Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Ngôn ngữ và nhận thức

Ngôn ngữ và nhận thức được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Ngôn ngữ và các chức năng của ngôn ngữ

1.1. Khái niệm ngôn ngữ

Con người có khả năng truyền đạt kinh nghiệm của mình cho người khác và vận dụng kinh nghiệm của người khác vào hoạt động của mình, làm cho con người có những khả năng to lớn, nhận thức và nắm được những lực lượng bản chất của tự nhiên, xã hội và bản thân,... chính là nhờ ngôn ngữ.

Trong quá trình giao tiếp với nhau, con người sử dụng các từ ngữ theo những quy tắc ngữ pháp nhất định của một thứ tiếng (tiếng nói, chữ viết). Ví dụ: tiếng Nga, tiếng Việt.

Tiếng nói là một hệ thống các kí hiệu từ ngữ có chức năng là một phương tiện của giao tiếp, một công cụ của tư duy. Mỗi quốc gia, dân tộc có một hệ thống kí hiệu từ ngữ theo những quy tắc ngữ pháp riêng để giao tiếp.

Ngôn ngữ là quá trình mỗi cá nhân sử dụng một thứ tiếng (tiếng nói) nào đó để giao tiếp. Nói cách khác, ngôn ngữ là sự giao tiếp bằng tiếng nói.

Tiếng nói là đối tượng nghiên cứu của Ngôn ngữ học - khoa học về tiếng. Còn ngôn ngữ là một quá trình tâm lí, là đối tượng của Tâm lí học.

Tiếng nói và ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau: Không có một thứ tiếng (ngữ ngôn) nào lại tồn tại và phát triển bên ngoài quá trình ngôn ngữ; ngược lại, hoạt động ngôn ngữ không thể có được nếu không dựa vào một thứ tiếng nói nhất định.

Sự khác biệt cá nhân về ngôn ngữ thể hiện ở cách phát âm, giọng điệu, vốn từ, phong cách ngôn ngữ và các đặc điểm ngôn ngữ cá nhân thể hiện trong giao tiếp như tính cởi mở, tính kín đáo, “lắm lời”, tính hùng biện,... Các đặc điểm nhân cách, vốn hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp... đã quy định ở mỗi người một phong cách ngôn ngữ riêng (phong cách sinh hoạt, phong cách hành chính - công vụ, phong cách khoa học,...).

1.2. Chức năng của ngôn ngữ

Trong cuộc sống của con người, ngôn ngữ của con người có những chức năng cơ bản sau đây:

a. Chức năng chỉ nghĩa

Ngôn ngữ được dùng để chỉ chính sự vật, hiện tượng, tức là làm vật thay thế cho chúng. Nhờ vậy, con người có thể nhận thức được sự vật, hiện tượng ngay cả khi chúng không có trước mặt, tức ở ngoài phạm vi nhận thức cảm tính. Các kinh nghiệm của loài người cũng được cố định lại, được tồn tại và truyền đạt cho các thế hệ sau nhờ ngôn ngữ. Chính vì vậy, chức năng chỉ nghĩa của ngôn ngữ còn được gọi là chức năng làm phương tiện lưu giữ, truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội - lịch sử.

Những điều nói trên cho thấy rằng, ngôn ngữ của con người khác hán tiếng kêu của con vật. Về bản chất, con vật không có ngôn ngữ.

b. Chức năng khái quát hóa

Những từ, ngữ không chỉ một sự vật, hiện tượng riêng rẽ, mà chỉ một hướng, một loại (phạm trù) các sự vật, hiện tượng có chung thuộc tính bàn chất. Nhờ dó mà ngôn ngữ là phương tiện đắc lực của hoạt động trí tuệ (tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng).

Hoạt động trí tuệ bao giờ cũng có tính chất khái quát và không thể tự diễn ra, mà phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện, công cụ. Ở đây, ngôn ngữ vừa là công cụ để hoạt động trí tuệ vừa là công cụ để cố định lại các kết quả của hoạt động này, làm cho hoạt động trí tuệ không bị lặp lại, gián đoạn mà liên tục phát triển.

