Phân tích nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà"

Phân tích nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà"

VnDoc.com gửi tới các bạn bài Phân tích nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà" gồm dàn ý và văn mẫu.  Mời các bạn cùng tham khảo.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Dàn ý phân tích nhân vật bé Thu

I.Mở bài:

Dẫn dắt, giới thiệu về nhân vật.

II.Thân bài

  1. Khái quát chung về tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Quang Sáng:

+ Nhà văn, chiến sĩ tham gia cả kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

+ Viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim

+ Đề tài: viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

- Tác phẩmChiếc lược ngà: được viết năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt.

- Nhân vật bé Thu: một trong hai nhân vật chính, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.

  1. Phân tích bé Thu

  a.Hoàn cảnh:

+ Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh

+ Chỉ biết mặt cha qua bức ảnh chụp chung với má.

⇒Hoàn cảnh chân thực, xúc động, éo le, là nguyên nhân gây ra những bi kịch khi ông Sáu trở về.

b.Tính cách bé Thu

b.1. Tâm hồn ngây thơ, trong sáng:

* Ngoại hình: cô bé độ tám tuổi, tóc ngắn ngang vai, mặc áo bông đỏ, đôi mắt to tròn, hàng mi dài cong vút như không bao giờ chớp.

* Cách bé Thu đón nhận ông Sáu khi ông về thăm nhà:

- Khi ông Sáu được nghỉ phép về thăm nhà:

+ Ông Sáu: đã thấy “ nôn nao mãi ”, “ không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra ”, “ bước vội vàng với những bước chân dài, rồi dừng lại, kêu to: “Thu! Con ”.

- Bé Thu: giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác, lạ lùn, nhìn thấy vết sẹo bên má phải của ông Sáu thì sợ hãi, tái mặt, vụt chạy và kêu thét lên: "Má! Má!".

b.2.Bướng bỉnh, có cá tính mạnh mẽ:

- Không chịu gọi ông Sáu một tiếng "ba".

- Khi mẹ bảo gọi ba vào ăn cơm: không chịu gọi.

- Đến lúc mẹ nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh: nói trổng: "Vô ăn cơm", "Cơm chín rồi", "Con kêu rồi mà người ta không nghe".

- Đến khi cơm sôi, không chắt được nước: vẫn nói trống không: "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!", "Cơm sôi rồi, nhão hết bây giờ". Nó tự tay lấy cái vá chắt từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì.

- Từ chối sự quan tâm của ông Sáu trong bữa ăn.

b.3. Sống giàu tình cảm, có tình yêu thương cha sâu nặng:

- Khi ông Sáu lại phải lên đường: đứng tựa vào góc nhà, vẻ mặt sầm lại vì buồn rầu, đôi mi dài uốn cong như không bao giờ chớp, đôi mắt mở to, nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa.

- Lí giải sự thay đổi: được ngoại giải thích

- Sau khi ông Sáu chào mọi người: bày tỏ tình cảm với ba thắm thiết, nhào tới ôm ba, hôn ba, giữ ba ở nhàì.

c.Đánh giá:

- Nội dung:

+ Vẻ đẹp tâm hồn bé Thu.

+ Nỗi đau, mất mát của chiến tranh

+ Tình cha con sâu nặng, thiêng liêng.

- Nghệ thuật: nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lí trẻ thơ, tình huống chân thực, ngôn ngữ mang đậm sắc thái miền Nam, ngôi kể phù hợp.

III.Kết bài

Văn mẫu phân tích nhân vật bé Thu

“Khi con sinh cái tã đã nhuộm xanh

Cái nôi mắc trước cửa hầm trú ẩn

Lửa đạn giặc sém cành hoa đậu ván

Bên bờ ao con chuồn chuồn mất chỗ chơi

Đã có trước tiếng đầu tiên con khóc

Là tiếng rú cuồng điên của bọn giặc trời.”

(Khi con ra đời - Xuân Quỳnh)

Những lời thơ giản dị, đằm thắm nhường ấy hóa ra lại nói về một hiện thực thương đau và tàn khốc. Khi quê hương bị xâm lặng, ai ai cũng khổ sở. Nhưng bất hạnh nhất, có lẽ chính là trẻ thơ. Khói bom, lửa đạn không cho các em có một tuổi thơ thanh bình, yên ấm như các em đáng được hưởng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa bi kịch ấy trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” thông qua nhân vật bé Thu.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014) là một nhà văn, chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mĩ, ông cũng tham gia kháng chiến và vẫn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết với văn học. Ông viết rất nhiều về con người Nam Bộ trong lao động và chiến đấu. Với lối viết chân chất, mộc mạc nhưng không kém phần hào sảng, Nguyễn Quang Sáng được ví như một trong những “Cây đại thụ của văn học Nam Bộ” khi đã lột tả được đúng cuộc sống và vẻ đẹp tâm hồn của người dân miền Nam. Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được nhà văn chắp bút vào năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Nhân vật bé Thu đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.

“Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác” (Victor Hugo). Đúng vậy, trái tim con người trải qua hàng triệu năm mới biết đến nhịp đập của yêu thương. Chính vì biết yêu mà ta lao động, học tập để xây dựng nên một xã hội văn minh, vun đắp nền hoa bình. Thế nhưng, chiến tranh - thứ đáng sợ nhất trong những điều đáng sợ mà con người tạo ra, có thể hủy hoại tất cả trong tích tắc. Nhà văn Bảo Ninh đã gọi nó là “cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” Chiến tranh đẩy con người vào những hoàn cảnh éo le. Bé Thu trong câu chuyện chính là một nạn nhân đáng thương của chiến tranh. Thu sinh ra và lớn lên trong những tháng ngày gian lao của đất nước, bom đạn của kẻ thù tàn phá quê hương. Cha lên đường ra trận, em chỉ biết mặt cha qua bức ảnh chụp chung với má. Hoàn cảnh của Thu rất chân thực, xúc động, đáng thương và không hề hiếm gặp trong chiến tranh. Chính hoàn cảnh ấy là khởi nguồn cho những bi kịch giằng xé khi ba cô bé trở về nhà sau tám năm xa cách.

Tác giả khắc họa ngoại hình bé Thu chỉ bằng một vài nét giản đơn nhưng rất đáng yêu, hồn nhiên. Đó là cô bé độ tám tuổi, tóc ngắn ngang vai, mặc áo bông đỏ, đôi mắt to tròn, hàng mi dài cong vút như không bao giờ chớp. Cách miêu tả của tác giả gợi lên trong lòng người đọc một cảm giác trong trẻo đến vô ngần về nhân vật. Ta cảm giác như muốn ôm ấp sự ngây thơ ấy vào lòng mà bảo vệ, chở che, để không gì có thể làm tổn thương em được.

Cách bé Thu đón nhận ông Sáu khi ông về thăm nhà cũng cho thấy rõ sự hồn nhiên, trong sáng. Khi ông Sáu được nghỉ phép về thăm nhà, “cái tình người cha cứ nôn nao trong người”. Ra trận khi bé Thu chưa đầy một tuổi, chỉ có thể thấy con qua một tấm ảnh nhỏ, ông Sáu nhớ thương, mong ngóng đứa con bé bỏng biết chừng nào. Trên chiến trường, ông Sáu gan dạ, kiên cường bao nhiêu. Vậy mà mới chỉ nghĩ đến việc được gặp con thôi, ông đã thấy “nôn nao mãi”. Ông Sáu hành động quýnh quáng, vội vàng: “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”, “bước vội vàng với những bước chân dài”. Tiếng gọi tha thiết: “Thu! Con” đã cho thấy tình yêu thương, niềm hạnh phúc nghẹn ngào của người cha. Tình cảm ấy được bộc lộ một cách thẳng thắn trực tiếp, gây nên sự xúc động nơi người đọc. “Anh vừa bước, vừa khom tay đón chờ” , hi vọng được ôm trong tay thiên thần nhỏ. Thế nhưng, đối lập với tâm trạng của ông Sáu, bé Thu lại có thái độ xa lạ, cảnh giác. Nghe tiếng gọi, con bé “giật mình, tròn mắt nhìn”, “ngơ ngác, lạ lùng”. Nhìn thấy vết thẹo dài bên má phải của ông Sáu đỏ ửng lên, giật giật, bé Thu sợ hãi. Khi thấy ông Sáu bước tới chầm chậm, run run, lắp bắp: “Ba đây con!” thì Thu tái mặt, vụt chạy và kêu thét lên: "Má! Má!". Sự sợ hãi và khước từ của Thu khiến ông Sáu đau đớn. Hai tay ông “buông xuống như bị gãy”. Cõi lòng người cha như bị ai cứa mất đi một phần. Bé Thu còn quá nhỏ nên chưa thể hiểu nỗi vất vả, khổ đau của người cha đã từng trải qua hai cuộc chiến. Sự chối từ ngây ngô của Thu vừa vô tội vừa đáng thương vô cùng!

Điều đặc biệt ở nhân vật bé Thu nằm ở nét cá tính mạnh mẽ. Những ngày ông Sáu ở nhà đã cho thấy tính cách bướng bỉnh, gan lì của cô bé. Mặc cho những người thân trong gia đình khuyên nhủ, thậm chí bắt buộc, con bé vẫn không chịu nhận ông Sáu. Khi mẹ bảo gọi ba vào ăn cơm, nó ngúng nguẩy ra mặt: "Thì má cứ kêu đi". Đến lúc mẹ nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh, nó miễn cưỡng gọi nhưng lại nói trổng: "Vô ăn cơm", "Cơm chín rồi". Ông Sáu giả vờ không nghe thấy, hi vọng con bé sẽ gọi một tiếng “Ba!”. Thế nhưng, đau đớn thay, bé Thu không để tâm đến điều đó: "Con kêu rồi mà người ta không nghe". Hai tiếng “người ta” nghe lạnh lùng, xa cách đến nhói lòng! Đau khổ trước thái độ của Thu, ông Sáu chỉ đành quay lại nhìn con, khe khẽ lắc đầu cười. Đến bữa sau, khi đang nấu cơm, chị Sáu phải chạy đi mua thức ăn. Tình huống này là cơ hội để bé Thu cần sự giúp đỡ của ba và phải cất tiếng gọi. Thế nhưng, sự lì lợm, đáo để của cô bé đã khiến mọi người bất ngờ. Khi cơm sôi, bé Thu không chắt được nước vì nồi cơm quá to. Con bé thấy tình thế khó khăn nhưng vẫn nói trống không với giọng điệu khó chịu: "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!", "Cơm sôi rồi, nhão hết bây giờ". Không nhận được sự trợ giúp, nó “tự tay lấy cái vá chắt từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì”. Ngay cả bác Ba cũng phải nói: “Con bé đáo để thật”.

Tình huống truyện được đẩy lên đến kịch tính, cao trào khi bé Thu từ chối sự quan tâm của ông Sáu trong bữa cơm. Ông Sáu gắp cho con một cái trứng cá to vàng để vào chén, thể hiện sự quan tâm, yêu chiều. Sự bướng bỉnh, gan lì, không dễ khuất phục đã khiến bé Thu lấy đũa, xoi vào chén, bất thần hất cái trứng ra làm cơm văng tung tóe cả mâm. Trước sự việc ấy, ông Sáu đã mất bình tĩnh và vung tay đánh con: “Sao mày cứng đầu quá vậy hả”?. Hành động này cho thấy niềm khát khao, mong mỏi tình cha con đến nỗi tuyệt vọng, bất lực của ông Sáu. Khác với những đứa trẻ khác, khi bị quở trách sẽ khóc thì bé Thu lại nín thinh. Nó cúi gằm mặt, gắp lại trứng cá để vào chén. Thế rồi, con bé đứng dậy, ra ngoài mở xuồng, khua dây lòi tói rổn rảng như trêu tức ông Sáu. Đợi đến khi sang nhà ngoại, nó mới khóc và mách ngoại. Nó không chịu thể hiện ra sự yếu đuối trước mặt ông Sáu - người mà lúc ấy nó căm ghét. Ông Sáu sang dỗ con bé cũng nhất định không chịu về. Tính cách bé Thu thật ngang ngạnh, ương bướng! Là một bé gái nhưng ở Thu lại có sự mạnh mẽ, thẳng thắn, gan lì. Dường như những nét tính cách này của Thu cũng được thừa hưởng từ cha - một chiến sĩ quả cảm, anh dũng, bất khuất trên chiến trường.

Diễn biến tâm lí của bé Thu đã được tác giả lí giải bằng một tình tiết rất đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khi nói chuyện bà ngoại - người mà mình tin tưởng, Thu mới chịu tâm sự, trải lòng: “Ba không giống, cái hình ba chụp với má”, “mặt ba con không có vết thẹo như vậy”. Hóa ra, trong lòng Thu không phải chưa từng yêu quý hay ngóng đợi cha. Thậm chí chi tiết này còn cho thấy Thu rất mực mong chờ, thương yêu, tôn thờ hình ảnh cha. Với suy nghĩ non nớt của trẻ em, cô bé chỉ có thể nghĩ rằng người không giống trong ảnh thì nhất định không phải cha mình. Việc có một “người lạ” với gương mặt đáng sợ, lạ hoắc xuất hiện và “tự nhận” là ba mình khiến Thu không thể chấp nhận. Đối với cô bé, đó là một sự xúc phạm đến hình ảnh người cha thiêng liêng. Bé Thu còn quá nhỏ tuổi để hiểu được những nỗi đau, mất mát mà chiến tranh gây ra cho đất nước, quê hương, gia đình và nhất là người cha của mình. Ngoài ra, việc ông Sáu được về thăm nhà cũng rất bất ngờ và những người thân trong gia đình cũng chưa kịp giải thích cho cô bé. Như vậy, có thể thấy phản ứng của bé Thu là điều tự nhiên, không đáng trách, hợp với tâm lí và hoàn cảnh. Nó còn cho thấy cô bé có tính cách vừa ngây thơ, vô tư, hồ nhiên lại vừa mạnh mẽ, trung thực, đầy kiêu hãnh.

Ẩn sau vẻ cứng cỏi, gan lì thì Thu vẫn là một cô bé giàu tình cảm, có tình yêu thương cha sâu nặng, thiêng liêng. Khi nghe ngoại giải thích, cô bé không còn cứng đầu mà im lặng, lăn lộn và “thở dài như người lớn”. Chắc chắn cô bé đã cảm thấy xót xa và ân hận về hành động của mình. Sau ba ngày nghỉ phép, ông Sáu lại phải lên đường. Bé Thu cũng theo ngoại về nhưng không còn cau có như những hôm trước. Cô bé đứng tựa vào góc nhà, vẻ mặt sầm lại vì buồn rầu, đôi mi dài uốn cong như không bao giờ chớp, đôi mắt mở to, nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa. Sau khi được ngoại giải thích, cô bé mới thấu hiểu tội ác của giặc đã khiến ba tổn thương đến mức nào. Ba trở về, hy vọng được yêu thương và san sẻ, thế mà nó lại vô tâm, nhất mực khước từ.

Sau khi đã chào mọi người, ông Sáu rất muốn ôm tạm biệt con nhưng lại sợ con bé giẫy ra thì lại ngại. Ông chỉ đành nhìn con ánh mắt trìu mến lẫn buồn rầu: “Thôi, ba đi nghe con”. Vào đúng khoảnh khắc ấy, tình cảm phụ tử thiêng liêng trỗi dậy, bé Thu lại kêu thét lên, gọi ba một tiếng thật to: "Ba…a….a….ba!". Cô bé còn nhào tới ôm ba, hôn ba, muốn níu ba ở nhà, không cho ba đi: "Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!". Con bé dùng cả hình hài nhỏ nhắn của mình để dang cả hai chân và câu chặt lấy ba nó. Đôi vai nhỏ run run, tóc tơ sau ót nó dựng đứng lên. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn cả vết theo dài của ba nó. Cô bé biết yêu người ba của “ngày xưa” - người chụp chung với má và biết thương cả người ba của bây giờ - người đã chịu bao đau thương để đem lại cho nó tương lai thanh bình. Vết thẹo kia ban đầu đáng sợ là thế, khiến nó muốn tránh xa nhưng giờ lại thành biểu tượng cho sự vất vả, hi sinh của ba. Thu dặn ba trong tiếng khóc: "Ba về, ba mua cho con cây lược nghe ba!". Con bé gửi gắm vào câu nói ấy niềm hy vọng chắc chắn ba rồi sẽ trở lại với nó. Về sau, cô bé Thu ngày nào đã trở thành cô giao liên Thu rất dịu dàng, giàu tình cảm nhưng cũng vô cùng anh dũng, kiên trung.

Qua đoạn trích, tác giả đã khắc họa sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn bé Thu: hồn nhiên, ngây thơ, yêu thương cha, khát khao yêu thương, có cá tính mạnh mẽ, trung thực, thẳng thắn, gan lì. Những phẩm chất ấy tưởng như đối lập nhưng lại thống nhất trong con người. Từ đó, người đọc còn thấy được những nỗi đau khôn cùng mà chiến tranh gây ra cho con người và tình cảm cha con, gia đình quý giá vượt lên sự tàn khốc của đạn bom. Chiến tranh không chỉ phá hoại những giá trị vật chất mà còn gây ra muôn ngàn tổn thương về tinh thần cho con người. Số phận của bé Thu, của ông Sáu là tiêu biểu cho những con người bị mất mát vì những cuộc chiến phi nghĩa. Đọc tác phẩm, ta lại nhớ đến lời văn của Mikhail Sholokhov trong “Số phận của một con người”: “Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi, nóng bỏng lăn trên má anh”.

Về nghệ thuật, Nguyễn Quang Sáng đã tạo ra một tình huống éo le, chân thực. Tfai tình nhất chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc, đặc biệt là tâm lí trẻ thơ. Ngôn ngữ cuat tác phẩm mang đậm sắc thái Nam bộ cùng ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” giúp câu chuyện trở nên gần gũi, thuyết phục.

Qua nhân vật bé Thu, nhà văn đã đem đến cho người đọc một bức tranh đầy xúc động về tình cảm gia đình, cha con trong chiến tranh. “Chiếc lược ngà” còn gợi cho chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về sự khốc liệt của chiến tranh. Càng hiểu, càng cảm phục những con người như ông Sáu, thương yêu những em bé như bé Thu, ta càng trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay ta đang sống.

-------------------------------------------------------

Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn. Ngoài ra, mời các bạn tìm hiểu thêm Soạn văn: Đầy đủ, ngắn gọn, siêu ngắn, Lý thuyết Ngữ Văn, Ngữ văn lớp 9

Đánh giá bài viết
1 128
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm