Những tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững
VnDoc xin giới thiệu bài Những tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức trong chương trình học tập của bậc Đại học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Những tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững
Những tiêu chí của phát triển bền vững là thước đo phản ánh sự phát triển bền vững của một quá trình. Với nội hàm của sự phát triển bền vững được trình bày ở trên những tiêu chí cơ bản phản ánh sự phát triển bền vững bao gồm:
1. Đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế
Sự phát triển bền vững về kinh tế được thể hiện ở sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh nền kinh tế, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, tránh được sự suy thoái hay đình trệ trong tương lai, đặc biệt là không bị thâm hụt cán cân thương mại và cán cân thanh toán. Nhiều chuyên gia cho rằng, một quốc gia phát triển bền vững về kinh tế phải đạt được các yêu cầu sau:
- Có tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người cao và ổn định. Quốc gia càng nghèo, thu nhập càng thấp đòi hỏi sự tăng trưởng này càng cao. Trong điều kiện hiện nay, các quốc gia phải có thu nhập GDP tăng với tỷ lệ vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem là phát triển bền vững về kinh tế, nếu thu nhập thấp hơn thì nền kinh tế này không được xem là phát triển bền vững. Ngược lại nếu tăng trưởng trong một thời kì quá cao được coi là tăng trưởng nóng.
- Cơ cấu GDP theo hướng tỷ lệ đóng góp của công nghiệp và dịch vụ trong GDP phải cao hơn nông nghiệp nhằm đảm bảo cho tăng trưởng GDP ổn định và lâu dài.
- Có GDP hoặc GDP bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn mức trung bình hiện nay của các nước đang phát triển. Nếu tăng GDP cao, nhưng GDP bình quân đầu người thấp thì vẫn coi là chưa đạt tới mức phát triển bền vững.
2. Sự phát triển bền vững về xã hội
Sự phát triển bền vững xã hội phải đáp ứng được yêu cầu duy trì và phát huy tính đa dạng về bản sắc dân tộc, giảm tình trạng đói nghèo, hạn chế khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng trong xã hội. Tính bền vững về xã hội của một quốc gia được đánh giá qua các chỉ tiêu: Chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ số về giáo dục, dịch vụ y tế, hoạt động văn hoá.
3. Sự phát triển bền vững về môi trường
Sự phát triển bền vững môi trường phải đáp ứng yêu cầu sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn được sự đa dạng sinh học, hạn chế ô nhiễm, cải thiện được môi trường. Cụ thể, trong quá trình sử dụng, các yếu tố chất lượng môi trường sống của con người, như sự trong sạch của không khí, nước, đất, không gian vật lý, cảnh quan… không được làm giảm chất lượng các yếu tố xuống dưới giới hạn cho phép theo các qui định của Nhà nước và của xã hội. Chất lượng các yếu tố môi trường sau sử dụng phải lớn hơn hoặc bằng các chỉ tiêu qui định. Lượng sử dụng phải nhỏ hơn hoặc bằng với lượng thay thế, lượng thay thế phải nhỏ hơn khả năng tái sử dụng.
4. Sự kết hợp hài hòa và hợp lý ba mặt lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển
Sự phát triển lâu dài và ổn định hay phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi quá trình phát triển đáp ứng được yêu cầu có một sự cân bằng nhất định của ba nội dung nói trên. Ba nội dung đó chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau, vừa thể hiện sự tác động qua lại, vừa chế ước lẫn nhau. Tính cân đối và sự hài hòa giữa các khía cạnh nói trên phải được thể hiện ở mọi khâu, ngay từ lúc xây dựng chủ trương và hoạch định các chiến lược phát triển. Nội dung này là tiền đề để thực hiện sự công bằng xã hội trong quá trình phát triển và nó phản ánh bản chất của phát triển bền vững. Đó là sự công bằng giữa các thành viên về khả năng tiếp cận các cơ hội và các giá trị lợi ích. Công bằng xã hội trong phát triển phải thể hiện cả ở sự công bằng trong cùng một thế hệ và công bằng giữa các thế hệ. Công bằng giữa các thế hệ của một xã hội là điều kiện cần thiết để xã hội đó phát triển lâu dài và ngày càng tốt đẹp hơn. Trong khi đó, công bằng giữa các thành viên trong cùng một thế hệ khi tiếp cận với các giá trị lợi ích từ sự phát triển là điều kiện cần thiết góp phần để mọi thành viên cùng đồng tâm hiệp lực cho sự phát triển bền vững của một xã hội.
Tuy nhiên, trong từng giai đoạn phát triển cụ thể thì một mặt nào đó có thể được đưa lên vị trí ưu tiên số một, song mức độ và thời hạn của sự ưu tiên là có giới hạn. Chẳng hạn, giai đoạn đầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay thì mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế và có thể phải tạm thời chấp nhận sự bất bình đẳng trong xã hội và một sự suy thoái môi trường nào đó.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững về sự phát triển bền vững về xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, sự kết hợp hài hòa và hợp lý ba mặt lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Những tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.