Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Suy nghĩ của em về hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay

Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay được VnDoc.com tổng hợp và đăng tải. Truyện tranh thu hút mọi lứa tuổi không những trẻ em mà còn thu hút cả những người lớn tuổi, bởi truyện tranh với những hình vẽ rất sinh động, bắt mắt làm khơi gợi trí tò mò và tưởng tượng của người đọc, các nhân vật trong truyện rất đa dạng, câu chuyện và lời thoại ngắn..Nhưng đọc truyện tranh cũng có mặt lợi và mặt hại, các em cùng tham khảo bài văn mẫu dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này nhé

Hướng dẫn làm bài

I. Đặt Vấn Đề:

– Truyện tranh là thể loại rất được tuổi teen yêu mến…

II. Giải Quyết Vấn Đề:

Bước 1: Giải Thích.

– Truyện tranh hấp dẫn từ trẻ em đến người lớn tuổi. Nhưng thu hút nhất có lẽ là với lứa tuổi teen. Vậy điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn đó?

+ Tuổi teen là lứa tuổi mới lớn, tò mò, thích tìm hiểu và khám phá nhưng suy nghĩ vẫn còn chưa chín chắn,

+ Đặc điểm của truyện tranh với những hình vẽ rất sinh động, bắt mắt làm khơi gợi trí tò mò và tưởng tượng của người đọc.

+ Các nhân vật trong truyện rất đa dạng qua nét vẽ của tác giả rất ấn tượng, câu chuyện với lời thoại ngắn gọn nên dễ tiếp thu.

+ Nội dung lẫn bối cảnh của câu chuyện đến từ rất nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, hội hoạ,

khoa học, âm nhạc, ẩm thực…

Bước 2: Phân Tích.

– Mặt Lợi:

+ Truyện tranh có tác dụng giải trí, giúp giải toả những căng thẳng sau giờ học mệt mỏi.

+ Những bài học từ truyện tranh về tình yêu thương con người, lòng yêu chính nghĩa và những kiến thức khác về lịch sử, văn hoá.

+ Giúp bồi bổ khả năng quan sát và trí tưởng tượng.

– Mặt Hại: Có rất nhiều truyện tranh không trong sáng.

+ Những truyện chưa nhiều hình ảnh bạo lực,… khiến tuổi teen dễ bị ảnh hưởng và bắt chước theo.

+ Ngôn ngữ truyện tranh thường ngắn gọn đơn giản nên có thể khiến người đọc quen với cách nói và cách viết cộc lốc, cụt lủn.

+ Nhiều học sinh quá say mê truyện tranh mà bỏ quên nhiệm vụ học tập.

Bước 3: Đánh Giá.

– Gần đây, ảnh hưởng của truyện tranh đối với học sinh đã khiến cả Xã hội và Phụ huynh quan tâm, nhiều nhà Giáo dục đã cảnh báo về những ảnh hưởng của truyện tranh đến lứa tuổi teen đang hình thành nhân cách và tâm lí.

– Một số truyện tranh du nhập vào nước ta nhưng không được qua sàng lọc cẩn thận từ các nhà xuất bản khiến cho thị trường tràn lan các ấn phẩm độc hại. Ngoài ra, internet giúp cho việc tiếp cận những truyện với nội dung không lành mạnh trở nên rất dễ dàng.

-> Cần quan tâm hơn nữa trong việc xem xét chất lượng truyện tranh.

-> Nhà trường và gia đình hướng dẫn cho học sinh biết cách lựa chọn sách lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi.

-> Bản thân các bạn teen cần xác định mục đích của mình khi đọc truyện tranh và tìm kiếm những truyện tranh có ý nghĩa thật sự để đọc.

Bước 4: Bài Học.

– Đọc sách là một việc tốt nhưng cần có ý thức chọn sách để đọc, để học, tránh xa những loại sách không lành mạnh.

– Ngoài đọc truyện tranh cũng nên đầu tư vào những loại sách kinh điển khác để bồi đắt tâm hồn và tri thức.

– Tích cực trao đổi thông tin với bạn bè và tìm kiếm những cuốn sách có giá trị từ nguồn thông tin ở internet để có những sự lựa chọn tốt cho việc đọc.

II. Văn mẫu Hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay

Hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay - Mẫu 1

Thế giới truyện tranh là nơi con người ta được thỏa sức tưởng tượng, bay bổng với những tư duy kỳ diệu. Chính vì vậy, các bạn trẻ dành rất nhiều thời gian cho sở thích này. Hiện tượng thích đọc truyện tranh mang lại rất nhiều tác động đến với thanh thiếu niên, bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực.

Truyện tranh là một loại hình giải trí dành cho mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt được thanh thiếu niên yêu thích. Việc giới trẻ yêu thích và đọc truyện tranh là một hiện tượng không hề xa lạ trong thời đại ngày nay. Điều này có thể dễ dàng lý giải. Xã hội ngày càng phát triển với nhịp độ nhanh, nhịp sống của giới trẻ vì vậy cũng theo đó mà dần biến đổi. Truyện tranh cũng giống như một loại thức ăn nhanh, được giới trẻ tìm đến nhờ sự tò mò, thú vị. Truyện tranh có thể truyền tải câu chuyện thông qua hình ảnh và đồ họa, giúp cho người đọc dễ dàng hình dung và tiếp cận nội dung. Nhờ đó, truyện tranh thu hút được sự chú ý của giới trẻ hơi thay vì những văn bản dài dằng dặc toàn chữ kín mít. Không chỉ vậy, truyện tranh có thể được đọc và lưu trữ dễ dàng, đặc biệt là với sự phát triển của các nền tảng truyền thông và công nghệ.

Việc đọc truyện tranh đang trở thành một xu hướng phổ biến trong giới trẻ hiện nay, và không chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí, mà còn mang lại nhiều lợi ích giáo dục và phát triển cho người trẻ. Đầu tiên, đọc truyện tranh giúp phát triển khả năng đọc hiểu và tư duy sáng tạo của con người. Các câu chuyện tranh đa dạng về thể loại và nội dung, từ hài hước, lãng mạn đến kinh dị, giúp người đọc khám phá và dễ dàng tiếp cận với nhiều kiến thức mới. Bên cạnh đó, truyện tranh cũng giúp người đọc cải thiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, đặc biệt là khi đọc các tác phẩm được dịch từ các quốc gia khác nhau. Việc đọc truyện tranh còn được ví như một liều thuốc giúp giảm stress và tăng cường khả năng tập trung. Khi đọc truyện tranh, người ta có thể tập trung vào câu chuyện và quên đi những lo toan và áp lực của cuộc sống hàng ngày. Điều này có thể đem đến một trạng thái dễ chịu và thư giãn. Không chỉ vậy, các cuốn truyện tranh thường lấy bối cảnh trong cuộc sống, xã hội và văn hóa của một nhóm người cụ thể, đó cũng là một cách giúp người đọc hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội và nền văn hóa phong phú của các quốc gia khác nhau. Yếu tố này sẽ giúp giới trẻ tôn trọng văn hóa và tư tưởng ở muôn nơi, đồng thời hình thành những giá trị văn hóa và đạo đức tích cực.

Thế nhưng, truyện tranh còn được ví như một thứ thuốc gây nghiện mà khi đã “dính” vào rồi thì khó lòng mà dứt bỏ, thậm chí để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trước hết phải kể đến tác hại về những vấn đề sức khỏe, như mỏi mắt, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ... Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi giới trẻ thường dành nhiều thời gian để đọc truyện tranh trên điện thoại hoặc máy tính, với màn hình nhỏ và độ phân giải cao. Không chỉ thế, đọc truyện tranh nhiều còn khiến chúng ta lười vận động hơn. Về lâu dài, nó có thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng như dẫn đến béo phì, suy giảm sức khỏe, làm giảm trí thông minh… Có rất nhiều trường hợp đọc truyện tranh quá nhiều và không kiểm soát được thời gian, dẫn đến sự lệ thuộc và nghiện truyện. Người trẻ có thể dễ dàng bỏ qua những công việc quan trọng và trì hoãn việc học tập để dành thời gian cho việc đọc truyện. Khi họ không đủ tập trung vào học tập và công việc, thì những kế hoạch và mục tiêu tương lai sẽ dần bị phá vỡ. Ngoài ra, nếu đọc những truyện tranh có nội dung quá kinh dị, đồi trụy có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của các bạn trẻ đang trong độ tuổi dậy thì. Họ cũng có thể bị “lây nhiễm” bởi những giá trị tiêu cực trong truyện tranh, như bạo lực, tẩy não, tư duy “phẳng”,…. Do đó, cần có sự cân nhắc và kiểm soát thời gian và nội dung đọc truyện tranh, để đảm bảo tốt cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của chính bản thân mình.

Việc giới trẻ hiện nay yêu thích truyện tranh không có gì đáng lo ngại, bởi truyện tranh chỉ đơn thuần là một loại hình giải trí. Truyện tranh có nhiều loại, cũng giống như âm nhạc hay phim ảnh vậy, có loại nhiều người thích nghe, xem và cũng có loại nhiều người không thích. Quan trọng là chúng ta phải lựa chọn cho bản thân mình một loại truyện phù hợp với bản thân và đảm bảo về tần suất hợp lý dành cho thú vui này mỗi ngày.

Hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay - Mẫu 2

Khoảng 20 năm cho đến hiện tại, văn hóa đọc truyện tranh bỗng nhiên trở thành trào lưu rất được ưa chuộng ở Việt Nam, và cho đến giờ vẫn vậy. Truyện tranh có vô vàn thể loại, với nội dung đa dạng và bắt mắt vô cùng, đến từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan,.... Vì thế, việc thích đọc truyện tranh là một thú vui được các bạn học sinh ưa chuộng. Việc đọc truyện tranh không có gì là quá xấu xa cả, thế nhưng ta vẫn nên đọc thêm cả sách để tăng thêm vốn hiểu biết của mình. Truyện tranh chủ yếu mang tính chất giải trí, tăng cường khả năng sáng tạo của chúng ta. Thế nhưng, nếu cứ chỉ đọc truyện tranh suốt ngày thì việc chúng ta thu nạp kiến thức từ việc đọc là gần như không tăng đáng kể mấy. Đó là chưa nói đến những trường hợp các bạn vì mải mể đọc truyện tranh mà xao nhãng việc học tập của mình. Vì thế, việc quan trọng nhất vẫn là đọc sách, tiếp thu tri thức và tinh hoa từ sách, để không ngừng trau dồi và thu nạp kiến thức cho mình. Nhờ vậy, không những vốn tri thức của chúng ta được tăng lên mà tâm hồn của chúng ta cũng được soi chiếu, nhân cách cũng được rèn giũa và tu tâm dưỡng tính. Lợi ích của đọc sách vẫn không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, thi thoảng ta có thể đọc thêm truyện tranh chỉ mang tính chất giải trí thêm vào mà thôi. Vì những cuốn truyện tranh thường hấp dẫn bắt mắt đối với các bạn học sinh hơn, nhưng giá trị giáo dục mà truyện tranh đem lại thì khó có thể sánh ngang được với sách. Tóm lại, các bạn học sinh nên đọc sách là chính, việc đọc truyện tranh chỉ nên là phụ, để có thể vẫn tăng cường tri thức và vẫn cảm thấy thư giãn, vui vẻ sau giờ học.

Hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay - Mẫu 3

Trong thời đại hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet - một mạng lưới thông tin khổng lồ giúp ta dễ dàng tiếp cận được những thứ mình cần với khối lượng kiến thức khổng lồ bạn có thể tìm ở bất kì đâu, chỉ cần lên Google, gõ vào ô tìm kiếm những từ khóa mà bạn muốn, mọi thứ hiện ra nhanh chóng, 1 cú click bạn có thể có cả thế giới trong tầm tay. Vậy đó có phải là lí do mà văn hóa đọc ngày càng rời xa giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi teen 9x.

Trước hết, là sự bùng nổ của các sản phẩm văn hóa hiện đại như phim ảnh, băng đĩa, ca nhạc, internet, games... đã thâm nhập sâu sắc vào lĩnh vực giải trí của con người, đặc biệt là của thanh thiếu nhi, khiến cho văn hóa đọc đang có nguy cơ ngày càng bị mai một trong giới trẻ.

Văn hóa nghe nhìn là một “kênh thông tin” cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay. Nó khiến giới trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp thu những kiến thức mới nhưng đó cũng là lí do văn hóa nghe nhìn bị kết án đã lấn át văn hóa đọc. Giới trẻ thường chỉ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là nghiền ngẫm, thiếu đi sự sâu sắc và sự thụ động trong việc đọc sách của giới trẻ thường làm họ thấy khó tiếp cận với những tác phẩm kinh điển. Thêm vào đó, sự phát triển vũ bão của internet càng làm giới trẻ “lười” hơn với việc ngồi trong thư viện để đọc một quyển sách. “Chỉ riêng việc đọc giáo trình, nghiên cứu thêm một số tài liệu mà thầy giáo cho đọc thêm đã rất bận rồi. Rảnh rỗi, em lên thư viện đọc tạp chí Hoa Học Trò, báo Tuổi Trẻ hoặc lướt web kiếm thông tin giải trí. Đọc sách phải có hứng thú, không có hứng thì sao "nạp" được”. Như lời tâm sự của một bạn trẻ với chúng tôi. Dường như việc đọc sách ngày càng trở nên là thứ xa xỉ đối với học sinh, sinh viên.

Thứ hai, đó chính là việc đọc sách theo phong trào. Đọc theo trào lưu và nguy hiểm hơn là giới trẻ không có sự chọn lọc trong việc đọc sách, điều đó còn tạo nên một phong trào xấu hơn cả việc lười đọc sách nếu cuốn sách đó không mang nội dung giá trị phù hợp đối với văn hóa Việt sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với suy nghĩ tư tưởng và hành động của một bộ phận giới trẻ. Chúng ta hãy cứ thử nhìn vào các thể loại của các tác giả trong và ngoài nước cũng lập tức tạo được cơn sốt đối với giới trẻ như tập truyện ngắn Nhật ký son môi (2010) và Cho em gần anh thêm chút nữa (2009) của tác giả Gào hay những truyện Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Yêu anh hơn cả tử thần… của tác giả Tào Đình (Trung Quốc), Rừng Nauy của tác giả Murakami (Nhật Bản).

Chúng đã tạo thành một làn sóng mạnh trọng bộ phận giới trẻ nhưng đọc, cảm nhận một cách hời hợt và kéo theo đó là sự lãng quên giá trị của tác phẩm khi trào lưu qua đi, và những câu đối thoại về quyển sách đó chỉ đơn giản là câu hỏi: “Mày đọc quyển truyện kia chưa?” và trả lời: “Đọc rồi”. Đôi khi sự “thiếu trách nhiệm” trong việc đọc cũng khiến giới trẻ có những cái nhìn lệch lạc của tác phẩm, nhất là khi vấn đề “tình dục” đang được các tác giả hướng đến như một thứ “gia vị” để tăng sức hấp dẫn cho cuốn sách.

Khi được hỏi lí do tại sao lại tìm đến những cuốn sách đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, một bạn trẻ đã trả lời rất ”thật” với chúng tôi rằng: “Đọc những cuốn sách đó vì thấy nhiều người cũng tìm đọc, đọc để khi người ta bàn luận về chúng mình không bị “lép”. Và hơn nữa, phải đọc những cuốn sách đó mình mới cảm thấy bằng bạn bằng bè và cũng là cách để mình theo kịp thời đại” – chính những suy nghĩ đó là một phần nguyên do khiến giới trẻ đọc sách và cảm nhận chúng một cách hời hợt.

Suy nghĩ của em về hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nayVới tốc độ sống gấp gáp và việc cuốn theo những thú vui của cuộc sống, dễ dàng hơn so với việc đọc một cuốn sách. Nhiều bạn lại cho rằng các bạn có đọc nhưng truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm, hay những cuốn sách về tình cảm dễ cuốn hút so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị. Một số học sinh, sinh viên mà mình gặp cho biết, lúc rảnh rỗi, cô bạn chỉ thích đọc truyện ngắn đang hot trên mạng. Còn Phương Thảo (lớp 12) lại chỉ “kết” truyện tranh Nhật Bản vì vui nhộn. Hai bạn cũng cho biết truyện tranh ngoài ưu điểm dễ cảm nhận kết cấu truyện đơn giản, truyện tranh còn có hình ảnh minh họa tình tiết, sống động. Nhiều bạn sinh viên cho rằng giáo trình là quá đủ thậm chí còn chưa sờ đến huống gì là những cuốn sách tham khảo khác.

Còn với nhà viết sách, biên soạn sách, xuất bản sách góp phần đọc giả lười đọc, nhiều cuốn sách xuất bản với những giá trị nội dung chưa thực sự sâu sắc, nhiều tác phẩm chủ yếu sưu tầm, tập hợp các sách khác làm thị trường sách phong phú hơn nhưng lại thành hỗn độn, phức tạp hơn cho sự lựa chọn sách từ giới trẻ. Và vấn đề sách lậu vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của thị trường sách hiện nay. Đó chính là nguyên nhân thứ ba ảnh hướng đến văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam.

Nói đi thì cũng phải nói lại, không phải là không có những bạn trẻ yêu sách, không thiếu các bạn trẻ đi tìm giá trị đích thực của những cuốn sách với niềm say mê thích thú và ham muốn được học hỏi từ những cuốn sách mà các bạn đã đọc. Mỗi cuốn sách như một kho tàng tri thức nó chứa đựng những tinh túy của cuộc sống nếu chúng ta biết cảm nhận nghiền ngẫm một cách sâu sắc sau khi đọc xong một cuốn sách.

Thanh (HVNH) có một sở thích khi stress đó là mua và tìm đọc sách. Dù là một dân kinh tế nhưng bạn không chỉ tìm đọc những cuộc sách về chuyên ngành của mình đang học mà còn tìm đọc thêm những cuốn sách về kĩ năng sống, sách văn học VN, văn học nước ngoài kể cả những cuốn sách được coi là “cổ“ bạn cũng cố tìm để đọc nhưng điều quan trọng nhất. Thanh luôn có sự chọn lọc các tác phẩm mà mình đọc. Qua những cuốn sách, Thanh đã học hỏi được rất nhiều về ngôn ngữ, giá trị nội dung, giá trị cuộc sống, tri thức của những cuốn sách mà bạn đã đọc qua. Nó tích lũy thêm cho Thanh những bài học kinh nghiệm quí báu sau khi rời ghế giảng đường và bắt đầu với cuộc sống tự lập.

Học tập là một quá trình lâu dài, đọc sách cũng vậy, đó là một quá trình từ việc đọc, nghiền ngẫm và rút ra cho mình những chiêm nghiệm của bản thân từ sách. Không chỉ là tích lũy về kiến thức mà nó còn tăng cho chúng ta khả năng tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ và kĩ năng sống cho mỗi thanh niên của thế hệ trẻ Việt Nam. Hãy đọc sách để nâng cao tầm hiểu biết và tích lũy cho vốn kiến thức của mình, các bạn nhé!

Hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay - Mẫu 4

Sách là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Ngày nay, do nền công nghệ thông tin phát triển mạnh, sách đã bị xem thường. Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ồ ạt, khiến cho học sinh ngày nay không chịu đọc sách. Một thực tế cần phải xác nhận là học sinh ngày nay không còn yêu mến sách nữa. Việc đọc sách của học sinh vì thế cũng rất hạn chế.

Trước sự phát triển của cuộc sống, con người nguyên thủy nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức. Họ tìm cách lưu giữ những thông tin mình đã nhận thức được để lại cho các thế hệ sau. Và sách đã ra đời. Có thể nói từ khi có sách thì nền văn minh của loài người mới được xác thực.

Hình thức ban đầu của sách là những hình khắc và kí tự lên vách đá, mai rùa, xương thú. Rồi đến thời kì viết chữ lên thẻ tre, thẻ trúc, lên tấm vải. Cuối cùng là viết hoặc in lên trang giấy và đóng thành tập. Trải qua thời gian, hình thức của sách không ngừng thay đổi. Càng thay đổi, sách ngày càng tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản hơn.

Trước đây, sách là phương tiện chính để học tập, giáo dục và phổ biến tri thức trong xã hội. Ngày nay, nhờ các thành tựu của nền khoa học kĩ thuật, các phương tiện truyền thông và thiết bị điện tử gần như đã thay thế vai trò của sách. Con người đã tiến hành ghi chép và lưu trữ tri thức vào các bộ nhớ điện tử. Đồng thời phổ biến nó bằng các định dạng thông qua các ứng dụng điện tử

Người đọc có thể tiếp cận nguồn tri thức mà không cần phải giở từng trang sách. Công cụ tìm kiếm của Google là một minh chứng rõ ràng cho hình thức này. Bộ lưu trữ điện tử sẽ là hình thức của sách ở tương lai. Có hai hình thức sách cùng tồn tại song song ở nước ta là sách giấy và sách điện tử. Ngoài ra, còn có các ứng dụng cung cấp tri thức một cách phong phú, khá đầy đủ. Sách điện tử luôn tạo được sự tiện lợi và hứng thú cho người đọc.

Theo khảo sát của các tổ chức thế giới, tỉ lệ người đọc sách tại nước ta còn khá cao. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, tỉ lệ này lại khá thấp. Đó cũng là thực trạng chung của các nước trên thế giới. Học sinh Việt Nam ngày nay không có hứng thú đọc sách. Ngoài những quyển sách bắt buộc phải đọc học sinh ít quan tâm đến sách khác. Học sinh thường hay đọc các loại truyện tranh có nội dung nhảm nhí, vô bổ mà ít tìm đến các loại sách khoa học. Những quyển sách văn học tuổi teen với nội dung dễ dãi thường được học sinh lựa chọn đọc. Còn sách lịch sử, sách địa lí, sách khoa học gần như không nằm trong danh mục lựa chọn.

Việc học sinh không muốn đọc những quyển sách có nội dung nghiên cứu khoa học, học thuật, nghệ thuật,… xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi đó là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều công sức. Kéo theo đó là những hậu quả lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không còn hứng thú đọc sách. Trước hết, là phải nói đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Công nghệ điện tử số làm cho hình thức và phương thức đọc sách có nhiều thay đổi. Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Học sinh có thể đọc trang sách điện tử bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Sự phát triển rầm rộ của các ngành công nghệ giải trí với những chương trình mới lạ, đặc sắc thu hút học sinh theo dõi. Từ đó học sinh lơ là việc đọc sách.

Thật không thể nào kể hết được các kênh truyền hình giải trí đang được phát sóng hiện nay. Ngoài những kênh phim truyện còn có những chương trình trực tiếp. Các chương trình này tương tác thực tế, sống động vô cùng. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận với văn bản điện tử hơn. Học sinh hoặc chơi game, hoặc giải trí tầm thường. Từ đó không còn hứng thú với sách. Việc đọc sách trở nên nhàm chán, không còn hấp dẫn nữa.

Học sinh ngày nay với lối sống dễ dãi, yêu thích những thứ tầm thường có tính thuần giải trí như game, facebook, fan cuồng thần tượng, phim kinh dị, và các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, phản cảm… Việc tiếp cận và say mê nguồn thông tin này khiến học sinh suy đồi đạo đức, trở nên lười biếng trong học tập, mất dần các thói quen bổ ích. Chẳng hạn như là việc đọc sách hằng ngày.

Gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm đến việc phát triển tâm hồn và năng lực trí tuệ cho học sinh. Phụ huynh vì bận rộn với công việc mà không quan tâm khuyến khích con cái đọc sách. Nhà trường không có kế hoạch đọc sách, hay không gian đọc sách cho học sinh. Xã hội không có chương trình khuyến khích, cổ động việc đọc sách trong toàn dân để nâng cao dân trí. Và dường như, khôi phục thói quen đọc sách trong toàn dân chỉ nằm trên khẩu hiệu.

Các nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, không chịu đầu tư vào chất lượng và số đầu sách mới. Trên kệ sách hầu như chỉ thấy các tác phẩm quen thuộc được chỉnh sửa bìa sách cho khác đi mà ít thấy những tác phẩm mới có giá trị, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc. Việc kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc khiến cho sách giả, sách kém chất lượng tràn lan trên thị trường làm mất niềm tin ở người đọc.

Tình trạng học sinh ngày nay ít đọc sách đã gây ra những hậu quả lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và ổn định trật tự xã hội. Học sinh không muốn đọc sách khiến cho việc học tập cũng trở nên khó khăn, tri thức hết sức hạn chế, hiểu biết hạn hẹp. Một hậu quả dễ thấy nhất là học sinh ngày nay có năng lực đọc rất kém, viết sai chính tả nhiều, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn đạt vụng về, thô lỗ.

Không đọc sách làm cho tâm hồn học sinh khô héo, thiếu cảm xúc và những rung động chân thành. Học sinh ngày càng trở nên cộc cằn, ăn nói tục tĩu, ứng xử thiếu lịch sự, thường vô lễ với thầy cô và người lớn. Việc ít đọc sách khiến học sinh không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực xảy ra trong học đường.

Không những ít đọc hoặc không đọc sách, thiếu sự tôn trọng đối với sách, nhiều học sinh còn tỏ ra xem thường sách, có hành vi hủy hoại sách. Những người như thế thật đáng chê trách. Nhà trường, gia đình và xã hội cần có những giải pháp và hành động thiết thực để nâng cao năng lực và đam mê đọc sách cho học sinh. Điều đó là rất cần thiết bởi không đọc sách, học sinh không thể tiến bộ, tâm hồn sẽ khô kiệt, hiểu biết hạn hẹp, kĩ năng sống không phát triển được. Điều quan trọng nhất, không đọc sách sẽ không thể có được cuộc sống tâm hồn phong phú, không cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống này.

Đối với học sinh, trước hết, hãy chăm chỉ đọc sách mỗi ngày để phát triển trí tuệ và tâm hồn. Hãy quý trọng sách, giữ gìn và bảo vệ sách. Khuyến khích bạn bè, người thân cùng đọc sách. Tổ chức thảo luận, bàn luận về những quyển sách hay, ý nghĩa, có giá trị lớn lao. Vừa đọc sách vừa rèn luyện bản thân mình.

Đối với gia đình, nhà trường, xã hội, cần dành nhiều sự quan tâm đối với việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ các em bằng những quyển sách hay, có nội dung trong sáng, lành mạnh. Khuyến khích và tổ chức đọc sách trong trường học và ngoài xã hội, tạo được phong trào đọc sách trong toàn dân.

Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản và lưu hành các ấn phẩm sách, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho nhu cầu của người đọc hiện nay.

“Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã trôi qua”. Đọc sách là thể hiện lòng biết ơn đối với người xưa và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. Sách đối với con người như nước đối với cây cối. Không có nước, cây cối sẽ héo rũ. Không có sách, cuộc sống loài người sẽ buồn chán biết chừng nào. Bởi thế, hãy lựa chọn cho mình những quyển sách hay và đọc nó hằng ngày. Đó chính là con đường đúng đắn dẫn bước ta đến cánh cửa của tương lai.

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 9. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

Suy nghĩ của em về hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay được VnDoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em có thêm tài liệu tham khảo, trau dồi thêm vốn từ, hoàn thiện bài văn của mình hay hơn, sinh động hơn. Chúc các em học tốt.

....................

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Từ bức tranh Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du, em hãy cảm nhận được vẻ đẹp nào trong cuộc sống đang diễn ra

Đặt câu hỏi về học tập, giáo dục, giải bài tập của bạn tại chuyên mục Hỏi đáp của VnDoc
Hỏi - ĐápTruy cập ngay: Hỏi - Đáp học tập
Chia sẻ, đánh giá bài viết
25
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm