Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 29: Ông Giuốc-Đanh mặc lễ phục

Giải bài tập Ngữ văn bài 29: Ông Giuốc-Đanh mặc lễ phục

Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 29: Ông Giuốc-Đanh mặc lễ phục là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm, giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình học bài và chuẩn bị cho bài học mới trên lớp. Mời các bạn tham khảo.

Ông Giuốc-Đanh mặc lễ phục

Trích Trưởng giả học làm sang

I. Kiến thức cơ bản

• Về tác giả: Mô-lie (1622 - 1673) là nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp với những vở hài kịch: Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng... ông đồng thời cũng là một diễn viên.

• Về tác phẩm: Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục, một lớp vở kịch trong vở Trưởng giả học làm sang của Mô-lie được xây dựng hết sức sinh động, tài tình tính cách lố lăng của một tay trưởng giả muốn học làm sang, gây nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

II. Hướng dẫn đọc - hiểu văn bản

Câu 1. Lớp kịch gồm mấy cảnh? Xét số lượng nhân vật, các loại động tác, âm thanh trên sân khấu để chứng minh rằng càng về sau kịch càng sôi động.

+ Lớp kịch được chia làm hai cảnh (căn cứ vào lời chỉ dẫn sân khấu);

- Cảnh một (từ đầu đến lời thoại của bác phó may “hầu ngài theo cách thức mặc cho các nhà quý phái”): Cuộc đối thoại giữa ông Giuốc-đanh và bác phó may.

- Cảnh hai (phần còn lại) cảnh mặc lễ phục cho ông Giuốc-đanh.

+ Cảnh hai sôi động hơn cảnh một:

- Về số lượng nhân vật: Cảnh một chỉ có hai nhân vật ông Giuốc-đanh và bác phó may, cảnh hai có tới sáu nhân vật (gấp ba lần) ngoài ông Giuốc-đanh và bác phó may còn có thêm bốn chú thợ phụ.

- Về tác động âm thanh: Cảnh một chủ yếu là lời thoại, cảnh hai vừa có lời thoại lại vừa có hành động, (hành động cởi đồ và mặc đồ cho ông Giuốc-đanh của các chú thợ phụ, hành động thưởng tiền của ông Giuốc-đanh cho các chú thợ phụ, hành động nhảy múa của bốn chú thợ phụ, hành động chân bước miệng nói theo dàn nhạc của ông Giuốc-đanh và các chú thợ phụ) ngoài ra còn có âm thanh của tiếng nhạc mà ở cảnh một không có.

Câu 2. Ở cảnh đầu, tính cách học đòi làm sang của ông Giuốc đanh thể hiện như thế nào là bị lợi dụng ra sao?

* Tính cách học đòi của ông Giuốc-đanh: Xuất thân từ gia đình làm nghề buôn dạ gặp may trở nên giàu có, ông Giuốc-đanh rất muốn trở thành quý tộc. Để thực hiện giấc mộng bước vào xã hội thượng lưu của mình ông thuê thầy về dạy âm nhạc, kiếm thuật, triết học và tìm cách thay đổi cả cách ăn mặc, từ đôi bít tất lụa mới, đôi giày mới (mặc dù bị đau chân vì không quen đi giày), bộ tóc giả và lông đính mũ, cho đến việc đặt may một bộ lễ phục mới “đẹp nhất triều đình” để cho ra dáng vẻ quý phái của tầng lớp thượng lưu, đúng là trưởng giả học làm sang.

• Những tình huống ông Giuốc-đanh bị lợi dụng

- Tình huống bông hoa may ngược: Ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may may bông hoa bị ngược thế nhưng phó may chống chế rất khôn khéo, đánh vào đúng tâm lí muốn làm người quý phái của Giuốc-đanh “những người quý phái đều mặc thế này cả” thế là ông Giuốc-đanh chấp nhận ngay, thậm chí còn từ chối sự sửa lại của bác phó vì sợ mất đi vẻ quý tộc của mình.

- Tình huống bị ăn bớt vải: Ông Giuốc-đanh bị bác phó may ăn bớt vải may lễ phục, táo tợn hơn phó may còn mặc chiếc áo may bằng vải ăn bớt ấy đến nhà ông Giuốc-đanh vì phó may đã nắm được tâm lí đối phương chỉ cần nói đến bộ lễ phục mới kiểu quý tộc là ông Giuốc-đanh sẽ quên đi tất cả. Như vậy, vì tham muốn học đòi để trở thành quý phái mà ông Giuốc-đanh đã bị bác phó may xỏ mũi.

Câu 3. Tính cách đó của ông thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao ở cảnh sau?

+ Tính cách lố lăng của một kẻ trưởng giả học làm sang càng được khắc hoạ sinh động qua đoạn hai. Ông Giuốc-đanh không chỉ muốn được ăn mặc quý phái và còn được người ta xưng hô chúc tụng tôn vinh mình như một kẻ quý phái (ông lớn, đức ông, ngài...), ông thèm khát những danh tiếng hão huyền.

- Để được nghe những lời chúc tụng ấy “đến mất tong cả túi tiền” ông vẫn hài lòng. Tính cách trưởng giả học làm sang đã ngấm sâu vào xương tuỷ của ông đến mức trở thành bệnh hoạn, trở thành trò cười cho thiên hạ.

+ Các chú thợ phụ ma mãnh đánh hơi thấy đây là con mồi béo bở, có tiền mà ngu dốt, hám danh nên thi nhau tâng bốc hết lời, rót vào tai ông Giuốc-đanh đầy những lời lẽ đường mật của ánh sáng hào quang giả dối từ một trưởng giả Giuốc-đanh trở thành ông lớn, cụ lớn rồi tới hàng đức ông Giuốc-đanh cứ bay ra lia lịa để cả đám thợ phụ vui mừng nhảy múa.

Câu 4. Lớp cảnh này gây cười cho khán giả ở những khía cạnh nào?

+ Lớp cảnh này gây cười cho khán giả ở thói học đòi vừa lố lăng rởm đời, vừa ngu dốt của ông Giuốc-đanh. Vì ham muốn trở thành quý tộc mà lão ta hết bị người này đến người khác xỏ mũi một cách dễ dàng.

+ Qua tác phẩm, Mô-lie đả kích những gã trọc phú trong xã hội bấy giờ học đòi quý tộc một cách ngu ngốc.

III. Tư liệu tham khảo

Vở hài kịch Trưởng giả học làm sang được Mô-lie viết năm 1670 chuyện xảy ra tại Pa-ri. Lão Giuốc-đanh nhờ bố mẹ có cửa hiệu buôn bán lớn mà trở nên giàu có. Khao khát muốn trở thành nhà quý tộc (tầng lớp có đặc quyền đặc lợi trong giai cấp thống trị thời phong kiến.), lão kiếm thêm hai tên hầu nhưng chẳng biết sai bảo chúng làm gì. Là người “hiểu biết tồi”, “nói năng quang xiên về tất cả mọi chuyện”, lão mời thầy dạy nhạc, thầy dạy khiêu vũ về dạy cho lão. Hằng tuần Giuốc-đanh đều tổ chức một buổi hoà nhạc tại nhà theo như các nhà quý tộc vẫn làm. Lão mời thầy dạy nhạc dạy cho cách thức chào mời để đón bà hầu tước Đô-ri-men. Lão nhờ thầy dạy triết dạy cho môn chính tả vì lão muốn viết bức thư cho một bà quý phái. Lão gọi bác phó may đến để đặt may một bộ lễ phục. Lão muốn ra phố chưng diện bộ quần áo mới cùng với đám quân hầu cận của mình. Bà Giuốc-đanh ngạc nhiên trước những trò hề của chồng, tìm mọi cách ngăn cản nhưng đều vô ích. Biết Giuốc-đanh hợm hĩnh muốn làm quen với giới thượng lưu, gã quý tộc bá tước Đô-răng lợi dụng lão, thoả sức vay tiền để tiêu xài phung phí. Cũng vì muốn kết thân với nữ hầu tước Đô-ri-men (hiện là tình nhân của Đô-răng) Giuốc-đanh đã nhờ gã môi giới. Giuốc-đanh đã bỏ rất nhiều tiền mua quà tặng và tổ chức những cuộc vui tại nhà mong làm đẹp lòng Đô-ri-men. Song lão bá tước gian ngoan quỷ quyệt đã tìm cách làm cho nữ hầu tước hiểu rằng chính gã đã bỏ tiền ra chiêu đãi và mua những quà tặng đắt tiền cho bà chứ không phải là Giuốc-đanh. Mong trở thành quý tộc đã làm cho Giuốc-đanh mê muội. Lão ngăn cản không cho con gái mình là Luy-xin lấy Clê-ông chỉ vì chàng không phải là con nhà quý tộc. Biết rõ cuồng vọng của Giuốc-đanh, cô đầy tớ gái của Clê-ông là Cô-vi-en bày mưu cho Clê-ông đóng giả hoàng tử Thổ Nhĩ Kỳ để lão bằng lòng gả Luy-xin cho Clê-ông.

(Theo Nguyễn Ngọc Thị -

Tác giả tác phẩm văn học nước ngoài dùng trong nhà trường)

Hài kịch là một thể loại kịch, trong đó tính cách tình huống và hành động được thể hiện dưới dạng buồn cười hoặc ẩn chứa cái hài nhằm giễu cợt, phê phán cái xấu, cái lố bịch, cái lỗi thời để tống tiền nó một cách vui vẻ ra khỏi đời sống xã hội. Hài kịch cho đến thế kỉ XVII được coi là một thể loại đối lập với bi kịch và tác phẩm của nó kết thúc nhất thiết phải có hậu.

(Từ điển thuật Ngữ văn học)

Mô-lie đã xây dựng một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hoà giữa cái ngu ngốc, ngớ ngẩn và cái sang trọng học đòi ở nhân vật ông Giuốc-đanh, với hàng loạt các tình tiết gây cười: Bộ lễ phục với những bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tôn xưng quý phái hão, vẻ vang rởm hợm của ông Giuốc-đanh khi mặc lễ phục cũng như khi được tôn xưng... qua đó nhà văn chế giễu thói học đòi làm sang vẫn thường thấy trong xã hội.

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 29: Lựa chọn trật tự từ trong câu

Giải bài tập Ngữ văn lớp 8 bài 29: Luyện tập đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận

Đánh giá bài viết
1 280
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 8

    Xem thêm