Cảm nhận về vẻ đẹp của bài ca dao sau: Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Những bài văn mẫu hay lớp 7

Văn mẫu lớp 7: Cảm nhận về vẻ đẹp của bài ca dao sau: Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp của bài ca dao sau: Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Bài làm 1

Bài ca dao Anh đi anh nhớ quê nhà vốn là của Á nam Trần Tuấn Khải, một nhà thơ đầu thế kỉ XX, sau này, nó đã được dân gian hóa. Đọc bài ca dao, em có cảm tưởng như đó là tiếng hát tâm tình tha thiết đối với quê hương của người lao động:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

Bài ca dao mở đầu bằng anh, lấy anh làm chủ thể. Nhự vậy là có chủ định tập trũng tất cả ý tình vào đó: anh xa nhà và anh nhớ quê nhà.

Quê nhà không chĩ đơn giản là quê và nhà mà nó còn mang ý nghĩa rộng hơn. Trong mỗi chúng ta đều mang nặng tình quê ấy. Bởi vậy khi đi xa, nỗi nhớ ấy thiết tha, sâu nặng:

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Đây là nét cụ thể đầu tiên của nỗi nhớ quê nhà. Cà dầm tương ăn cùng canh rau muống nấu với ít tôm hay với cua đồng là món ăn nghèo, thanh đạm nhưng mặn mà, rất quen thuộc với người nông dân

Đồng bằng bắc bộ. Xa quê, nhớ mùi vị món ăn quê hương làm cho lòng người xao xuyến biết bao! Quê hương với muôn ngàn cái tưởng như tầm thường như vậy nhưng vẫn khiến người ta thương nhớ khôn nguôi.

Hai câu thơ trên gợi ra một nỗi nhớ quê nhà với hương vị mộc mạc, dân dã mà đằm thắm, khó phai. Hai câu thơ tiếp theo là nỗi nhớ con người gắn bó với quê hương ấy:

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước hèn đường hôm nao.

Cuộc sống của người nông dân hàng ngàn đời nay vẫn gắn liền với công việc dãi nắng dầm sương, vất vả cực nhọc trăm bề. Nắng sương thật thấm đượm những cuộc đời nghèo khổ của người thôn dã. Ông bà, cha mẹ ta tắm sương gội nắng để kiếm cho ta miếng cơm manh áo, để tạo cho ta thể xác tâm hồn. Quê hương ấy, con người ấy hỏi.Làm sao khi xa cách, ta không thương, không nhớ?!

“Ai” trong câu ca dao thứ ba là đại từ phiếm chỉ. Có thể là kẻ này người nọ nhưng tất nhiên phải có quan hệ thân thiết với người đi xa. Còn “ai” trong câu thứ tư thì chỉ có một người: người yêu hoặc người thân yêu. Nhớ người yêu trong hoàn cảnh lao động quen thuộc: “tát nước bên đường” vào một buổi sớm, một buổi chiều nào đó. Tất cả kết thành nỗi nhớ mênh mông, sâu nặng nghĩa tình.

Bài ca dao này là bài ca về tình yêu quê hương, xứ sở. Yêu quê hương là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người. “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân). Theo em, mỗi người đều có một quê hương, nhưng trong thời đại mới, ý nghĩa của hai tiếng quê hương đã dược mở rộng hơn nhiều: trên khắp mọi miền đất nước. Dù sao, bài ca dao trên muôn đời vẫn là cung đàn dịu ngọt cho mọi tấm lòng thiết tha gắn bó với quê hương xứ sở.

Bài làm 2

Đa cảm và giàu tình cảm, con người việt Nam yêu thương hết thảy những người, những vật của quê hương mình. Và khi đi xa, tình yêu ấy biến thành nỗi nhớ. Lúc da diết, khắc khoải. Lúc đau đáu thiết tha. Lúc giản dị chân chất. Dù ở cung bậc nào cũng gây xúc động sâu sắc trong lòng người đọc. Bài ca dao sau cũng đem đến cho ta niềm xúc động ấy:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nuớc bên đường hôm nao

Về bài ca dao này, có người cho rằng nó là lời tỏ tình với cô thôn nữ của chàng trai làng sắp đi xa. Cách hiểu thứ hai: Chàng trai đã đi xa lâu ngày, anh nhớ quê, nhớ người con gái làng quê mà anh từng thầm yêu trộm nhớ. Quê nhà và cô gái đã trở thành kỉ niệm sâu sắc, kết đọng thành nỗi nhớ không thề nào quên.

Hai câu đầu nói lên nỗi nhớ quê:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Anh đi trong văn cảnh, nghĩa là đã đi xa, đã lâu ngày. Anh đi làm thợ, đi lính thú, đi tha hương cầu thực… Nay ở nơi đất khách quê người, năm tháng đã trôi qua, anh mới có nỗi nhớ ấy: nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Ba chữ nhớ diễn tả nỗi nhớ triền miên, day dứt, khôn nguôi. Nhớ quê nhà là nhớ ông bà, mẹ cha, anh chị em; là nhớ mái rạ, hàng cau, mảnh vườn, chiếc áo, luỹ tre; là nhớ đồng lúa xanh, cánh cò trắng, con diều biếc… nhớ bạn bè tuổi thơ. Bốn tiếng anh nhớ quê nhà thật hàm súc, gợi lên bao nỗi nhớ đầy vơi. Đúng là khi ta đi đất đã hoá tâm hồn (Chế Lan Viên).

Câu thứ hai nói lên hai nỗi nhớ rất cụ thể. Anh đi xa, anh nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Đó là hương vị đậm đà của quê nhà thân yêu. Quê nghèo, chỉ có món ăn bình dị ấy. Anh mộc mạc, chất phác, anh rất yêu quê nhà, anh nhớ hương vị của canh rau muống, nhớ quả cà dầm tương. Đâu cứ phải cảnh giàu sang phú quý, có cơm gà cá gỡ… mới nhớ? Anh nhớ cái bình dị của quê hương, một bát canh, một quả cà… với tất cả tâm hồn. Anh thuần hậu, chất phác và đáng yêu. Vả lại, bát canh rau muống, quả cà dầm tương là hương vị của cây nhà lá vườn, trong đó còn có tình thương của người mẹ hiền tần tảo sớm khuya. Sau này, nhiều nhà thơ đã có những vần thơ đẹp viết về quê hương như Hương nhãn, Hương cốm mới, Canh cá tràu, Canh mồng tơi… Hương quê, tình quê sâu đậm biết nhường nào:

Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế

Khế trong vườn, thêm một tí rau thơm

Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ

Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm.

(Canh cá tràu – Chế Lan Viên)

Hai câu 3, 4 nỗi nhớ của anh đã hướng sang một đối tượng mới. Từ nhớ cảnh, nhớ quê, nhớ hương vị quê nhà, anh nhớ đến người:

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Nhớ ai rồi lại nhớ ai dào dạt trào dâng trong lòng. Ai là đại từ nhân xưng phiếm chỉ. Nỗi nhớ ấy hướng về những người thân thương ở quê nhà dãi nắng dầm sương, chân lấm tay bùn vất vả. Nhớ ai ở đây còn có thể nhớ cả những người không quen biết như nhà thơ Tế Hanh đã thổ lộ trong bài Nhớ con sông quê hương.

Điệp ngữ nhớ ai diễn tả nỗi nhớ nhiều man mác, bâng khuâng. Nỗi nhớ mà anh hướng tới cuối cùng là nhớ ai tát nước bên đường hôm nao. Ai trong câu thơ này là cô thôn nữ hay lam hay làm duyên dáng mà anh đã thầm yêu trộm nhớ. Hôm nao là hôm nào, là đêm trăng. Cảnh lao động của em mà anh nhớ là tát nước. Nơi tát nước cũng là nơi hò hẹn, đó là bên đàng. Có thể có một kỉ niệm mà nghìn năm chưa dễ mấy ai quên. Kĩ niệm ấy đã hơn một lần được nói đến:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Bốn câu lục bát có âm điệu nhẹ nhàng, diễn tả một tình cảm đẹp: tình thương nhớ quê nhà. Giọng thơ cũng thật bồi hồi, bâng khuâng. Điệp từ nhớ và điệp ngữ nhớ ai chính là thủ pháp tạo nên giọng thơ ấy. Cái hay, cái đậm đà của bài ca dao là nhớ quê hương, nhớ cô thôn nữ từng hẹn ước đã làm cho nỗi nhớ quê nhà thêm thiết tha, sâu nặng…

Đánh giá bài viết
28 8.013
Sắp xếp theo

Học tốt Ngữ Văn 7

Xem thêm