Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Kỹ năng nhận xét biểu đồ cột

Kỹ năng nhận xét biểu đồ cột là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm gồm kỹ năng nhận xét các dạng biểu đồ cột và ví dụ minh họa. Mời các bạn tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.

1. Trường hợp cột đơn (chỉ có một yếu tố)

  • Bước 1: Xem xét năm đầu và năm cuối của bảng số liệu để trả lời câu hỏi tăng hay giảm? và tăng giảm bao nhiêu? (lấy số liệu năm cuối trừ cho số liệu năm đầu hay chia cho cũng được)
  • Bước 2: Xem số liệu ở khoảng trong để trả lời tiếp là tăng (hay giảm) liên tục hay không liên tục? (lưu ý năm nào không liên tục)
  • Bước 3: Nếu liên tục thì cho biết giai đoạn nào nhanh, giai đoạn nào chậm. Nếu không liên tục: thì năm nào không còn liên tục.
  • Kết luận và giải thích qua về xu hướng của đối tượng.

Ví dụ: Vẽ biểu đồ và nhận xét tình hình dân số ở nước ta theo bảng sau và nhận xét:

(Đơn vị: triệu người)

Năm

1921

1960

1970

1980

1990

2002

Dân số

15,6

30,2

41,9

53,7

66,2

80,0

Nhận xét:

  • Từ năm 1921 đến năm 2002: Dân số nước ta tăng liên tục và tăng từ 15,6 lên 80 triệu người (tăng 64,4 triệu người; hay tăng gấp hơn 5 lần).
  • Từ năm 1921 đến năm 1960: Dân số nước ta tăng chậm, gấp 2 lần trong 39 năm (hay tăng 14,6 triệu người trong 39 năm, bình quân mỗi năm tăng 0,37 triệu người)
  • Từ năm 1960 đến năm 1990: Dân số nước ta tăng nhanh hơn, gấp 2,2 lần chỉ trong 30 năm (hay tăng 36 triệu người trong 30 năm, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu người).
  • Năm 1990 đến năm 2002: Dân số nước ta có xu hướng tăng chậm lại, tăng 13,8 triệu người trong 12 năm, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu người.
  • Dân số nước ta tăng nhanh qua các năm, đặc biệt vào những năm 60 và 70, đây là thời kì bùng nổ dân số ở nước ta. Xu hướng tăng chậm lại vào đầu thế kỉ 21. Tuy tỉ lệ tăng dân số hàng năm có giảm nhưng dân số vẫn tăng nhanh bởi vì dân số nước ta đông.

2. Trường hợp cột đôi, ba (ghép nhóm) ... (có từ hai yếu tố trở lên)

  • Nhận xét xu hướng chung.
  • Nhận xét từng yếu tố một, giống như trường hợp 1 yếu tố (cột đơn)
  • Sau đó kết luận (có thể so sánh, hay tìm yếu tố liên quan giữa hai cột)
  • Có một vài giải thích và kết luận

Ví dụ: Hãy nêu nhận xét về sản lượng than sạch và phân hóa học ở Việt Nam giai đoạn 1976 – 1997

(Đơn vị: Nghìn tấn)

Năm

1976

1980

1985

1990

1997

Than sạch

5.700

5720

5800

4627

10.647

Phân hóa học

435

460

531

354

994

Nhận xét: Giai đoạn 1976 – 1997:

  • Than sạch ở nước ta không liên tục, tăng từ 5.700 lên 10.647 nghìn tấn (tăng 4.947 nghìn tấn)
  • Phân hóa học cũng tăng không liên tục, tăng từ 435 lên 994 nghìn tấn (tăng 559 nghìn tấn ).
  • Ngành công nghiệp chế biến than sạch luôn có sản lượng cao hơn công nghiệp chế biến phân hóa học.
  • Trong đó:
    • Giai đoạn 1976 – 1985: Cả than và phân bón đều tăng, than tăng 100 nghìn tấn, phân tăng 96 nghìn tấn.
    • Giai đoạn 1985 – 1990: Cả than và phân bón đều giảm, than giảm 1.173 nghìn tấn, phân giảm 177 nghìn tấn.
    • Giai đoạn 1990 – 1997: Cả than và phân bón đều tăng trở lại, than tăng 6.020 nghìn tấn, phân tăng 650 nghìn tấn.
  • => Tóm lại: Từ năm 1976 – 1997: Cả than và phân bón có thời gian tăng không liên tục giống nhau, trong đó phân bón tăng nhanh hơn than (phân tăng 2,28 lần, còn than tăng 1,87 lần). Do nhu cầu ngày càng tăng của quá trình phát triển kinh tế đất nước, do vậy sản lượng của ngành công nghiệp chế biến tăng lên.

3. Trường hợp cột là các vùng, các nước...

  • Cái đầu tiên đó là nhìn nhận chung nhất về bảng số liệu nói lên điều gì.
  • Tiếp theo hãy xếp hạng cho các tiêu chí: Cao nhất, thứ nhì... thấp nhất (cần chi tiết). Rồi so sánh giữa cái cao nhất và cái thấp nhất, giữa đồng bằng với đồng bằng, giữa miền núi với miền núi.
  • Một vài điều kết luận và giải thích.

Ví dụ: Công suất của một số nhà máy thủy điện ở nước ta.

(Đơn vị: nghìn kw)

Nhà máy

Thác Bà

Hòa Bình

Trị An

Thác Mơ

Đanhim

Yaly

Công suất

110

1.900

400

150

160

700

Nhận xét: Trong các nhà máy thủy điện nêu trên, ta thấy:

  • Nhìn chung hệ thống các nhà máy thủy điện của nước ta có công suất không lớn (trừ thủy điện Hòa Bình).
  • Nhà máy thủy điện Hòa Bình có công suất lớn nhất 1.900.000 kw
  • Thứ nhì là I-a-ly có công suất 700.000 kw
  • Thứ ba là Trị An có công suất là 400.000 kw
  • Thứ tư là Đa Nhim 160.000 kw
  • Thứ 5 là Thác Mơ 150.000 kw
  • Cuối cùng (hay ghi thấp nhất) là Thác Bà 110.000 kw
  • Nhà máy thủy điện Hòa Bình cao hơn Thác Bà đến 17,3 lần.
  • Các nhà máy thủy điện của nước ta đã và đang đáp ứng một phần lớn nhu cầu về tiêu thụ năng lượng cho quốc gia. Trong tương lai nhu cầu điện năng tăng cao vì thế vai trò của năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng càng có vai trò to lớn. Để ngày càng đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó, hiện nay Chính phủ đang cho xây dựng thêm các nhà máy thủy điện có công suất lớn hơn nữa (như thủy điện Sơn La công suất 2,4 triệu kw...)

4. Trường hợp cột là lượng mưa. (Biểu đồ khí hậu)

  • Mưa tập trung vào mùa nào? Hay mưa dàn trải đều trong các tháng. Mùa mưa, mùa khô kéo dài từ tháng nào đến tháng nào, (khu vực nhiệt đới tháng mưa từ 100 mm trở lên được xem là mùa mưa, còn ở ôn đới thì chỉ cần 50 mm là được xếp vào mùa mưa).
  • Nêu tổng lượng mưa (cộng tổng tất cả lượng mưa các tháng trong năm) và đánh giá tổng lượng mưa.
  • Tháng nào mưa nhiều nhất, lượng mưa bao nhiêu mm và tháng nào khô nhất, mưa bao nhiêu?
  • So sánh tháng mưa nhiều nhất và tháng mưa ít nhất (có thể có hai tháng mưa nhiều và hai tháng mưa ít).
  • Đánh giá biểu đồ thể hiện vị trí địa điểm thuộc miền khi hậu nào? (căn cứ vào mùa mưa tập trung; tháng mưa nhiều hay dàn trải, tháng mưa ít; kết hợp cùng sự biến thiên nhiệt độ để xác định vị trí).

Ví dụ 1: Nhận xét biểu đồ lượng mưa ở điểm A ở Bắc Bán Cầu theo bảng sau:

(Đơn vị: mm)

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Lượng mưa

120

100

80

60

40

30

10

15

30

90

110

100

Nhận xét:

  • Điểm A có mùa mưa kéo dài từ tháng 11đến tháng 4 năm sau, trong đó lượng mưa cao nhất vào tháng 1 (120mm) và tháng 11 (110 mm) => Mưa vào mùa đông.
  • Mùa khô kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, trong đó tháng 7 và tháng 8 là khô nhất, lượng mưa chỉ có 10 – 15 mm = 1/10 >1/12 lần tháng mưa cao nhất.
  • Tổng lượng mưa trong năm của khu vực này là 785 mm. Lượng mưa nhìn chung không cao, tháng cao nhất cũng chỉ đạt 120 mm, tháng khô nhất là 10 mm có thể nói là khô hạn.
  • Mùa hạ mưa ít, mưa tập trung vào mùa đông, như vậy, điểm A thuộc kiểu khí hậu Địa Trung Hải Bắc Bán Cầu.

Ví dụ 2: Nhận xét về biểu đồ lượng mưa ở điểm B ở Bắc Bán Cầu theo bảng sau:

(Đơn vị: mm)

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Mưa

270

250

200

270

200

270

250

300

240

390

410

400

Nhận xét:

  • Điểm B có lượng mưa cao, mưa đều trong các tháng, mỗi tháng từ 200 mm trở lên và hai tháng cuối năm có lượng mưa cao nhất từ 400 mm đến 410 mm. Có thể nói, điểm B có mưa quanh năm và tổng lượng mưa lớn 3.450 mm/năm.
  • Như vậy, điểm B thuộc kiểu khí hậu Xích Đạo
  • Lưu ý: Trên thế giới có hai vùng mưa quanh năm là xích đạo và ôn đới hải dương, nhưng hai vùng đó có sự khác biệt về lượng mưa:
    • Lượng mưa tháng ở Xích đạo cao hơn 150 mm, còn ở ôn đới hải dương nhỏ hơn 120 mm.
    • Tổng lượng mưa ở ôn đới hải dương chỉ từ 1500 > 2000 mm, trong khi tổng lượng mưa ở Xích đạo luôn cao hơn 2000 m

5. Dấu hiệu nhận biết

Khi đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển, so sánh tương quan về độ lớn các đại lượng của các thành phần (hoặc qua mốc thời gian).

6. Các bước tiến hành khi vẽ biểu đồ hình cột

– Bước 1 : Chọn tỉ lệ thích hợp

– Bước 2: Kẻ hệ trục vuông góc (trục đứng thể hiện đơn vị của các đại lượng , trục ngang thể hiện các năm hoặc các đối tượng khác nhau )

– Bước 3: Tính độ cao của từng cột cho đúng tỉ lệ rồi thể hiện trên giấy

– Bước 4: Hoàn thiện bản đồ ( ghi các số liệu tương ứng vào các cột tiếp theo vẽ kí hiệu vào cột và lập bản chú giải cuối cùng ta ghi tên biểu đồ )

7. Một số dạng biểu đồ hình cột thường gặp

+ Biểu đồ cột đơn

+ Biểu đồ cột chồng

+ Biểu đồ cột đơn gộp nhóm (loại này gồm 2 loại cột ghép cùng đại lượng và cột ghép khác đại lượng )

+ Biểu đồ thanh ngang

Lưu ý:

Các cột chỉ khác nhau về độ cao còn bề ngang của các cột phải bằng nhau .Tùy theo yêu cầu cụ thể mà vẽ khoảng cách các cột bằng nhau hoặc cách nhau theo đúng tỉ lệ thời gian .

Cần lưu ý là ở biểu đồ hình cột thì việc thể hiện độ cao của các cột là điều quan trọng hơn cả bởi vì nó cho thấy rõ sự khác biệt vì qui mô số lượng giữa các năm hoặc các đối tượng cần thể hiện .

Còn về khoảng cách các năm, nhìn chung cần theo đúng tỉ lệ . Tuy nhiên , trong 1 số trường hợp có thể vẽ khoảng cách các cột bằng nhau để đảm bảo tính trực quan và tính thẩm mĩ của biểu đồ.

Ở biểu đồ hình cột thì việc thể hiện độ cao của các cột là điều quan trọng hơn cả, các cột chỉ khấc nhau về độ cao còn chiều ngang các cột phải bằng nhau

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Kỹ năng nhận xét biểu đồ cột. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Địa lý lớp 12. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Thi THPT Quốc gia 2023 để có thêm tài liệu học tập nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
19
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Địa lý

    Xem thêm