Cách viết một bài văn miêu tả hay
Cách viết một bài văn miêu tả hay
Cách viết một bài văn miêu tả hay hướng dẫn chi tiết dàn ý cách làm bài văn miêu tả lớp 4, 5, 6 giúp các em học sinh nắm được cấu trúc, cách làm bài văn miêu tả hoàn thành tốt các bài viết văn trên lớp đạt kết quả cao. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.
Các bước làm chuẩn để vết được một bài văn miêu tả lớp 5 hấp dẫn
Bước 1: Tìm hiểu đề
Muốn xác định được đúng yêu cầu của đề thì các em không được bỏ qua bước tìm hiểu đề. Gia sư Văn bật mí cho các em tìm hiểu đề chuẩn theo 3 phương diện: thể loại, nội dung cần làm và phạm vi phải làm.
Hiện nay có 3 dạng đề văn miêu tả chính các em cần nắm vững đó là:
Văn tả loài vật, đồ vật, cây cối: Tập trung vào miêu tả đồ vật, cây cối thiên nhiên, loài vật xung quanh và gần gũi với cuộc sống của con người như con mèo, con gà trống, con lợn, con chó con, cây bàng, cây phượng, đàn chim,..
Văn tả người: Gồm những dạng bài tả người nói chung như tả chân dung, tả người trong một tâm trạng, tả người trong một trạng thái hoạt động nào đó,..
Văn tả cảnh: Nằm trong phạm vi tả cảnh thiên nhiên như dòng sông, cánh đồng lúa chín, một đêm trăng đẹp… và tả cảnh sinh hoạt như một phiên chợ Tết, một đêm biểu diễn văn nghệ, một buổi lao động,..
Các em cần xác định được đề bài thuộc dạng văn miêu tả nào để biết được phạm vi, nội dung cần làm. Chẳng hạn, đề bài yêu cầu tả “dòng sông quê em trong một đêm trăng thơ mộng” thì các em cần xác định được những chi tiết như là dòng sông, ánh trăng, mặt nước loang lổ ánh trăng, cay cỏ xung quanh, âm thanh, thời gian về đêm, địa điểm ở đâu, em được chiêm ngưỡng vào lúc nào,..Những thông tin này sẽ giúp các em định hình được đối tượng miêu tả.
Bước 2: Tìm ý và lập ý
Yêu cầu của việc tìm ý là phải tuân theo trật tự nhưng linh hoạt. Hiện nay, có một số trình tự phổ biến mà các em có thể tham khảo như:
Trình tự thời gian: Theo sáng – trưa – chiều – tối, theo mùa xuân – mùa hạ - mùa thu – mùa đông, theo mở đầu – diễn biến – kết thúc,..
Trình tự không gian: Từ xa đến gần, từ gần đến xa, từ bao quát đến cụ thể, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong,..tùy theo góc nhìn của người viết.
Trình tự từ hình dáng đến tính tình với văn tả người.
Trình tự suy nghĩ, tưởng tượng tự do của người viết.
Bước 3: Lập dàn ý
Với những học sinh trung bình có thể lập dàn ý sơ lược, thâu tóm những nét chính còn học sinh khá giỏi nên lập dàn ý chi tiết. Công việc lập dàn ý giúp cho học sinh tránh được việc thiếu sót ý, lạc đề, viết không đúng trọng tâm.
Chẳng hạn, lập dàn ý chung cho văn tả cảnh:
Mở bài: Học sinh giới thiệu cảnh được tả: Cảnh gì? ở đâu? Lý do tiếp xúc với cảnh? Ấn tượng chung?
Thân bài: Mô tả cảnh vật chi tiết theo một trình tự hợp lý nhất: Tả bao quát rồi tả chi tiết theo trình tự ngoài – trong, xa – gần, từ xa lại, đi tới gần hơn, cảnh chính hoặc cảnh quen thuộc mà em thường xuyên tiếp xúc.
Kết bài: cảm nghĩ chung, tình cảm riêng và nguyện vọng của bản thân.
>> Tham khảo: Dàn ý cho các bài văn tả cảnh lớp 5 chi tiết Phần 1
Lập dàn ý chung tả người Tiếng việt 5
1. Mở bài
Giới thiệu người được tả, chú ý đến mối quan hệ của người viết với nhân vật được tả, tên, giới tính và ấn tượng chung về người đó.
2. Thân bài
+ Miêu tả khái quát hình dáng, tuổi tác, nghề nghiệp.
+ Tả chi tiết: các nét trên gương mặt, bàn tay, dáng đi, cử chỉ, hành động, lời nói, tính cách,… (chú ý tả người trong công việc cần quan sát tinh tế vào các động tác của từng bộ phận: đôi tay, cơ thể, khuôn mặt thay đổi, trạng thái cảm xúc, ánh mắt…).
+ Thông qua tả để khơi gợi tính cách nhân vật: giúp người đọc có thể cảm nhận được tính cách của đối tượng và thái độ của người miêu tả đối với đối tượng đó.
3. Kết bài
Nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được miêu tả.
>> Tham khảo chi tiết: Lập dàn ý cho các bài văn tả người lớp 5
Bước 4: Tập viết mở bài và kết bài theo những cách khác nhau để tìm ra cách hay nhất.
Phần thân bài là quan trọng nhất nhưng phần mở bài và kết bài quyết định đến hứng thú của người đọc và là chiếc chìa khóa để người đọc có muốn bước tiếp hay không vào thế giới bài văn của các em cũng như để lại ấn tượng sâu sắc. Do vậy, các em nên tập viết mở bài, kết bài theo những cách khác nhau để chọn lựa được cách viết hay nhất.
Mở bài: Có hai dạng mở bài gián tiếp và mở bài trực tiếp. Mở bài gián tiếp là các em giới thiệu cảnh bằng lời dẫn dắt để giới thiệu người hoặc cảnh và bộc lộ cảm xúc của người viết một cách khái quát nhất. Mở bài trực tiếp: nêu thẳng vào trọng tâm yêu cầu của đề bài. Học sinh trung bình nên lựa chọn mở bài trực tiếp, học sinh khá giỏi nên tập mở bài gián tiếp.
Kết bài: Có hai dạng kết bài đóng và kết bài mở. Kết bài đóng nhằm khẳng định lại tư tưởng, tình cảm của mình. Kết bài mở thì mở rộng vấn đề tạo nên độ lắng cho bài viết và giúp người đọc có ấn tượng hơn với bài văn.