Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Câu hỏi ôn thi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - Chương 4

VnDoc.com xin giới thiệu bộ Câu hỏi ôn thi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - Chương 4 có đáp án đi kèm. Mời các bạn cùng tham khảo để củng cố kiến thức và ôn thi môn Cơ sở văn hóa Việt Nam tốt nhất.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu 1: Đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng Văn hóa Tây Bắc?

  • Tây Bắc, một vùng văn hóa, xứ sở hoa ban, quê hương xòe họa, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử Tiễn dặn người yêu nhưng cũng tràn đầy tiếng than thở của những thân phận người Tiếng hát làm dâu.
  • Tây Bắc là một miền núi cao hiểm trở. Các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn dài đến 180 km, rộng 30 km, cao từ 1500m trở lên, các đỉnh cao nhất như Phanxipăng 3142m, Yam Phình 3096m, Pu Luồng 2.983m… Dãy Hoàng Liên Sơn, được người Thái gọi là “Sừng trời” (Khau phạ), chính là bức tường thành phía Đông và vùng Tây Bắc. Nó nằm trên bờ phải sông Hồng, con sống mà tổ tiên người Thái gọi là Nặm Tao, nên ngày nay đoạn sông này còn có tên tiếng Kinh là sông Thao. Dòng Nặm Tao chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử thiên di của người Thái đen vào Tây Bắc. Theo sử huyền thoại Thái thì tổ tiên họ là Tạo Xuông – Tạo Ngần bay từ trên trời xuống và phải vượt qua con sông rộng, lắm sóng dữ, ghềnh thác.
  • Qua con sông là đến địa phận của trần gian. Khó khăn là thế nên tên thần thoại của dòng Nặm Tao là dòng “Sông Đắng – Sông Xối” (Nặm Ta Khôm – Nặm Ta Khái). Còn theo các nhà dân tộc học thì dòng sông là con đường mà theo đó tổ tiên người Thái thiên di vào Việt Nam từ thế kỉ XI đến thế kỉ XIV. Từ dòng Nặm Tao, người Thái tạt vào bên phải, chiếm lấy đất Nghĩa Lộ làm bàn đạp để rồi tiến mãi đến tận Điện Biên Phủ, giáp Lào. Đất ấy, tên Thái là Mường Theng tức Mường Trời và trở thành “cố đô” của nhiều đời tù trưởng.
  • Từ dưới xuôi đi lên phải qua đất tỉnh Hòa Bình, xưa kia phải vượt sông Đà ở bến chợ Bờ và Suối Rút, rồi phải leo gần 100km đèo mới đến được cao nguyên Mộc Châu, cao 800–1000m.

Câu 2: Đặc điểm vùng vă hóa Tây Bắc?

