Lợi nhuận của doanh nghiệp
Lợi nhuận của doanh nghiệp được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết đầy đủ của môn Tài chính tiền tệ để hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Lợi nhuận của doanh nghiệp
Theo Sử Đình Thành (2008), lợi nhuận là phần kết quả tài chính cuối cùng của kỳ kinh doanh; là chỉ tiêu chất lượng tổng hợp quan trọng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo điều 96 của thông tư 200 /2014/TT-BTC, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả hoạt động tài chính và kết quả hoạt động khác.
- Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh là số chênh lệch giữa doanh thu thuần và trị giá vốn hàng bán (gồm cả sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ, giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, như: chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, nâng cấp, chi phí cho thuê hoạt động, chi phí thanh lý, nhượng bán bất động sản đầu tư), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Kết quả hoạt động tài chính là số chênh lệch giữa thu nhập của hoạt động tài chính và chi phí hoạt động tài chính.
- Kết quả hoạt động khác là số chênh lệch giữa các khoản thu nhập khác và các khoản chi phí khác và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Phân phối lợi nhuận
Phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo cho quá trình tích lũy đầu tư mở rộng các hoạt động kinh doanh trong tương lai.
- Dự phòng đề phòng hạn chế những rủi ro gây tổn thất làm thiệt hại về mặt tài chính của doanh nghiệp, tạo ra sự an toàn trong kinh doanh.
- Tạo ra động lực kích thích nguồn lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Tạo ra sự thống nhất mục tiêu kinh tế giữa người đầu tư với người lao động.
Đối với một doanh nghiệp, lợi nhuận được phân phối như sau:
- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước theo quy định.
- Bù đắp những khoản chi phí không được tính vào chi phí hoạt động như chi phí sản phẩm hỏng, các khoản phạt do vi phạm hợp đồng,…
- Tạo lập các quỹ của doanh nghiệp.
- Chia lợi tức cho chủ sở hữu của doanh nghiệp.
2. Các quỹ của doanh nghiệp
Các quỹ của doanh nghiệp bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ dự phòng tài chính; Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm; Quỹ phúc lợi; Quỹ khen thưởng.
* Quỹ đầu tư phát triển
Quỹ này được sử dụng vào các mục đích sau:
- Đầu tư phát triển mở rộng kinh doanh.
- Đổi mới, thay thế máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật.
- Đổi mới trang thiết bị và điều kiện làm việc trong doanh nghiệp.
- Nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên của doanh nghiệp.
Theo điều 70 của thông tư 200/2014/TT-BTC, Quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng vào việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp.
Việc trích và sử dụng quỹ đầu tư phát triển phải theo chính sách tài chính hiện hành đối với từng loại doanh nghiệp hoặc quyết định của chủ sở hữu.
Doanh nghiệp không tiếp tục trích Quỹ dự phòng tài chính. Chủ sở hữu doanh nghiệp ra quyết định chuyển số dư Quỹ dự phòng tài chính vào Quỹ đầu tư phát triển.
* Quỹ dự phòng tài chính
Quỹ này được sử dụng bù đắp các khoản chênh lệch từ những tổn thất, thiệt hại về tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, những rủi ro trong kinh doanh không được tính trong giá thành và đền bù cho cơ quan bảo hiểm.
* Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm
Quỹ này nhằm mục đích trợ cấp cho người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp đủ một năm trở lên bị mất việc làm và chi cho việc đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật cho người lao động do thay đổi công nghệ hoặc chuyển sang việc mới, đặc biệt là đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ của doanh nghiệp.
* Quỹ phúc lợi
Quỹ này dùng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của doanh nghiệp, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng thỏa thuận; chi cho các hoạt động phúc lợi xã hội, thể thao, văn hóa, phúc lợi công cộng của tập thể công nhân viên doanh nghiệp; đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội (các hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội); trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ công nhân viên doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ này để chi trợ cấp khó khăn cho người lao động của doanh nghiệp đã về hưu, mất sức lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
* Quỹ khen thưởng
Dùng để thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ cho cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp; thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể trong doanh nghiệp có sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh doanh; thưởng cho cá nhân và đơn vị ngoài doanh nghiệp có quan hệ hợp đồng kinh tế đã hoàn thành tốt những điều kiện của hợp đồng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo điều 63 của thông tư 200/2014/TT-BTC, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty phải theo chính sách tài chính hiện hành.
Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty phải được hạch toán chi tiết theo từng loại quỹ.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Lợi nhuận của doanh nghiệp về số chênh lệch giữa doanh thu thuần và trị giá vốn hàng bán (gồm cả sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ, giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, như: chi phí khấu hao...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.