Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7 năm 2019 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

VnDoc cập nhật Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7 năm 2019 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa có đáp án kèm theo là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi môn văn hay, giúp các bạn học sinh tự ôn tập kiến thức, quen thuộc với dạng đề thi học sinh giỏi.

Nhằm mang đến cho các em học sinh lớp 7 tài liệu luyện thi học sinh giỏi, cũng như các thầy cô giáo ôn luyện đội tuyển của mình, VnDoc giới thiệu bộ tài liệu Thi học sinh giỏi lớp 7 với đầy đủ các môn được sưu tầm và tuyển chọn từ các đề thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh... Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.

Tham khảo thêm: Tuyển tập Đề thi HSG Ngữ văn lớp 7 (từ 2016 - 2019) (có đáp án chi tiết)

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7 năm 2019

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 7

HUYỆN HOẰNG HÓA NĂM HỌC 2018 - 2019

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

“… Quê hương là vòng tay ấm

Con nằm ngủ giữa mưa đêm

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm.

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

(Trích bài thơ “Quê hương” - Đỗ Trung Quân)

Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

Câu 2: (1.0 điểm) Xác định nội dung của đoạn thơ?

Câu 3: (2.5 điểm) Tìm và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ có trong đoạn thơ?

Câu 4: (2.0 điểm) Qua đoạn thơ tác giả muốn gửi tới người đọc thông điệp gì?

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (14.0 điểm)

Câu 1 (4.0 điểm)

Từ nội dung đoạn thơ phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tình yêu quê hương của mỗi người.

Câu 2 (10.0 điểm)

Hoài Thanh nhận xét: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”. Qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

----------HẾT----------

Đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7 năm 2019

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2: Đoạn thơ đã thể hiện được tình cảm yêu thương, gắn bó tha thiết, sâu sắc của nhà thơ với quê hương yêu dấu.

Câu 3:

- Các biện pháp tu từ:

  • Điệp ngữ “quê hương” được lặp lại 4 lần.
  • So sánh: Quê hương là vòng tay ấm, là đêm trăng tỏ, như là chỉ một mẹ thôi.

- Tác dụng: nhấn mạnh tình yêu tha thiết, sự gắn bó sâu nặng với quê hương của tác giả. Đồng thời đã làm nổi bật hình ảnh quê hương thật bình dị, mộc mạc nhưng cũng thật ấm áp, gần gũi, thân thương, máu thịt, thắm thiết.

Câu 4:

- Trình bày thành một đoạn văn (từ 5-7 câu)

- Học sinh xác định thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân.

  • Vai trò của quê hương.
  • Giáo dục tình yêu quê hương.

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (14.0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ

- Yêu cầu chung:

  • Đảm bảo thể thức của một đoạn văn.
  • Xác định đúng vấn đề nghị luận.

- Yêu cầu cụ thể:

Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Học sinh có thể viết đoạn văn theo định hướng sau:

  • Tình yêu quê hương:
  • Là tình cảm tự nhiên mang giá nhân bản, thuần khiết trong tâm hồn mỗi con người. Quê hương chính là nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó, nuôi dưỡng sự sống, đặc biệt là đời sống tâm hồn của mỗi người.
  • Quê hương là bến đỗ bình yên, là điểm tựa tinh thần của con người trong cuộc sống. Dù đi đâu, ở đâu hãy luôn nhớ về nguồn cội. (dẫn chứng).
  • Tình cảm đối với quê hương sẽ gợi nhắc đến tình yêu đất nước. Hướng về quê hương không có nghĩa chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra mà phải hướng tới tình cảm lớn lao, thiêng liêng bao trùm là Tổ quốc.
  • Có thái độ phê phán trước những hành vi: không coi trọng quê hương, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương: chê quê hương nghèo khó lạc hậu, phản bội lại quê hương; không có ý thức xây dựng quê hương.
  • Có nhận thức đúng đắn về tình cảm với quê hương; có ý thức tu dưỡng, học tập, phấn đấu xây dựng quê hương; Xây đắp, bảo vệ quê hương, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người.

- Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

- Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2.

Yêu cầu chung:

- Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu vấn đề nghị luận; Thân bài giải thích nhận định và triển khai được các luận điểm làm rõ được nhận định; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Những tình cảm sẵn có, những tình cảm không có qua bài thơ “Bánh trôi nước”.

Yêu cầu cụ thể: Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

Giới thiệu vấn đề nghị luận và tác phẩm liên quan đến vấn đề nghị luận: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có qua bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.

Giải thích ý kiến:

Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có: Trước khi đọc tác phẩm văn chương, những tình cảm đó chưa xuất hiện trong ta. Sau khi đọc tác phẩm, văn chương khơi gợi, giúp ta tiếp thu những tình cảm cao đẹp, mới mẻ, những nét ứng xử tinh tế, những bài học về cuộc đời để ta làm giàu thêm tâm hồn.

Văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có: Văn chương bồi đắp thêm tình cảm, giúp ta nhận thức sâu sắc thêm về vấn đề để ta biết suy nghĩ, ý thức về mình, về những tình cảm đã có, để cho tình cảm ấy sâu sắc hơn, cao đẹp hơn.

Chứng minh qua bài thơ “Bánh trôi nước”:

Bài thơ Bánh trôi nước bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có:

Bài thơ lấy đề tài dân dã, gần gũi, bình dị (Bánh trôi nước). Qua hình ảnh chiếc bánh trôi, bài thơ gửi gắm chủ đề về người phụ nữ trong xã hội phong kiến – một chủ đề quen thuộc của văn học trung đại Việt Nam (vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến).

Bánh trôi nước là một bài thơ vịnh vật tài tình, tả chính xác chiếc bánh trôi đồng thời còn khơi gợi những liên tưởng sâu xa:

Bài thơ thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của tác giả về vẻ đẹp ngoại hình, đặc biệt là ngợi ca, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của người phụ nữ (dẫn chứng)

Bài thơ làm người đọc xúc động, thương cảm sâu sắc về thân phận chìm nổi, đắng cay, bất hạnh, phụ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công (dẫn chứng).

Bài thơ Bánh trôi nước gợi mở cho ta những tình cảm ta không có:

Tác phẩm đã giúp chúng ta hiểu thêm về xã hội phong kiến xưa - một xã hội trọng nam khinh nữ.

Từ đó, khơi gợi trong lòng người đọc niềm căm phẫn, thái độ tố cáo xã hội đầy rẫy những bất công tàn bạo đã chà đạp lên số phận của người phụ nữ.

Nghệ thuật thể hiện:

Hình ảnh, ngôn ngữ dân dã, gần gũi không cầu kì kiểu cách, ước lệ, mà tự nhiên, mang đạm dấu ấn dân gian.

Giọng điệu: vừa kiêu hãnh, tự hào vừa ngậm ngùi, xót xa, có thách thức.

Thể thơ và kết cấu: Thể thơ Đường luật được sử dụng nhuần nhị và sáng tạo. Kết cấu chặt chẽ và độc đáo, sự đối lập giữa thân phận và phẩm chất, bài thơ đã tạo ấn tượng về một vẻ đẹp ngời sáng của người phụ nữ, về một bản lĩnh Xuân Hương kiên cường, mạnh mẽ dám nhìn thẳng vào số phận, vượt lên số phận và thách thức với hoàn cảnh sống.

Đánh giá, mở rộng:

Nhận định trên cho thấy giá trị của văn chương: nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm con người, tạo ra phép màu trong cuộc sống, mở rộng cánh cửa lòng nhân ái, giúp ta hiểu thêm tình đời, tình người.

Bài thơ vừa ca ngợi vẻ đẹp cao quý, son sắt của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, vừa thể hiện niềm thương cảm đối với thân phận khổ đau của họ. Bánh trôi nước là một bài thơ hay bởi nói giản dị, để lại xúc đọng và ám ảnh trong lòng người đọc, có sức sống lâu bền trong trái tim những người yêu thơ.

Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Lưu ý chung:

Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.

Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

Khuyến khích những bài viết có sáng tạo nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.

Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 7 năm 2015, Phòng GD&ĐT Hoằng Hóa

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN HOẰNG HÓA

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 7
NĂM HỌC: 2014 -2015
Môn thi: Ngữ văn
Ngày thi: 17/3/2015
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (4.0 điểm):

Chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ sau:

CẢNH KHUYA

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Hồ Chí Minh- Ngữ văn 7, tập I)

Câu 2 (6.0 điểm):

Cảm nhận của em về đoạn văn sau bằng một văn bản ngắn:

“Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.”

(Mùa xuân của tôi – Vũ Bằng)

Câu 3 (10 điểm):

Trong văn bản “Lòng yêu nước” (Ngữ văn 6 – Tập 1), nhà văn I. Ê-ren-bua đã viết:

“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc.”

Từ việc hiểu nội dung đoạn văn trên, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu quê hương đất nước.

Bộ đề thi học kì 2 môn Tiếng Anh lớp 7 năm 2015

Đề kiểm tra học kì II lớp 7 môn tiếng Anh - THCS Trần Hưng Đạo, Đồng Nai

Đáp án đề thi học sinh giỏi lớp 7 môn Văn

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN HOẰNG HOÁ

HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG LỚP 7
NĂM HỌC 2014-2015
MÔN: NGỮ VĂN 7

I. Yêu cầu chung

Giám khảo cần:

  • Nắm bắt kĩ nội dung trình bày của thí sinh để đánh giá được một cách tổng quát và chính xác, tránh đếm ý cho điểm.
  • Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo...

II. Yêu cầu cụ thể

Câu 1 (4 điểm)

HS chỉ ra được các biện pháp tu từ: So sánh, điệp ngữ. (0,5đ)

  • Hình ảnh so sánh: Tiếng suối như tiếng hát có tác dụng khắc họa âm thanh tiếng suối trong đêm khuya, gợi không gian tĩnh lặng; cách so sánh hiện đại mà độc đáo khiến cảnh rừng khuya không lạnh lẽo mà trở nên có sức sống và ấm áp tình người. (1,0đ)
  • Điệp từ lồng với các hình ảnh: trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa gợi cảnh đẹp thơ mộng, huyền ảo. Không chỉ tái hiện một đêm trăng rất sáng mà còn diễn tả rất sinh động sự quấn quýt, hòa hợp giữa cây và hoa tạo nên một bức tranh có đường nét, hình khối, tầng bậc… (1,0đ)
  • Điệp ngữ chưa ngủ mở ra hai trạng thái cảm xúc trong tâm hồn Bác: rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và thao thức vì lo nghĩ việc nước. (1,0đ)

=> Bằng các biện pháp tu từ, bài thơ giúp người đọc cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đẹp, giàu chất họa, chất nhạc và ấm áp tình người. Đồng thời ta còn rung động trước vẻ đẹp tâm hồn của Bác: sự hòa quyện giữa tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước, phong thái ung dung, lạc quan của Người. (0,5đ)

Câu 2 (6 điểm)

a. Yêu cầu về kỹ năng: (0,5đ)

HS viết thành bài văn biểu cảm ngắn, bố cục mạch lạc, cảm xúc trong sáng, diễn đạt lưu loát.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể cảm thụ theo ý kiến chủ quan, tuy nhiên bài làm cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích: Mùa xuân của tôi là phần đầu bài tùy bút Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt trong kiệt tác văn chương Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng. (1,0đ)
  • Đoạn văn mở đầu bằng câu: “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân” như là sự khẳng định trực tiếp: Tình yêu mùa xuân của mỗi người là một tình cảm rất tự nhiên. (0,5đ)
  • Tình cảm chân thực, tự nhiên và tất yếu ấy được thể hiện qua nghệ thuật liệt kê, nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu (dẫn chứng) (2,0đ)
  • Cách viết duyên dáng mượt mà làm cho lời văn mềm mại, tha thiết theo dòng cảm xúc, đọc lên ta cứ ngỡ là thơ. Cảm xúc cứ trào ra qua các điệp ngữ đừng, đừng thương, ai bảo được… ai cấm được... Chữ thương được nhắc tới 4 lần, liên kết với chữ yêu, chữ nhớ đầy ấn tượng và rung động. (2,0đ)

Câu 3 (10 điểm)

* Yêu cầu về kỹ năng: (1,0đ)

  • Làm đúng kiểu bài nghị luận (Giải thích nội dung và trình bày suy nghĩ về một vấn đề xã hội), bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, mạch lạc, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…

* Yêu cầu về kiến thức:

  • Dẫn dắt vấn đề: Truyền thống yêu nước của dân tộc.
  • Nêu vấn đề: (0,5đ)
    • Lòng yêu nước được hình thành từ những biểu hiện cụ thể hằng ngày.
    • Trích dẫn câu nói của nhà văn I. Ê-ren-bua:

1. Giải thích nội dung câu nói của nhà văn I.Ê-ren-bua:

  • Lòng yêu nước vốn là một khái niệm trừu tượng, nhưng nó được thể hiện qua những việc làm cụ thể, bình thường hàng ngày. Câu nói của I.Ê-ren-bua đã diễn tả tình yêu tổ quốc một cách đơn giản, sinh động và dễ hiểu bằng hình ảnh so sánh: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc” cũng giống như “dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra biển”. (1,0đ)
  • Tại sao I.Ê-ren- bua có thể nói như vậy? (1,5đ)
    • Mỗi con người sinh ra, lớn lên đều gắn bó với một ngôi nhà, một ngõ xóm, một đường phố hay một làng quê, với những người thân thiết như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè,…
    • Chính đời sống thân thuộc, bình thường ấy làm nên tình yêu mến của con người đối với quê hương.
    • Tình yêu Tổ quốc được bắt đầu từ chính tình yêu những điều nhỏ bé, đơn sơ, giản dị ấy.

2. Những suy nghĩ của bản thân về quê hương đất nước: (3,0đ)

  • Đất nước Việt Nam còn nghèo nàn lạc hậu nhưng không vì vậy mà chúng ta không yêu Tổ quốc.
  • Suốt mấy chục năm xây dựng CNXH, chúng ta đã thu được những thành tựu đáng kể nhưng cuộc sống người dân vẫn còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, mỗi người cần cố gắng góp sức mình để xây dựng đất nước giàu mạnh.
  • Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển nên người dân Việt Nam cần phát huy tinh thần yêu nước, tự hào, tin tưởng và quyết tâm đưa đất nước vững bước đi lên…

3. Cách thể hiện lòng yêu nước của thế hệ học sinh: (2,0đ)

  • Yêu nước nghĩa là yêu thương những người thân thuộc nhất như: ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè,…
  • Yêu nước cũng có nghĩa là yêu quý, nâng niu, bảo vệ những gì bình thường, gần gũi như: ngôi nhà, mái trường, môi trường sống xung quanh,…
  • Lòng yêu nước của lứa tuổi học sinh còn phải được biểu hiện bằng những hành động thiết thực cụ thể như: Chăm học, chăm làm, tích cực rèn luyện tu dưỡng để trở thành người có ích cho xã hội…

4. Khẳng định tình yêu nước là thiêng liêng, cần thiết. Liên hệ, rút ra suy nghĩ của bản thân. (1,0đ)

Lưu ý: Giám khảo căn cứ vào thực tế làm bài của học sinh để cho các mức điểm phù hợp. Trân trọng những bài viết thể hiện sự sáng tạo và có sức thuyết phục.

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 7 năm 2019 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu Ngữ văn lớp 7, Soạn văn lớp 7, Học tốt Ngữ Văn lớp 7, Soạn Văn lớp 7 (ngắn nhất), Tài liệu học tập lớp 7 được cập nhật liên tục trên VnDoc.com để học tốt môn Ngữ văn lớp 7 hơn.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
197
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 7

    Xem thêm