Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị là đề thi đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn ôn thi, luyện đề, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia môn năm 2015 môn Văn đang tới gần. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị

Thi thử THPT Quốc gia tại TP.HCM: Đề thi, đáp án môn Ngữ văn năm 2015

Đề thi thử THPT Quốc gia 2015 môn Ngữ Văn trường THPT An Mỹ, Bình Dương

SỞ GD&ĐT QUẢNG TRỊ
TRƯỜNG THPT THỊ XÃ QUẢNG TRỊ

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015 (LẦN 2)
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề).

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên

... "Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta...

Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ...

Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,...

Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá...

Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình" ...

(Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37)

Câu 1. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Dấu hiệu để nhận biết ? (0,25 điểm)

Câu 2. Trong đoạn văn trên, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)

Câu 3. Đoạn văn trên, tác giả sử dụng phép tu từ chủ yếu nào? Nêu tác dụng nghệ thuật của nó? (0,5 điểm)

Câu 4. Qua đoạn văn trên, em thấy phẩm chất cần có nhất của thanh niên là gì? Ngoài những phẩm chất ấy, theo em thanh niên hiện nay cần có thêm những phẩm chất gì? Vì sao? (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Thầy ngồi ghế giảng bài
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ
Một bàn chân đâu rồi?
Chúng em không rõ

Sáng nào bom Mỹ dội
Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói
Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi
Thầy cầm súng ra đi
Bài tập đọc dạy chúng em dang dở
Hoa phượng cháy một góc trời như lửa

Năm nay thầy trở về
Nụ cười vẫn nguyên vẹn như xưa
Nhưng một bàn chân không còn nữa
Ôi bàn chân
In lên cổng trường những chiều giá buốt
In lên cổng trường những đêm mưa dầm
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo
Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
Như nhận ra cái chưa hoàn hảo
Của cả cuộc đời mình
...

"Bàn chân thầy giáo"- Trần Đăng Khoa

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 6. Nêu các phép tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau và hiệu quả thẩm mĩ của nó. (0,5 điểm)

In lên cổng trường những chiều giá buốt
In lên cổng trường những đêm mưa dầm
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo

Câu 7. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,25 điểm)

Câu 8. Từ đoạn thơ này, hãy viết một đoạn văn ngắn (5 - 7 dòng) nêu vai trò của thầy cô đối với cuộc đời của mỗi con người. (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Nick Vujicic – chàng trai khuyết tật nổi tiếng thế giới đã từng nói: "Nếu tôi thất bại tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ ? Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng. Điều quan trọng là cách bạn đến đích. Bạn sẽ cán đích một cách mạnh mẽ chứ ?"

Anh (chị) sẽ đối thoại với Nick như thế nào? Hãy trình bày quan điểm của mình bằng một bài văn nghị luận khoảng 600 từ.

Câu 2. (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua 2 nhân vật: Tnú ("Rừng xà nu"- Nguyễn Trung Thành) và Việt ("Những đứa con trong gia đình" - Nguyễn Thi)?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận. Dấu hiệu để nhận biết:

Công khai về quan điểm, luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục...

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng yêu cầu trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 2. Trong đoạn văn trên, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận phân tích

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng thao tác lập luận trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Đoạn văn trên đã sử dụng phép tu từ chủ yếu là: điệp từ ngữ, điệp cấu trúc. Tác dụng nghệ thuật của nó: Nhấn mạnh những phẩm chất cần phải có của thanh niên, giúp câu văn giàu hình ảnh, nhịp điệu..

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng yêu cầu trên
  • Điểm 0,25: Trả lời được ½ vấn đề
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Phẩm chất cần có nhất của thanh niên đoạn văn trên là:

  • Thanh niên phải có thái độ kính trên nhường dưới...
  • Thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động cụ thể...
  • Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu, khiêm tốn, thật thà...
  • Thanh niên phải giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình ...

Ngoài những phẩm chất cần có trên, theo em thanh niên thời đại hiện nay cần có thêm những phẩm chất gì? Vì sao?

Gợi ý trả lời: Học sinh có thể trả lời theo các ý sau:

  • Thanh niên ngày nay cần phải có sức khỏe tốt để xây dựng sự nghiệp cho bản thân và cống hiến được nhiều hơn cho nhân dân, đất nước.
  • Thanh niên cần phải có tri thức, có văn hóa để làm chủ các phương tiện công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã và đang được đặt ra trong thời đại ngày nay.
  • Thanh niên phải sống có lý tưởng cao đẹp, biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
  • Lí giải: Để đáp ứng những yêu cầu mới của dân tộc, thời đại.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời khoảng ½ ý trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ là biểu cảm

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng như trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6. Các phép tu từ được sử dụng trong các câu thơ là điệp cấu trúc và so sánh. Hiệu quả thẩm mĩ:

  • Gợi nên cảm xúc về người thầy với đôi chân nạng gỗ đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để hàng ngày đến trường dạy các em thơ.
  • Giúp cho bài thơ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu...
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng ½ nội dung
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ là hình ảnh người thầy thương binh trở về từ chiến tranh chống Mĩ tiếp tục đến trường với đôi chân nạng gỗ

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng như trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 8. Viết đoạn văn ngắn nêu được vai trò của thầy cô đối với cuộc đời của mỗi người:

  • Thầy, cô dạy ta về kiến thức, kĩ năng, đạo lí làm người...
  • Thầy, cô như người cha, người mẹ ở trường đầy mến thương...
  • Kính yêu thầy, cô...
  • Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng ½ nội dung, còn chung chung ít sức thuyết phục.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với mối quan hệ giữa sức mạnh của ý chí và nghị lực con người trước thử thách của cuộc sống.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm), cụ thể:

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích:
      • Thất bại là khi bản thân mỗi người không làm được điều mình mong muốn, không đạt được mục đích mình đề ra...
      • Ý kiến của Nick muốn đề cập đến sức mạnh của ý chí và nghị lực con người. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần thất bại con người cần có nghị lực, ý chí, niềm tin và lòng lạc quan tích cực, không lùi bước trước khó khăn, biết vượt lên chính mình.
    • Chứng minh, bàn luận
      • Trong cuộc sống, mỗi người đều có ước muốn, mục đích để vươn tới. Trên con đường vươn tới mục đích, bạn có thể bị thất bại do nhiều nguyên nhân...
      • Điều quan trọng là đứng trước thất bại chúng ta không bỏ cuộc, dũng cảm đương đầu với thử thách, biết đứng dậy làm lại từ đầu thì sẽ có động lực, niềm tin...
      • Câu nói của Nick đã đánh thức dậy lòng dũng cảm, sự tự tin trong mỗi chúng ta để mạnh dạn đối mặt với những thử thách của cuộc đời. Sức mạnh tinh thần lớn lao có thể giúp con người vượt qua được những giới hạn của cuộc sống như một kỳ tích. "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường".
    • Bàn bạc, mở rộng:
      • Phê phán những người sống thiếu ý chí, nghị lực...
    • Bài học nhận thức và hành động:
      • Câu nói bao hàm một quan niệm sống tích cực và là lời khuyên đúng đắn: Hãy làm lại sau mỗi lần thất bại, không bỏ cuộc, hãy dũng cảm, lạc quan, nỗ lực vươn lên, không đầu hàng số phận... Bản lĩnh thép sẽ dẫn bước thành công.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Đây là dạng đề cảm nhận về hai nhân vật trong hai tác phẩm có cùng chủ đề. Đặc biệt, các em cần chỉ rõ điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật. Trong đó chú ý nét riêng của mỗi người. Từ đó lí giải sự khác nhau và đánh giá sự sáng tạo của mỗi nhà văn.

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

a, Mở bài:

  • Dẫn dắt vấn đề
  • Giới thiệu hai tác giả, tác phẩm, hai nhân vật

b, Thân bài:

b1. Sơ lược về bối cảnh :

  • Cả hai tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều gắn bó với cuộc chiến đấu chống Mĩ, là những nhà văn chiến sĩ ở tuyến đầu máu lửa. Tác phẩm của họ mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu với những hình tượng nhân vật sinh động, bước vào văn học từ thực tế chiến đấu.
  • Hai truyện ngắn "Rừng xà nu" (1965), "Những đứa con trong gia đình" (1966) đều ra đời trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đế quốc Mĩ đổ quân vào miền Nam nước ta, dân tộc ta đứng trước trận chiến một mất một còn để bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ quyền sống. Đó là bối cảnh lịch sử để từ đó hai tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với chất sử thi đậm đà.
  • Qua hai thiên truyện, tác giả đã giúp người đọc khám phá, khâm phục, tự hào trước vẻ đẹp anh hùng cách mạng của những con người bình thường, giản dị mà anh dũng, kiên cường và rất mực trung thành, thuỷ chung với cách mạng.

Đó là sự thể hiện của lòng yêu nước thiết tha, căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ tổ quốc của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là sự trung thành với lí tưởng cách mạng được thử thách trong những hoàn cảnh khốc liệt, qua đó bộc lộ được vẻ đẹp của phẩm chất anh hùng có tính chất tiêu biểu cho cả dân tộc.

b2: Cảm nhận về nét tương đồng giữa hai nhân vật:

  • Họ đều là những người con được sinh ra từ truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương, của dân tộc:
    • Tnú là người con của làng Xô Man, nơi từng người dân đều hướng về cách mạng, bảo vệ cán bộ "Đảng còn thì núi nước này còn" – Lời cụ Mết. (Rừng xà nu).
    • Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, căm thù giặc: Cha là cán bộ cách mạng, má là người phụ nữ Nam bộ kiên cường trong đấu tranh, hai con tiếp nối lí tưởng của cha mẹ. (Những đứa con trong gia đình).
  • Họ đã chịu nhiều đau thương, mất mát do kẻ thù gây ra, tiêu biểu cho đau thương mất mát của cả dân tộc:
    • Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn đến chết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay.
    • Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc.
  • Những đau thương đó hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam. Biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng:
    • Tnú lên đường đi "lực lượng" dù mỗi ngón tay mất đi một đốt, Việt vào bộ đội, coi việc đánh giặc trả nợ nước thù nhà là lẽ sống. Họ chiến đấu bởi sức mạnh của lòng căm thù giặc, cũng là bởi sức mạnh của tình yêu thương, vì: chỉ có cầm vũ khí đứng lên, ta mới có thể bảo vệ được những gì thiêng liêng nhất, bảo vệ tình yêu và sự sống. Chân lí đó đã được minh chứng qua số phận và con đường cách mạng của những người dân Nam Bộ trong hai tác phẩm trên, chân lí đó cũng được rút ra từ thực tế đau thương mất mát nên nó càng có giá trị, càng phải khắc sâu vào lòng người.
  • Họ đều mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm
    • Sống có lý tưởng (chiến đấu để trả thù cho gia đình, cho quê hương Tổ quốc).
    • Tinh thần tự nguyện chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.
    • Ý chí, nghị lực, quyết tâm (vượt lên những đau thương của hoàn cảnh, của số phận để sống, chiến đấu).
    • Gan góc, dũng cảm, thông minh, mưu trí, ham học.
    • Cụ thể :
      • Tnú từ nhỏ đã gan dạ, đi liên lạc bị giặc bắt được, tra tấn dã man vẫn không khai. Anh vượt ngục trở về, lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc, bị đốt mười ngón tay vẫn không kêu rên trước mặt kẻ thù. Ở Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại chống Mĩ.
      • Việt bị thương trong trận đánh lại lạc mất đơn vị, vẫn chắc tay súng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Với chị Chiến, Việt ngây thơ, nhỏ bé; trước kẻ thù, Việt vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế người anh hùng.
  • Giàu lòng yêu thương:
    • Tnú:
      • Tình cảm với vợ con.
      • Tình cảm với buôn làng, quê hương.
    • Việt:
      • Tình cảm với gia đình (chị Chiến, ba má, chú Năm).
      • Tình cảm với đồng đội
  • Tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, lạc quan yêu đời.

b3: Cảm nhận về nét khác biệt giữa hai nhân vật :

  • Nhân vật Tnú:
    • Là người con ưu tú của Tây Nguyên
    • Hiện lên qua lời kể của tác giả, lời kể của nhân vật (cụ Mết). Giọng kể mang đậm tính sử thi.
    • Đặt nhân vật vào những tình huống mang tính quyết liệt, đột ngột tạo độ căng sử thi.
    • Đặt nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật khác trong tác phẩm. Để khắc hoạ vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật.
    • Ngôn ngữ mang đặc trưng của người Tây nguyên.
  • Nhân vật Việt:
    • Là người con ưu tú của Tây Nam Bộ
    • Với nghệ thuật trần thuật tác giả để cho nhân vật tự kể về cuộc đời của mình và các nhân vật khác theo dòng hồi tưởng. Giọng điệu tự sự đậm chất trữ tình.
    • Vừa có tính khái quát (đậm màu sắc sử thi). Vừa mang nét riêng, ấn tượng (ngôn ngữ, hành động, sinh hoạt...thể hiện hình ảnh của người dân Nam Bộ).

b4: Cảm nhận đánh giá chung:

Các nhân vật của hai truyện ngắn đều đã vượt lên nỗi đau và bi kịch cá nhân để sống có ích cho đất nước. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng của chiến tranh. Tinh thần quả cảm, kiên cường của họ cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hai nhân vật với vẻ đẹp tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người Việt Nam thời kì này đã góp phần làm rõ tư tưởng chủ đề của truyện.

c, Kết bài

  • Khẳng định vị trí của 2 nhân vật trong lòng người đọc, rút ra bài học cho bản thân.
    • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày thật đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
    • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
    • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
    • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
    • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm