Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 13

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bài 13: Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 24 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

Bài: Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 24

Bài tập 1 trang 24 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc lại phần tóm tắt bi kịch Hăm lét và văn bản Sống, hay không sống đó là vấn đề trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr, 126 - 130) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Ba lớp kịch ở phần đầu đoạn trích Sống, hay không sống - đó là vấn đề đã cung cấp được bằng chứng gì về một “thời đại đảo điên”?

Trả lời:

Bằng chứng được cung cấp về một “thời đại đảo điên” trong ba lớp kịch ở phần đầu đoạn trích Sống, hay không sống - đó là vấn đề là:

- Bạn bè không còn là chỗ tin cậy (bạn có thể trở thành những tên do thám như Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn).

- Tình yêu không còn là thánh đường thuần khiết vì nó đã bị các mưu mô đen tối làm vấy bẩn (Ô-phê-li-a phải thực thi những điều mà vua và cha yêu cầu nhằm xác minh sự thực về chứng điên của Hãm-lét để có kế sách đối phó).

- Sự lừa dối, giả trá đã được mặc nhiên thừa nhận như là một cái gì mang tính tất yếu (Lời Pô-lô-ni-út: “Đời vẫn thường chê trách rằng ta khoác cái vẻ trầm mặc thành kính và bộ điệu chân tu nhiều khi cũng đường mật đánh lừa được cả ma quỷ. Điều đó đã được chứng tỏ quá nhiều rồi”).

- Vua – người đứng đầu bộ máy cai trị lại là người triển khai, thực hiện những âm mưu đen tối, bẩn thỉu nhất.

=> Những thực tế nêu trên đã được chính Hăm-lét, ở lớp kịch thứ tư, khái quát qua các cụm từ:“roi vọt và khinh khi của thời đại”,”sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng”, “những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng”, “sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền”,...

Câu 2 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nêu ý nghĩa của phép đối lập – tương phản và sự xuất hiện của câu hỏi trong hai câu đầu thuộc màn độc thoại Sống, hay không sống - đó là vấn đề.

Trả lời:

- Sự đối lập, tương phản giữa sống và không sống, đúng hơn là giữa tồn tại và không tồn tại. “Sống” có nghĩa là “chịu đựng”, chấp nhận thực tế đảo điên, tệ hại; còn “không sống” thì gắn liền với việc phản kháng, “cầm vũ khí vùng lên” để chống lại hay cải tạo hoàn cảnh và hứng chịu kết cục bi thảm.

- Câu hỏi xuất hiện tiếp sau sự tương phản – đối lập nói trên có tác dụng nhấn mạnh nỗi thao thức, trăn trở thường trực của Hăm-lét về ý nghĩa của cuộc sống, về việc lựa chọn hành động phù hợp nhằm bảo vệ lẽ sống và lí tưởng nhân văn. Đồng thời, câu hỏi này cũng chứng tỏ: Đối với Hăm-lét, trách nhiệm với lí tưởng, với cuộc đời là một gánh nặng gần như vượt ngưỡng chịu đựng.

Câu 3 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vì sao đối với Hăm-lét, cái chết không phải là sự giải thoát khỏi mọi đau khổ?

Trả lời:

- Theo văn bản, “chết” đồng nghĩa với “không sống”, mà “không sống” thì lại đồng nghĩa với việc dám thể hiện lòng can đảm của mình trước cuộc đời và chấp nhận những đau đớn, mất mát, hi sinh. Vậy, phải chăng “chết” là một lựa chọn phù hợp, vừa giúp nhân vật bi kịch trung thành với lí tưởng của mình, lại vừa tự giải thoát được khỏi kiếp người đau khổ? Sự thực, nhân vật Hăm-lét đã không hoàn toàn nghĩ như vậy.”Chết, là ngủ. Không hơn”. Nhưng trong giấc ngủ của cõi chết, vẫn còn “một cái gì mênh mang”, vẫn còn “cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại”. Chính sự ám ảnh của điều bất định sau khi chết ấy đã khiến cho cái chết trở nên đáng sợ và nó không thể được xem là phương thức giải thoát mọi đau khổ mà con người mong muốn.

=> Chính suy tư của nhân vật Hãm-lét trên vấn đề này khiến cho việc quyết định sống hay không sống, không hành động hay hành động của chàng trở nên đặc biệt phức tạp, khó khăn.

Câu 4 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định ý nghĩa của biện pháp liệt kê trong câu sau: “Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần với một mũi dùi là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ”. Ở đây, điều khiến Hăm-lét trăn trở có phải chỉ là những nỗi khổ nhục mà cá nhân chàng phải gánh chịu trong cuộc sống?

Trả lời:

Đoạn độc thoại đã liệt kê rất nhiều tình thế đáng phê phán của đời sống – những tình thế cho biết bản chất của một thời đại đảo điên. Những từ ngữ như “thời đại”, “kẻ bạo ngược”, “kẻ kiêu căng”, “công lí”, “cường quyền,... cho thấy Hăm-lét đang suy tư về những điều mang tính phổ quát chứ không chỉ nghiền ngẫm về nỗi đau liên quan đến cá nhân mình.

Câu 5 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích sự tương ứng về nội dung giữa các lời thoại trước và sau màn độc thoại Sống, hay không sống – đó là vấn đề của Hăm-lét trong đoạn trích.

Trả lời:

Sự xuất hiện của màn độc thoại này không hề ngẫu nhiên. Nó đã được chuẩn bị trước bằng nhiều sự kiện liên quan khiến Hăm-lét bị giằng xé đau khổ. Nó cũng báo hiệu điều sắp diễn ra, tất cả tạo thành một chuỗi hành động hợp lí, logic. Nội dung độc thoại thể hiện sự phản ứng của một tâm hồn giàu suy tư trước bao trò diễn của cuộc đời mà bốn lớp kịch xuất hiện trước đã cho thấy rõ. Cũng nội dung này ngầm lí giải những hành động sau đó của Hăm-lét: cự tuyệt tình yêu của Ô-phê-li-a để dứt khoát thực hiện kế hoạch của mình – một kế hoạch tương ứng với ý chí “cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi”.

Câu 6 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phải chăng mục tiêu hành động của Hăm-lét chỉ là trả thù cho cái chết của vua cha? Hãy xác định xung đột chính của vở bi kịch.

Trả lời:

- Mọi hành động mà Hămlét thực hiện đều hướng đến một mục đích lớn lao, vượt lên sự trả thù cá nhân, mặc dù cuối cùng chàng đã đạt được một kết quả kép. Nếu chỉ để trả thù cha, chàng đã không phải trù trừ nhiều như vậy (chàng từng có không ít cơ hội thuận lợi nếu chỉ muốn giết một tên vua tiếm ngôi). Cái chàng chống lại là tình trạng xã hội điên đảo, ở đó, lí tưởng nhân văn bị chà đạp, vứt bỏ.

- Xung đột chính của vở bi kịch Hăm-lét: xung đột giữa lí tưởng nhân văn và thực tại lịch sử nghiệt ngã, xung đột giữa ý chí hành động tự do và cái tất yếu mang khuôn mặt lịch sử, cụ thể.

Bài tập 2 trang 24 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc đoạn trích sau trong bi kịch Hăm-lét (cảnh 2, hồi II) và trả lời các câu hỏi:

HĂM-LÉT — [...] Các bạn có chuyện gì thế?

RÔ-DEN-CRAN – Chẳng có chuyện gì cả, thưa điện hạ, chỉ một điều là ngày nay thế gian đã trở nên lương thiện cả.

HĂM-LÉT – Thế thì ngày tận thế sắp đến rồi đấy. Nhưng chuyện này của các bạn là giả dối mà thôi. Xin cho tôi được hỏi riêng tận tường thêm một chút. Các bạn ơi, các bạn đã làm gì phật ý nữ thần May Mắn để đến nỗi bị nàng đày đoạ đến chốn ngục thất này?

GHIN-ĐƠN-XTƠN – Thưa điện hạ, ngục thất?

HĂM-LÉT – Chính nước Đan Mạch này là một ngục thất.

RÔ-DEN-CRAN – Thế thì thế giới cũng là một ngục thất.

HĂM-LÉT – Một ngục thất rất tốt, trong đó có biết bao nhiêu là gông cùm, hầm giam và ngục tối; mà Đan Mạch là cái ngục thất đáng ghê tởm nhất.

RÔ-DEN-CRAN – Thưa điện hạ, chúng tôi không nghĩ như thế.

HĂM-LÉT – Vậy thì nó không phải là ngục thất đối với các bạn, bởi chẳng có gì là hay, chẳng có gì là dở, mà chỉ là ta nghĩ thế nào thì hoá ra như thế thôi. Đối với tôi thì nó chính là một ngục thất.

RÔ-DEN-CRAN – Thưa điện hạ, tham vọng của Người cao quá nên mới coi đó là một ngục thất, nó quá chật hẹp đối với trí óc của Người.

HĂM-LÉT – Trời hỡi, ta có thể bị giam hãm trong chiếc vỏ hạt dẻ mà vẫn tự coi mình là một ông vua của bầu trời bao la vô tận, nếu nằm trong đó ta không bị những cơn ác mộng ám ảnh!

GHIN-ĐƠN-XTƠN – Những mơ mộng đó quả thật là tham vọng, bởi vì bản chất của kẻ tham vọng chỉ là hình bóng của mơ mộng.

HĂM-LÉT – Chính mơ mộng cũng chỉ là hình bóng.

RÔ-DEN-CRAN – Chính thế, thiển ý tôi cho rằng tham vọng là một điều viển vông, mơ hồ, đến nỗi nó chỉ là hình bóng của hình bóng mà thôi.

HĂM-LÉT – Vậy thì thân hình chúng ta đây chỉ là một bọn ăn mày; các vua chúa và các anh hùng xuất chúng cũng chỉ là hình bóng của một lũ ăn mày cả. Chúng ta cùng vào triều chứ? Vì quả tình tôi chẳng thể nói cho ra lẽ được.

RÔ-DEN-CRAN, GHIN-ĐƠN-XTƠN cùng nói – Chúng tôi xin theo hầu điện hạ. HĂM-LÉT – Đâu dám thế, tôi đâu dám liệt các bạn vào hàng tôi tớ khác của tôi vì xin thành thực nói với các bạn như một người lương thiện, tôi bị người ta theo hầu một cách đáng sợ. Nhưng cứ lấy tình bè bạn chân thực mà đối đãi với nhau, các bạn đến En-xơ-nơ (Elsinore) này để làm gì?

RÔ-DEN-CRAN – Thưa điện hạ, chúng tôi đến thăm điện hạ thôi, có việc gì đâu. HĂM-LÉT – Một thằng ăn mày như tôi nghèo đến cả lời cảm tạ. Nhưng tôi cũng xin cảm tạ các bạn, tuy các bạn ơi, chắc chắn lời cảm tạ của tôi không đáng nửa đồng. Có ai sai các bạn đến đây không? Có phải tự ý các bạn không? Có phải là một cuộc thăm viếng tự nguyện không? Thế nào, cứ thật thà với tôi đi xem nào, thế nào, nói đi!

GHIN-ĐƠN-XTƠN – Thưa điện hạ, chúng tôi biết nói sao đây?

HĂM-LÉT – Nói sao cũng được, miễn là trả lời cho tôi câu hỏi ấy. Người ta đã sai các bạn đến đây: vẻ mặt các bạn cũng là một lời tự thú rồi. Liêm sỉ của các bạn không đủ mánh lới để che đậy, màu mè đâu: tôi biết, đức hoàng thượng tốt bụng và hoàng hậu đã sai các bạn đến đây.

[...]

GHIN-ĐƠN-XTƠN – Thưa điện hạ, chúng tôi được sai đến đây thật.

HĂM-LÉT – Thôi, để tôi nói rõ vì sao các bạn được sai đến đây. Nói trước đi để các bạn khỏi phải thú nhận. Như thế các bạn khỏi phải mang tội vì tiết lộ những điều bí mật của hoàng thượng và hoàng hậu. Gần đây tôi cũng không hiểu vì sao nữa – tôi đã mất hết tính vui vẻ và xao lãng hết cả thói quen luyện tập hàng ngày, tâm trạng của tôi nặng nề u uất đến nỗi, trái đất này đẹp đẽ là dường ấy mà đối với tôi chỉ là một mỏm đất khô cằn; bầu trời trong sáng nhất kia, không gian kia, các bạn nhìn xem, khoảng trời lơ lửng lộng lẫy kia, cái mái nhà uy nghiêm óng ánh vàng sao ấy đối với tôi không hơn một nơi tụ hội của những xú khí dơ dáy. Kì diệu thay là con người Con người cao quý làm sao về mặt lí trí, vô tận làm sao về mặt năng khiếu: Hình dung và dáng điệu mới giàu ý nghĩa và đáng kính làm sao! Trong hành động thật như thần tiên, về trí tuệ ngang tài thượng đế! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài! Ấy thế mà đối với tôi, tính chất của cát bụi kia là cái gì? Đàn ông chẳng làm cho tôi vui được; không, cả đàn bà cũng vậy, mặc dầu các bạn mỉm cười, đường như các bạn không tin tôi.

(Theo Uy-li-am Sếch-xpia, Hăm-lét, Đào Anh Kha - Bùi Ý – Bùi Phụng dịch. NXB Văn học, Hà Nội, 1986, tr. 71 – 75)

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Hăm-lét có đồng tình với lời nhận xét “thế gian đã trở nên lương thiện cả” của Rô-den-cran không? Hăm-lét thấy thế gian hiện tại đang chuyển hoá theo hướng nào?

Trả lời:

- Hăm-lét hoàn toàn phản đối lời tuyên bố “thế gian đã trở nên lương thiện cả của Rô-den-cran. Đối với chàng, thế gian hiện tại đang chuyển hoá tới “ngày tận thế”. Khi nói điều này, Hăm-lét mặc nhiên xem nhận xét của Rô-đen-cran là giả dối.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vì sao Hăm-lét xem Đan Mạch là “chốn ngục thất”? Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn đóng vai trò gì trong ngục thất đó?

Trả lời:

- Hăm-lét xem Đan Mạch là “chốn ngục thất” bởi chàng chỉ thấy ở đó gông cùm, hầm tối và sự lên ngôi của cái giả trá được che đậy một cách sơ sài hoặc không cần che đậy.

- Trong ngục thất đó, sự hiện diện của Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn đã làm cho không khí giả trá thêm ngột ngạt, nặng nề. Có thể nói, hai con người này vừa là kẻ săn người lương thiện để tống vào ngục thất, vừa là hiện thân của chính cái ngục thất khiến Hăm-lét thấy ghê tởm.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Thái độ của Hăm-lét về thực tại mâu thuẫn với lí tưởng cao đẹp về con người của nhân vật thế nào?

Trả lời:

- Có một sự mâu thuẫn rõ rệt trong cảm nhận và suy tư của Hăm-lét: Lẽ ra, một khi đã yêu quý con người, xem con người như một hiện tượng “kì diệu”,“cao quý”, “đáng kính”, “thần tiên”,“kiểu mẫu” thì chàng cũng phải yêu mỗi trường xã hội đã làm nên con người với những phẩm chất tuyệt vời ấy, nhưng thực tế thì chàng hoàn toàn bất mãn, bất bình với môi trường xã hội đang bày ra trước mắt mình. Chàng chỉ nhìn thấy thực tại như “mỏm đất khô cằn” và là nơi “hội tụ những xú khí dơ dáy”.Tuy nhiên, nhìn sâu vào thực chất vấn đề, người đọc lại thấy cái ngỡ là mâu thuẫn kia thực ra không có gì trái khoáy: Chàng mong muốn thấy một thực tại khác, tương thích với phẩm giá, lương tri đẹp đẽ của con người chứ không phải cái thực tại đang có. Chính thực tại đang có ấy đang tiêu diệt con người lí tưởng.

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Câu nói “Chính mơ mộng cũng chỉ là hình bóng” cho thấy sự ý thức của Hãm-lét về những lí tưởng cao đẹp của mình trong thực tại như thế nào?

Trả lời:

- Hăm-lét là một con người phức tạp, không ngừng suy tư, tra vấn bản thân. Chàng hiểu rõ mình đang nghĩ gì và chàng tự đánh giá được điều bản thân đang nghĩ. Khi khẳng định rằng “Chính mơ mộng cũng chỉ là hình bóng” là lúc chàng nhận thấy tính chất ảo tưởng của những gì chàng đang theo đuổi theo đuổi lí tưởng cao đẹp trong khi phải đối diện với một thực tại phũ phàng luôn sẵn sàng dập tắt, bóp chết lí tưởng ấy.

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nêu cảm nghĩ của bạn về việc Hăm-lét coi những lí tưởng cao đẹp về con người của mình chỉ còn là ảo tưởng.

Trả lời:

- Việc Hàm-lét coi những lí tưởng cao đẹp về con người của mình chỉ còn là ảo tưởng cho thấy chàng đơn độc trong thời đại đảo điên và có lúc chàng đã dao động, muốn thoả hiệp để “sống” hiểu theo nghĩa là cam chịu, chấp nhận. Tất nhiên, đây chỉ là sự dao động nhất thời, bởi như ta biết, cuối cùng, chàng đã quyết tâm hành động. Điều này cho thấy chàng vẫn giữ vững lòng tin vào lí tưởng cao đẹp về con người.

Câu 6 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tìm trong đoạn trích những lời thoại có khuynh hướng độc thoại hóa và phân tích tính bi kịch của chúng.

Trả lời:

Những lời thoại có khuynh hướng độc thoại hoá trong đoạn trích:

- “Một ngục thất rất tốt, trong đó có biết bao nhiêu là gông cùm, hầm giam và ngục tối; mà Đan Mạch là cái ngục thất đáng ghê tởm nhất”.

- “Trời hỡi, ta có thể bị giam hãm trong chiếc vỏ hạt dẻ mà vẫn tự coi mình là một ông vua của bầu trời bao la vô tận, nếu nằm trong đó ta không bị những cơn ác mộng ám ảnh!

- “Kì diệu thay là con người! Con người cao quý làm sao về mặt lí trí, vô tận làm sao về mặt năng khiếu! Hình dung và dáng điệu mới giàu ý nghĩa và đáng kính làm sao! Trong hành động thật như thần tiên, về trí tuệ ngang tài thượng đế! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài! Ấy thế mà đối với tôi, tính chất của cát bụi kia là cái gì? Đàn ông chẳng làm cho tôi vui được”.

=> Những lời thoại có xu hướng độc thoại hoá như trên thể hiện rất rõ tính chất bi kịch của nhân vật và tình thế bi kịch mà nhân vật lâm vào. Đúng như Hăm-lét đã nói, với những người như Rô-den-cran và Ghin-đơn-xtơn, “quả tình tôi chẳng thể nói cho ra lẽ được”. Rõ ràng, Hăm-lét phải một mình đương đầu với chính mình, và tiếp đó là với cả một xã hội giả trá. Điều này cũng phản ánh tương quan chênh lệch giữa hai “lực lượng”: lí tưởng cao đẹp về con người và các thế lực muốn hủy diệt lí tưởng ấy.

Bài tập 3 trang 26 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc lại đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 132 – 140) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vở kịch đã được kết thúc như thế nào? Kết thúc đó cho thấy đặc trưng gì của thể loại bi kịch?

Trả lời:

- Ở phần kết thúc của vở kịch, Vũ Như Tô tuyệt vọng khi chứng kiến Cửu Trùng Đài bị bốc cháy và yêu cầu quân sĩ dẫn ra pháp trường, chấp nhận cái chết. Kết thúc này rất đột ngột, bất ngờ vì trước đó Vũ Như Tô một mực muốn được sống để xây dựng Cửu Trùng Đài. Kết thúc này cũng hết sức bi đát, khi cuối cùng, Cửu Trùng Đài, giấc mơ lớn của Vũ Như Tô, biểu tượng của cái đẹp thuần khiết đã sụp đổ, cái ác hoành hành, cái tầm thường giả dối lên ngôi, nhân vật Vũ Như Tô – người nghệ sĩ tài năng, cương trực, can trường cuối cùng phải chịu một cái chết oan khuất.

- Kết thúc này cho thấy đặc trưng của bi kịch. Thứ nhất, sắc thái thẩm mĩ bao trùm trong các tác phẩm bi kịch là cái bi, được gợi nên qua sự thất bại và cái chết của cái đẹp, cái cao cả. Thứ hai, đặc điểm nổi bật của bi kịch là kịch tính, sự căng thẳng của những mâu thuẫn, xung đột được đẩy lên tới mức cao trào, sự bất ngờ của những cú ra đột ngột trong hành động nhân vật.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích diễn biến tâm trạng và đặc điểm tính cách của hình tượng nhân vật Đan Thiềm. Thông qua nhân vật này, tác giả muốn gửi gắm điều gì?

Trả lời:

- Tâm trạng và tính cách của Đan Thiềm được bộc lộ qua lời thoại và hành động. Khi biết tin kiêu binh nổi loạn, Đan Thiềm một mực khuyên Vũ Như Tô bỏ trốn, để tiếp tục xây Cửu Trùng Đài. Khi đám cung nữ và Ngô Hạch tới bắt Vũ Như Tô, Đan Thiềm hi sinh tính mạng để bảo vệ ông, thẳng thắn vạch mặt bọn cung nữ Những hành động quyết liệt của Đan Thiềm chứng tỏ lòng trắc ẩn và yêu chuộng nhân tài, lí tưởng về một cái đẹp thuần khiết, không vụ lợi, sự dũng cảm và vị tha của nhân vật; đồng thời cũng thể hiện sự sắc sảo, thông minh của bà. Khác với Vũ Như Tô ngây thơ, mơ màng, Đan Thiềm rất thực tế, hiểu rõ thời thế. Tuy nhiên, cuối cùng, bà đã không thể chống đỡ nổi sự tàn ác, thủ đoạn của bọn kiêu binh, đám cung nữ và phải chấp nhận một cái chết đầy oan khuất. Cái chết của Đan Thiêm làm nổi bật bi kịch của cái đẹp, cái thiện trong một thời thế mà cái ác, cái giả dối, tầm thường và đê tiện lên ngôi.

- Thông qua nhân vật Đan Thiềm, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện thái độ trân trọng của ông đối với cái tài, cái đẹp, cũng như niềm thương xót đối với cái đẹp, cái thiện trước sự chà đạp tàn nhẫn của cái xấu, cái ác cái tầm thường, giả dối.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Các nhân vật phụ như Nguyễn Vũ, Lê Trung Mại, đám cung nữ, quân khởi loạn, Ngô Hạch có vai trò gì trong đoạn trích?

Trả lời:

Các nhân vật phụ tuy xuất hiện một cách thoáng qua trong đoạn trích nhưng có vai trò thúc đẩy các xung đột, mâu thuẫn, tạo nên kịch tính cho câu chuyện. Đồng thời, sự đối lập trong cách phản ứng, hành xử của các nhân vật phụ này với thái độ can đảm, đầy tự trọng của Vũ Như Tô và Đan Thiềm làm nổi bật tính cách của các nhân vật chính. Mặt khác, thông qua các nhân vật phụ mang tính chất phản diện, Nguyễn Huy Tưởng cũng tái hiện một bức tranh xã hội rối loạn, nhiễu nhương, thể hiện sự phê phán của ông đối với cái tàn ác, tầm thường, giả dối, mù quáng.

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích tác dụng của các chi tiết miêu tả bối cảnh trong đoạn trích.

Trả lời:

Bối cảnh kịch được miêu tả trực tiếp trong các chỉ dẫn sân khấu và được hiện lên một cách gián tiếp qua lời thoại của nhân vật. Để hình dung được bối cảnh kịch, cần chú ý đến những chi tiết, ví dụ: “Loạn đến nơi rồi. Dân gian đói kém nổi lên tứ tung. Giặc Trần Cao trước đã bị quan quân đuổi đánh” (lời Đan Thiềm), “Trịnh Duy Sản mưu với lũ Lê Quảng Đô, Trịnh Tri Sâm lập vua khác” (lời Lê Trung Mại), “Hoàng thượng lên ngựa lẻn ra cửa Bảo Khánh, gặp Duy Sản” (lời Lê Trung Mại), “có tiếng kêu mỗi lúc một gần. Có tiếng đổ ầm ầm. Có tiếng giày dép nhốn nháo”, “Chợt có ánh lửa sáng rực, cả tàn than, bụi khói bay vào” (chỉ dẫn sân khấu). Những chi tiết này tái hiện một bức tranh cuộc sống hỗn loạn, đầy những biến cố, tai ương trong đó mọi trật tự và giá trị bị đảo lộn, với một nhịp điệu ngày càng gấp gáp, căng thẳng, đẩy nhân vật vào một tình thế nguy hiểm, như ngàn cân treo sợi tóc, đẩy mâu thuẫn, xung đột lên tới mức cao trào, làm nổi bật kịch tính của vở kịch.

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Không khí lịch sử được tái hiện như thế nào trong đoạn trích?

Trả lời:

- Không khí lịch sử được tái hiện thông qua các chi tiết miêu tả các sự kiện lịch sử (kiêu binh nổi loạn, giết vua, lật đổ triều đình, đốt phá Cửu Trùng Đài), qua số phận của các nhân vật lịch sử: Trịnh Duy Sản bị giết, Vũ Như Tô bị bắt, qua ngôn ngữ cổ kính, nghiêm trang trong lời thoại của nhân vật, qua những chi tiết miêu tả bối cảnh,...

- Thông qua những yếu tố đó, ta có thể cảm nhận được một không khí rồi ren, đồ nát, nơi triều chính đó máu bởi cuộc xung đột giữa các phe cánh quyền lực, nơi đời sống nhân dân bất hạnh, lầm than và dồn tụ đầy những uất ức như một thùng thuốc nổ sẵn sàng bùng cháy. Có thể nói, sự phục dựng thành công không khí lịch sử là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho vở kịch và thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Huy Tưởng.

Bài tập 4 trang 27 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc đoạn trích sau trong Vũ Như Tô (hồi thứ nhất, lớp VII) và trả lời các câu hỏi

VŨ NHƯ TÔ ... Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc. Tôi đã học văn, sau bỏ văn tập nghề, nhưng tập thì tập, vẫn lo nơm nớp, chỉ sợ triều đình biết, thì vợ con ở nhà nheo nhóc. mà mình cũng không biết bao giờ được tháo cũi sổ lồng. Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác. Chẳng qua là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ở ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều.

ĐAN THIỀM – Chính vì thế mà ông càng đáng trọng.

VŨ NHƯ TÔ – Trọng để làm gì? Tìm danh vọng chúng tôi đã chẳng chọn nghề này. Đời lẩn lút....

ĐAN THIỀM – Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thì thôi? VŨ NHƯ TÔ – Đó là nỗi khổ tâm của chúng tôi. Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình. Chúng tôi vẫn chờ dịp.

ĐAN THIỀM – Dịp đấy chứ đâu? Cửu Trùng Đài...

VŨ NHƯ TÔ – Bà đừng nói nữa cho tôi thêm đau lòng. Ngày ngày, tôi thấy các bạn thân bị bắt giải kinh, người nhà khóc như đưa ma. Còn tôi, mong manh tin quan đến bắt, tôi đem mẹ già, vợ và hai con nhỏ đi trốn. Được một năm có kẻ tố giác, quan địa phương đem lính tráng đến vây kín nơi tôi ở. Tôi biết là tuyệt lộ, mặc cho họ gông cùm. (Chàng rơm rớm nước mắt) Mẹ tôi chạy ra bị lính đẩy ngã, chết ngay bên chân tôi. Bọn sai nha lộng quyền quá thể. Rồi tôi bị giải lên tỉnh, từ tỉnh lên kinh, ăn uống kham khổ, roi vọt như mưa trên mình, lắm khi tôi chết lặng đi. Mẹ cháu lẽo đẽo theo sau, khóc lóc nhếch nhác, tôi càng đau xót can tràng. Cũng vì thế mà tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì.

ĐAN THIỀM – Cảnh ngộ của ông thì đáng thương thực. Nhưng ông nghĩ thế thì không được.

VŨ NHƯ TÔ – Sao vậy?

ĐAN THIÊM – Không được. Vì đức Hồng Thuận sẽ bắt ông chịu cực hình và còn đem tru di chín họ nhà ông. Ông đã tu được bao nhiêu công quả mà phạm vào tội đại ác ấy?

VŨ NHƯ TÔ – Tài đã không được trọng thì đem trả trời đất. Đó là lẽ thường. Cũng như nhan sắc...

ĐAN THIỀM – Không thể ví thế được, sắc vất đi được, nhưng tài phải đem dùng, VŨ NHƯ TÔ – Bà đã thương tài xin giúp cho tôi trốn khỏi nơi này. Ơn đó xin...

ĐAN THIỀM – Tôi giúp cũng không khó gì. Nhưng ra khỏi chốn này liệu ông có thoát hẳn được không? Hơn nữa, cái vạ tru di cửu tộc vẫn còn trờ trờ ra đó. Ông đừng tính nước ấy, không nên.

VŨ NHƯ TÔ – Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao?

ĐAN THIỀM – Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng cơ hội đem tài ra thi thố.

VŨ NHƯ TÔ – Xây Cửu Trùng Đài?

ĐAN THIÊM - Phải.

VŨ NHƯ TÔ – Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.

ĐAN THIÊM – Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông không có tiền, ông không có thể dựng lấy một toà đài như ý nguyện. Chấp kinh, phải tòng quyền. Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông... Ông khẽ tiếng. Đó là tiểu tiết. Ông cứ xây lấy một toà đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hành diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp của nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kì lộng lẫy nhất trần gian.

VŨ NHƯ TÔ – Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa, tôi nhớ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo. Trời quá yêu nên tôi mới được gặp bà.

ĐAN THIỀM – Tôi cũng may được gặp ông. Xin ông cố đi. Đức vua ngự tới.

(Trích Kiệt tác sân khấu thế giới – Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng. NXB Sân khấu, Hà Nội, 2006, tr. 35 – 39)

Câu 1 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tình huống được miêu tả trong trích đoạn kịch là gì? Phân tích giá trị của tình huống kịch đó.

Trả lời:

- Tình huống được miêu tả trong đoạn trích: Vũ Như Tô bị Lê Tương Dực bắt vào cung xây dựng Cửu Trùng Đài. Ông nhất định không chịu, mang vợ con đi trốn và sau đó bị áp giải về kinh thành, tính mạng của Vũ Như Tô và gia đình rất đỗi nguy ngập.

- Tình huống kịch thể hiện bối cảnh xã hội rối ren, nhiều nhương thời hậu Lê, khi vua chúa tàn ác, ăn chơi sa đoạ, sai nha lộng quyền, dân thường bị chà đạp, khinh rẻ. Mặt khác, tình huống này buộc nhân vật phải đưa ra những lựa chọn mang tính quyết định: hoặc bảo vệ nhân cách thanh cao và từ chối xây Cửu Trùng Đài, chấp nhận cái chết, hoặc chấp nhận xây dựng Cửu Trùng Đài và từ bỏ lí tưởng nghệ thuật cao đẹp của mình. Mỗi lựa chọn đều là lựa chọn sinh tử giúp bộc lộ tính cách của nhân vật. Tình huống kịch cũng đẩy nhân vật Vũ Như Tô vào một tình thế đầy mâu thuẫn giữa tình cảm gia đình và danh dự, lòng tự trọng của người nghệ sĩ – một mặt ông đau đớn khi thấy gia đình bị hành hạ, mặt khác, lòng tự trọng không cho phép ông thoả hiệp và đầu hàng. Mâu thuẫn này tạo nên xung đột nội tâm hết sức dữ dội trong Vũ Như Tô, được bộc lộ qua những lời thoại bi phẫn, tuyệt vọng của nhân vật.

Câu 2 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vì sao Vũ Như Tô lại từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài? Sự từ chối này cho thấy tính cách gì của nhân vật?

Trả lời:

- Vũ Như Tô từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài vì các lí do: thứ nhất, ông nhận ra bản chất của vua chúa, quan lại là tàn ác và không muốn phục vụ cho hôn quân; thứ hai, ông ý thức được tài năng và phẩm giá của mình và có một lí tưởng cao đẹp về nghệ thuật (“Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.).

- Hành động từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài, dù tính mạng của bản thân và gia đình nguy ngập, cho thấy lòng tự trọng, tính cách can trường, cương trực, khẳng khái, lí tưởng nghệ thuật thanh cao, không vụ lợi của Vũ Như Tô, đồng thời cũng cho thấy số phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ trong một thời đại tạo loạn.

Câu 3 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đan Thiềm đã dùng những lí lẽ gì để khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài? Bạn có nhận xét gì về những lí lẽ đó? Vì sao nhân vật lại làm như vậy?

Trả lời:

- Đan Thiềm một mực khuyên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, bằng những lập luận rất thuyết phục: Vũ Như Tô là người có tài, tài năng đó cần phải được sử dụng (“Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thì thố?”), xây Cửu Trùng Đài là dịp để bộc lộ tài năng và theo đuổi hoài bão (“Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông..), triều đại thì hữu hạn nhưng nghệ thuật thì trường tồn (“Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời.”), nhân dân sẽ là người được hưởng lợi cuối cùng từ công trình của ông (“Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi”).

- Những lập luận này đều rất sắc bén, giàu sức thuyết phục. Sở dĩ Đan Thiềm kiên quyết khuyên nhủ Vũ Như Tô là bởi bà nể trọng tài năng của ông, hiểu thấu hoài bão cao đẹp và tính cách cương trực của ông, thương xót cho hoàn cảnh cam go của ông và đồng thời cũng khao khát hướng tới những giá trị đẹp đẽ, vĩnh cửu, trường tồn. Lòng trắc ẩn, yêu chuộng cái tài, cái đẹp là động cơ chìm bên dưới hành động của nhân vật.

Câu 4 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Lời đa tạ của Vũ Như Tô cho thấy quyết định gì của nhân vật? Vì sao nhân vật có quyết định đó?

Trả lời:

- Lời đa tạ của Vũ Như Tô cho thấy ông đã quyết định sẽ sống để xây dựng Cửu Trùng Đài.

- Sở dĩ Vũ Như Tô quyết định như vậy, một phần là do ông cảm động trước tấm lòng tri âm và ”biệt nhỡn liên tài” của Đan Thiềm, bị thuyết phục bởi lí lẽ sắc bén của bà, một phần sâu xa hơn là những lời lẽ của Đan Thiềm đã chạm tới hoài bão tha thiết mà ông muốn theo đuổi trong cả cuộc đời mình: tạo nên một công trình nghệ thuật đẹp đẽ, lưu danh muôn thuở, cống hiến cho đất nước và nhân dân. Việc từ chối xây Cửu Trùng Đài cho thấy vẻ đẹp của phẩm giá Vũ Như Tô, nhưng việc chấp nhận xây Cửu Trùng Đài lại cho thấy lí tưởng nghệ thuật cao cả của người nghệ sĩ trong ông.

Câu 5 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xung đột chính được miêu tả trong đoạn trích là gì? Dựa vào đâu bạn nhận ra xung đột đó?

Trả lời:

- Xung đột chính được xây dựng trong văn bản là mâu thuẫn giữa một bên là lí tưởng sống và hoài bão nghệ thuật cao đẹp của người nghệ sĩ tài năng Vũ Như Tô và một bên là thực tế tàn nhẫn khiến cho ông muốn thực hiện lí tưởng thì phải từ bỏ phẩm giá của mình.

- Xung đột này được bộc lộ qua sự đối lập trong cái nhìn, thái độ, lí lẽ của hai nhân vật: Vũ Như Tô để bảo vệ phẩm giá và lí tưởng của mình, nhất định không chịu xây dựng Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm vì nể trọng tài năng và thấu hiểu hoài bão của Vũ Như Tô mà một mực khuyên ông mượn tay hôn quân để thực hiện lí tưởng nghệ thuật. Xung đột này cũng được bộc lộ qua sự giằng co trong nội tâm Vũ Như Tô: một mặt, ông ý thức được tài năng của mình (“Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc”), nhất quyết theo đuổi lí tưởng dù phải chịu khổ sở (“Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình), mặt khác, ông lại cùng lúc nhận ra thời thế không cho phép mình bộc lộ tài năng (“Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác”). Sự mâu thuẫn này đẩy nhân vật vào một tâm trạng vô cùng đau khổ, cay đắng. Bi kịch của Vũ Như Tô vì thế là bi kịch tự ý thức.

Câu 6 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Văn học là sự đúc kết của một trạng huống nhân sinh. Theo bạn, trạng huống nhân sinh nào đã được cô đọng lại trong đoạn trích?

Trả lời:

- Từ những sự việc mang tính chất lịch sử cụ thể, đoạn trích đã khái quát thành một trạng huống nhân sinh phổ quát của nhân loại: mâu thuẫn giữa khát vọng, ước mơ và thực tại đời sống, mâu thuẫn giữa nghệ thuật và quyền lực, mâu thuẫn giữa cá nhân và lịch sử. Những trạng huống này luôn buộc mỗi cá nhân phải suy nghĩ, lựa chọn, và mỗi lựa chọn, hành xử khác nhau sẽ bộc lộ những giá trị sống, phẩm chất, tính cách khác nhau của con người.

Câu 7 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Thông điệp mà bạn nhận được sau khi đọc đoạn trích là gì?

Trả lời:

- Đoạn trích có thể cho chúng ta thấy số phận bi đát của con người trong bối cảnh rối ren, nhiễu nhương của lịch sử, thân phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ có tài năng, muốn cống hiến, song lại không thể thực hiện được khát vọng nghệ thuật của mình.

– Thông qua đoạn trích, tác giả bộc lộ lòng mến mộ, niềm thương xót đối với cái tài, cái đẹp, hoặc thể hiện triết lí nghệ thuật: nghệ thuật đích thực phải vượt lên trên những lợi ích tầm thường, hướng tới sự vĩnh cửu.

Bài tập 5 trang 28 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc lại văn bản Prô-mê-tê bị xiềng trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 152 – 154) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 28 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Lời thoại của Prô-mê-tê trong văn bản có thể được chia làm mấy phần? Xác định nội dung từng phần.

Trả lời:

- Lời thoại của Prô-mê-tê có thể chia làm hai phần:

+ Phần đầu: từ “Quả thực với ta, chỉ nhắc tới đã là chua xót!” đến “Hắn sử dụng để đền ơn ta thuở trước!” → Prô-mê-tê kể lại việc mình từng giúp thần Dớt như thế nào khi thần Dớt nổi loạn chống lại Crô-nốt nhằm chiếm quyền thống trị tối cao.

+ Phần hai: đoạn còn lại → Prô-mê-tê cho biết vì cố gắng giúp con người thoát khỏi sự đối xử bất công của thần Dớt mà ông bị trừng phạt khắc nghiệt.

Câu 2 trang 29 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong phần đầu của lời thoại, Prô-mê-tê thể hiện ý chí chống lại quan điểm nào, của ai? Nhân vật đã làm gì để thể hiện ý chí đó?

Trả lời:

- Quan điểm bị Prô-mê-tê quyết liệt chống lại là thứ quan điểm đề cao sức mạnh của bạo quyền, chỉ biết thực thi “bạo lực giản đơn” thay cho việc dùng trí khôn và mưu chước.

- Prô-mê-tê đã “lựa những câu khuyên khôn khéo chân tình” để thuyết phục Dớt, đã kéo mẹ mình là Tê-mít vào cuộc nhằm gây lòng tin ở Dớt, đã nương theo hành xử của vị chúa tể mới này để điều chỉnh một cách hiệu quả phương pháp bạo lực mà Dớt đã sử dụng.

Câu 3 trang 29 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong phần sau của lời thoại, Prô-mê-tê thể hiện ý chí chống lại quan điểm nào, của ai? Nhân vật đã làm gì để thể hiện ý chí đó?

Trả lời:

- Trong phần sau của lời thoại, Prô-mê-tê thể hiện ý chí chống lại quan điểm coi rẻ con người, biến con người thành vật hi sinh trong trò chơi quyền lực tàn nhẫn. Quan điểm này có thể được nhận biết qua cách hành xử bất nhân, tàn bạo của Dớt: “không đếm xỉa đến khách trần khốn nạn”, thậm chí còn “toan huỷ diệt giống người”.

- Trước hành xử đó, Prô-mê-tê đã can đảm đứng lên kháng cự, chấp nhận “gập mình dưới sức nặng đè oan trái” của các hình phạt, miễn sao bảo vệ được lí tưởng đấu tranh vì con người, vì một đời sống văn minh, không còn bị tình trạng hỗn mang chi phối.

Câu 4 trang 29 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vì sao có thể xem những quan điểm đối lập với ý chí của Prô-mê-tê là biểu hiện cụ thể của cái tất yếu?

Trả lời:

Có thể xem những quan điểm đối lập với ý chí của Prô-mê-tê là biểu hiện cụ thể của cái tất yếu vì:

- Trong Prô-mê-tê bị xiềng của Ét-sin, Prô-mê-tê là một nhân vật bi kịch. Vì vậy, mọi trở lực ngăn cản hành động tự do của nhân vật đều được nhìn nhận là biểu hiện cụ thể của cái tất yếu.

Câu 5 trang 29 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích ý nghĩa sự lựa chọn hành động của Prô-mê-tê.

Trả lời:

- Sự lựa chọn hành động của Prô-mê-tê: Cưỡng lại quyết định tiêu diệt loài người, tạo giống mới của Dớt.

- Prô-mê-tê vẫn quyết tâm hành động theo lí trí, cứu rỗi loài người đang bên bờ diệt vong vì “thương xót nhân gian như thể ruột rà”. Người bất chấp tất cả, dẫu phải trả giá đắt nhưng nhân vật vẫn quyết tâm thực hiện. Quyết tâm này cho thấy sự tự do về ý chí của nhân vật, bất chấp tình trạng thực tế là thân thể nhân vật bị xiềng chặt trên đỉnh núi Cô-ca-dơ.

Câu 6 trang 29 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nhân vật Prô-mê-tê đã thể hiện thái độ thế nào đối với hoàn cảnh bi đát của mình?

Trả lời:

Prô-mê-tê bất bình, chua xót với hoàn cảnh bi đát của mình. Điều đó được thể hiện qua các từ ngữ: “hình phạt đau thương”, “oan trái”, “thê thảm xót xa. Nhưng cao hơn, Prô-mê-tê đã thể hiện thái độ phủ định dứt khoát đối với kẻ đã trừng phạt ông khi cho rằng “ông chủ của muôn thần” đã lấy oán trả ân, đã bộc lộ sự nghi kị phi lí và có hành động bạo ngược. Với câu “Cảnh tượng này nhục cho Dớt biết bao nhiêu!”, Prô-mê-tê đã thể hiện được tư thế ngạo nghễ của mình trước nghịch cảnh. Có thể nói, tuy bị xiềng nhưng Prô-mê-tê thực chất là người tự do, người chiến thắng.

>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 14

Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT Ngữ văn lớp 11 bài 13: Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 24 sách Kết nối tri thức. Các em học sinh tham khảo thêm Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Đinh Đinh
    Đinh Đinh

    😌😌😌😌😌😌😌😌

    Thích Phản hồi 10:41 15/07
    • Vợ nhặt
      Vợ nhặt

      👌👌👌👌👌👌👌

      Thích Phản hồi 10:42 15/07
      • mineru
        mineru

        😘😘😘😘😘😘

        Thích Phản hồi 10:42 15/07
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

        Xem thêm