  • Từ mươi thế kỉ trở lại đây, với vai trò chủ thể trong lịch sử phát triển của vùng, văn hóa Thái (với những yếu tố tiếp biến từ văn hóa Đông Nam Á) nổi lên như một sắc thái đại diện cho văn hóa Tây Bắc.
  • Trước hết xin bắt đầu từ văn hóa “đời thường”. Từ cao nguyên Mộc Châu xuôi xuống thung lũng Yên Châu ở phía Bắc là đã bắt gặp những ngôi nhà sàn ẩn hiện sau những dãy cây xoài rặng chuối. Nhà sàn thì có ở khắp cả Đông Nam Á. Nhưng nhà sàn Thái có cái mái đấu hồi khum khum hình mai rùa và trên đỉnh đầu hồi ấy có hai vật trang trí, người Thái gọi là “Sừng cuộn” (Khau cút) vì đầu phía trên của nó thường được tạo tác thành một vòng tròn xoáy trôn ốc, giống như ngọn rau đớn (Phắc cút), một thứ rau rừng rất được đống bào ưa chuộng.
  • Bản Thái thường nằm ở ven đồi, chân núi, nhìn ra cánh đồng. Ở đấy thế nào cũng có ít nhất một dòng suối to nhỏ tùy nơi. Bản nào ở chân núi đá thì hay dùng mạch nước ngấm làm nước ăn, gọi là “Mỏ nước” (Bó nặm). Văn hóa nông nghiệp thung lũng Thái nổi tiếng vì hệ thống tưới tiêu, được gói gọn trong bốn từ văn vần “Mương –Phai – Lái – Lin” lợi dụng độ dốc của dòng chảy, người ta lấy đá ngăn suối làm nước dâng cao, đó là cái “phai”. Phía trên “phai” xẻ một đường chảy lớn dần vào cánh đồng, đó là “mương”.
    Các dân tộc trong vùng đều có tín ngưỡng “mọi vật có linh hồn” (animisme), một loại tín ngưỡng mà mọi dân tộc trên hành tinh đều trải qua.
  • Văn hóa nghệ thuật, lĩnh vực văn hóa thể hiện cái nhìn thẩm mĩ của nhân dân Tây Bắc có nhiều nét độc đáo và trở thành một trong những dấu hiệu làm nên đặc trưng văn hóa vùng. Riêng về lĩnh vực này đã phải cần đến một công trình lớn mới có thể trình bày cho cặn kẽ được
  • Dường như có một sở thích âm nhạc chung cho hầu hết các dân tộc Tây Bắc, một sở thích không thấy hoặc ít thấy ở các vùng khác. Đó là hệ nhạc cụ hơi có lưỡi gà bằng tre, bằng đồng hay bằng bạc.

Câu 3: Đặc điểm tự nhiên và xã hội vùng văn hóa Việt Bắc?

  • Trong tâm thức người dân Việt Nam, Việt Bắc là tên gọi một vùng đất gắn bó với một thời gian khổ mà oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng: là quê hương cách mạng, là chiến khu, là nơi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân dân ta v.v…, như bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu đã mô tả.
  • Năm 1947, danh từ Việt Bắc xuất hiện để chỉ chung vùng căn cứ cách mạng, tháng 10–1954, danh từ này lại được dùng để chỉ chung toàn căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau này, khu tự trị Việt Bắc giải thể, danh từ này vẫn tồn tại.
  • Hiện nay, nói tới Việt Bắc là nói tới địa bàn của sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Tuy nhiên, ranh giới vùng văn hóa Việt Bắc sẽ rộng hơn địa bàn này
  • Địa hình Việt Bắc có cấu trúc theo kiểu cánh cung, tụ lại ở Tam Đảo, các cánh cung này mở ra ở phía Bắc và Đông Bắc và phần hướng lồi quay ra biển, thứ tự từ trong ra biển là các cánh cung: sông Gâm, Ngân Sơn, Yên Lạc, Bắc Sơn và Đông Triều. Các dãy núi đều thuộc loại có độ cao trung bình và thấp. Một số núi có độ cao là Tây Côn Lĩnh (2431m), Kiều Liên Ti (2403m) và Pu Ta Ca (2274m).
  • Toàn vùng có 5 hệ thống sông chính: sông Thao, sông Lô, hệ thống các sông Cầu, sông Thương, Lục Nam
  • Cư dân chủ yếu của vùng Việt bắc là người Tày và Nùng. Ngoài ra còn có một số dân tộc ít người khác như Dao, H'mông, Lô Lô, Sán Chay.
  • Đơn vị xã hội nhỏ nhất của người Tày – Nùng là gia đình, lại là gia đình phụ hệ, chủ gia đình “chẩn rườn″ là người cha hay người chồng, làm chủ toàn bộ tài sản và quyết định mọi công việc trong nhà, ngoài làng. Do vậy, ý thức trọng nam khinh nữ khá đậm trong cộng đồng, sự phân biệt đối xử còn thấy rõ trong việc phân chia mặt bằng sinh hoạt trong nhà. Nhà ngoài bao giờ cũng dành cho đàn ông. Trừ các bà già, phụ nữ không bao giờ được ở nhà ngoài.

Câu 4: Đặc điểm của vùng văn hóa Việt Bắc?

  • Trước tiên là văn hóa vật chất. Người Tày – Nùng có hai loại nhà chính: nhà sàn và nhà đất. Nhà sàn là dạng nhà phổ biến, có hai loại nhà sàn, sàn hai mái và sàn bốn mái. Nếu là nhà sàn bốn mái, hai mái đầu hồi bao giờ cũng thấp hơn hai mái chính. Cửa có thể mở ở mặt trước hoặc đầu hồi, cầu thang lên xuống bằng tre, gỗ, nhưng số bực bao giờ cũng lẻ, không dùng bậc chẵn.
  • Nhà đất là loại nhà xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng cũng có rất nhiều thay đổi so với ngôi nhà sàn về quy mô, kết cấu, bố cục bên trong.
  • Ở một số vùng còn có loại nhà nửa sàn nửa đất, đây là một loại nhà đặc biệt, vừa có tính chất nhà đất lại vừa mang tính chất nhà sàn.
  • Trang phục của người Tày– Nùng có tính thống nhất, được phân biệt theo giới tính, địa vị lứa tuổi, theo nhóm địa phương.
  • Y phục của nam giới Tày theo một kiểu, gồm có áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân, khăn đội đầu và giày vải. Chiếc áo 4 thân được cắt may theo kiểu xẻ ngực, cổ áo tròn, cao, không có cầu vai, tà áo xẻ cao, có hàng cúc vải ở trước ngực, cùng 2 túi.
  • Người phụ nữ Nùng chỉ mặc một màu chàm, khác với người phụ nữ Tày mặc chiếc áo lót trong màu trắng. Y phục nữ Tày – Nùng gồm có áo cánh, áo dài 5 thân, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Đồ trang sức cũng đơn giản
  • Về mặt ăn uống, tùy theo từng tộc người mà cách thức chế biến thức ăn và khẩu vị của cư dân Việt Bắc có hương vị riêng.
  • Bữa ăn của cư dân Việt Bắc, mang tính bình đẳng, nhân ái. Tất cả các thành viên trong nhà ăn chung một mâm, khách đến nhà rất được ưu ái, nể trọng.
    Điều đáng chú ý là tầng lớp trí thức Tày – Nùng hình thành từ rất sớm. Đầu tiên là các trí thức dân gian dưới lớp vỏ nghề nghiệp như thày Mo, Then, Tào, Pụt. Trong thời kì tự chủ, triều đình có quan tâm đến việc học hành của cư dân Việt Bắc
  • Trong đào tạo, bên cạnh chữ Quốc ngữ, một số tộc như Tày, H'mông cũng có chữ viết xây dựng trên cơ sở mẫu chữ La tinh.
  • Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Việt Bắc có những nét cơ bản giống với các khu vực khác.
  • Về tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng dân gian của cư dân Tày – Nùng hưởng niềm tin của con người tới thần bản mệnh, trời – đất, tổ tiên.

Câu 5: Đặc điểm môi trường tự nhiên xã hội của vùng Văn hóa Châu Thổ Bắc Bộ?

Môi trường tự nhiên:

  • Lâu nay, khi xem xét văn hóa ở châu thổ Bắc Bộ, người ta thường đặt xứ Nghệ – Tĩnh ra ngoài và xếp thành một vùng riêng.
  • Về vị trí địa lí vùng châu thổ Bắc Bộ là tâm điểm của con đường giao lưu quốc tế theo hai trục chính: Tây – Đông và Bắc – Nam. Vị trí này khiến cho nó trở thành vị trí tiền đồn để tiến tới các vùng khác trong nước và Đông Nam Á, là mục tiêu xâm lược đầu tiên của tất cả bọn xâm lược muốn bành trướng thế lực vào lãnh thổ Đông Nam Á. Nhưng cũng chính vị trí địa lí này tạo điều kiện cho cư dân có thuận lợi về giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
  • Về mặt địa hình, châu thổ Bắc Bộ là địa hình núi xen kẽ đồng bằng hoặc thung lũng, thấp và bằng phẳng, dốc thoải từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ độ cao 10 – 15m giảm dấn đến độ cao mặt biển. Toàn vùng cũng như trong mỗi vùng, địa hình cao thấp không đều, tại vùng có địa hình cao vẫn có nơi thấp úng như Gia Lương (Bắc Ninh), có núi Thiên Thai...
  • Mặt khác, khí hậu vùng Bắc Bộ thật độc đáo, khác hẳn những đống bằng khác. Đây là vùng duy nhất ở Việt Nam có một mùa đông thực sự với ba tháng có nhiệt độ trung bình dưới 18oC, do đó mà có dạng khí hậu bốn mùa với mỗi mùa tương đối rõ nét, khiến vùng này cấy được vụ lúa ít hơn các vùng khác. Hơn nữa, khí hậu vùng này lại rất thất thường, gió mùa đông bắc vừa lạnh vừa ẩm, rất khó chịu, gió mùa hè nóng và ẩm.
  • Một đặc điểm nữa là môi trường nước, đồng bằng Bắc Bộ có một mạng lưới sông ngòi khá dày, khoảng 0,5 – 1,0km/km2, gồm các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, cùng các mương máng tưới tiêu dày đặc.

Môi trường xã hội:

  • Cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần túy. Biển và rừng bao bọc quanh đồng bằng Bắc Bộ nhưng từ trong tâm thức, người nông dân Việt Bắc Bộ là những cư dân “xa rừng nhạt biển”
  • Người nông dân Việt Bắc Bộ là người dân đồng bằng đắp đê lấn biển trồng lúa, làm muối và đánh cá ở ven biển. Hàng ngàn năm lịch sử, người nông dân Việt không có việc đánh cá được tổ chức một cách quy mô lớn, không có những đội tàu thuyền lớn
  • Trong khi đó, đất đai ở Bắc Bộ không phải là nhiều, dân cư lại đông. Vì thế, để tận dụng thời gian nhàn rỗi của vòng quay mùa vụ, người nông dân đã làm thêm nghề thủ công. Ở đồng bằng sông Hồng, trước đây, người ta đã từng đếm được hàng trăm nghề thủ công, có một số làng phát triển thành chuyên nghiệp với những người thợ có tay nghề cao. Một số nghề đã rất phát triển, có lịch sử phát triển lâu đời như nghề gốm, nghề dệt, luyện kim, đúc đồng v.v…
  • Mặt khác những người nông dân này lại sống quần tụ thành làng. Làng là đơn vị xã hội cơ sở của nông thôn Bắc Bộ, tế bào sống của xã hội Việt. Nó là kết quả của các công xã thị tộc nguyên thủy sang công xã nông thôn
    Chính những đặc điểm ấy của làng Việt Bắc Bộ sẽ góp phần tạo ra những đặc điểm riêng của vùng văn hóa Bắc Bộ.

Câu 6: Đặc điểm vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ ?

  • Trước tiên là sự ứng xử với thiên nhiên. Hàng ngàn năm lịch sử, người dân Việt đã chinh phục thiên nhiên, tạo nên một diện mạo, đồng bằng như ngày nay, bằng việc đào mương, đắp bờ, đắp đê
  • Ăn uống của cư dân Việt trên châu thổ Bắc Bộ vẫn như mô hình bữa ăn của người Việt trên các vùng đất khác: cơm + rau + cá, nhưng thành phần cá ở đây chủ yếu hướng tới các loại cá nước ngọt. Hải sản đánh bắt ở biển chủ yếu giới hạn ở các làng ven biển, còn các làng ở sâu trong đồng bằng, hải sản chưa phải là thức ăn chiếm ưu thế. Cư dân đô thị, nhất là Hà Nội, ít dùng đồ biển hơn cư dân ở các đô thị phía Nam như Huế, Nha Trang, Sài Gòn.
  • Cách mặc của người dân Bắc Bộ cũng là một sự lựa chọn, thích ứng với thiên nhiên châu thổ Bắc Bộ đó là màu nâu. Đàn ông với y phục đi làm là chiếc quần lá tọa, áo cánh màu nâu sồng. Đàn bà cũng chiếc váy thâm, chiếc áo nâu, khi đi làm. Ngày hội hè, lễ tết thì trang phục này có khác hơn: đàn bà với áo dài mớ ba mớ bảy, đàn ông với chiếc quần trắng, áo dài the, chít khăn đen. Ngày nay, y phục của người Việt Bắc Bộ đã có sự thay đổi khá nhiều…
  • Các di tích khảo cổ, các di sản văn hóa hữu thể tốn tại ờ khắp các địa phương
  • Cùng với các di sản văn hóa hữu thể, các di sản văn hóa vô thể của đồng bằng Bắc Bộ cũng khá đa dạng và phong phú.
  • Kho tàng văn học dân gian Bắc Bộ có thể coi như một loại mỏ với nhiều khoáng sản quý hiếm. Từ thần thoại đến truyền thuyết, từ ca dao đến tục ngữ, từ truyện cười đến truyện trạng mỗi thể loại đều có một tầm dày dặn, mang nét riêng của Bắc Bộ, chẳng hạn truyện trạng ở Bắc Bộ như truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn v.v… sử dụng các hình thức câu đố, câu đối, nói lái, chơi chữ nhiều hơn truyện trạng ở các vùng khác.
  • Đáng kể nhất là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt Bắc Bộ. Mọi tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước như thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ các ông tổ nghề v.v…, có mặt trên hầu khắp các làng quê Bắc Bộ
    Đồng thời với đặc điểm Bắc Bộ là cội nguồn văn hóa của các vùng Trung Bộ, Nam Bộ, và từ vùng đất cội nguồn này, văn hóa Việt phát triển ở mọi vùng khác. Vai trò “hướng đạo” của vùng văn hóa Bắc Bộ cũng rất rõ, khi đặt trong tương quan với các vùng văn hóa khác.
  • Cuối cùng, đề cập đến vùng văn hóa Bắc Bộ là đề cập trên nét lớn, còn vùng văn hóa này có thể chia thành nhiều tiểu bang văn hóa khác nhau, tuy nhiên đặc thù của các tiểu vùng văn hóa này không làm phá vỡ những đặc điểm chung của toàn vùng.

==>Tóm lại, vùng châu thổ Bắc Bộ là vùng đất lịch sử lâu đời của người Việt, nơi khai sinh của các vương triều Đại Việt, đồng thời cũng là quê hương của các nền văn hóa Đông Sơn, Thăng Long – Hà Nội. Đây là cái nôi hình thành văn hóa, văn minh Việt từ buổi ban đầu và hiện tại cũng là vùng văn hóa bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống hơn cả. Trên đường đi tới xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc vùng văn hóa này vẫn có những tiềm năng nhất định.

Câu 7: Đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng văn hóa Trung Bộ?

  • Thứ nhất, địa hình miền Trung hẹp theo chiều ngang Đông Tây, nếu quay mặt về Đông thì trước mắt mỗi người dân Trung Bộ sẽ là Biển Đông, sau lưng là dãy Trường Sơn.
  • Thứ hai địa hình miền Trung Bộ chia cắt theo chiều dọc Bắc Nam, bởi các đèo là những dãy núi đồi tách từ Trường Sơn đâm ngang ra biển.
  • Dưới chân đèo là các sông lớn nhỏ, đều chảy ngang theo chiều Tây – Đông ra biển, sông ngắn, nước biếc xanh, ít phù sa, châu thổ hẹp, nhiều cửa sông sâu tạo thành các vịnh, cảng. Vận động tạo sơn còn “ném” ra biển xa các đảo và quần đảo.
  • Suốt dải đất miền Trung, đường bờ biển Việt Nam “ưỡn” cong, “lồi” ra phía sau Biển Đông, đành rằng hướng gió bão, sóng thần, nhưng luồng cá biển cũng chạy gần bờ hơn, so với miền Bắc. Sát bờ biển, từ Quảng Bình trở vô Nam, Ngãi, Bình, Phú có các dải cồn cát chạy dọc dài Bắc Nam ghi dấu những đường biển cũ. Ở giữa các dải cồn cát là một vùng trũng nổi phân bố xóm làng và ruộng lúa ngày nay. Chân cồn là những bàu nước ngọt.
    Thứ ba là khí hậu, miền Trung lại có mùa mưa lệch pha với hai đầu Bắc Nam đất nước, ở miền Trung, lại gặp gió Tây rất khô nóng, thổi từ Lào qua (xưa người dẫn gọi là gió Lào), tạo ra sự khô rang cho miền Trung, như Chế Lan Viên từng thốt lên chua xót
  • Chính những đặc điểm tự nhiên, xã hội, lịch sử này của Trung Bộ sẽ tạo cho vùng văn hóa Trung Bộ những đặc điểm riêng, so với các vùng văn hóa Việt Nam.

Câu 8: Đặc điểm chung của vùng văn hóa Trung Bộ?

  • Khác với Nam Bộ được khai phá muộn hơn, khác với Bắc Bộ là địa bàn tụ cư và khai thác lâu đời của người Việt, vùng Trung Bộ một thời kì dài thuộc các tiểu quốc của vương quốc Chămpa, trước khi người Việt vào nơi này. Nền văn hóa Chămpa một thời rạng rỡ, như một ánh hào quang hắt lên mặt nước trong buổi chiều tà. Vì vậy, đặc điểm thứ nhất của vùng văn hoá Trung Bộ phải là một vùng đất chứa nhiều dấu tích văn hóa Chămpa.
  • Cùng các di sản văn hóa hữu thể, vùng Trung Bộ còn khá nhiều các di sản văn hóa vô thể của văn hóa Chăm pa. Đó là các địa danh Việt mà chúng ta có quyến ngờ rằng, gốc tích của nó phải là các địa danh Chăm, kiểu như Cồn Ràng, Cồn Lồi, Cồn Mọi. Đó là các tín ngưỡng dân gian của người Chăm như thờ bà mẹ xứ sở, thờ cá voi, thờ thần biển v.v…
  • Mặt khác, Trung Bộ là vùng đất được người Việt khai phá theo kiểu tiệm tiến. Sự cộng cư với người Chăm, thái độ ứng xử với những vốn văn hóa hiện diện trên mặt đất tàng ẩn dưới lòng đất theo bản chất hiền hòa của người Việt, tạo cho sự giao lưu văn hóa ở đây có những điểm khác biệt.
    Tiêu biểu cho quá trình tiếp biến văn hóa ở Trung Bộ của người Việt là tiếp thu tín ngưỡng thờ bà mẹ xứ sở (Po Yan Ina Nagar) của người Chăm. Với tín ngưỡng thờ Mẫu ẩn trong tâm thức, khi vào Trung Bộ, người Việt gặp tín ngưỡng này của người Chăm, họ đã tiếp thu các nữ thần Chăm và chuyển hóa thành các nữ thần Việt Nữ thần Mưjưk của người Chăm được biến thành bà Chúa Ngọc.
  • So với thiên nhiên Bắc Bộ và Nam Bộ, Trung Bộ là vùng đệm, mang tính chất trung gian. Vì thế, sự phản ánh thiên nhiên đa dạng của một vùng đất là đặc điểm thứ ba của vùng văn hóa này.
  • Trong văn hóa đời thường, bữa ăn của cư dân Việt Trung Bộ đã bắt đầu có sự thay đổi, nghiêng về các hải sản, đồ biển. Nói cách khác, yếu tố biển đã đậm đà hơn trong cơ cấu bữa ăn của cư dân ở đây.

Mặt khác, người dân Việt Trung Bộ, do tính chất khí hậu, nói rộng hơn là điều kiện tự nhiên chi phối, nên sử dụng nhiều chất cay trong bữa ăn. Tóm lại, vùng văn hóa Trung Bộ có những đặc điểm riêng của mình, khi đặt trong tương quan với các vùng văn hóa khác.

Câu 9: Phân tích những đặc điểm của vùng văn hóa xứ Huế?

  • Thiên nhiên đã tạo cho xứ Huế có một diện mạo riêng. Đó là một vùng Huế núi đồi mà nhà Nguyễn cùng sức muôn dân đã tạo ra một khu lăng tẩm đế vương. Đó là một vùng Huế cồn bãi đôi bờ Hương Giang cùng các nhánh sông Bạch Yến, An Cựu, Kim Long (nay đã bị lấp nhiều).
  • Nói tới xứ Huế là nói tới một hệ kinh thành còn giữ được tương đối hoàn chỉnh với hoàng thành, tử cấm thành, điện Thái Hòa, Long An, Ngọ Môn v.v…, đồng thời cũng nói tới hệ lăng tẩm với những lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức v.v…, và cũng nói tới một hệ chùa – đền như tháp Thiên Mụ, điện Hòn Chén, chùa Từ Đàm, Túy Vân, Diệu Đế. Tất cả những di sản văn hóa vật thể này thể hiện một phong cách kiến trúc của xứ Huế vừa đa dạng vừa giàu có, thích ứng một cách kì lạ với thiên nhiên thơ mộng ở đây
  • Cùng với các di sản văn hóa hữu thể, văn hóa vô thể xứ Huế là một kho tàng phong phú và quý giá. Trước hết là nghệ thuật biểu diễn: những điệu hò, điệu hát lí, hát trò, hát sắc bùa, những bài ca trên sông nước Hương Giang. Nét độc đáo của dân ca xứ Huế là âm sắc, ngữ âm địa phương, không lẫn với vùng nào trên đất nước ta, đống thời ảnh hưởng của dân ca, âm nhạc Chămpa đối với dân ca xứ Huế là điều không thể phủ nhận.
  • Sau nữa, lễ hội dân gian xứ Huế, vừa giống vừa khác với lễ hội dân gian ờ đồng bằng Bắc Bộ, ở lễ hội dân gian gắn với tục thờ cúng cá voi, sự tiếp thu tín ngưỡng thờ cá voi của người Chăm rất rõ nét. Lễ hội điện Hòn Chén, mang tính chất chung của lễ hội gắn với tục thờ Mẫu, nhưng lại có nét riêng do việc người Việt tiếp nhận tục thờ nữ thần bà mẹ xứ sở của người Chăm.
    Đặc biệt, cần thấy rằng, nếu không tính từ thời chúa Nguyễn, chỉ tính riêng thời nhà Nguyễn 1802 - 1945, Huế còn là trung tâm thu hút nhân tài của mọi miền đất nước, cũng như là trung tâm giáo dục của nhà Nguyễn, trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn học

Câu 10: Đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng Văn Hóa Tây Nguyên?

  • Tây Nguyên, như quen gọi, bao gồm lãnh thổ của bốn tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, nằm gọn trên vùng núi non và cao nguyên phía Tây Trung Bộ. Ở đây tập trung gần hai chục dân tộc.
  • Dân tộc lâu đời ở đây thuộc về hai nhóm ngôn ngữ chủ yếu: Nhóm Môn–Khơ me và Nhóm Mã Lai – Đa Đảo.
  • Mùa lễ hội Tây Nguyên kéo dài suốt mấy tháng 1, 2, 3 dương lịch. Hầu như không gian không mấy lúc vắng tiếng chiêng cồng “Ninh Nơng! Ninh Nơng!”. Có lẽ vì vậy hai từ tượng thanh này được dùng để chỉ những tháng hoạt động văn hóa dân tộc với mật độ cao: “Tháng Ninh Nơng (Khei Ninh Nơng, tiếng Bana).
  • Điều đặc biệt là trong mọi hoạt động văn hóa, phong tục ấy, đồng bào quan niệm rằng luôn luôn có sự tham gia của linh hồn những người đã mất. Đối với nhiều dân tộc Tây Nguyên (Bana, Giarai, Rơmăm, Xơđăng, Giẻ (Triêng), cộng đồng công xã có hai phần: cộng đồng hôm nay bao gồm những người đang sống và cộng đồng hôm qua của những người đã chết. Người sống ở trong làng, người chết ở cõi tổ tiên (Mang Lung) một nơi nào đó ngay trên mặt đất, về phía Tây của làng

Câu 11: Đặc điểm môi trường tự nhiên và xã hội vùng văn hóa Nam Bộ?

  • Nam Bộ hôm nay là địa bàn thuộc lãnh thổ của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau thuộc miền Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh.
  • Phần đất được coi là Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 26000km2 bao gồm phần đất đồi núi thấp (phần rìa của cao nguyên đất đỏ) và phần thêm phù sa cổ thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
  • Phần đất được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng hơn 4000km2, chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long, cùng một vài dãy núi thấp ở miền Tây An Giang, Kiên Giang.
  • Về vị trí địa lí, Nam Bộ là vùng đất nằm ở cuối cùng đất nước về phía Nam, trọn vẹn trong lưu vực của hai dòng sông Đồng Nai và Cửu Long, mà lại là phần hạ lưu của hai dòng sông. Trong khi đó, Nam Bộ lại gần Biển Đông. Nói khác đi, đây là vùng đất cửa sông giáp biển. Vị thế địa – văn hóa này của Nam Bộ tạo cho nó có những đặc điểm văn hóa riêng.
  • Khí hậu Nam Bộ khác hẳn khí hậu Bắc Bộ ở chỗ Nam Bộ chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa, vào một năm.
  • Nói tới Nam Bộ là người ta nghĩ đến một cánh đồng tít tắp tận chân trời, một khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt và vùng đất với chằng chịt kênh rạch.
    Tiến trình lịch sử Nam Bộ, lại có đặc điểm riêng. Quá trình khai phá nơi này, từ cuối thế kỉ XVI cho đến năm 1862, thực ra so với lịch sử chưa được là bao. Làng xã, cũng như nhiều phương diện khác nhau, chưa ổn định thì năm 1862 Nam Bộ lại là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng thống trị của người Pháp, với tư cách là vùng thuộc địa của thực dân Pháp. Cuộc tiếp xúc giữa hai nền văn hóa Việt – Pháp diễn ra ở Nam Bộ trong hoàn cảnh đặc biệt. Nền văn hóa Pháp, vốn có nhiều nét khác biệt so với nền văn hóa Việt, cũng như của các tộc người khác ở đây Nam Bộ trở thành thuộc địa cửa người Pháp cho đến năm 1945. Từ năm 1945 đến năm 1975, Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hết Pháp rồi lại Mỹ.
  • Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Nam Bộ trở thành nơi đi trước về sau, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc là như thế.
  • Với tất cả những đặc điểm có tính chất tiêu biểu về tự nhiên, lịch sử, xã hội, như vậy, văn hóa Nam Bộ tất sẽ có những đặc điểm riêng.

----------------------

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Câu hỏi ôn thi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - Chương 4. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm