Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Lịch sử 8 Kết nối tri thức bài 17

Lý thuyết Lịch sử 8 bài 17: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến năm 1884 có nội dung và câu hỏi trắc nghiệm trong chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.

1. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến năm 1874

a) Nguyên nhân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam

- Nguyên nhân sâu xa:

+ Từ giữa thế kỉ XIX, ở Pháp, sự phát triển nhanh của kinh tế tư bản chủ nghĩa đã đặt ra nhu cầu ngày càng lớn về: nguyên liệu, nhân công và thị trường tiêu thụ,…, do đó, Pháp đẩy mạnh việc bành trướng, xâm lược thuộc địa.

+ Việt Nam có vị trí quan trọng trong tuyến đường giao thương quốc tế; giàu tài nguyên thiên nhiên, nhân công dồi dào, và thị trường tiêu thụ rộng. Mặt khác, từ giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến ở Việt Nam đã bộc lộ những dấu hiệu của sự khủng hoảng, suy yếu trên nhiều lĩnh vực.

- Duyên cớ: triều đình nhà Nguyễn thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng”; cấm đạo và đàn áp các giáo sĩ, tín đồ theo đạo Thiên Chúa.

b) Cuộc kháng chiến ở Đà Nẵng và Nam Kì (1858 - 1862)

* Chiến sự ở Đà Nẵng (tháng 9/1858 - tháng 2/1862):

- Chiều ngày 31/8/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng. Sáng 1/09/1858, Pháp nổ súng tấn công và đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam.

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng (tranh vẽ)

- Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Tri Phương, nhân dân cùng với quân đội triều đình đẩy lùi nhiều đợt tấn công, cầm chân liên quân Pháp - Tây Ban Nha suốt 5 tháng trên bán đảo Sơn Trà. => Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp bước đầu thất bại.

* Chiến sự ở Đông Nam Kì (tháng 2/1859 - tháng 6/1862):

- Sau thất bại ở Đà Nẵng, Pháp chuyển quân vào Nam Kỳ. Ngày 17/2/1859, quân Pháp tấn công và nhanh chóng chiếm được thành Gia Định. Tuy nhiên, do vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân, nên sau đó, Pháp buộc phải phá thành, rút xuống cố thủ trong các tàu chiến. => Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp thất bại hoàn toàn.

- Năm 1860, do phải san sẻ lực lượng cho các chiến trường khác (ở Trung Quốc, châu Âu,…) nên lực lượng quân Pháp ở Gia Định còn lại rất mỏng. Tuy nhiên, quân đội triều đình không nắm bắt thời cơ, mà vẫn “thủ hiểm”, phòng ngự trong Đại đồn Chí Hòa.

- Đầu năm 1861, sau khi giải quyết được khó khăn, Pháp tập trung lực lượng tấn công Đại đồn Chí Hòa, đánh chiếm Gia Định, tiếp đó, mở rộng đánh chiếm các tỉnh: Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long.

- Tháng 6/1862, triều đình nhà Nguyễn kí với Pháp bản Hiệp ước Nhâm Tuất: thừa nhận việc cai quản của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì và đảo Côn Lôn; bồi thường cho Pháp 20 triệu phrăng (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc)...

- Bất chấp sự hoà hoãn của triều đình, phong trào kháng Pháp của nhân dân Đông Nam Kỳ diễn ra sôi nổi và ngày càng lan rộng. Tiêu biểu là: nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu Ét-pê-răng của Pháp,…

Chân dung Nguyễn Trung Trực và trận chiến trên sông Nhật tảo (minh họa)

c) Nhân dân Nam Kì tiếp tục kháng chiến (1862 - 1874)

- Sau Hiệp ước Nhâm Tuất, triều đình tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Bắc Kì và Trung Kì; ngăn cản phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Kì.

- Lợi dụng sự bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn, năm 1867, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên)

- Phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân các tỉnh Nam Kì vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh mẽ, dưới nhiều hình thức. Tiêu biểu là:

+ Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ ở Hòn Chông vượt biển tập kích giặc tại đồn Kiên Giang.

+ Trương Định đã lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ Gò Công, Tân Phước. Sau khi Trương Định qua đời, con trai ông là Trương Quyền tiếp tục đưa quân lên Tây Ninh lập căn cứ, chiến đấu.

+ Một số nhà nho như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị,... đã dùng thơ văn lên án tội ác của giặc và chế giễu bọn tay sai bán nước, ca ngợi gương chiến đấu hi sinh của nghĩa quân.

+ Ở miền Đông, phong trào kháng chiến tiếp tục bùng nổ trở lại. Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, sau khi được thả về lại tiếp tục đứng lên chống Pháp.

- Từ 1867 - 1873, thực dân Pháp từng bước thiết lập bộ máy cai trị ở Nam Kì, dùng Nam Kỳ làm bàn đạp tấn công Cam-pu-chia và tìm cơ hội đánh chiếm hết Việt Nam.

2. Phong trào kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược lan rộng ra cả nước (1873 - 1884)

a) Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất (1873 - 1874)

- Cuối năm 1873, thực dân Pháp của Ph.Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc, dùng vũ lực chiếm thành Hà Nội. Sau đó quân Pháp tỏa đi đánh chiếm các tỉnh Bắc Kỳ.

- Quân triều đình ở thành Hà Nội dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã anh dũng chiến đấu nhưng thất bại.

- Nhân dân Bắc Kỳ ở khắp nơi nổi dậy đấu tranh chống Pháp, tiêu biểu là:

+ Cuộc chiến đấu của các đội nghĩa binh dưới sự chỉ huy của cha con Mậu Kiến (Thái Bình), Phạm Văn Nghị (Nam Định),…

+ Tháng 12/1873, quân triều đình phối hợp với quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích, tiêu diệt quân Pháp tại Cầu Giấy. Tướng Ph.Gác-ni-ê của Pháp tử trận, quân Pháp hoang mang.

- Giữa lúc tinh thần kháng chiến của nhân dân đang lên cao, năm 1874, nhà Nguyễn tiếp tục kí với Pháp bản Hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận chủ quyền của Pháp ở 6 tỉnh Nam Kì và nhiều điều khoản bất lợi khác.

b) Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ hai (1882 - 1883)

- Tháng 4/1882, Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần 2, chiếm được thành Hà Nội và dần dần kiểm soát được toàn bộ các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ.

- Quân triều đình ở thành Hà Nội dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu nhưng thất bại.

- Nhân dân Bắc Kỳ ở khắp nơi nổi dậy đấu tranh chống Pháp, tiêu biểu là: chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai (tháng 5/1883).

c) Thực dân Pháp tấn công Thuận An, nhà Nguyễn đầu hàng (1884):

- Lợi dụng triều đình lục đục khi vua Tự Đức mất, Pháp quyết định đánh thẳng vào Huế, buộc triều Nguyễn phải đầu hàng.

- Tháng 8/1883, Pháp đánh chiếm cửa biển Thuận An (sát kinh thành Huế).

- Triều đình nhà Nguyễn hoảng hốt, cử người tới điều đình và kí với Pháp bản Hiệp ước Hác-măng. Tới tháng 6/1884, nhà Nguyễn tiếp tục kí với Pháp bản Hiệp ước Pa-tơ-nốt. => Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

- Nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục nổi dậy chống thực dân Pháp ở khắp nơi.

3. Trào lưu cải cách nửa sau thế kỉ XIX

a) Bối cảnh

- Ở nửa sau thế kỉ XIX, triều Nguyễn lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đất nước suy yếu, lại phải lo đối phó với cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

- Một số quan lại, sĩ phu thức thời đã nhận thức rõ sự bảo thủ của triều đình nên đã mạnh dạn đem kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân xây dựng các bản điều trần gửi lên triều đình Huế đề nghị thực hiện cải cách.

b) Những đề nghị cải cách ở Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

- Nguyễn Trường Tộ: từ năm 1863 đến năm 1871, đã gửi lên triều đình nhiều bản điều trần, đề nghị chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương, tài chính, chỉnh đốn võ bị, ngoại giao, cải tổ giáo dục.

- Trần Đình Túc, Phạm Huy Tế, Đinh Văn Điền: năm 1868, đề nghị mở cửa biển Trà Lý (Nam Định), đẩy mạnh khai hoang, khai mỏ, mở mang thương nghiệp, củng cố quốc phòng.

- Viện Thương Bạc: năm 1873, đề nghị mở ba cửa biển ở miền Bắc và miền Trung phát triển ngoại thương.

- Nguyễn Lộ Trạch: gửi các bản "Thời vụ sách" (thượng và hạ) lên vua Tự Đức vào các năm 1877, 1882, đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước.

c) Kết cục, ý nghĩa

* Kết cục:

- Phần lớn các đề nghị cải cách không được triều đình thực hiện hoặc thực hiện một cách thiếu hệ thống, nửa vời. Đến cuối thế kỉ XIX, tất cả những đề nghị cải cách đều thất bại.

- Nguyên nhân thất bại:

+ Thiếu cơ sở kinh tế, xã hội.

+ Vấp phải tư tưởng bảo thủ của triều đình.

+ Không đi sâu vào quần chúng nhân dân,..

b. Ý nghĩa:

- Phản ánh trình độ nhận thức của một bộ phận người Việt Nam hiểu biết, thức thời.

- Tạo nên những tiền đề thiết yếu cho sự chuyển biến trong đời sống tư tưởng, văn hoá, xã hội Việt Nam và làm dấy lên một phong trào Duy tân ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.

>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Lịch sử 8 Kết nối tri thức bài 18

Trên đây là toàn bộ lời giải Lý thuyết Lịch sử lớp 8 bài 17: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 đến năm 1884 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các em học sinh tham khảo thêm Lịch sử lớp 8 Chân trời sáng tạo Lịch sử lớp 8 Cánh Diều. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Kim Ngưu
    Kim Ngưu

    🥰🥰🥰🥰🥰🥰🥰

    Thích Phản hồi 17:16 29/04
    • Haraku Mio
      Haraku Mio

      😃😃😃😃😃😃😃

      Thích Phản hồi 17:16 29/04
      • Ỉn
        Ỉn

        😊😊😊😊😊😊😊

        Thích Phản hồi 17:16 29/04
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Lịch sử và Địa lí 8 Kết nối tri thức

        Xem thêm