Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích cơn gió lạnh nhưng ấm áp tình người trong truyện Gió lạnh đầu mùa

Văn mẫu lớp 7: Phân tích cơn gió lạnh nhưng ấm áp tình người trong truyện Gió lạnh đầu mùa dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 8 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 8 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Cơn gió lạnh nhưng ấm áp tình người trong tác phẩm Gió lạnh đầu mùa

Thạch Lam (1910 – 1942) là một trong những nhà văn nổi tiếng trước cách mạng tháng Tám. Lời văn của Thạch Lam nhẹ nhàng, tinh tế. Truyện ngắn của Thạch Lam phần lớn nói về những con người bình dị trong cuộc đời: người mẹ, người chị, những đứa em, những người bạn tốt… Có truyện ngắn Thạch Lam như một bài thơ trong sáng vẻ tình người: ‘nhà mẹ Lê’, ‘Dưới bóng hoàng lan’, ‘Cô hàng xén’, ‘Gió lạnh đầu mùa’, v.v…

Truyện ‘Gió lạnh đầu mùa’ là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam. Tác giả đã giới thiệu với chúng ta một thế giới tuổi thơ vui chơi, chan hòa yêu thương trong tình làng nghĩa xóm vô cùng thân thiết. Sơn và chị Lan là hai hình ảnh đẹp nhất trong bài thơ – văn xuôi rất trong sáng về tình người, đã để „ lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng ta.

Câu chuyện bắt đầu từ sự chuyển đổi thời tiết. Trời đang ấm, chỉ qua một đêm mưa rào, bông gió rét thổi về. Ai cũng tưởng như đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn ‘tung chăn tỉnh dậy’. Em nhìn ra ngoài sân, nghe ‘gió vi vu…’, âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô. Những khóm lan ‘lá rung động và hình như sắt lại vì rét’. Rồi Sơn kéo chăn đắp cho em. Một cử chỉ nhỏ ấy cũng đủ nói lên Sơn có một tâm tình đẹp, rất yêu em nhỏ. Khi nghe mẹ và vú già nhắc đến em Duyên, đứa em gái bé bỏng, tội nghiệp đã chết từ năm lên 4 tuổi, rồi nhìn thấy cái áo bông cũ của em để lại, ‘Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá!’. Sơn xúc động theo dõi mọi biến đổi trên gương mặt mẹ. Người mẹ hiền nhìn chiếc áo cũ – kỉ vật thiêng liêng của đứa con thơ đã sớm ‘ra đi’, người vú già nhắc lại chuyện cũ đau lòng mơ hồ, xa xôi, ‘Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt’… Đó là những nét vẽ tinh tế, trong sáng, cảm động về tình người mà ta cảm nhận được trong phần đầu truyện ‘Gió lạnh đầu mùa’.

Gió lạnh thổi về sớm. Sơn được mặc áo ấm: áo dạ chi đỏ, áo vệ sinh, ngoài mặc cái áo vải thâm dài. Trong lúc đó nhiều bạn của chị em Sơn như thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc, cái Hiên,… ‘vẫn những bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ’ co ro trước làn gió lạnh. Sơn và chị Lan không vì thế mà cách bức,khinh khỉnh với các bạn nhỏ nhà nghèo như mấy đứa em họ. Hai chị em đã sống và vui chơi chan hòa yêu thương với các bạn. Sơn cũng ngây thơ, hồn nhiên khoe áo đẹp, như các em nhỏ khác. Em ‘lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem’,… Lũ trẻ xúm lại ngắm nghía, trầm trồ!

Trong truyện ngắn này, với tấm lòng nhân hậu, ông đã ghi lại một tình tiết rất cảm động. Khi nhìn thấy cái Hiên chỉ mặc một ‘manh áo rách tả tơi hở cả lưng và tay’, Sơn chợt nhớ ra cảnh nhà bạn nghèo quá, mẹ phải mò cua bắt ốc ‘thì lấy đâu ra tiền mà mua sắm áo cho con nữa’. Sơn và chị Lan động lòng thương. Em nói thầm với chị: ‘Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ’. Và khi chị Lan chạy về nhà lấy áo, với lòng hồn nhiên của tuổi thơ, em thấy ‘ấm áp vui vui’. Đó là một chi tiết đẹp, chan chứa tình người. Cái áo bông cũ có đáng giá là bao! Nhưng đối với hoàn cảnh bé Hiên, con nhà nghèo giữa ngày đông tháng giá thì thật vô cùng quý báu. Đằng sau chiếc áo bông cũ là cả một tấm lòng vàng của chị em Sơn. Việc cho bạn một tấm áo rét là một việc làm đầy tình nghĩa. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tương trợ ‘lá lành đùm lá rách’, giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn đói rét là một đức tính quý báu của con người. Tình yêu thương đồng loại làm cho con người trở nên cao quý.

Câu nói của mẹ Sơn: ‘Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng à?’, với cử chỉ ‘âu yếm ôm con vào lòng’ chứa đựng biết bao tình thơm thảo. Từ chuyện con đem áo rét cho bạn dẫn đến việc người mẹ cho người đàn bà mò cua bắt ốc vay tiền để mua áo ấm cho con là những nét tươi sáng, ấm áp của áng văn đậm đà tình nghĩa mà Thạch Lam để lại cho bạn đọc hơn nửa thế kỉ qua.

Đọc truyện ‘Gió lạnh đầu mùa’, hình ảnh một bà mẹ phúc hậu, hai đứa con ngoan như những đốm sáng lung linh, khơi gợi một tình đời ấm áp trong gió lạnh. Sơn là một đứa con ngoan, một người em dễ thương, một người anh đôn hậu, một người bạn tốt… hiện lên thấp thoáng trong làn gió lạnh đầu mùa. Sơn là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của tuổi thơ quê ta.

‘Gió lạnh đầu mùa’ cho thấy một ngòi bút tinh tế trong biểu hiện cảnh, sâu sắc trong diễn tả tâm trạng. Cốt truyện đơn giản mà óng ánh vẻ đẹp nhân văn.’Gió lạnh đầu mùa’ là một bài thơ – văn xuôi rất đẹp nói về tình nhân ái. Văn chương đích thực nhân đạo hóa con người, làm cho người gần người hơn, góp phần làm cho tâm hồn ta trong sạch hơn, phong phú hơn… như Thạch Lam từng mong muốn. Trang văn của ông để lại cho đời tuy nói về ‘gió lạnh’ mà ấm áp một tình thương đáng quý.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích cơn gió lạnh nhưng ấm áp tình người trong truyện Gió lạnh đầu mùa cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Hy vọng rằng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn học tốt môn Văn lớp 8. Để xem thêm các tài liệu Ngữ văn lớp 8, mời các bạn vào chuyên mục Ngữ Văn 8 Cánh diều trên VnDoc nhé.

Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm Soạn bài lớp 8, Ngữ Văn 8... mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Chúc các bạn học tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 8 Cánh diều

    Xem thêm