Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 1: Thư gửi các học sinh

Giáo án Tiếng Việt lớp 5

Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 1: Tập đọc Thư gửi các học sinh được soạn theo chuẩn kỹ năng, kiến thức theo quy định của bộ GD&ĐT giúp các em học sinh đọc lưu loát toàn bài, ngắt nghỉ hơi theo đúng các dấu câu và giữa các cụm từ. Bên cạnh đó, các em sẽ tập đọc thể hiện tình cảm thân ái, trìu mến, thiết tha, tin tưởng của Bác đối với thiếu nhi Việt Nam. Mời các thầy cô tham khảo.

Tập đọc Tuần 1

Thư gửi các học sinh

I. Mục tiêu

1. Đọc thành tiếng

- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Đọc lưu loát toàn bài, ngắt nghỉ hơi theo đúng các dấu câu và giữa các cụm từ.

- Đọc thể hiện tình cảm thân ái, trìu mến, thiết tha, tin tưởng của Bác đối với thiếu nhi Việt Nam.

2. Đọc hiểu

- Hiểu nghĩa các từ ngữ có trong bài.

- Hiểu được nội dung chính của bức thư: Bác Hồ khuyên HS chăm học, nghe thầy, yêu bạn và tin tưởng rằng HS sẽ kế tục xứng đáng sự nghiệp của cha ông, xây dựng thành công nước Việt Nam mới.

3. Học thuộc lòng một đoạn thư

II. Đồ dùng dạy - học

- Tranh minh họa bài đọc trong SGK.

- Bảng phụ chép sẵn một đoạn thư cần luyện đọc cho HS.

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Dạy bài mới

1. Giới thiệu chủ điểm và bài đọc

- GV cho HS quan sát các ảnh minh họa cho chủ điểm và yêu cầu HS nói về những tấm ảnh đó.

- HS: Tranh vẽ hình ảnh Bác Hồ và HS các dân tộc trên nền lá cờ Tổ quốc bay thành hình chữ S - gợi dáng hình đất nước ta.

- GV: Qua các bức ảnh minh họa cho chủ điểm chúng ta thấy Tổ quốc chúng ta rất đẹp. Chúng ta rất yêu quý và tự hào về Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Các em đã biết: Ngay sau khi giành được độc lập, Bác Hồ đã có Thư gửi các học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên, khi nước ta giành được độc lập sau 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Để biết trong thư Bác muốn nói với các em điều gì, chúng ta cùng đọc và tìm hiểu bài.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

- HS mở SGK theo dõi bài đọc.

2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài

a) Luyện đọc đúng

- GV gọi một HS đọc khá giỏi đọc trước lớp và yêu cầu cả lớp đọc thầm.

- Một HS khá đọc trước lớp, cả lớp đọc thầm.

- GV hướng dẫn HS chia đoạn.

- HS nhận biết các đoạn trong bài đọc:

* Đoạn 1: Từ đầu đến Vậy các em nghĩ sao?

* Đoạn 2: Còn lại.

- GV gọi hai HS tiếp nối nhau đọc bài. GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có).

- Hai HS tiếp nối nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài.

- GV ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện đọc cho HS.

- HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp.

- Yêu cầu hai HS đọc lại toàn bài.

- Hai HS đọc tiếp nối nhau, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm.

- Yêu cầu HS tìm hiểu về nghĩa của các từ khó được giới thiệu ở phần chú giải.

- Một HS đọc phần chú giải thành tiếng. Cả lớp đọc thầm.

- GV đọc diễn cảm toàn bài: giọng nhẹ nhàng, thân ái, trìu mến, thiết tha, thể hiện sự tin tưởng và hi vọng.

- HS lắng nghe theo dõi giọng đọc của GV.

b) Tìm hiểu bài

- GV yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1, thảo luận theo nhóm đôi hỏi và trả lời câu hỏi 1 trong SGK. Sau đó chỉ định một nhóm trình bày trước lớp, các nhóm khác theo dõi bổ sung.

- Hai HS đứng dậy trình bày:

+ HS 1 hỏi: Ngày khai trường năm 1945 có gì đặc biệt so với những ngày khai trường khác?

+ HS 2 trả lời: Đó là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày khai trường đầu tiên sau khi nước ta giành được độc lập sau 80 làm nô lệ cho thực dân Pháp. Từ ngày khai trường này các em HS bắt đầu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.

- GV: Em hiểu như thế nào là một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam?

- Là một nền giáo dục tự do của nước Việt Nam độc lập nhằm đào tạo công dân và nhân tài để phục vụ cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

- GV hỏi thêm: Trong thư Bác đã tưởng tượng thấy cảnh các bạn học sinh trong ngày khai trường lần đầu tiên khi nước nhà độc lập như thế nào?

- Bác Hồ đã tưởng tượng thấy cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày khai trường. Các bạn học sinh ai ai cũng vui vẻ và rất sung sướng vì được hưởng một nền giáo dục mới.

- Em hiểu như thế nào về câu nói của Bác: “Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?".

- Bác muốn nhắc các HS phải biết ơn, ghi nhớ công lao chiến đấu, hi sinh quên mình của biết bao thế hệ cách mạng để có được như ngày hôm nay.

- Yêu cầu HS tìm ý của đoạn 1, sau đó nhận xét chốt lại, ghi bảng.

- HS nêu và nhận xét cho đến khi có ý đúng: Những ý nghĩ và tình cảm của Bác đối với học sinh.

- GV yêu cầu HS đọc thầm đoạn 2, thảo luận theo nhóm đôi để trả lời câu hỏi: Sau cách mạng tháng Tám nhiệm vụ của toàn dân là gì?

- HS thực hiện theo yêu cầu của GV và trả lời: Sau cách mạng tháng Tám nhiệm vụ của toàn dân là xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm cho nước ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu.

- HS có trách nhiệm như thế nào trong công cuộc kiến thiết đất nước?

- Trong công cuộc kiến thiết đất nước, trách nhiệm của HS rất nặng nề và vẻ vang. HS phải thi đua học giỏi, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn để lớn lên xây dựng đất nước, làm cho dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai các cường quốc năm châu.

- Qua những câu nói đó em hiểu được thái độ của Bác đối với các học sinh như thế nào?

- Bác rất tin tưởng và hi vọng vào các học sinh - những người tạo nên tương lai, tiền đồ tươi sáng của dân tộc và đất nước.

- Yêu cầu HS trao đổi theo nhóm đôi tìm ý chính của đoạn 2. GV nhận xét chốt lại và ghi bảng.

- HS thực hiện theo yêu cầu của GV và trả lời: Vai trò và trách nhiệm vẻ vang của người học sinh trong công cuộc xây dựng đất nước.

c) Luyện đọc diễn cảm và học thuộc lòng

* Luyện đọc diễn cảm

- GV gọi HS đọc diễn cảm đoạn 1, yêu cầu HS theo dõi nhận xét giọng đọc của bạn.

- GV chốt lại giọng đọc của đoạn 1: giọng nhẹ nhàng, thân ái, vui mừng, xúc động, thể hiện được tình cảm yêu quý của Bác; nhấn giọng vào những từ ngữ:ngày khai trường đầu tiên, tưởng tượng, nhộn nhịp tưng bừng, sung sướng hơn nữa, hoàn toàn Việt Nam, hi sinh, biết bao đồng bào, nghĩ sao và đọc cao giọng ở cuối câu hỏi.

- Một HS đọc. Cả lớp theo dõi, nhận xét giọng đọc của bạn.

- HS lắng nghe.

- Yêu cầu HS đọc lại đoạn 1.

- HS luyện đọc lại đoạn 1. Cả lớp theo dõi nhận xét bạn đọc.

- Gọi HS đọc diễn cảm đoạn 2 và 3, yêu cầu HS theo dõi nhận xét giọng đọc của bạn.

- Một HS đọc diễn cảm đoạn 2 và 3 của bài. Cả lớp theo dõi và nhận xét giọng đọc của bạn.

- GV chốt lại giọng đọc đoạn 2 và 3: giọng xúc động thể hiện tình cảm yêu quý, niềm tin tưởng và hi vọng của Bác vào học sinh - những chủ nhân tương lai của nước nhà; biết nhấn giọng vào những từ ngữ: xây dựng, trông mong, chờ đợi, tươi đẹp, hay không, sánh vai, một phần lớn, học tập...

- HS chú ý lắng nghe.

- Yêu cầu HS luyện đọc lại đoạn 2 và 3.

- HS luyện đọc diễn cảm đoạn 2 và 3, cả lớp theo dõi nhận xét giọng đọc của các bạn.

* Luyện đọc học thuộc lòng

- GV yêu cầu HS đọc thầm học thuộc theo nhóm đoạn văn (từ Sau 80 năm giời nô lệ ... đến nhờ một phần lớn ở công học tập của các em).

- Thi các nhóm đọc thuộc đoạn văn trước lớp.

- HS đọc thầm học thuộc đoạn văn theo nhóm.

- Một nhóm cử đại diện đứng lên đọc trước câu đầu tiên của đoạn, sau đó có "xì điện" một bạn bất kì của nhóm khác đọc câu nối tiếp. Bạn đó đọc xong lại "xì điện" một bạn bất kì của nhóm khác đọc câu khác. Nếu bạn nào không đọc được thì nhóm đó bị trừ đi một điểm.

3. Củng cố, dặn dò

- Câu văn nào trong thư Bác nói lên nghĩa vụ thiêng liêng của các thế hệ trẻ Việt Nam và niềm tin tưởng, hi vọng to lớn của Bác vào các thế hệ đó.

- "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không,... chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"

- Ngày nay tuy Bác đã đi xa, các em thấy câu nói của Bác như thế nào? Các em phải làm gì để đáp lại lòng mong mỏi của Bác.

- Nhiều HS trả lời, cho đến khi tìm được ý đúng: Câu nói của Bác vẫn còn sống mãi, chúng em cần phải chăm chỉ học tập để lớn lên xây dựng Tổ quốc ngày thêm giàu đẹp.

- GV nhận xét giờ học, dặn HS về nhà tiếp tục học thuộc lòng đoạn thư đã nêu; đọc trước bài Quang cảnh ngày mùa.

- HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Giáo án điện tử Tập đọc 5

    Xem thêm