Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 6: Tác phẩm của Si-le và tên phát xít
Giáo án Tiếng việt lớp 5
Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 6: Tác phẩm của Si - le và tên phát xít giúp em học sinh hiểu được nội dung câu chuyện và nắm được tính cách nhân vật. Qua đó, ca ngợi cụ già người Pháp thông minh, biết phân biệt người Đức với bọn phát xít và dạy cho tên sĩ quan một bài học. Mời các thầy cô cùng tham khảo.
Tập đọc
Tác phẩm của Si-le và tên phát xít
I. Mục tiêu
1. Đọc thành tiếng
- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Đọc trôi chảy toàn bài, đọc đúng các tiếng phiên âm nước ngoài.
- Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng kể tự nhiên, nhẹ nhàng, pha chút châm biếm; đọc đúng tính cách của nhân vật: cụ già điềm đạm thông minh hóm hỉnh; tên phát xít hống hách, hợm hĩnh nhưng dốt nát, ngờ nghệch.
2. Đọc hiểu
- Hiểu các từ ngữ trong bài.
- Hiểu được ý nghĩa câu chuyện: ca ngợi cụ già người Pháp thông minh, biết phân biệt người Đức với bọn phát xít Đức và dạy cho tên sĩ quan phát xít hống hách một bài học nhẹ nhàng mà sâu cay.
II. Đồ dùng dạy - học
- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to).
III. Các hoạt động dạy - học
Hoạt động dạy | Hoạt động học |
A. Kiểm tra bài cũ | |
- Gọi hai HS đọc bài tập đọc Sự sụp đổ của chế độ a-pác-thai và trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc. - Nhận xét và cho điểm HS. | - HS thực hiện theo yêu cầu của GV. |
B. Dạy bài mới | |
1. Giới thiệu bài | |
- GV đưa ra bức tranh minh họa SGK (phóng to), cho HS quan sát và yêu cầu cho biết tranh vẽ gì? - Để hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa cụ già và tên phát xít chúng ta cùng học bài Tác phẩm của Si-le và tên phát xít. | - HS: Tranh vẽ trên một toa tàu, cụ già cầm quyển sách đang giảng giải cho tên sĩ quan phát xít hiểu ra một điều gì đó. |
- GV ghi tên bài lên bảng. | - HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở |
2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài | |
a) Luyện đọc đúng | |
- GV ghi bảng: Pa-ri, Hít-le, Sin-lơ, Vin-hem Ten, Mét–xi-na, Oóc-lê-ăng và luyện đọc cho HS. | - HS luyện đọc cá nhân, đồng thanh những tiếng phiên âm nước ngoài. |
- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài. | - Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK. |
- GV hướng dẫn HS chia đoạn. | - HS nhận biết các đoạn của bài: * Đoạn 1: Từ đầu đến ... Chào ngài. * Đoạn 2: Tiếp đến ... điềm đạm trả lời. * Đoạn 3: Còn lại. |
- GV gọi ba HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn của bài, GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có). | - Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài. |
- GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện phát âm cho HS. | - HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp. |
- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2. | - Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc. |
- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK. - GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết. | - Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK. - HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa. |
- Yêu cầu HS luyện đọc theo cặp. | - Hai HS ngồi cùng bàn nối tiếp nhau đọc từng đoạn của bài. |
- Gọi HS đọc toàn bài. | - Ba HS nối tiếp đọc nhau đọc từng đoạn của bài trước lớp. |
- GV đọc diễn cảm bài văn. | - HS theo dõi giọng đọc của GV. |
b) Tìm hiểu bài | |
- GV yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1 và hỏi: Tên sĩ quan phát xít Đức khi bước vào toa tàu đã làm gì? | - HS đọc thầm và trả lời: Tên sĩ quan Đức bước vào toa tàu, giơ thẳng tay, hô to: Hít-le muôn năm! |
- GV giảng giải: Bọn phát xít Đức rất cuồng tín, sùng bái Hít-le, chúng lấy lời tung hô thủ lĩnh làm lời chào trong quân đội. Tên phát xít này còn cuồng tín hơn, hắn chào ngay cả khi đi đường. Đối với những người có mặt trong toa tàu lúc ấy , thì cử chỉ và lời hô của tên sĩ quan phát xít là quá bất ngờ và ngầm cho đó là một cử chỉ hài hước, lố bịch, đáng khinh! | - HS lắng nghe. |
- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 2, trao đổi theo nhóm đôi trả lời câu hỏi: Vì sao tên sĩ quan Đức có thái độ bực tức với ông cụ người Pháp? | - Tên sĩ quan phát xít bực tức vì: Cụ già đáp lại lời hô cuồng nhiệt của hắn lời chào một cách lạnh lùng. Hắn càng bực hơn khi nhận ra ông cụ biết tiếng Đức thành thạo (đến mức đọc được truyện của nhà văn Đức) nhưng không đáp lời hắn bằng tiếng Đức. |
- Vì sao ông cụ không đáp lời tên sĩ quan phát xít bằng tiếng Đức? | - HS trả lời: + Ông cụ ghét bọn phát xít hống hách xâm lược. + Cụ tế nhị bộc lộ thái độ bất bình với lời chào hợm hĩnh của tên phát xít. |
- Nhà văn Đức Sin-le được ông cụ người Pháp đánh giá như thế nào? | - Ông cụ người Pháp đánh giá Sin-lơ là nhà văn quốc tế. |
- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 3, cả lớp theo dõi trao đổi theo nhóm trả lời câu hỏi: Lời đáp của ông cụ ở cuối truyện ngụ ý gì? | - HS thực hiện yêu cầu của GV, sau đó trả lời: + Sin-lơ xem các người là kẻ cướp. + Sin-lơ viết vở kẻ cướp tặng cho các người. + Các người không xứng đáng với Sin-lơ. |
- GV nói thêm: Vở kịch của Si-le là "Những tên cướp" . Đó là một sự thật rành rành hiển nhiên. Nhưng câu trả lời ấy trong hoàn cảnh đối thoại lại ám chỉ: bọn phát xít Đức là lũ kẻ cướp! Đó là một cú đánh thâm hiểm chết người, kẻ bị hạ nhục cay cú nhưng không thể bắt bẻ được. | - HS lắng nghe. |
- Yêu cầu HS trao đổi theo nhóm đôi trả lời câu hỏi: Em hiểu ông cụ có thái độ đối với người Đức và tiếng Đức như thế nào? | - HS trao đổi trong nhóm, trả lời: Ông cụ am hiểu tiếng Đức, yêu những người Đức chân chính, nhưng rất căm ghét và khinh bỉ bọn phát xít, vì chúng đang giày xéo nước Pháp, chúng đang gây ra chiến tranh thế giới lần thứ 2. |
c) Luyện đọc diễn cảm | |
- Gọi ba HS đọc nối tiếp từng đoạn của bài. Yêu cầu cả lớp theo dõi bạn đọc. | - Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi bạn đọc. |
- GV hướng dẫn HS nhận xét để xác lập kĩ thuật giọng đọc của bài. | - HS nhận xét, xác lập được giọng đọc của bài: Giọng người dẫn chuyện tự nhiên nhấn giọng vào những từ ngữ diễn tả thái độ của các nhân vật. Đọc phân biệt các lời đối thoại, thể hiện rõ tính cách của từng nhân vật: cụ già điềm đạm, thông minh, hóm hỉnh; tên sĩ quan phát xít hống hách hợm hĩnh nhưng dốt nát. Lời thoại cuối cùng (đọc hạ giọng, kéo dài giọng, ngưng một chút trước tiếng vở, nhấn giọng hai tiếng kẻ cướp) thể hiện ngụ ý hóm hỉnh, sâu cay của ông cụ. |
- GV treo bảng phụ có ghi câu hội thoại và luyện đọc cho HS. Có chứ. Si-le đã dành cho các ngài vở / Kẻ cướp | - Một vài HS luyện đọc câu hội thoại. |
- Yêu cầu HS luyện phân vai theo nhóm ba. | - HS luyện đọc phân vai theo nhóm. HS1 vai người dẫn chuyện, HS2 vai ông cụ, HS3 vai tên sĩ quan phát xít. |
- Tổ chức hai nhóm HS đọc trước lớp. | - Hai nhóm HS đọc nối tiếp bài trước lớp. Cả lớp theo dõi nhận xét bạn đọc. |
- GV nhận xét cho điểm từng HS. | |
3. Củng cố, dặn dò | |
- Nội dung câu chuyện nói về điều gì? | - Tên sĩ quan phát xít hống hách bị một cụ già cho một bài học nhẹ nhàng mà sâu cay. |