Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Câu hỏi ôn thi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - Chương 3

VnDoc.com xin giới thiệu bộ Câu hỏi ôn thi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - Chương 3 có đáp án đi kèm. Mời các bạn cùng tham khảo để củng cố kiến thức và ôn thi môn Cơ sở văn hóa Việt Nam tốt nhất.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu 1: Trình bày đặc điểm của văn hóa Việt Nam thời tiền sử?

  • Đây là một giai đoạn dài và có tính chất quyết định; là giai đoạn hình thành; phát triển và định vị của văn hoá Việt Nam. Giai đoạn này có thể được chia làm hai thời kì. Thời tiền sử từ buổi đầu đầu đến cuối thời đại đá mới và thời sơ sử cách đây khoảng trên dưới 4000 năm.
  • Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á là một trong những chiếc nôi của loài người. Cách đây khoảng 40- 50 vạn năm và đến bây giờ khí hậu Việt Nam mang nặng đặc trưng nhiệt đới nóng ẩm thích hợp cho sự sinh sống của con người. Với những vết tích còn lại; chúng ta biết rằng người vượn (Homo – Erectus) đã có mặt ở nhiều vùng từ Bắc tới Nam. Mở đầu cho giai đoạn tiền sử là Văn hoá núi Đọ (tên di chỉ khảo cổ học thuộc sơ kì thời đại đồ đá cũ phát hiện được ở núi Đọ; thuộc huyện Triệu Hoá; tỉnh Thanh Hoá).
  • Trên bề mặt Núi Đọ; các nhà khảo cổ học thu nhặt được hàng vạn mảnh ghè (hay mảnh tước như các nhà khảo cổ học thường gọi); có bàn tay gia công của người nguyên thuỷ. Những công cụ đá này rất thô sơ; chứng tỏ “tay nghề” ghè đẽo còn rất vụng về. Người ta tìm thấy ở đây 8 chiếc rìu tay; loại công cụ được chế tác cẩn thận nhất của người vượn. Sau văn hoá Núi Đọ; các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra di chỉ khảo cổ thuộc hậu kì đá cũ ở Việt Nam. Đó là văn hoá Sơn Vi (xã Sơn Vi; huyện Lâm Thao; tỉnh Phú Thọ).
    Thời gian từ 20 đến 15 nghìn năm TCN; con người (người hiện đại- Homo sapiens) đã cư trú trên một địa bàn rất rộng; họ là chủ nhân của nền văn hoá Sơn Vi từ Lào Cai ở phía Bắc đến Bình Trị Thiên ở phía Nam; từ Sơn La ở phía Tây đến vùng sông Lục Nam ở Phía Đông. Người Sơn Vi sống chủ yếu trên các gò đồi của vùng trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngoài ra; người Sơn Vi còn sống cả trong các hang động núi đá vôi.
  • Đây là các bộ lạc săn bắt (bắn); hái lượm; dùng đá cuội để chế tác công cụ. Công cụ còn rất thô sơ song đã có những bước tiến lớn trong kĩ thuật chế tác; đã có nhiều hình loại ổn định. Tiêu biểu cho công cụ của các cư dân Sơn Vi là những hòn đá cuội được ghè đẽo ở hai cạnh. Đa số là công cụ chặt; nạo hay cắt; có loại cắt ngang ở một đầu; có loại có lưỡi dọc ở rìa cạnh; có loại công cụ có lưỡi chạy xung quanh theo rìa tròn của viên cuội; hoặc có lưỡi ở hai đầu.
  • Dù điều kiện khí hậu thuận lợi cho đời sống con người cộng với sự đa dạng; phong phú của các loài quần động thực vật phương Nam; song vết tích cư trú của loài người thời này chỉ hạn chế ở một số vùng; trên các gò đồi; trong một số hang động vì thời kì này những đồng bằng Bắc Bộ đều đang ở giai đoạn hình thành; chưa thích hợp cho đời sống định cư lâu dài của con người.
  • Dựa vào kĩ thuật chế tác công cụ của cư dân Sơn Vi; giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng họ đã có tư duy phân loại. Tư duy phân loại này thể hiện trong lựa chọn nguyên liệu đá và trong sự đa dạng của các loại hình công cụ. Người nguyên thuỷ đã biết dùng lửa. Họ chôn người ngay trong nơi cư trú; thức ăn chủ yếu là nhuyễn thể; những cây; những quả; hạt và một số động vật vừa và nhỏ.
  • Việc chôn người chết trong nơi cư trú nói lên niềm tin của người nguyên thuỷ về một thế giới khác; mà ở đó người chết vẫn tiếp tục “sống”. Những công cụ lao động được chôn bên cạnh người chết đã chứng tỏ niềm tin ấy.
    Trong giai đoạn tiền sử; cách đây khoảng một vạn năm đã có những thay đổi quan trọng; đánh dấu bước tiến mới trong lối sống của con người. Loài người bước vào thời đại đồ đá mới. Thời đại đá mới được đặc trưng bởi những tiến bộ về phương thức sản xuất cũng như kĩ thuật sản xuất. Toàn trái đất trở nên ấm; ẩm ướt; khí hậu môi trường có những biến đổi lớn; thuận tiện cho sự tồn tại; phát triển của con người; động và thực vật. Thời kì này con người nhận biết; tận dụng và sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu như đá; đất sét; xương; sừng; tre; gỗ…
  • Những điều kiện định cư lâu dài và sự phát triển của nông nghiệp đã làm hình thành rõ nét tính địa phương của văn hoá trong những khu vực hẹp vào cuối thời đại đá mới (cách đây khoảng 5000 năm). Thời kì này cũng xuất hiện những tín ngưỡng nguyên thuỷ. Là cư dân nông nghiệp nên mưa; gió và đặc biệt là mặt trời đã trở thành một trong những thần linh quan trọng đối với con người.

Câu 2: Trình bày về các nền văn hóa thời sơ sử ở Việt Nam?

Cách đây khoảng 4000 năm; cư dân Việt Nam; từ lưu vực sông Hồng cho đến lưu vực sông Đồng Nai; đã bước vào thời đại kim khí.

Thời kì này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại ba trung tâm văn hoá lớn là Đông Sơn (miền Bắc); Sa Huỳnh (miền Trung) và Đồng Nai (miền Nam).

Văn hoá Đông Sơn (cả giai đoạn tiền Đông Sơn) được coi là cốt lõi của người Việt cổ.

Văn hoá Sa Huỳnh (cả giai đoạn tiền Sa Huỳnh) được coi là tiền nhân tố của người Chăm và vương quốc Chămpa.

Văn hoá Đồng Nai (cả giai đoạn đồng và sắt) lại là một trong những cội nguồn hình thành văn hoá Óc Eo của cư dân thuộc nhóm Mã Lai- Đa Đảo sinh sống vào những thế kỉ sau công nguyên ở vùng Đông và Tây Nam Bộ. Hiện nay; văn hoá Óc Eo thường được gắn với vương quốc Phù Nam; một nhà nước tồn tại từ thế kỉ II đến hết thế kỉ VII ở châu thổ sông Cửu Long.

Câu 3: Trình bày bối cảnh văn hóa lịch sử ở Châu thổ Bắc Bộ thời Bắc Thuộc?

Vào những thế kỉ cuối của thiên niên kỉ trước công nguyên, nền văn hóa Việt cổ bắt đầu chịu những thử thách ghê gớm. Quốc gia Văn Lang, sau đó là Âu Lạc và dân tộc hầu như vừa mới được xác lập và tồn tại chưa bao lâu đã rơi vào tình trạng bị đô hộ.

Năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà vua nước Nam Việt đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) xâm chiếm nước Âu Lạc, chia Âu Lạc ra thành hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân.

Năm 111 trước công nguyên, nhà Hán chiếm được nước Nam Việt, đổi vùng đất của Âu Lạc, thành châu Giao Chỉ, dưới đó là bảy quận, với chức quan đầu châu là thứ sử, đầu quận là thái thú.

Như vậy có ba đặc trưng cơ bản trong bối cảnh văn hóa – lịch sử giai đoạn này:

  • Tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt – Hán.
  • Giao lưu văn hóa tự nhiên Việt – Ấn.
  • Giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa bằng cách bảo tồn những giá trị truyền thống đã được định hình và phát triển trong giai đoạn văn hóa Đồng Sơn và bằng cách thâu hóa yếu tố văn hóa mới, để chống lại xu hướng đồng hóa văn hóa của vương triều Hán.

Câu 4: Anh chị hãy phân tích nội dung Tiếp xúc cưỡng bức và Giao thoa văn hóa Việt - Hán?

