Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT Tôn Đức Thắng, Ninh Thuận
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT Tôn Đức Thắng, Ninh Thuận là tài liệu ôn thi THPT Quốc gia và luyện thi đại học môn Văn hiệu quả dành cho các bạn học sinh lớp 12 cũng như các bạn thí sinh tự do. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Đại học Vinh
Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 3 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An
SỞ GD&ĐT NINH THUẬN TRƯỜNG THPT TÔN ĐỨC THẮNG | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015 MÔN THI: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 180 phút) |
Câu I. (2,0 điểm)
Anh/chị hãy đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:
...Không những là người cán bộ đã dành trọn cả một đời vì Đảng, vì dân, đồng chí Nguyễn Bá Thanh còn là một người con hết mực hiếu thảo, một người chồng thủy chung, một người anh, một người cha, một người ông mẫu mực, hết lòng thương yêu vợ, thương yêu các con, các cháu... mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Với những công lao cống hiến to lớn của mình, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng
và Nhà nước; nhưng cao quý nhất và đáng tự hào nhất, chính là tấm huân chương của lòng dân, mà nhân dân và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Đà Nẵng cũng như trong cả nước đã dành trọn cho đồng chí...
(Trích Điếu văn tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương - Báo điện tử INFONET giới thiệu ngày 16/02/2015).
Trả lời các câu hỏi sau:
- Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên.
- Nêu nội dung chính của văn bản.
- Xác định biện pháp tu từ về từ trong câu văn "cao quý nhất và đáng tự hào nhất, chính là tấm huân chương của lòng dân, mà nhân dân và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Đà Nẵng cũng như trong cả nước đã dành trọn cho đồng chí" . Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó là gì?
Câu II. (3,0 điểm)
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên sau đây: "Hãy vui với người đang vui, hãy khóc với người đang khóc!".
Câu III. (5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: ở truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân chú tâm miêu tả kĩ lưỡng hiện thực tàn khốc trong nạn đói thê thảm mùa xuân 1945. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Ở tác phẩm này, nhà văn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ.
Từ cảm nhận của mình về tác phẩm, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Câu I. (2,0 điểm)
1. Phong cách ngôn ngữ trong văn bản: (0,5đ)
- Phong cách ngôn ngữ báo chí
- Phong cách ngôn ngữ chính luận
- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
(Cho điểm tối đa khi học sinh nêu đúng 2 trong 3 phong cách trên)
2. Nội dung chính của văn bản: (0,5đ)
- Thương tiếc và ca ngợi đồng chí Nguyễn Bá Thanh là một người cán bộ cách mạng kiên trung, một người con, người chồng, người anh, người cha, người ông mẫu mực.
- Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh.
3. Biện pháp tu từ về từ trong câu văn: Ẩn dụ: tấm huân chương của lòng dân
Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó là ca ngợi, tin tưởng, ngưỡng mộ và tri ân vô hạn của nhân dân trước những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Câu II. (3,0 điểm)
Yêu cầu chung:
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả, .
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song nhất thiết lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí, thuyết phục; cần làm rõ các ý chính sau:
Yêu cầu cụ thể:
1. Mở bài: Nêu được vấn đề nghị luận
(Dẫn dắt, dẫn lại câu nói, thực chất ý nghĩa của lời khuyên: kêu gọi, nhen ươm sự sẻ chia, đồng cảm giữa con người với con người)
2. Thân bài: Giải thích và bàn luận
a. Giải thích ý kiến: Cần quan tâm đến người chung quanh bằng sự đồng cảm, sẻ chia với những vui /buồn, hạnh phúc/ khổ đau, thành công/ thất bại, gian khó, hoạn nạn...của họ
b. Bàn luận ý kiến:
- Hãy vui với người đang vui: Sự sẻ chia, đồng cảm của người chung quanh có tác dụng cổ vũ, khích lệ để họ có thêm động lực ý chí để vươn đến thành công, hạnh phúc cao hơn (Nêu dẫn chứng)
- Hãy khóc với người đang khóc: Sự sẻ chia, đồng cảm của người chung quanh có tác dụng động viên, nâng đỡ để họ vượt qua trạng thái bi quan, nặng nề, tiếp tục nỗ lực để có được niềm vui thành công và hạnh phúc trong tương lai (nêu dẫn chứng).
- Khẳng định lời khuyên trên là lời kêu gọi, nhen ươm cho cách sống đúng và đẹp.
- Phê phán hiện tượng thờơ, vô cảm với người chung quanh, lối sống ích kỉ chỉ biết đến lợi ích riêng mình (dẫn chứng).
3. Kết bài: Khái quát vấn đề, liên hệ, rút ra bài học cho bản thân.
Câu III. (5,0 điểm)
Yêu cầu chung
- Thí sinh biết huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài nghị luận văn học.
- Thí sinh có thể cảm nhận và lí giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng và bám sát văn bản tác phẩm.
Yêu cầu cụ thể
1. MB: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Vài nét về tác giả Kim Lân
- Vài nét về tác phẩm "Vợ nhặt"
- Giới thiệu hai ý kiến
2. Thân bài
Giải thích ý kiến
- "Hiện thực tàn khốc" là toàn bộ hiện thực đời sống vô cùng khắc nghiệt, gây hậu quả nghiêm trọng, đau xót. Ý kiến thứ nhất coi việc tái hiện không khí bi thảm trong nạn đói mùa xuân 1945 là cảm hứng chủ đạo của nhà văn Kim Lân khi viết "Vợ nhặt".
- "Vẻ đẹp tiềm ẩn" là vẻ đẹp của đời sống nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của đạo lí, tình nghĩa,... còn ẩn giấu bên trong cái vẻ ngoài tầm thường, xấu xí. Ý kiến thứ hai coi việc phát hiện, ngợi ca, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp tâm hồn con người mới là cảm hứng chủ đạo của nhà văn trong tác phẩm "Vợ nhặt".
3. Cảm nhận về tác phẩm "Vợ nhặt"
- Trong "Vợ nhặt", Kim Lân chú tâm miêu tả hiện thực tàn khốc khi nạn đói thê thảm mùa xuân1945 diễn ra:
- Hiện thực đói khát tàn khốc khiến ranh giới của sự sống và cái chết trở nên hết sức mong manh.
- Hiện thực đói khát tàn khốc hiện diện qua cả hìnhảnh, âm thanh, mùi vị.
- Hiện thực tàn khốc khiến giá trị con người trở nên rẻ rúng.
- Hiện thực tàn khốc khiến con người sống cuộc sống không ra người.
- Ở "Vợ nhặt", Kim Lân càng chú tâm thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn ở những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ.
- Vẻ đẹp của đạo lí, của tình người.
- Vẻ đẹp ở ý thức, trách nhiệm đối với gia đình.
- Vẻ đẹp ở niềm tin mãnh liệt vào tương lai, tin vào sự sống.
4. Bình luận về ý kiến
- Trong "Vợ nhặt", quả thực Kim Lân có miêu tả hiện thực tàn khốc trong nạn đói 1945, nhưng nhà văn vẫn chủ yếu hướng vào thể hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn của người lao động. Chính nhiệt tình ngợi ca, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp nhân phẩm và đạo lí của người dân xóm ngụ cư mới là cảm hứng chủ đạo của nhà văn và từ đó tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.
- Hai nhận định trên về truyện ngắn "Vợ nhặt" tuy có điểm khác nhau nhưng không hề đối lập. Trái lại, hai ý kiến cùng làm nổi bật giá trị của tác phẩm cũng như tư tưởng của Kim Lân qua truyện ngắn này.
5. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.