Khái niệm và đặc điểm dự án đầu tư
Khái niệm và đặc điểm dự án đầu tư được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết đầy đủ để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm và đặc điểm dự án đầu tư
Khái niệm dự án đầu tư
Về mặt hình thức: Dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết có hệ thống các hoạt động và chi phí theo một kế hoạch để đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai.
Về mặt nội dung: Dự án đầu tư là một tập hợp các hoạt động có liên quan với nhau được hoạch định nhằm đạt được các mục tiêu đã xác định bằng việc tạo ra các kết quả cụ thể thông qua việc sử dụng các nguồn lực xác định trong một khoản thời gian xác định (dự án đầu tư trực tiếp)
Về mặt quản lý: Dự án đầu tư là một công cụ quản lý vốn, vật tư, lao động để tạo ra các kết quả tài chính, kinh tế trong một khoảng thời gian nào đó.
Về mặt kế hoạch hóa: Dự án đầu tư là một công cụ thể hiện kế hoạch chi tiết của một cuộc đầu tư sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội làm tiền đề cho các quyết định đầu tư và tài trợ. Dự án đầu tư là một hoạt động riêng biệt, nhỏ nhất trong công tác kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân
Một cách tổng quát: Dự án đầu tư là một tập hợp những đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để tạo mới, mở rộng hoặc cải tạo những đối tượng nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng, cải tiến hoặc nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó trong một khoảng thời gian xác định (dự án đầu tư trực tiếp).
Như vậy dự án đầu tư không chỉ là một ý định hay một phác thảo sơ bộ mà là một đề xuất có tính cụ thể và mục tiêu rõ ràng nhằm biến các cơ hội đầu tư thành một quyết định cụ thể.
Tại sao phải tiến hành các dự án đầu tư theo dự án
Hoạt động đầu tư có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, là một lĩnh vực hoạt động nhằm tạo ra và duy trì sự hoạt động của các cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế. Đối với các cơ sở SXKD hoạt động đầu tư là một bộ phận kinh doanh nhằm tăng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật mới, duy trì sự hoạt động của cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, là điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do đó cần phải tổ chức các hoạt động đầu tư theo dự án vì:
- Đầu tư đòi hỏi một lượng vốn lớn và trong suốt thời gian thực hiện đầu tư nó sẽ bị khê đọng.
- Đầu tư là hoạt động lâu dài, thời gian thu hồi vốn lâu do đó chịu nhiều tác động từ bên ngoài, đặc biệt là các tác động tiêu cực.
- Mọi kết quả và hiệu quả của đầu tư đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố không ổn định theo thời gian và không gian.
- Thành quả của đầu tư có giá trị sử dụng lâu dài.
Vì vậy, trong hoạt động đầu tư việc phân tích và đánh giá đầy đủ trên nhiều khía cạnh khác nhau là việc làm hết sức quan trọng. Việc phân tích phải được thực hiện một cách đầy đủ, thu nhận các thông tin về hoạt động kinh tế sẽ được tiến hành đầu tư, kể cả thông tin quá khứ, thông tin hiện tại và các dự kiến cho tương lai. Sự thành công hay thất bại của một dự án đầu tư được quyết định từ việc phân tích có chính xác hay không. Thực chất của việc phân tích này chính là lập dự án đầu tư. Có thể nói, dự án đầu tư được soạn thảo tốt là cơ sở vững chắc cho việc thực hiện các công cuộc đầu tư đạt hiệu quả kinh tế - xã hội mong muốn. Hầu hết các nước trên thế giới đều tiến hành hoạt động đầu tư dưới hình thức các dự án đầu tư.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và đặc điểm dự án đầu tư về một công cụ thể hiện kế hoạch chi tiết của một cuộc đầu tư sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội làm tiền đề cho các quyết định đầu tư và tài trợ...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm và đặc điểm dự án đầu tư. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu của các môn học trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.