Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Mục đích của đào tạo và phát triển

Mục đích của đào tạo và phát triển được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Mục đích của đào tạo và phát triển

Chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo và phát triển có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia. Việc không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và niềm say mê công việc cho người lao động là cơ sở cho ưu thế của nước Anh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất; là nguồn gốc thành công của nước Mỹ trong cuộc cách mạng công nghiệp là thứ hai và là gốc rễ cho sự vượt trội của nước Nhật trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Ở tầm vi mô, đào tạo được xem như là một yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược của tổ chức. Ngày nay chất lượng nhân viên đã trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Với xu thế toàn cầu hóa, việc kinh doanh của một hãng không còn bó hẹp trong một vùng, một quốc gia mà được mở ra trên phạm vi thế giới. Để đảm bảo cho khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải xây dựng được một lực lượng lao động có đủ trình độ, đủ khả năng để thực thi hữu hiệu và nhanh chóng mọi quyết định mang tính chiến thuật cũng như chiến lược của mình. Việc thiếu lao động có đủ khả năng là một bất lợi gây trở ngại và tổn thất cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong điều kiện nền giáo dục quốc gia không còn đủ sức đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng của lao động do các doanh nghiệp đặt ra ngày càng cao và đa dạng. Các doanh nghiệp buộc phải tự tiến hành đào tạo lấy nguồn nhân lực cho mình, đây là một xu thế tất yếu. Đó cũng là lý do tại sao các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Mỹ và Nhật đều chú trọng hàng đầu đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Một cuộc nghiên cứu ở Mỹ cho thấy các công ty đầu tư cho việc đào tạo và phát triển ít nhất là 2% tổng quỹ lương. Một vài công ty hàng đầu thì đầu tư nhiều hơn, ví dụ như công ty Hewlett-Packard đã chi 5% lợi nhuận cho đào tạo và phát triển. IBM, Motorola, Xerox, McDonald, Ford, và một vài công ty khác còn xây dựng cả một trung tâm giáo dục để tiến hành đào tạo và phát triển lực lượng công nhân của họ. Thực tế đã chứng minh đầu tư vào nguồn nhân lực có thể mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với việc đầu tư đổi mới trang bị kỹ thuật và các yếu tố khác của quá trình kinh doanh. Theo Paul Banas, quản trị gia về chiến lược nguồn nhân lực của công ty Ford thì: “Nếu giáo dục và đào tạo được xem như là một khoản chi phí, thì trong những thời kỳ khó khăn khi mà chi phí được cắt giảm, ngân sách cho giáo dục và đào tạo không còn nữa. Tuy nhiên, nếu công ty phát triển hệ thống các giá trị và nguyên tắc như là một tài sản quan trọng, thì giáo dục và đào tạo vẫn được duy trì ngay cả trong giai đoạn xấu nhất của chu kỳ kinh doanh.”

Thế giới đang ở vào giai đoạn bùng nổ thông tin, trình độ giáo dục, học vấn, kiến thức tổng quát của xã hội ngày càng nâng cao dẫn đến việc phải đào thải các nhân viên không theo kịp thời đại. Điều này đã buộc các công ty ngày càng phải quan tâm hơn đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong công ty. Nhiều công ty trên thế giới đã xem chiến lược phát triển nhân sự như là một cấu thành không thể thiếu trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp. Một chương trình đào tạo và huấn luyện nhân viên tốt sẽ thỏa mãn được các mục đích sau đây:

1) Làm cho nhân viên mới hội nhập vào doanh nghiệp: Khi một nhân viên mới vào làm việc trong công ty, nhiệm vụ của chương trình huấn luyện nhân viên mới là tạo điều kiện để nhân viên mới đó hội nhập được vào môi trường doanh nghiệp và môi trường công tác một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này sẽ có tác dụng rút ngắn thời gian tập sự cho nhân viên, tạo cho họ một tâm lý tốt cho họ phát huy năng lực công tác lâu dài tại doanh nghiệp.

2) Làm cho nhân viên có đủ kiến thức để hoàn thành công việc: Trong quá trình tuyển chọn nhân viên, không phải bao giờ chúng ta cũng có thể chọn được những nhân viên hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, trong trường hợp đó chúng ta phải chấp nhận lựa chọn những nhân viên chưa thật sự đủ tiêu chuẩn để tiếp tục đào tạo, phát triển họ nhằm mục đích sử dụng lâu dài. Mặt khác trong quá trình công tác, do nhu cầu của việc thăng tiến nhân viên, nhiều nhân viên làm việc rất tốt ở cương vị công tác bên dưới nhưng khi được đề bạt lên cương vị cao hơn thì chưa thật sự đạt yêu cầu do đó phải đào tạo, bồi dưỡng họ thêm. Ngoài ra việc đào tạo và huấn luyện nhân viên tốt sẽ tạo điều kiện cho người lao động nắm bắt được những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến công việc của mình nhờ đó mà họ tự tin trong công tác nên nâng cao hiệu quả thực hiện công việc, giảm được chi phí, giảm được các sai sót, sự cố, tai nạn...

3) Làm cho nhân viên thích ứng với sự thay đổi của môi trường: Việc môi trường biến đổi nhanh chóng đã dẫn đến kiến thức của người lao động trong doanh nghiệp bị lỗi thời nhanh chóng, trách nhiệm của đào tạo và phát triển nhân lực là giúp cho họ có cơ hội bổ sung kiến thức nhằm thích ứng tốt với sự thay đổi đó.

4) Đáp ứng yêu cầu phong phú hóa công việc của nhân viên:

Những nỗ lực cải tiến tổ chức và bố trí lao động dựa trên tiền đề phát triển của kỹ thuật đã dẫn đến việc chuyên môn hóa cao độ. Người lao động bị biến thành “nô lệ” của máy móc, họ được xem như là một bộ phận cấu thành của kỹ thuật, điều này đã làm cho sự căng thẳng và nhàm chán tăng lên cao độ. Để phản kháng, người lao động có xu hướng gia tăng đấu tranh, bất mãn, thiếu nhiệt tình công tác, hay nghỉ việc nên năng suất lao động giảm sút. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay trên thế giới đang có xu hướng tạo ra yếu tố hấp dẫn trong công việc của nhân viên bằng cách tăng tính chủ động sáng tạo trong công việc, tạo ra yếu tố chuyển động trong công việc bằng các hình thức luân chuyển công việc và làm phong phú hóa công việc... Chính điều này đã đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của mình, có như vậy mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của luân chuyển công việc và làm phong phú hóa công việc vì tất cả các kiểu tổ chức lao động này đều dựa trên cơ sở trình độ lao động cao.

Thỏa mãn nhu cầu được học tập của nhân viên: Con người cần phải được thỏa mãn rất nhiều nhu cầu cùng một lúc, mặc dù mức độ cấp bách phải đáp ứng các nhu cầu không giống nhau, có những nhu cầu cần phải thỏa mãn trước và cũng có những nhu cầu có thể thỏa mãn sau. Khi chất lượng cuộc sống của con người đã ở mức cao, mức độ đòi hỏi thỏa mãn các nhu cầu cũng tăng lên tương ứng. Nhu cầu được học tập là một nhu cầu khách quan nằm trong nhóm các nhu cầu được hoàn thiện bản thân. Việc thỏa mãn nhu cầu được học tập để nâng cao trình độ, kiến thức cũng là một việc làm cần thiết để tạo động lực làm việc tốt hơn cho người lao động.

Để đảm bảo cho hiệu quả của việc thay đổi và cải tiến tổ chức: Trong quá trình hoạt động, do môi trường kinh doanh thay đổi làm cho mục tiêu cũng như chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp cũng phải luôn thay đổi cho phù hợp. Với tư cách là một hoạt động mang tính chiến lược, công tác tổ chức quản lý cũng phải thường xuyên được xem xét để hoàn thiện theo cho thích ứng với chức năng, nhiệm vụ mới. Tuy nhiên việc thay đổi tổ chức thường vấp phải một sự cản trở rất lớn từ bên trong, chủ yếu là do tư tưởng ngại thay đổi của các cán bộ, nhân viên của công ty. Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tư tưởng ngại thay đổi làm cản trở tiến trình phát triển của doanh nghiệp là do trình độ của người lao động không theo kịp với sự thay đổi, họ sợ những thay đổi sẽ đưa đến cho họ những bất lợi về địa vị, danh vọng, công ăn việc làm, thu nhập...

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của công tác thay đổi tổ chức, các doanh nghiệp cần quan tâm làm tốt công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cho người lao động nhờ đó mà họ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi.

Trong các tổ chức, vấn đề đào tạo và phát triển được quan tâm là nhằm mục đích:

Trực tiếp giúp nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đặc biệt khi nhân viên thực hiện công việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn mẫu.

Cập nhật các kỹ năng, kiến thức mới cho nhân viên, giúp họ có thể áp dụng thành công các thay đổi công nghệ, kỹ thuật trong doanh nghiệp.

Tránh tình trạng quản lý lỗi thời. Các nhà quản trị cần được trang bị các phương pháp quản lý sao cho phù hợp với những thay đổi về quy trình công nghệ, kỹ thuật và môi trường kinh doanh.

Giúp giải quyết các vấn đề tổ chức. Đào tạo và phát triển có thể giúp các nhà quản trị giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa cá nhân và giữa công đoàn với các nhà quản trị, đề ra các chính sách về quản lý nguồn nhân lực có hiệu quả.

Hướng dẫn công việc cho nhân viên mới. Nhân viên mới thường gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong những ngày đầu làm việc trong tổ chức.

Chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kế cận. Đào tạo và phát triển giúp cho nhân viên có được những kỹ năng cần thiết cho các cơ hội thăng tiến và thay thế cho các cán bộ quản lý, chuyên môn khi cần thiết.

Thỏa mãn nhu cầu phát triển cho nhân viên. Được trang bị những kỹ năng chuyên môn cần thiết sẽ kích thích nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đạt được nhiều thành tích tốt hơn, muốn được trao những nhiệm vụ có tính thử thách cao hơn, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Mục đích của đào tạo và phát triển về các mục đích việc đào tạo và phát triển cho nhân viên trong doanh nghiệp...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Mục đích của đào tạo và phát triển. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 71
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm