Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cách tổ chức giờ sinh hoạt lớp hiệu quả, thú vị, hấp dẫn và sáng tạo

Cách tổ chức giờ sinh hoạt lớp hiệu quả, thú vị, hấp dẫn và sáng tạo được VnDoc nêu ra trong bài viết nhằm tổ chức sinh hoạt lớp theo tuần, theo tháng và học kỳ có những sự thay đổi mới lạ, để học sinh không cảm thấy nhàm chán.

Một tiết sinh hoạt chủ nhiệm đạt hiệu quả cao là tiết sinh hoạt do các cán sự lớp tự quản, tự điều hành với sự quan sát, tiếp sức của giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Tùy theo tình hình thực tế của lớp của trường và những sự việc đã và diễn ra mà GVCN lựa chọn phương pháp để vận dụng phù hợp cho từng đối tượng, từng vụ việc cụ thể. Có thể: vấn đáp, trao đổi, đàm thoại, nhắc nhở, khiển trách, nêu gương,…

I. Tầm quan trọng của tiết sinh hoạt lớp

Mỗi lớp học là một xã hội thu nhỏ mà ở đó mọi vấn đề xảy ra không phải chỉ giáo viên mới có quyền giải quyết. Sức mạnh thực sự của tiết SHL không chỉ nằm ở tiếng nói của GVCN, nó cần có sự đóng góp của mọi thành viên trong lớp.

Học sinh cần được trao quyền bởi GVCN. Chúng cần được nói, được hỏi, được nhận xét, được phán xét và được tôn trọng. Khi ấy, mỗi tiết SHL là một cơ hội để cả tập thể cùng chia sẻ, cùng giải quyết vấn đề và từ đó giáo viên sẽ thúc đẩy học sinh của mình học hỏi, giúp chúng khám phá ra những điểm mạnh của bản thân.

Khi cả học sinh và giáo viên có thể nói lên ý kiến và suy nghĩ trong một bầu không khí yên tĩnh, tôn trọng, và công bằng thì học sinh sẽ nhận ra rằng đó là lớp học của chúng và chúng cũng được nắm quyền sở hữu, quyền đưa ra quyết định và tự hào về điều đó.

Khi bản thân học sinh thấy mình có giá trị, chúng tự biết mình cần phải sống có trách nhiệm để bảo vệ danh dự của chính cái tập thể mà ở đó chúng có tiếng nói và được tôn trọng.

Vì thế, tổ chức tiết sinh hoạt lớp có hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên lẫn học sinh. Mỗi GVCN cần nhận thức được việc SHL là vô cùng quan trọng trong quản lý lớp học cũng như giáo dục nhân cách cho học sinh của mình.

II. Tạo hứng thú trong giờ sinh hoạt lớp

Nhằm giảm bớt sự nhàm chán và căng thẳng trong mỗi tiết sinh hoạt tập thể của lớp mình, các thầy cô GVCN có thể tham khảo các cách tổ chức sau đây:

1. Để học sinh tự điều hành giờ sinh hoạt

Thầy cô hãy coi đấy là một cuộc họp và người điều hành cuộc họp này chính là học sinh, là ban cán sự lớp. Các thành viên trong ban cán sự lớp có trách nhiệm thống kê, tổng hợp các hoạt động diễn ra trong tuần theo chức vụ đã được phân công. Lớp trưởng là người giao việc, các lớp phó và tổ trưởng báo cáo. Ban cán sự phải đề cử được các cá nhân chưa thực hiện tốt cũng như xứng đáng được khen thưởng và đưa ra được phương hướng, mục tiêu của tuần tiếp theo.

Hãy cho học sinh thời gian tự nhận lỗi để dạy các em ý thức tự giác và biết sửa lỗi, sống có trách nhiệm hơn. Hãy cho học sinh được quyền nói, tự nhận xét để đảm bảo sự công bằng và khuyến khích các em phát triển cái tôi của mình theo chiều hướng tích cực.

Tuyệt đối GVCN không được áp đặt học trò phải làm theo mình một điều gì.Trong cuộc họp này GVCN chỉ đóng vai là một thư ký tổng hợp mọi vấn đề và đưa ra quyết định cuối cùng ở cuối cuộc họp một cách hợp lí nhất.

2. Biến tiết SHL thành một buổi hội thảo nhỏ.

GVCN đưa ra một chủ đề (khuyến khích các vấn đề đang được dư luận quan tâm) và yêu cầu học sinh chuẩn bị trước một tuần để tiết sinh hoạt tuần tiếp theo cả lớp sẽ bàn về chủ đề đấy. Tất cả đều có cơ hội được bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình.

Có thể vấn đề được đưa ra gây nhiều tranh cãi và không đi được đến cách giải quyết tốt nhất như thầy cô mong đợi, nhưng thông qua hoạt động này thầy cô sẽ giúp học sinh của mình biết đưa ra ý kiến cá nhân và đặc biệt là biết cách kiềm chế cảm xúc khi tranh luận với bạn.

Học sinh sẽ học cách giữ bình tĩnh và tôn trọng đối phương. Chúng sẽ xây dựng được các kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề một cách độc lập. Tuy nhiên, GVCN cần linh hoạt kiểm soát cao trào của cuộc tranh luận này, tránh xảy ra cãi lộn.

3. Biến lớp học thành nơi chia sẻ kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống của học sinh

GVCN cho học sinh đăng ký chủ đề mình muốn nói trước lớp, có thể mỗi tuần là một cá nhân hoặc đại diện của một tổ lên thuyết trình về vấn đề mà mình thích trong khoảng thời gian được giới hạn, ví dụ 5 phút. Sau đó sẽ là thời gian cho những người còn lại đặt câu hỏi phản biện.

Hoạt động này giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Qua đó, chúng sẽ học cách duy trì tình bạn lành mạnh thông qua chia sẻ, lắng nghe, và học hỏi lẫn nhau.

Cách tổ chức giờ sinh hoạt lớp hiệu quả, thú vị, hấp dẫn và sáng tạo

4. Sinh hoạt lớp với trò chơi

Một trong những trò chơi hay được sử dụng có hiệu quả trong giờ sinh hoạt lớp là trò "Mong muốn, hi vọng, quan tâm".

Với trò chơi này, giáo viên chuẩn bị một hộp không có nắp đậy (bằng giấy hoặc bằng nhựa hoặc bằng sắt), một tờ giấy A0 và một cây bút dạ. Tất cả các học sinh trong lớp tham gia, mỗi em lấy ra một mảnh giấy trắng và cầm bút chuẩn bị.

Các em học sinh làm việc độc lập, không nhìn và chép đáp án của nhau. Trong vòng 3 phút, các em viết ra những mong muốn riêng của mình về một môn học hoặc một hoạt động nào đó, nói lên những điều mình hi vọng sẽ đạt được và cả những điều mà mình quan tâm đến.

Giáo viên yêu cầu lớp trưởng thu lại tất cả những mảnh giấy này để lẫn vào hộp, sau đó yêu cầu mỗi học sinh chọn ra một mảnh giấy trong hộp và đọc lên những mong muốn, hi vọng, quan tâm cho học sinh cả lớp cùng nghe.

Giáo viên chủ nhiệm chọn một học sinh lên dùng bút dạ viết ra những thông tin đó lên giấy A0 treo sẵn trên bảng.

Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp lại những mong muốn, suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của các học sinh. Từ đó giáo viên đưa ra lời nhận xét về những điều mà các em đang cần và đang quan tâm, những mơ ước và hoài bão của các em học sinh.

Với trò chơi này, học sinh được mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ, mong muốn của mình. giáo viên cũng có cơ hội thấu hiểu học sinh, từ đó đề ra biện pháp dạy học và giáo dục phù hợp.

Tuy nhiên, giáo viên không nên sa đà vào việc tổ chức các trò chơi mang tính giải trí đơn thuần, sẽ làm sai lệch mục đích của việc lồng ghép nội dung giáo dục trong giờ sinh hoạt. giáo viên phải chuẩn bị trước và tham khảo thêm các trò chơi cho phù hợp, thay đổi nội dung và phương thức sinh hoạt.

Việc tổ chức trò chơi cũng khiến lớp ồn ào, gây ảnh hưởng lớp kế bên. Vì vậy Ban giám hiệu cần tổ chức tiến hành sinh hoạt đồng thời tất cả các lớp và hãy chấp nhận sự ồn ào có định hướng chứ không phải ồn ào mất trật tự.

5. Xem phim trong sinh hoạt lớp

Những phim ngắn "Quà tặng cuộc sống" có nhiều ý nghĩa giáo dục. giáo viên có thể chọn chiếu một phim phù hợp với mục đích của giờ sinh hoạt.

Ví dụ, khi chiếu phim 'Câu chuyện chiếc bình nứt, giáo viên có thể đặt câu hỏi: Sự khiếm khuyết có giá trị không? Hình ảnh chiếc bình nứt tượng trưng cho ai trong cuộc sống? Trong cuộc sống, khi gặp những khiếm khuyết của bản thân hay của người khác, chúng ta thường làm gì? Ai sẽ đóng vai trò "người gánh nước" trong cuộc sống của bạn? Em có suy nghĩ gì về việc chọn nghề liên quan đến khiếm khuyết của bản thân?

Các học sinh thảo luận, suy nghĩ, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. giáo viên sẽ phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.

Bài học rút ra từ đoạn video là: Mỗi người trong chúng ta đều có những khuyết điểm riêng biệt. Ai cũng đều là "Chiếc bình nứt" cả. Nhưng chính các vết nứt và khuyết điểm đó của từng người mới khiến cho đời sống chung của chúng ta trở nên thú vị và làm chúng ta thỏa mãn. Chúng ta phải chấp nhận cá tính của từng người trong cuộc sống và tìm cho ra cái tốt trong họ.

Phương pháp này đem lại hiệu quả giáo dục rất lớn mà giáo viên không phải "nói nhiều", "giáo huấn nhiều". Nên lựa chọn sử dụng những phim gần gũi liên quan với những kỹ năng sông mà giáo viên đang lựa chọn giáo dục cho học sinh. Điều này là rất quan trọng vì nếu chọn sai nội dung thì việc giáo dục sẽ giống như "râu ông nọ cắm cằm bà kia".

Mỗi giờ sinh hoạt, giáo viên chỉ cần chiếu một đến hai đoạn video, không nên chiếu quá nhiều mà không để thời gian cho học sinh suy nghĩ, thảo luận.

6. Mời phụ huynh đại diện đến dự buổi sinh hoạt lớp

Trong các tháng có các phong trào thi đua quan trọng như chào mừng 8/3, 26/3, 20/10, 20/11, giáo viên chủ nhiệm có thể mời phụ huynh đại diện đến dự buổi sinh hoạt lớp.

Nhờ đó, phụ huynh nắm được các phong trào thi đua của lớp, của trường, từ đó, đôn đốc con em tích cực tham gia.

Với tiết sinh hoạt lớp được tiến hành theo qui trình trên, học sinh có hứng thú, tạo không khí lạc quan, đoàn kết, thân ái, hiệu quả giáo dục đạo đức trong tiết sinh hoạt được nâng cao.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, giáo viên chủ nhiệm phải nhiệt tình, năng động, ý thức được tầm quan trọng của tiết sinh hoạt. Hình thức và nội dung tiết sinh hoạt cuối tuần phong phú và đa dạng; tuỳ từng trường, từng địa phương có thể triển khai linh hoạt hơn để phù hợp với đặc điểm của học sinh trường mình, góp phần giáo dục toàn diện.

7. Hoạt động ngoài giờ lên lớp

Để tránh sự nhàm chán, căng thẳng của tiết sinh hoạt, ngoài thái độ nhẹ nhàng, giáo viên chủ nhiệm cần định hướng cho lớp có những tiết mục văn nghệ thư giãn như: Hát, kể chuyện vui, tấu hài, những trò chơi nhỏ...

Cũng có thể tổ chức tặng quà sinh nhật cho học sinh có ngày sinh thuộc tháng hoặc tuần đang sinh hoạt, đan xen hợp lý, linh hoạt giữa các hoạt động.

Tổ chức hoạt động này, giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn các phương pháp tích cực như: Phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp diễn đàn; phương pháp đóng vai; phương pháp giải quyết vấn đề; phương pháp tổ chức các hoạt động giao lưu; phương pháp giao nhiệm vụ; phương pháp tình huống, phương pháp trò chơi... Đồng thời, sử dụng các kỹ thuật day học tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của từng chủ điểm.

Khi sử dụng các phương pháp trên, chú ý đến nội dung hoạt đông cụ thể của từng chủ điểm, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh.

Đối với mỗi lớp có một cách thiết kế tiết sinh hoạt khác nhau. Ví dụ: Đọc sách báo, tạp chí, tác phẩm văn học, bình văn học ...; trao đổi phương pháp học tập, đố vui để học, phương pháp giải các bài tập khó...; sinh hoạt tập thể, thi hùng biện về chủ đề của tháng...; sơ kết các hoạt động trong tháng, trò chơi...

-----------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Cách tổ chức giờ sinh hoạt lớp hiệu quả, thú vị, hấp dẫn và sáng tạo. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu hữu ích nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Biểu mẫu Giáo dục - Đào tạo

    Xem thêm