Chức năng khái quát hóa của ngôn ngữ còn gọi là chức năng nhận thức hay chức năng làm công cụ hoạt động trí tuệ.

c. Chức năng thông báo

Ngôn ngữ được dùng để truyền đạt và tiếp nhận thông tin, để biểu cảm và nhờ đó thúc đẩy, điều chỉnh hoạt động của con người. Ví dụ: Đang chuẩn bị đi học, nghe đài báo có mưa giông, ta liền mang áo đi mưa theo.

Nếu hai chức năng trên nói lên mặt bên trong của ngôn ngữ thì chức năng thông báo nói lên mặt bên ngoài của ngôn ngữ. Chức năng thông báo bao gồm ba mặt: thông tin, biểu cảm và thúc đẩy hành vi.

2. Các loại ngôn ngữ

Một cách khái quát, người ta chia ngôn ngữ làm hai loại: Ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong.

2.1. Ngôn ngữ bên ngoài

Ngôn ngữ bên ngoài là thứ ngôn ngữ hướng vào người khác, được dùng để truyền đạt và tiếp thu tư tưởng, ý nghĩ. Ngôn ngữ bên ngoài bao gồm hai loại: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ được hướng vào người khác, được biểu hiện bằng âm thanh và được tiếp thu bằng cơ quan phân tích thính giác. Ngôn ngữ nói là hình thức ngôn ngữ cổ sơ nhất của lịch sử loài người. Trong sự phát sinh cá thể, ngôn ngữ nói cũng có trước. Ngôn ngữ nói lại gồm hai loại: đối thoại và độc thoại.

  • Ngôn ngữ đối thoại: là ngôn ngữ diễn ra giữa hai hay một số người khác nhau. Ngôn ngữ đối thoại có những đặc điểm tâm lí riêng. Trong quá trình đối thoại có sự thay đổi vị trí và vai trò của mỗi bên. Chính sự thay đổi đó có tác dụng phụ trợ, làm cho hai bên để hiểu nhau hơn. Trong quá trình đối thoại, người nói và người nghe luôn được nghe và thường trông thấy nhau (nếu là đối thoại trực tiếp), ngoài ngôn ngữ ra còn có các phương tiện phụ để bổ trợ như cử chỉ, điệu bộ, nét mặt... (đối thoại gián tiếp như qua điện thoại thì không có điều này). Do vậy, người nói có thể trực tiếp thấy được phản ứng của người nghe, từ đó có thể điều chỉnh lời nói của mình.
  • Ngôn ngữ độc thoại: là loại ngôn ngữ mà trong đó một người nói và những người khác nghe. Ví dụ: đọc diễn văn, đọc báo cáo... Đó là loại ngôn ngữ liên tục, một chiều, không có sự tác động ngược trở lại.

Ngôn ngữ độc thoại có một số yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với ngôn ngữ đối thoại: Người nói phải có sự chuẩn bị trước về nội dung, hình thức và cấu trúc những điều định nói, nhiều khi phải tìm hiểu trước đối tượng (những người nghe); ngôn ngữ phải trong sáng, dễ hiểu, chính xác. Ngôn ngữ độc thoại gây những căng thẳng nhất định cho cả người nói lẫn người nghe: Người nói vừa phải chuẩn bị trước (như đã nói trên), vừa phải theo dõi ngôn ngữ của chính mình và phản ứng của người nghe; còn người nghe thì phải tập trung chú ý trong một thời gian dài.

Ngôn ngữ viết là thứ ngôn ngữ hướng vào người khác, được biểu hiện bằng các kí hiệu chữ viết và được tiếp thu bằng cơ quan phân tích thị giác. Ngôn ngữ viết cho phép con người tiếp xúc với nhau một cách gián tiếp trong những khoảng cách không gian và thời gian lớn. Ngôn ngữ viết có những yêu cầu nhất định đối với người viết lẫn người đọc: Người viết phải viết tỉ mỉ, chính xác, phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc ngữ pháp, chính tả và logic. Người đọc phải phân tích, xử lí thông tin của bài viết.

Trong ngôn ngữ viết, cả người viết lẫn người đọc đều gặp những khó khăn nhất định: Người viết không thể sử dụng phương tiện phụ để hỗ trợ như giọng nói, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt..., không biết rõ phản ứng của người đọc đối với điều mình viết ra, vì không nghe, không nhìn thấy độc giả..., còn người đọc thì không thể bày tỏ ý kiến của mình một cách tức thời và trực tiếp được.

Ngôn ngữ viết cũng có hai loại: đối thoại (gián tiếp) như thư từ, điện tín và độc thoại như sách, báo, tạp chí.

2.2. Ngôn ngữ bên trong

Ngôn ngữ bên trong là ngôn ngữ cho mình, hướng vào chính mình giúp con người suy nghĩ được, tự điều chỉnh, tự giáo dục. Ngôn ngữ bên trong không phải là phương tiện của giao tiếp. Nó là cái vỏ từ ngữ của tư duy. Khác với ngôn ngữ bên ngoài, ngôn ngữ bên trong có một số đặc điểm độc đáo sau đây:

  • Không phát ra âm thanh: Đặc điểm này cũng có ở ngôn ngữ thầm, song ngôn ngữ thầm chưa phải là ngôn ngữ bên trong thực sự.
  • Bao giờ cũng được rút gọn, cô đọng, thường chỉ là một câu hoàn chỉnh được rút ngắn, đôi khi chỉ còn một từ (chủ ngữ hoặc vị ngữ).
  • Tồn tại dưới dạng cảm giác vận động, do cơ chế đặc biệt của nó quy định.

Ngôn ngữ bên trong có mối quan hệ mật thiết với ngôn ngữ bên ngoài: Ngôn ngữ bên ngoài là nguồn gốc của ngôn ngữ bên trong, ngôn ngữ bên trong là kết quả nội tâm hóa của ngôn ngữ bên ngoài.

Ngôn ngữ bên trong có hai mức độ: ngôn ngữ nói bên trong và ngôn ngữ bên trong thực sự. Ở mức độ ngôn ngữ nói bên trong thì ngôn ngữ bên trong vẫn giữ nguyên cấu trúc của ngôn ngữ bên ngoài nhưng không phát ra thành tiếng. Ở mức độ ngôn ngữ bên trong thực sự thì ngôn ngữ bên trong mới có đầy đủ các đặc điểm nêu trên.

3. Hoạt động ngôn ngữ

Hoạt động ngôn ngữ gồm hai mặt: mặt biểu đạt và mặt hiểu biểu đạt.

3.1. Mặt hiểu biểu đạt

Biểu đạt là quá trình chuyển từ ý đến ngôn ngữ. Quá trình này bắt đầu từ việc chủ thể có nhu cầu muốn nói (viết ra) với người khác một điều gì đó, nghĩa là từ một động cơ, sau đó động cơ được chuyển thành ý, dự định. Ý, dự định gắn chặt với ngôn ngữ bên trong, từ đó hình thành một chương trình logic — tâm lí bên trong của sự biểu đạt. Cuối cùng, chương trình đó được hiện thực hóa trong ngôn ngữ bên ngoài. Như vậy là ý được chuyển thành ngôn ngữ. Quá trình biểu đạt phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: sự phong phú, sâu sắc của vốn kiến thức, kĩ năng tiến hành các thao tác trí tuệ, sự phong phú của vốn từ, sắc thái tình cảm, cách nhìn, nếp nghĩ,... Có thể gọi quy trình biểu đạt là quy trình mã hóa.

3.2. Mặt hiểu biểu đạt

Hiểu biểu đạt là quá trình chuyển từ ngôn ngữ đến ý, hay còn gọi là quá trình giải mã.

Hiểu biểu đạt là quá trình tâm lí phức tạp nói lên tính tích cực của cá nhân, thể hiện ở hai quá trình cụ thể gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau: quá trình tri giác ngôn ngữ và thông hiểu ngôn ngữ.

Giữa tri giác ngôn ngữ và thông hiểu ngôn ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: có tri giác ngôn ngữ một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời thì mới thông hiểu ngôn ngữ (“nghe ra vấn đề”). Ngược lại, việc hiểu ngôn ngữ, nắm vững ngôn ngữ, vốn ngôn ngữ chính xác và phong phú,... giúp cho việc tri giác ngôn ngữ dễ dàng hơn.

Cả hai quá trình tâm lí thể hiện trong mặt biểu đạt phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lí của cá nhân: vốn kinh nghiệm, vốn tri thức, thái độ cảm xúc, tâm thế, tâm trạng...

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và nhân cách nói chung của cá nhân, giữa mặt biểu đạt và hiểu biểu đạt giúp cho hoạt động của con người diễn ra có kết quả.

4. Vai trò của ngôn ngữ đối với hoạt động nhận thức

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển loài người, làm cho đời sống tâm lí con người khác xa về chất so với con vật. Ngôn ngữ tham gia vào mọi hoạt động của con người. Nó cố định lại những kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người, nhờ đó thế hệ sau kế thừa, phát huy được sức mạnh tinh thần của các thế hệ đi trước. Do vậy, ngôn ngữ là thành tố quan trọng nhất về nội dung và cấu trúc của tâm lí người, là thành phần hữu cơ của hoạt động nhận thức từ thấp đến cao của con người.

4.1. Vai trò của ngôn ngữ trong nhận thức cảm tính

Nhờ có ngôn ngữ mà quá trình nhận thức cảm tính của con người mang một chất lượng mới - mang bản chất xã hội.

a. Đối với cảm giác

Ngôn ngữ ảnh hưởng đến ngưỡng nhạy cảm của cảm giác, làm cho cảm giác của con người trở nên rõ ràng, đậm nét hơn. Ví dụ: Mùa hè, nghe thấy một người nói: “Trời nóng quá”, ta cũng cảm thấy trời nóng hơn. Khi cảm nhận các thuộc tính của sự vật, hiện tượng xung quanh (màu sắc, mùi vị, âm thanh...), ta thường “gọi thầm” tên các thuộc tính đó rõ ràng, chính xác hơn.

b. Đối với tri giác

Ngôn ngữ làm cho quá trình tri giác diễn ra dễ dàng, hiệu quả, đầy đủ, chính xác. Ví dụ: Nhờ có ngôn ngữ mà nhiệm vụ của tri giác được thực hiện một cách dễ dàng và có hiệu quả hơn. Nghĩa là, ngôn ngữ biểu đạt nhiệm vụ tri giác dưới dạng ngôn ngữ thầm hoặc lời nói giúp cho quá trình tri giác tách được đối tượng khỏi bối cảnh (quy luật về tính lựa chọn của tri giác) và xây dựng được hình ảnh trọn vẹn về đối tượng (quy luật về tính trọn vẹn của tri giác).

Đối với quan sát là sự tri giác tích cực, có chủ định và có mục đích, ngôn ngữ lại càng trở nên cần thiết. Tính có chủ định, có mục đích được biểu đạt và điều khiển, điều chỉnh nhờ ngôn ngữ. Không có ngôn ngữ thì tri giác của con người không khác gì tri giác của con vật, vì nó mất một thuộc tính quan trọng là tính ý nghĩa. Tính ý nghĩa trong tri giác của con người là một chất lượng mới, khác xa vẻ chất so với tri giác của con vật.

4.2. Vai trò của ngôn ngữ trong nhận thức lí tính

Tư duy, tưởng tượng là mức độ nhận thức cao (lí tính) trong hoạt động nhận thức của con người. Nét đặc trưng của tư duy và tưởng tượng của con người là có sự tham gia đắc lực của ngôn ngữ.

a. Đối với tư duy

Ngôn ngữ có liên quan chặt chẽ với tư duy của con người. Tư duy dùng ngôn ngữ làm phương tiện, vì thế tư duy của con người khác xa về chất so với tư duy của con vật. Không có ngôn ngữ thì tư duy của con người không có tính trừu tượng và khái quát.

Kết quả của tư duy là đi đến các khái niệm, phán đoán... được biểu đạt, khách quan hóa bằng từ. Sau đó, trong một nhiệm vụ tư duy mới, con người lại sử dụng các từ (khái niệm) làm chất liệu để tư duy, giải quyết vấn đề. Hơn nữa mỗi từ biểu đạt một khái niệm, nên nó có quan hệ với một lớp sự vật, hiện tượng nhất định và gọi tên lớp sự vật, hiện tượng đó. Khi gọi tên các sự vật, từ dường như thay thế chúng, nhờ đó tạo ra những điều kiện vật chất cho những hành động hay thao tác đặc biệt đối với các sự vật, kể cả khi các sự vật ấy vắng mặt (tức là thao tác và các vật thay thế, với kí hiệu từ ngữ hay với ngôn ngữ). Tuy nhiên, từ không chỉ gọi tên đơn giản sự vật này hay sự vật kia mà nó còn tách ra trong những sự vật ấy những dấu hiệu xác định, để căn cứ theo đó mà quá trình khái quát hóa dược thực hiện. Như vậy, không có ngôn ngữ thì không có tư duy khái quát - logic.

Lời nói bên trong là công cụ quan trọng của tư duy, đặc biệt là khi giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Lúc này, lời nói bên trong có tác dụng chuyển từng bộ phận thành lời nói thầm (khi nghĩ, người ta hay nói lẩm nhẩm là vì thế). Nếu nhiệm vụ quá phức tạp, thì ngôn ngữ bên trong chuyển thành lời nói bên ngoài. Người ta nói to lên thì thấy tư duy rõ ràng và thuận lợi hơn. Nghĩa là, không có ngôn ngữ, đặc biệt là lời nói bên trong, ý nghĩ, tư tưởng không thể hình thành được, tức là con người không thể tư duy trừu tượng được.

b. Đối với tưởng tượng

Ngôn ngữ có một vai trò quan trọng trong quá trình tưởng tượng. Nó là phương tiện quan trọng trong quá trình hình thành, biểu đạt và duy trì các hình ảnh mới. Ngôn ngữ giúp con người chính xác hóa các hình ảnh của tưởng tượng đang nảy sinh, tách ra trong chúng những mặt cơ bản nhất, gắn chúng lại với nhau, cố định chúng lại bằng từ và lưu giữ chúng trong trí nhớ. Tóm lại, ngôn ngữ làm cho tưởng tượng trở thành một quá trình có ý nghĩa, được điều khiển, có kết quả và chất lượng cao.

4.3. Vai trò của ngôn ngữ đối với trí nhớ

Ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến trí nhớ của con người. Ngôn ngữ tham gia vào các quá trình trí nhớ, gắn chặt với các quá trình đó. Ví dụ: Việc ghi nhớ sẽ dễ dàng và tốt hơn nếu ta nói lên thành lời điều cần ghi nhớ.

Không có ngôn ngữ thì không thể thực hiện sự ghi nhớ có chủ định, ghi nhớ có ý nghĩa hoặc ngay cả sự ghi nhớ máy móc. Ngôn ngữ là một phương tiện để ghi nhớ, là hình thức để lưu giữ những điều cần nhớ. Nhờ ngôn ngữ, con người có thể chuyển hẳn thông tin cần nhớ ra khỏi đầu óc mình. Chính nhờ cách này mà con người lưu giữ và truyền đạt được kinh nghiệm của loài người cho thế hệ sau.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Ngôn ngữ và nhận thức về khái niệm và đặc điểm ngôn ngữ và các chức năng của ngôn ngữ, vai trò của ngôn ngữ đối với hoạt động nhận thức..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Ngôn ngữ và nhận thức. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm