Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Lai Châu năm 2020

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Lai Châu năm 2020 là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho thầy cô trong quá trình giảng dạy, ôn luyện kiến thức đã học cho các bạn đồng thời cũng giúp học sinh làm quen nhiều dạng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 khác nhau. Mời các bạn tham khảo chi tiết đề thi và đáp án tại đây nhé.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 9, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 9 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 9. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Lai Châu 2020

Sở GD&ĐT Lai Châu

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Văn

Phần I: Đọc - hiểu (4,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm"

(Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục).

Câu 1. Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ nào? Của tác giả nào ? Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy (1,0 điểm)

Câu 2. Bài thơ có những câu thơ trên gợi cho em nhớ đến bài thơ nào đã học trong chương trình THCS. Điểm giống nhau của hai bài thơ đỏ là gì ? (1,0 điểm)

Câu 3. Câu thơ “ Lại đi, lại đi trời xanh thêm" sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó? (1,0 điểm)

Câu 4. Thông điệp của đoạn thơ trên là gì ?(1,0 điểm).

Phần II: Làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) thể hiện suy nghĩ của minh về truyền thống "thương người như thể thương thân" của nhân dân ta.

Câu 2 (4,0 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

Đồng chí!

(Trích Đồng chí, Chính Hữu)

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Lai Châu 2020

Phần I: Đọc - hiểu (4,0 điểm)

Câu 1. Đoạn thơ trên được trích từ bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Bài thơ về tiểu đội xe không kính ra đời năm 1969, nằm trong chùm thơ 4 bài (Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Nhớ, Gửi em cô thanh niên xung phong) của Phạm Tiến Duật được tặng Giải Nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969-1970. Chùm thơ đã khẳng định giọng thơ riêng của của ông. Sau này, thi phẩm được in trong “Vầng trăng quầng lửa” (1970 ). Ông đã để lại một dấu mốc sáng tạo của thơ Việt Nam trong quá trình đi tìm cái đẹp từ các sự kiện, biến cố cách mạng và chiến tranh.

Câu 2. Bài thơ " Đồng chí "

Giống nhau:

- Đều viết về người lính trong thời kì kháng chiến với những tình cảm đồng đội cao đẹ-

- Đều đề cao tinh thần chiến đấu và phẩm chất dũng cảm, lạc quan của người lính trong bất cứ hoàn cảnh nào

- Đều lột tả những khó khăn,gian nan, vất vả, thiếu thốn vật chất mà người lính phải trải qua

- Đều chiến đấu vì mục đích baoe vệ nền độc lập dân tộc

Câu 3. Tác giả sử dụng biện pháp điệp từ “lại đi”, điều này giúp cho người đọc cảm nhận được, hình dung được về một bầu trời xanh mát, xanh mãi, nơi đó hiện ra một cảnh tượng yên bình thoáng đãng, nhấn mạnh được bầu trời xanh đẹp và làm tăng sức biểu cảm của văn bản.)

Câu 4. Thông điệp của đoạn thơ trên:Tình đống chí, đồng đội gắn bó, keo sơn; họ lạc quan, tràn đầy hi vọng và tinh thần bất khuất của người lính láo xa trên tuyến đường Trường Sơn.

Phần II: Làm văn (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Giới thiệu vấn đề: truyền thống "thương người như thể thương thân" của nhân dân ta

Gợi ý: Trong kho tàng ca dao, tục ngữ mà ông bà ta để lại có một câu thể hiện nội dung là tình thương yêu giữa con người và con người với nhau. Câu tục ngữ ấy chính là: “Thương người như thể thương thân”

Bàn luận vấn đề

*Giải thích câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân” nghĩa là gì?

- Thương người nghĩa là chúng ta phải luôn luôn mở rộng tấm lòng của mình để quan tâm, lo lắng cho những người xung quanh còn nhiều vất vả, khó khăn.

- Thương thân nghĩa là yêu thương chính bản thân chúng ta. Chúng ta luôn trân trọng, chăm lo đến bản thân rất nhiều và đó là điều tất yếu.

- Cả câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân mang đến cho chúng ta suy nghĩ rằng: chúng ta yêu thương, trân trọng, chăm sóc bản thân mình như thế nào thì hãy mở rộng tấm lòng của mình yêu thương những người xung quanh mình như thế đó.

*Những biểu hiện

- Yêu thương người khác đặc biệt là những người còn gặp nhiều khó khăn luôn là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.

- Cạnh nhà ta có một cụ già neo đơn, bất hạnh. Trong ta cứ dấy lên niềm xót thương vô hạn. Ta day dứt vì cảnh đời một cụ già tội nghiệp: Chắc chắn mình phải làm gì đó cho cụ. Ta dành thời gian có thể để giúp đỡ, hoặc tiết kiệm những đồng tiền ăn sáng ít ỏi của mình để gửi tặng cụ. Cảm xúc và hành động đó được gọi là tình thương.

- Nếu không có một trái tim chan chứa yêu thương, nhà văn Khánh Hoài khó tạo ra giây phút chia li cảm động giữa Thủy với cả lớp, Thủy và anh trai trong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”, để rồi người đọc thấm thía giá trị của gia đình, biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc.

- Tình yêu thương, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh xung quanh ta còn được nhân dân tôn vinh trong nhiều truyền thuyết xa xưa như: “Con rồng cháu tiên”, “Quả bầu mẹ”,..

- Trong ca dao, dân ca cũng có một số câu thể hiện tình yêu thương như: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,...

- Trong cuộc sống hằng ngày, ta dễ dàng bắt gặp những con người có lối sống đẹp như một con người luôn sống lành mạnh, chan hòa với cuộc sống, luôn tự vươn lên khi gặp khó khăn, vất vả.

- Hay những thanh niên, đoàn viên làm các công tác xã hội, những việc mà người dân cần như quét dọn sạch sẽ đường phố, nạo vét các kênh rạch bị nghẹt, tham gia các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh,… Đó chính là một trong những biểu hiện của “sống đẹp”.

Phản đề: vần còn đâu đó những kẻ ích kỉ, sống vô cảm, thờ ơ với mọi ngưòi xung quanh

Kết thúc vấn đề

- Qua câu tục ngữ, bản thân là học sinh, tôi đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

- Đó là một câu tục ngữ rất hay và sâu sắc, thể hiện một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.

Câu 2 (4,0 điểm):

Nội dung chính của đoạn trích thơ: Cơ sở hình thành tình đồng chí

*Hai câu đầu:

– Hai câu thơ mở đầu bằng lối cấu trúc song hành, đối xứng như làm hiện lên hai gương mặt người chiến sĩ. Họ như đang tâm sự cùng nhau.Giọng điệu tự nhiên, mộc mạc, đầy thân tình. “Quê anh” và “làng tôi” đều là những vùng đất nghèo, cằn cỗi, xác xơ, là nơi “ nước mặn đồng chua” – vùng đồng bằng ven biển, là xứ sở của “đất cày lên sỏi đá” – vùng đồi núi trung du.

– Tác giả đã mượn thành ngữ, tục ngữ để nói về làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của những người chiến sĩ. Điều ấy đã làm cho lời thơ mang đậm chất chân quê, dân dã đúng như con người vậy – những chàng trai dân cày chân đất, áo nâu lần đầu mặc áo lính lên đường ra trận! Như vậy, sự đồng cảnh, cùng chung giai cấp chính là cơ sở, là cái gốc hình thành nên tình đồng chí.

*5 câu thơ tiếp: Nói về quá trình hình thành tình đồng chí: Xa lạ -> Cùng chung mục đích -> Tri kỉ -> Đồng chí.

Năm câu thơ tiếp nói lên một quá trình thương mến: từ chỗ “đôi người xa lạ” rồi thành “ đôi tri kỉ” để kết thành “đồng chí”. Câu thơ có độ dài ngắn khác nhau, cảm xúc thơ như dồn tụ, nén chặt lại. Những ngày đầu, đứng dưới lá quân kì, những chàng trai ấy còn là “đôi người xa lạ”, mỗi người một phương trời “chẳng hẹn quen nhau”. Nhưng rồi cùng với thời gian kháng chiến, đôi bạn ấy gắn bó với nhau bằng biết bao kỉ niệm: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu – Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. “Súng bên súng” là cách nói hàm súc,giàu hình tượng, đó là những con người cùng chung lí tưởng chiến đấu. Họ cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Còn hình ảnh “đầu sát bên đầu” lại diễn tả sự đồng ý, đồng tâm, đồng lòng của hai con người đó. Và câu thơ “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” lại là câu thơ ắp đầy kỉ niệm về một thời gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi “Bát cơm sẻ nửa – Chăn sui đắp cùng” . Và như thế mới thành “đôi tri kỉ” để rồi đọng kết lại là “ Đồng chí!”. “Đồng chí” – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao! Nó diễn tả niềm tự hào, xúc động, cứ ngân vang lên mãi. Xúc động bởi đó là biểu hiện cao nhất của một tình bạn thắm thiết, đẹp đẽ.Còn tự hào bởi đó là tình cảm thiêng liêng, cao cả của những con người cùng chung chí hướng, cùng một ý nguyện, cùng một lí tưởng, ước mơ.

=> Ở đây, trong những câu thơ này, tác giả đã sử dụng những từ ngữ rất giản dị, nhưng rất chân xác: “bên”, “sát”,”chung”,”thành” đã thể hiện được sự gắn bó tha thiết của mối tình tri kỉ, của tình cảm đồng chí. Cái tấm chăn mỏng, hẹp mà ấm nóng tình đồng đội ấy mãi mãi là kỉ niệm đẹp của người lính không bao giờ quên.

– Dòng thơ thứ bảy trong bài thơ “Đồng chí” là một điểm sáng tạo,một nét độc đáo qua ngòi bút của Chính Hữu. Dòng thơ được tác riêng độc lập, là một câu đặc biệt gồm từ hai âm tiết đi cùng dấu chấm than, tạo nốt nhấn vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định đồng thời như một bản lề gắn kết đoạn thơ đầu với đoạn thơ sau. Sáu câu thơ đầu là cội nguồn, là cơ sở hình thành tình đồng chí; mười câu thơ tiếp theo là biểu hiện, sức mạnh của tình đồng chí. “Đồng chí” – ấy là điểm hội tụ, là nơi kết tinh bao tình cảm đẹp: tình giai cấp, tình bạn,tình người trong chiến tranh. Hai tiếng “đồng chí” bởi vậy mà giản dị, đẹp đẽ, sáng ngời và thiêng liêng.

Ngoài Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Lai Châu năm 2020. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2024 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm