hiện chức năng và vai trò của mình, ngân hàng trung ương đã sử dụng hàng loạt các công cụ như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Các công cụ của chính sách tiền tệ. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu của Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.