Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh (Lần 2) là đề thi thử môn Địa có đáp án đi kèm, giúp các bạn thí sinh có ý định thi Đại học khối C có thể ôn tập và củng cố kiến thức, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh (Lần 2)

SỞ GD - ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 2

NĂM HỌC 2015-2016

Môn: Địa lí

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I (2,0 điểm)

1. Nêu đặc điểm khí hậu phần lãnh thổ phía Bắc và tác động của nó đến thiên nhiên phần lãnh thổ phía Bắc.

2. Cho bảng số liệu:

Cơ cấu dân số Việt Nam theo nhóm tuổi giai đoạn 1999 – 2014

(Đơn vị: %)

Nhóm tuổi

1999

2009

2014

0 - 14

33,6

25,0

23,5

15 - 59

58,3

66,0

66,0

60 trở lên

8,1

9,0

10,5

Tổng

100,0

100,0

100,0

(Nguồn: Niên giám Thống kê Việt Nam 2014, Nhà xuất bản Thống kê, 2015)

- Nhận xét sự thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi của dân số nước ta từ năm 1999 đến năm 2014.

- Phân tích những thuận lợi của cơ cấu dân số vàng đối với phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay?

Câu II (3,0 điểm)

  1. Chứng minh rằng cơ cấu lãnh thổ kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
  2. Trình bày thế mạnh tự nhiên phát triển giao thông vận tải vùng biển của nước ta. Tại sao phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển và thềm lục địa?

Câu III (2,0 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam hãy nhận xét tình hình phát triển và phân bố của ngành thuỷ sản nước ta trong những năm gần đây.

Câu IV (3,0 điểm) Cho bảng số liệu:

DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG VÀ NĂNG SUẤT LÚA CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2000 – 2013.

Năm

2000

2004

2008

2013

Diện tích (nghìn ha)

7 666

7 445

7 422

7 903

Năng suất (tạ/ha)

42,4

48,6

52,3

55,7

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2013, Nhà xuất bản Thống kê, 2014)

  1. Vẽ biểu đồ kết hợp (cột và đường) thể hiện diện tích gieo trồng và năng suất lúa của nước ta giai đoạn 2000 – 2013.
  2. Nhận xét và giải thích sự thay đổi về diện tích gieo trồng lúa và năng suất lúa của nước ta giai đoạn trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý

Câu I (2,0 điểm)

1. Nêu đặc điểm khí hậu phần lãnh thổ phía Bắc và tác động của nó đến thiên nhiên phần lãnh thổ phía Bắc

  • Đặc điểm khí hậu phần lãnh thổ phía Bắc
    • Khí hậu ở đây đặc trưng cho vùng KHNĐÂGM có mùa đông lạnh. Cụ thể:
      • Nền khí hậu nhiệt đới thể hiện ở nền nhiệt độ cao (nhiệt độ TB năm từ 20 - 250c).
      • Trong năm có 1 mùa đông lạnh kéo dài 2 – 3 tháng, nhiệt độ TB < 180c
      • Biên độ nhiệt TB năm cao (10-120c)
  • Tác động của khí hậu đến thiên nhiên phần lãnh thổ phía Bắc
    • Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là rừng nhiệt đới gió mùa.
      • Trong rừng thành phần loài nhiệt đới chiếm ưu thế. Ngoài ra còn có các cây cận nhiệt đới (như dẻ, re) và các cây ôn đới (như sa mu, pơ mu), các loài thú lông dày như: gấu, chồn
      • Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi theo mùa: (mùa đông trời nhiều mây, tiết trời lạnh, mưa ít, nhiều loài cây rụng lá; mùa hạ thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, cây cối xanh tốt)

2. Nhận xét về sự thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi của dân số nước ta từ năm 1999 đến năm 2014

  • Trong giai đoạn 1999 – 2014, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của nước ta có sự thay đổi nhanh chóng: (Diễn giải kèm dẫn chứng số liệu)
  • Cơ cấu dân số theo tuổi nước ta đang ở thời kì kết thúc giai đoạn dân số trẻ, bước vào giai đoạn dân số già, đồng thời bước vào "cơ cấu dân số vàng"

* Phân tích những thuận lợi của "cơ cấu dân số vàng" đối với phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay 0,50

  • Lực lượng lao động dồi dào, trẻ (số người lao động nhiều gấp đôi số người phụ thuộc) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thuận lợi tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.
  • Dân số nhóm tuổi 0 – 14 giảm nhanh tạo điều kiện tốt hơn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám chữa bệnh, giảm bớt chi phí về y tế và an sinh xã hội.

Câu II (3,0 điểm)

1. Chứng minh rằng cơ cấu lãnh thổ kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

  • Trên phạm vi cả nước đã nổi lên những vùng kinh tế phát triển năng động cùng với các trung tâm kinh tế lớn ở mỗi vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lãnh thổ kinh tế của đất nước (D/c: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long)
  • Trên phạm vi cả nước đã hình thành và phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược nhằm đạt hiệu quả cao về KTXH, đó là: VKTTĐ Phía Bắc; VKTTĐ phía Nam, VKTTĐ miền Trung; VKTTĐ đồng bằng sông Cửu Long
  • Trong nông nghiệp: đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng nông nghiệp sx hàng hóa (D/c)
  • Trong công nghiệp: đã hình thành và phát triển nhiều trung tâm CN, khu CN tập trung, KCX, khu công nghệ cao (D/c)

(Lưu ý: Nếu thí sinh không dẫn chứng được - không cho điểm)

2. Trình bày thế mạnh tự nhiên phát triển giao thông vận tải vùng biển của nước ta. Tại sao phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển và thềm lục địa?

  • Thế mạnh tự nhiên phát triển giao thông vận tải vùng biển của nước ta:
    • Vùng biển nước ta nằm trên đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
    • Dọc bờ biển có nhiều vũng vịnh kín thuận lợi cho xây dựng các cảng nước sâu (khu vực Móng Cái đến Hải Phòng, từ Quy Nhơn đến Nha Trang).
    • Có nhiều sông lớn thuận lợi cho việc xây dựng cảng.
    • Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thuận lợi hoạt động giao thông quanh năm.
  • Phải tăng cường hợp tác với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển và thềm lục địa:
    • Biển Đông là biển chung giữa VN và nhiều nước → cần tăng cường đối thoại, hợp tác giữa VN và các nước, nhằm tạo sự ổn định và bảo vệ lợi ích chính đáng của nước ta, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
    • Nước ta có nhiều lợi ích trên biển Đông. Vì vậy, mỗi công dân có bổn phận bảo vệ vùng biển và hải đảo của đất nước cho hôm nay và mai sau.

Câu III (2,0 điểm) Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam hãy nhận xét tình hình phát triển và phân bố của ngành thuỷ sản nước ta trong những năm gần đây

a/ Tình hình phát triển:

Ngành thủy sản nước ta ngày càng phát triển.

  • Giá trị và cơ cấu giá trị sản xuất của ngành thuỷ sản trong khu vực I năm 2007 so với năm 2000 tăng nhanh (D/c số liệu từ biểu đồ tròn - Atlát T.18)
  • Sản lượng thủy sản ngày càng tăng: (Dựa vào biểu đồ sản lượng thủy sản của cả nước qua các năm (Atlát T. 20)
    • Tổng sản lượng thủy sản nước ta tăng nhanh. (D/c)
    • Tăng cả sản lượng thủy sản đánh bắt và thủy sản nuôi trồng. (D/c)
    • Tốc độ tăng trưởng: Thủy sản nuôi trồng có tốc độ tăng trưởng cao hơn sản lượng thủy sản đánh bắt. (D/c)
  • Về cơ cấu
    • Trước 2005: tỉ trọng sản lượng thủy sản khai thác chiếm cao, trên 50%
    • Sau 2005: tỉ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng chiếm cao, trên 50%
    • Xu hướng chuyển dịch: Giảm tỉ trọng sản lượng khai thác, tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng. (D/c)

b/ Tình hình phân bố:

  • Ngành thủy sản có sự phân bố không đồng đều giữa các khu vực, các vùng và các tỉnh.
  • Thủy sản khai thác phân bố chủ yếu ở các vùng Duyên hải của cả nước và ở ĐBSCL. (D/c các tỉnh có sản lượng thủy sản khai thác lớn ở ĐBSCL)
  • Thủy sản nuôi trồng tập trung ở các tỉnh thuộc ĐBSCL. (D/c các tỉnh có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn)
  • Nhìn chung ngành thủy sản phát triển mạnh và phân bố ở 4 vùng (Nêu tên)

Câu IV (3,0 điểm)

1. Vẽ biểu đồ kết hợp (cột và đường) thể hiện diện tích gieo trồng và năng suất lúa của nước ta giai đoạn 2000 – 2013.

  • Yêu cầu:
    • Vẽ chính xác dạng biểu đồ theo yêu cầu của đề bài.
    • Đúng tỉ lệ, có chú thích ở đầu các mũi tên
    • Có tên biểu đồ, khoảng cách năm hợp lí.

(Vẽ sai dạng không cho điểm. Thiếu mỗi yếu tố trừ 0,25 điểm.)

2. Nhận xét và giải thích sự thay đổi về diện tích gieo trồng lúa và năng suất lúa của nước ta giai đoạn trên

  • Nhận xét:
    • Diện tích gieo trồng lúa có sự biến động:
      • Thời kì 2000 – 2008: giảm liên tục (Dẫn chứng)
      • Thời kì 2008 – 2013: lại tăng (Dẫn chứng)
    • Năng suất lúa liên tục tăng (Dẫn chứng)
  • Giải thích:
    • Diện tích lúa giảm do: chuyển đổi mục địch sử dụng đất (từ đất NN sang đất chuyên dùng và đất thổ cư); hoặc do chuyển đổi cơ cấu cây trồng (chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác)
    • Diện tích lúa tăng do: mở rộng khai hoang, đẩy mạnh tăng vụ, thâm canh (đặc biệt ở đồng bằng Sông Cửu Long)
    • Năng suất lúa tăng do: tăng cường áp dụng các tiến bộ KHKT, đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hóa làm cho sản lượng tăng cao.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Địa lý khối C

    Xem thêm