Câu nghi vấn

Câu nghi vấn - Ngữ văn lớp 8

Câu nghi vấn được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 8 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ mới sắp tới đây của mình. Mời các bạn tải và tham khảo

A. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

I. Đặc điểm hình thức của câu nghi vấn

Câu nghi vấn là loại câu dùng để hỏi, nêu lên điều chưa rõ về sự vật, sự việc… và cần được giải đáp.

Câu nghi vấn thường sử dụng những từ nghi vấn ai, gì, nào, sao, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)… không, (đã,… chưa…) hoặc có từ hay (nối các vế có quan hệ lựa chọn).

Ví dụ:

  • Vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt, con bé hóm hỉnh hỏi mẹ một cách thiết tha:
  • Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

(Ngô Tất Tố)

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà?

(Ca dao)

Ở dạng viết, câu nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Ở dạng nói câu nghi vấn có ngữ điêu nghi vấn (thường lên giọng ở cuối câu).

II. Chức năng của câu nghi vấn

Câu nghi vấn có chức năng chính là dùng để hỏi. Ngoài ra, câu nghi vấn còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, bộc lộ tình cảm, cảm xúc…

Ví dụ:

  • Câu nghi vấn dùng để cầu khiến:

Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!

(Ngô Tất Tố)

  • Câu nghi vấn dùng để bộc lộ tình cảm:

Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi của con mà con người ta giằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa! Mẹ xa con, mẹ có biết không?

(Nguyên Hồng)

  • Câu nghi vấn dùng để khẳng định:

Chị Dậu run run:

  • Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất sưu cửa chú nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu? Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất…

(Ngô Tất Tố)

  • Câu nghi vấn dùng để phủ định:

Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn?

(Nam Cao)

Đọc đoạn trích trong SGK, trang 11, và trả lời câu hỏi.

a. Các câu nghi vấn trong đoạn trích:

  • Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?

Đặc điểm hình thức của câu nghi vấn trên: có các từ để hỏi: có… không và kết thúc bằng dấu chấm hỏi:

  • Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai? Hay là u thương chúng con đói quá?

Đặc điểm hình thức của câu nghi vấn trên: có từ nghi vấn làm sao, từ hay, để nối các vế có quan hệ lựa chọn và các câu kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

b. Các câu nghi vấn trong đoạn trích trên có chức năng chính là dùng để hỏi.

B. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập này có hai yêu cầu:

  • Xác định câu nghi vấn trong những đoạn trích ở SGK, trang 11.
  • Dựa vào những đặc điểm hình thức nào để biết đó là câu nghi vấn.

Để làm được bài tập này, các em cần:

  • Đọc kĩ những đoạn trích trong SGK;
  • Dựa vào những đặc điểm hình thức: có những từ nghi vấn kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

a. Đoạn trích (a) có một câu nghi vấn: Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không?

Đặc điểm hình thức để nhận biết đó là câu nghi vấn: Có từ nghi vấn: phải không và kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

b. Đoạn trích (b) có một câu nghi vấn: Tại sao con người lại phải như thế?

c. Đoạn trích (c) có hai câu nghi vấn: Văn là gì? Chương là gì?

Đặc điểm hình thức để nhận biết đó là câu nghi vấn: Câu có từ nghi vấn gì và được kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

d. Đoạn trích (d) có bốn câu nghi vấn:

  • Chú mình muốn cùng tớ đùa vui không?
  • Đùa trò gì?
  • Cái gì thế?
  • Chị Cốc béo xù đứng trước cửa nhà ta ấy hả?

Đặc điểm hình thức để nhận biết là các câu nghi vấn: Có các từ nghi vấn: không, gì, gì thế, hả và đều được kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

2. Bài tập này nêu hai yêu cầu:

  • Cơ sở để xác định những câu cho ở bài tập trong SGK, trang 12, là câu nghi vấn.
  • Có thể thay từ hay bằng từ hoặc trong những câu nghi vấn đó được không? Giải thích vì sao có thể thay được hay không thay được.
  • Có thể xác định các câu đã cho trong bài tập là những câu nghi vấn, đặc điểm hình thức của các câu nghi vấn đó là đều có từ hay – nối các vế trong câu có quan hệ lựa chọn và kết thúc câu bằng dấu chấm hỏi.
  • Trong các câu trên, không thể thay từ hay bằng từ hoặc được vì hoặc dùng để biểu thị quan hệ giữa nhiều khả năng khác nhau, không khả năng này thì khả năng kia, ít nhất cộ một khả năng được thực hiện.

Ví dụ: Hoặc anh hoặc tôi, một người phải ở lại.

Chiều nay hoặc sáng mai anh ấy sẽ đến.

Từ hay biểu thị quan hệ lựa chọn giữa hai điều được nói đến, có điều này thì không có điều kia, và ngược lại. Câu ca dao là cách ướm duyên của chàng trai, vừa tình tứ vừa có chút băn khoăn. Còn trong câu văn của Nguyên Hồng, từ hay được dùng để thể hiện sự băn khoăn, ngạc nhiên và niềm hạnh phúc vô bờ của cậu bé Hồng về sự tươi trẻ của người mẹ sau bao ngày xa cách.

3. Bài tập này nêu hai yêu cầu:

  • Xem xét những câu đã cho trong SGK, trang 13 có phải là câu nghi vấn hay không?
  • Có thể đặt dấu chấm hỏi ở cuối những câu đó được không? Và giải thích vì sao?

Các câu đã cho trong bài tập đều có đặc điểm hình thức của câu nghi vấn: Không (câu a), tại sao (câu b), nào (câu c), ai (câu d) nhưng chúng không phải là từ nghi vấn và những câu này không có chức năng chính là để hỏi, hay để cầu khiến, khẳng định, phủ định, bộc lộ tình cảm, cảm xúc… Do đó, không thể đặt dấu chấm hỏi ở cuối những câu ấy.

4. Bài tập này yêu cầu các em phân biệt hình thức và ý nghĩa của hai câu:

a. Anh có khoẻ không?

b. Anh đã khoẻ chưa?

Về hình thức, có thể nhận thấy hai câu trên là hai câu hỏi:

  • Câu a: Cổ cặp từ nghi vấn … có… không và kết thúc bằng dấu chấm hỏi.
  • Câu b: Có cặp từ nghi vấn … đã… chưa và kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

Nhưng về ý nghĩa, hai câu trên hoàn toàn khác nhau:

  • Câu a: Anh có khoẻ không? Có thể hiểu là một lời chào, một lời hỏi thăm bình thường, không nhằm mục đích để biết tình trạng sức khoẻ của người được hỏi.
  • Câu b: Anh đã khoẻ chưa? Có thể hiểu là một lời hỏi thăm sức khoẻ với mục đích muốn biết rõ tình trạng sức khoẻ của người được hỏi khoẻ / chưa khoẻ.

Có thể xác định câu trả lòi thích hợp cho từng câu như sau:

a) Anh có khoẻ không?

Tôi khoẻ / Dạo này tôi không được khoẻ cho lắm.

b) Anh đã khoẻ chưa?

Tôi đã khoẻ rồi / Tôi vẫn chưa khoẻ.

5. Bài tập này yêu cầu các em nêu sự khác nhau về hình thức và ý nghĩa của hai câu dẫn trong bài tập trang 13.

a. Bao giờ anh đi Hà Nội?

b. Anh đi Hà Nội bao giờ?

Về hình thức, đây đều là hai câu hỏi nhưng cách thức diễn đạt khác nhau. Ớ đây (a) từ nghi vấn bao giờ được đặt ở đầu câu, nhưng ở câu (b) lại được đặt ở cuối câu.

  • Trong câu (a), bao giờ dùng để hỏi về việc anh đi Hà Nội, sẽ diễn ra vào thời điểm nào. Câu này thưòng được dùng để hỏi về một sự việc sắp xảy ra.
  • Trong câu (b), bao giờ để hỏi về việc anh đi Hà Nội là xảy ra vào lúc nào, ở đây người hỏi không biết cụ thể, ít nhiều ngạc nhiên. Câu này được hiểu là anh đã đi Hà Nội và đã trở về, và thường được dùng để hỏi về thời gian một sự việc đã xảy ra.

6. Bài tập này yêu cầu các em xác định trong hai câu nghi vấn dẫn ở bài tập là đúng hay sai? Giải thích vi sao?

a. Chiếc xe này bao nhiêu ki-lô-gam mà nặng thế?

b. Chiếc xe này giá bao nhiêu mà rẻ thế?

Gợi ý:

Về mặt lô-gíc, ta có thể thấy: mặc dù không biết chính xác đồ vật, nhưng ta có thể cảm nhận vật đó nặng hay nhẹ (qua việc bưng vác, khuân…) nhưng khi ta không biết giá của một vật là bao nhiêu thì không thể kết luận vật đó rẻ hay đắt.

Trên cơ sở đó, các em có thể kết luận: câu (a) là đúng, câu (b) là sai.

............................................

Ngoài Câu nghi vấn. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
11 8.274
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 8

    Xem thêm