Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 5: Kể chuyện - Kể chuyện đã nghe, đã đọc
Giáo án Tiếng việt lớp 5
Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 5: Kể chuyện - Kể chuyện đã nghe, đã đọc giúp các em học sinh nắm được câu chuyện đã nghe, đã đọc có nội dung cơ ngợi hòa bình và chống chiến tranh hiểu được ý nghĩa nội dung câu chuyện. Đồng thời, biết kể bằng lời của mình một cách hấp dẫn, sinh động kèm theo cử chỉ; biết đánh giá lời kể của bạn theo các tiêu chí đã nêu. Mời các thầy cô cùng tham khảo.
Kể chuyện
Kể chuyện đã nghe, đã đọc
I. Mục tiêu
1. Rèn kĩ năng nói:
- Biết kể tự nhiên, bằng lời của mình một câu chuyện đã nghe, đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh.
- Hiểu chuyện, biết trao đổi được với các bạn về nội dung, ý nghĩa câu chuyện (mẩu chuyện).
2. Rèn kĩ năng nghe: Chăm chú lắng nghe lời bạn kể, nhận xét đúng lời kể của bạn.
II. Đồ dùng dạy - học
- Một số sách, truyện, bài báo viết về truyện ca ngợi hòa bình và chống chiến tranh.
- Dàn ý kể chuyện và tiêu chí đánh giá được ghi sẵn trên bảng phụ.
III. Các hoạt động dạy - học
Hoạt động dạy | Hoạt động học |
A. Kiểm tra bài cũ | |
- Gọi hai HS tiếp nối nhau kể lại câu chuyện Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai và trả lời câu hỏi về ý nghĩa câu chuyện. | - Hai HS lên bảng thực hiện theo yêu cầu của GV, cả lớp theo dõi và nhận xét. |
- GV nhận xét, cho điểm. | |
B. Bài mới | |
1. Giới thiệu bài | |
- Hòa bình là khát vọng lớn nhất của toàn thể loài người. Tất cả những người tốt trên thế giới đều muốn sống trong một thế giới hòa bình, hạnh phúc, không có bom đạn, chết chóc, chiến tranh. Trong tiết kể chuyện hôm nay chúng ta sẽ kể về những câu chuyện nói lên ước mơ chính đáng này. | - HS lắng nghe. |
- GV ghi tên bài lên bảng. | - HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở. |
2. Hướng dẫn HS kể chuyện | |
a) Tìm hiểu đề bài - GV gọi HS đọc đầu bài GV đã viết sẵn trên bảng. | - Một HS đọc to đề bài, cả lớp đọc thầm. Kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh. |
- GV hỏi HS: + Đề bài yêu cầu chúng ta kể một câu chuyện có nội dung như thế nào? + Những câu chuyện đó có ở đâu? | - HS trả lời: + Kể một câu chuyện ca ngợi hòa bình hoặc chống chiến tranh. + Những câu chuyện đó em được nghe hoặc đọc trong sách, báo. |
- GV nghe HS trả lời và gạch dưới những từ ngữ cần chú ý. | |
- GV gọi hai HS đọc nối tiếp nhau gợi ý trong SGK. | - Hai HS đọc nối tiếp theo trình tự: HS 1 đọc gợi ý 1 và 2, HS 2 đọc gợi ý 3 và 4. Cả lớp đọc thầm theo dõi trong SGK. |
- GV nói: Các em có thể kể những câu chuyện trong chương trình các em đã được học có nội dung nói về ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh. Nhưng nếu các em kể được những câu chuyện ngoài SGK sẽ được cộng thêm điểm. Đối với các câu chuyện quá dài các em có thể kể một đoạn hoặc kể vắn tắt nội dung câu chuyện. | - HS lắng nghe. |
- Gọi HS giới thiệu câu chuyện mà em định kể và nói rõ đã nghe chuyện đó từ ai hoặc đã đọc truyện đó ở đâu? | - HS nối tiếp nhau giới thiệu với cả lớp tên câu chuyện, nhân vật trong câu chuyện em định kể; cho biết đã nghe, đã đọc truyện đó ở đâu, vào dịp nào. |
- GV nhận xét, điều chỉnh nếu HS chọn truyện không đúng yêu cầu. | - HS nghe, sửa chữa bằng cách nêu tên câu chuyện khác (nếu chưa chọn đúng truyện). |
- GV nhắc lại gợi ý 3 trong SGK (cách kể chuyện) và yêu cầu HS nhắc lại các tiêu chí đánh giá kể chuyện (theo như tiết học trước. Nếu HS quên, GV đưa ra bảng phụ ghi sẵn tiêu chí cho HS đọc lại). | - HS thực hiện theo yêu cầu của GV. |
b. Thực hành kể chuyện và trao đổi về nội dung ý nghĩa câu chuyện | |
- GV lưu ý HS trước khi kể: + Kể thật tự nhiên với giọng kể chuyện, nhìn vào các bạn đang nghe mình kể. + Với những truyện dài các em chỉ cần kể 1-2 đoạn để giành thời gian cho bạn khác kể. | - HS nghe và thực hiện theo yêu cầu của GV. |
- GV viên yêu cầu HS kể chuyện theo nhóm nhỏ, mỗi nhóm bốn HS. GV đi giúp đỡ từng nhóm. Yêu cầu HS chú ý lắng nghe bạn kể và đánh giá, cho điểm từng bạn trong nhóm. | - HS lập dàn ý câu chuyện ra giấy nháp, kể chuyện trong nhóm cho nhau nghe, sau khi kể xong trao đổi với bạn về nội dung, ý nghĩa câu chuyện. |
- Gợi ý cho HS các câu hỏi: * HS kể chuyện hỏi: + Bạn thích nhất điều gì ở câu chuyện tôi vừa kể? + Bạn có thích câu chuyện tôi vừa kể không? Vì sao? + Bạn nhớ nhất tình tiết, nhân vật nào trong truyện? + Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì? + Hình ảnh nào trong truyện làm bạn xúc động nhất? * HS nghe kể hỏi: + Vì sao bạn lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này ? + Chi tiết nào trong truyện để lại ấn tượng cho bạn nhất ? + Bạn muốn nói với mọi người điều gì qua câu chuyện ? + Câu chuyện của bạn có ý nghĩa gì ? | |
- GV tổ chức cho HS thi kể trước lớp. | - HS thi kể, cả lớp theo dõi để hỏi lại bạn hoặc trả lời câu hỏi của bạn, tạo không khí sôi nổi, hào hứng.. |
- GV viết tên HS tham gia thi kể và tên câu chuyện để cả lớp nhớ tên các bạn và câu chuyện của các bạn. | - HS quan sát. |
- GV hướng dẫn HS đối thoại giữa người kể và người nghe. | - HS kể chuyện xong cùng cả lớp trao đổi một hai câu hỏi về nhân vật, chi tiết, ý nghĩa,...của câu chuyện bạn vừa kể. |
- Sau khi HS lần lượt kể xong GV tổ chức cho HS nhận xét. | - HS nhận xét từng bạn kể theo các tiêu chí đánh giá (có từ tiết học trước). |
- GV yêu cầu HS bình chọn những bạn có câu chuyện hay kể hấp dẫn và yêu cầu các em nhắc lại ý nghĩa của câu chuyện. | - Cả lớp nhận xét, bình chọn, trao đổi về ý nghĩa của một hoặc hai câu chuyện tiêu biểu nhất. |
3. Củng cố, dặn dò | |
- GV nhận xét giờ học. | - HS lắng nghe. |
- Dặn HS về nhà kể lại câu chuyện của mình cho người thân nghe và chuẩn bị đọc trước tiết kể chuyện tiếp theo, chuẩn bị nội dung câu chuyện. | - HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV. |