  • Cùng với việc xâm chiếm và thôn tính đất đai của người Việt, giai cấp thống trị Hán đã tiến hành những chính sách đồng hóa văn hóa Việt trên mọi phương diện.
  • Ở lĩnh vực chính trị – xã hội, kẻ thống trị Hán có ý thức di thực mô hình tổ chức chính trị và sinh hoạt xã hội của Trung Hoa sang đất Việt với mục đích thiết lập trên đất này một cơ cấu xã hội, một thể chế chính trị, một phương thức canh tác và một phong tục tập quán giống như Trung Hoa. Đó là các chính sách bắt dân bản xứ học tập như người Hán, ăn mặc, tổ chức xã hội, làm ruộng giống người Hán.
  • Ở lĩnh vực tư tưởng là sự truyền bá các học thuyết, các tôn giáo của phương Đông, là sự du nhập đạo Nho, đạo Lão – Trang,… vào Việt Nam.
    Sự tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt - Hán còn để lại dấu ấn trong những lĩnh vực khác như cách ăn, mặc, ở, đi lại phương thức sản xuất, quan hệ xã hội, tiếng nói

Câu 5: Trình bày nôi dung Giao lưu văn hóa tự nhiên Việt - Ấn?

  • Trong giai đoạn thiên niên kỉ I sau công nguyên này bên cạnh giao lưu với văn hóa Hán, luồng ảnh hưởng của văn hóa phương Nam mà tiêu biểu là văn hóa Ấn Độ đã theo Phật giáo du nhập vào nước ta. Phật giáo từ Ấn Độ truyền bá vào đất Việt và Trung Quốc – rồi từ Trung Quốc truyền dội sang đất nước ta – từ rất sớm, đại để vào một hai thế kỉ đầu công nguyên.
  • Phật giáo vào nước ta thì nó đã biến dạng khá nhiều, bởi đạo Bà la môn, bởi những thêm bớt trên đường truyền bá từ Ấn Độ sang các nước láng giềng, sang Trung Quốc và từ Trung Quốc sang đất Việt. Khi vào đất Việt, Phật giáo cũng phải biến hóa cho phù hợp với phong tục tập quán của cư dân bản địa.
  • Giao Châu ở sát ngay các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ và sử dụng Phạn ngữ, lại gần gũi với văn minh Trung Hoa và ở đây đã dùng chữ Hán. Giao Châu thuận lợi cả về mặt địa lí và ngôn ngữ văn tự cho sự truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Hoa.
  • Theo sử sách Trung Quốc, bấy giờ Giao Châu, ngoài các chùa thờ Phật, còn nhiều đền thờ khác của tín ngưỡng dân gian Việt Nam bị gán chung là “dâm từ”. Điều đó chứng tỏ tín ngưỡng cổ truyền của người Việt vẫn đậm đà trên đất Giao Châu.

Câu 6: Trình bày nội dung đặc trưng Văn hóa Champa?

Từ thập kỉ 60 trở về trước, nhiều học giả phương Tây, đặc biệt G.Coedes, thường coi Chămpa là một quốc gia Ấn hóa. Sự thực, ảnh hưởng văn hóa – tôn giáo của Ấn Độ đối với Chămpa là rất mạnh mẽ và không ai phủ nhận được. Song học giả Paul Mus cũng đã nhận ra nhiều nét bản địa – tiền Ấn Độ hóa trong văn hóa Chămpa. Trong quá trình tiếp thu văn hóa Ấn Độ, người Chămpa đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa địa phương (nội sinh) và văn hóa bên ngoài (ngoại sinh) trên cơ sở môi trường tự nhiên và tâm lí dân tộc để sáng tạo ra nền văn hóa của mình có những nét chung, song có nhiều nét riêng so với những văn hóa láng giềng khác ở Đông Nam Á cũng tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ.

Câu 7: Nội dung văn hóa Óc Eo?

  • Óc Eo là tên một di tích khảo cổ học ở cánh đồng Giồng Cát – Giồng Xoài tiếp giáp về phía Đông và Đông Nam núi Ba Thê, nay thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Mùa xuân năm 1944 nhà khảo cổ học Pháp L. Malleret đã tiến hành khai quật ở đây. Từ sau cuộc khai quật này bắt đầu xuất hiện khái niệm văn hóa Óc Eo.
  • Cư dân Óc Eo cư trú trên một địa bàn rộng lớn, ở nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau và ở mỗi tiểu vùng này có những đặc trưng riêng về xây cất nhà ở, đền tháp, cách thức làm ăn, đi lại.
  • Địa bàn sinh tụ của cư dân văn hóa Óc Eo rất rộng lớn, họ giỏi thích ứng với những hoàn cảnh sinh thái khác nhau để tạo lập cuộc sống ổn định và xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa đặc sắc của mình .Các nhà khảo cổ đã tìm được hàng loạt di tích, di vật nói lên trình độ phát triển cao, quy mô rộng lớn và rất đa dạng của công việc xây dựng thời Óc Eo. Người Óc Eo ở nhà đất và nhà sàn, phổ biến là nhà sàn.
  • Người Óc Eo trồng trọt trên nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau, chủ yếu là trồng lúa. Lúa có nhiều loại khác nhau, có loại lúa hạt tròn, lúa bản địa, có loại lúa hạt dài – lúa ngoại nhập, có loại lúa hoang dại. Lúa được gieo cấy ở ruộng rẫy hay ruộng trũng.
  • Ngoài các hoạt động sản xuất, hoạt động trao đổi buôn bán cũng khá phát triển ở cư dân Óc Eo. Khảo sát các di tích, các nhà khoa học đã cho biết có nhiều đồng tiền vàng, đồng, thiếc (có những đồng được cắt đôi, cắt tư, cắt tám để làm tiền lẻ) đã được tìm thấy.

Câu 8: Bối cảnh lịch sử văn hóa Việt Nam thời Tự chủ?

Thời tự chủ của quốc gia Đại Việt kéo dài suốt gần một thiên niên kỉ, từ năm 938 cho đến năm 1858. Giai đoạn này có nhiều biến đổi tự thân trong nội bộ quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng lại là thời kì có biến đổi nhiều từ ngoại cảnh.

  • Sau chiến thắng Bạch Đằng, Đại Việt bước vào thời kì xây dựng quốc gia độc lập. Mở đầu là nhà Ngô, năm 939, Ngô Quyền không xưng là Tiết độ sứ nữa mà xưng là Ngô Vương và định đô ở Cổ Loa.
  • Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn tan 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, đặt kinh đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xây dựng quốc gia, củng cố chính quyền.
  • Năm 981, Lê Hoàn kế thừa quốc gia của nhà Đinh lập ra nhà Tiền Lê.
  • Năm 1010, nhà Lý lên ngôi, dời đô về Đại La, đổi tên thành này là thành Thăng Long
  • Năm 1054, đổi tên nước là Đại Việt. Năm 1226, nhà Trần thay nhà Lý.
  • Năm 1400, nhà Hồ thay thế nhà Trần để rồi đất nước Đại Việt rơi vào tay quân xâm lược nhà Minh.
  • Năm 1428, sau một thời gian dài kháng chiến, Lê Lợi giành lại độc lập cho đất nước, lên ngôi vua, lập ra nhà Lê.
  • Năm 1527, nhà Mạc giành ngôi của nhà Lê, sau đó là thời kì Nam Bắc triều và xung đột Lê–Mạc.
  • Từ năm 1570 đến năm 1786, Đàng Trong và Đàng Ngoài xung đột, giữa một bên là nhà Lê – Trịnh và một bên là chúa Nguyễn.
  • Năm 1771, anh em Tây Sơn khởi nghĩa, lập lại nền thống nhất đất nước vào năm 1786.
  • Năm 1802, nhà Nguyễn thắng thế, đặt nền cai trị của mình trên toàn bộ đất nước
  • Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam.

Như vậy, diễn trình lịch sử của Việt Nam từ năm 938 đến năm 1858 diễn ra với những đặc điểm sau:

  • Các vương triều liên tục thay thế nhau xây dựng một quốc gia tự chủ. Sự thay thế các vương triều không làm đứt đoạn lịch sử mà vẫn khiến cho lịch sử là một dòng chảy liên tục.
  • Đất nước được mở rộng dần về phương Nam, đến giữa thế kỉ XVIII, việc khai phá miền Nam Bộ đã cơ bản hoàn thành. Sau năm 1786 và năm 1802, đất nước Việt Nam đã có một lãnh thổ thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau.
  • Mặt khác, thời kì này cũng có khá nhiều biến đổi từ ngoại cảnh, chủ yếu là các cuộc xâm lược liên tiếp của phong kiến phương Bắc và những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của cư dân Việt.

Như thế, liên tục chống xâm lược là một nét đặc biệt của lịch sử Việt Nam thời tự chủ. Người dân cũng như các vương triều đều phải tiến hành cuộc chiến đấu tự bảo vệ mình và cộng đồng. Đó là thời kì lịch sử biến động dữ dội, đầy bão táp. Bọn xâm lược, dù được màu áo của vương triều nào, dù đến từ chân trời nào đều có chung một ý tưởng: hủy hoại nền văn hóa của cộng đồng cư dân bị chúng xâm lược. Thế nhưng, người dân Việt mỗi lần bị xâm lăng là một lần trỗi dậy, chứng tỏ lòng yêu nước bất khuất của mình. Văn hóa Việt lại trỗi dậy, vươn lên, đạt đến những đỉnh cao. Do đó, khi nhìn nhận văn hóa Việt Nam thời tự chủ, các nhà nghiên cứu thường khẳng định rằng có ba lần phục hưng văn hóa dân tộc:

  • Lần thứ nhất vào thời Lý–Trần. Sự phục hưng này diễn ra sau khi đất nước được giải phóng khỏi ách Bắc thuộc.
  • Lần thứ hai vào thế kỉ XV, sau khi giặc ngoại xâm bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, thì văn hóa dân tộc bước vào thời kì phục hưng từ đời Lê Thái Tổ đến đời Lê Thánh Tông.
  • Lần thứ ba vào cuối thế kỉ XVIII, một lần nữa văn hóa dân tộc lại có sự phục hưng mãnh liệt. Mỗi lần phục hưng văn hóa dân tộc như thế, văn hóa Việt Nam lại có những thay đổi cả về lượng lẫn về chất, mà chúng ta chỉ có thể nhìn rõ khi xem xét từng giai đoạn văn hóa.

Câu 9: Đặc trưng văn hóa Việt Nam giai đoạn từ năm 1858 đên năm 1945?

Giai đoạn này có hai đặc trưng văn hóa lớn:

  • Tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt–Pháp
  • Giao lưu văn hóa tự nhiên Việt Nam với thế giới Đông Tây.

Câu 10: Trình bày nội dung của : Sự phát triển nền văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp?

  • Điều dễ nhận thấy của văn hóa Việt Nam từ năm 1945 đến nay là sự phát triển của văn hóa chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hóa hoạt động văn hóa. Sự phát triển này ngày càng khẳng định rõ hơn bản sắc văn hóa dân tộc, cũng khẳng định sự tiếp cận với xu thế hiện đại của thời đại.
  • Ngay sau khi hòa bình lập lại, lực lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức lại. Các đoàn nghệ thuật như kịch nói Hà Nội, kịch nói Quân đội, kịch nói Nam Bộ, Đoàn Ca múa nhạc Trung ương... các thể loại như nhạc, kịch hát, thơ múa, kịch múa, các thể loại âm nhạc thính phòng tiếp thu từ tinh hoa văn hóa bác học thế giới là những thể loại đòi hỏi phải có kiến thức phong phú, trình độ kĩ thuật nghiệp vụ cao (cả về sáng tác lẫn biểu diễn), đã phát triển.
  • Cùng với điện ảnh là nghệ thuật sân khấu, tạo hình, tất cả đều rất phát triển.
    Đáng kể hơn cả là sự phát triển của văn học. Trong lịch sử văn học dân tộc, chưa bao giờ đội ngũ sáng tác văn học lại đông đảo như hiện tại, và có nhiều tác phẩm như thời gian từ 1945 đến nay. Sự trong sáng về ngôn ngữ, sự đa dạng về chủ đề, sự phong phú về sáng tác, thể loại đã khiến cho nền văn học hiện đại xứng đáng với đánh giá của Đại hội đại biểu lần thứ tư của Đảng Cộng sản Việt Nam: đứng vào hàng tiên phong của văn học các dân tộc bị áp bức, đấu tranh giải phóng dân tộc.

==> Có được những thành tựu ấy chính là nhờ sự phát triển cả về chất lượng và số lượng của đội ngũ hoạt động văn hóa chuyên nghiệp. Trình độ dân trí được nâng cao, khiến cho chủ/khách thể của văn hóa Việt Nam thay đổi. Nhiều nhà hoạt động văn hóa sinh ra và trưởng thành từ đội ngũ những người lao động.

Câu 11: Trình bày nội dung của Kế thừa và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống?

  • Từ quan điểm về văn hóa, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Chưa bao giờ trong diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam, văn hóa truyền thống lại được chú trọng kế thừa, phát huy một cách sâu sắc như vậy. Ngay từ năm 1946, Hồ Chí Minh đã phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất: “phải biết tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng″.
  • Với văn hóa bác học, công việc nghiên cứu đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhiều tác giả của văn học cổ được nghiên cứu, đánh giá, khẳng định như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu v. v… Hầu hết tác phẩm, tác giả của văn học dân tộc đã được giới thiệu, nghiên cứu có lẽ chỉ dưới ánh sáng của thời đại mới, văn học truyền thống mới được chỉ ra một cách đầy đủ các giá trị của nó.
  • Vì thế, việc kế thừa phát huy các giá trị văn hóa mới và kết quả của công việc không chỉ là bảo lưu, gìn giữ văn hóa dân gian, truyền thống, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn hóa chuyên nghiệp, đồng thời chứng tỏ sự thống nhất của văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.

----------------------

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Câu hỏi ôn thi môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam - Chương 3. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 419
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm