Suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Một điều nhịn chín điều lành"

Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Một điều nhịn chín điều lành" được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu tục ngữ “Một điều nhịn chín điều lành”.

2. Thân bài

a. Giải thích

  • “Một điều nhịn” khi gặp sự nóng nảy của người khác; bị người khác đối xử không tốt hoặc cố ý làm hại mình thì không nên làm lớn chuyện hoặc phản kháng quá mức mà nên chọn cách im lặng để bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết êm đẹp.
  • “chín điều lành”: sự bình yên, an lành.

→ Câu nói mang ý nghĩa: trước sự nóng giận, nông nổi của người khác, mỗi con người cần biết kiềm chế bản thân mình để tránh những hậu quả không hay và giữ cho mọi thứ bình yên.

b. Giải thích

  • Mỗi con người biết nhẫn nhịn sẽ làm chủ được tình huống, làm chủ được mối quan hệ từ đó giúp mọi chuyện đi theo hướng tốt đẹp hơn.
  • Người biết nhường nhịn là người có bản lĩnh và được người khác tôn trọng.
  • Nếu con người không có tính nhường nhịn thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không hay xảy ra.
  • Nhường nhịn là một đức tính tốt đẹp của con người, phản ánh nhân cách của người đó.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng những người có tính nhường nhịn làm dẫn chứng cho bài văn của mình.

d. Phản biện

Trong cuộc sống vẫn còn nhiều người sống với bản ngã, tính hiếu thắng của mình, nóng nảy, tức giận trong mọi trường hợp; tính cách này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường → đáng bị chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Nêu tầm quan trọng của việc nhường nhịn và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành

1. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 1

Bao dung, đoàn kết là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay. Kho tàng ca dao tục ngữ có câu “Một điều nhịn chín điều lành” để nói về đạo lí sống tích cực này.

Ở đây, “nhịn” tức là biết nhẫn nhịn, bỏ qua những xích mích để hòa giải êm đẹp khi gặp một vấn đề căng thẳng nào đó trong cuộc sống. “điều lành” thì chỉ sự bình yên và an lành. Tóm lại, câu tục ngữ đã đề cao vai trò của tinh thần khoan dung, biết nhường nhịn. Đó là lời khuyên răn con người nên sống chan hòa, nhân ái, dẹp bỏ cái tôi ích kỉ để xây dựng cuộc sống hòa hợp.

Quả thực, chỉ “một điều nhịn” mà có thể mang tới “chín điều lành”, chỉ một giây phút bình tĩnh có thể mang lại cho con người bao cơ hội quý giá. Bất đồng, mâu thuẫn, trái quan điểm là những điều tất yếu trong cuộc sống. Con người vốn dĩ không ai hoàn hảo, càng không có chuyện tất cả mọi người đều có cùng quan điểm về mọi vấn đề. Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là cách ta đối nhân xử thế trong những phút giây căng thẳng.Nhiều người vì nóng giận mà đánh mất đi chính mình và cả những thứ quý báu. Nhẹ thì là tài sản, nặng thì mất đi tình thân hay thậm chí cả tính mạng. Nhường nhịn khiến con người biết yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau và đem đến cho ta cơ hội để sửa chữa. Người biết nóng giận hay hơn thua thì không thiếu, nhưng người biết nhường nhịn thì mới đáng khâm phục. Ta có thể thấy ví dụ thực tiễn ngay trong lịch sử. Từ xưa, những vị minh quân thường được ca ngợi là người nhân hậu, bao dung. Ngược lại, bạo quân thường nóng giận, tàn ác và sớm muộn dẫn đến kết cục mất nước.

Để áp dụng câu tục ngữ một cách đúng đắn, ta cần biết phân biệt giữa tinh thần nhường nhịn, cao thượng với sự nhu nhược, đớn hèn, không dám bày tỏ quan điểm. Con người sống nên biết cách uốn mình như dòng chảy của sông, tùy từng thời điểm và hoàn cảnh mà cư xử.

Như vậy, câu tục ngữ chính là một bài học quý báu rèn giũa cho ta sự hòa nhã, hòa bình dù có bất kì chuyện gì xảy ra. Chỉ cần ta biết cách kiềm chế cảm xúc và điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp thì ta sẽ luôn nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

2. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 2

Từ xưa đến nay, ca dao tục ngữ vẫn có sức giáo dục vô cùng mạnh mẽ, giúp mỗi con người hoàn thiện nhân cách và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với bao thăng trầm của lịch sử, những câu tục ngữ vẫn luôn là một phần quan trọng trong tâm thức của những người dân Việt Nam. Một trong số đó là câu: “Một điều nhịn chín điều lành”.

Trước tiên, chúng ta hãy cùng giải thích câu tục ngữ. “Nhịn” ở đây là sự nhường nhịn, nhẫn nại trong giao tiếp và hành động. Còn “lành” là kết quả tốt đẹp, như mọi người mong muốn. “Một” và “chín” đều là những số từ phiếm chỉ. Vậy, ý của câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta rằng: Nên nhường nhịn, nhún nhường một chút để đạt được kết quả tốt đẹp lâu dài về sau.

Câu tục ngữ đã thể hiện được sự tinh tế trong cách ứng xử của người xưa. Vậy tại sao ông cha ta lại khuyên như thế? Trong cuộc sống, mọi chuyện không phải lúc nào cũng êm đẹp hay thuận buồn xuôi gió. Đôi lúc chúng ta cũng sẽ gặp phải những chuyện không đâu, những bất đồng làm cho bản thân khó chịu, tức giận, không giữ nổi bình tĩnh. Trong các trường hợp ấy, nếu chúng ta vội vàng, hấp tấp, cố tìm hiểu, điều tra đến cùng, kết quả chẳng những không được như mong muốn mà còn làm rạn nứt các mối quan hệ. Những lúc như thế, điều cần làm là ta phải bình tĩnh, suy xét đầu đuôi kĩ càng, lời lẽ nhã nhặn, thậm chí có thể chịu thua thiệt về mình để lợi ích và những mối quan hệ được bền lâu. Khi làm việc trong một tập thể mà không biết nhường nhịn nhau thì sẽ dẫn đến nội bộ lục đục. Vợ chồng, bạn bè cãi nhau mà không ai chịu nhường ai thì tình cảm đi xuống, khó có thể chung sống lâu dài. Vậy nên, chúng ta cần dĩ hòa vi quý để tránh những tranh cãi, xô xát không đáng có. Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự tài ba mà còn rất tinh tế trong cách hành xử. Ông đã biết gạt bỏ tư thù, ân oán trong gia đình, cùng với Trần Quang Khải phò tá vua Trần, ba lần đánh thắng giặc Mông Nguyên. Hay trong các cuộc thương lượng, đàm phán, các nhà ngoại giao đều phải hết sức cẩn thận, nhún nhường nhau từng chút một để đi đến đạt được lợi ích chung.

Tuy nhiên, nói “một điều nhịn chín điều lành” cũng không có nghĩa là nhu nhược, hèn nhát, chỉ biết chiều theo ý người khác. Nhường nhịn ở đây là lùi một bước để tiến hai bước. Tuy nhiên, để bảo vệ danh dự cũng như lợi ích cá nhân, chúng ta cũng phải đấu tranh đến cùng để người khác không vì thấy ta nhẫn nhục mà làm càn tiến tới. Nhẫn nhịn chỉ phát huy tác dụng khi ta bảo vệ cái đúng chứ không phải là điều vô lí.

Qua câu tục ngữ, ta cũng cần phê phán những người không biết nhường nhịn, hay so đo, tính toán, chấp vặt. Những con người ấy sẽ dễ làm mếch lòng người khác trong cuộc sống, không thể đắc nhân tâm vì đã đi ngược lại bài học mà người xưa răn dạy.

Mỗi chúng ta cần vận dụng những điều hay mà ông cha truyền lại để có thể thu phục lòng người, đạt được những kết quả tốt đẹp trong các mối quan hệ và trong công việc. Chi khi ta biết dĩ hòa vi quý đúng lúc thì mới có thể bình yên lâu dài.

Câu tục ngữ là hành trang quý báu sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Qua câu tục ngữ, ta cũng phần nào thấy được sự uyên thâm trong trí tuệ cùng cách ứng xử tinh tế, phù hợp của người xưa.

3. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 3

Kho tàng văn học dân gian nước ta có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay khuyên nhủ con người những đức tính tốt đẹp trong đạo lý làm người. Một trong số đó ta phải nhắc đến câu nói “Một điều nhịn là chín điều lành” khuyên nhủ mỗi người phải biết sống hiền lành, nhẫn nại không nên hung hăng, hiếu chiến mà gây họa cho cho bản thân và những người xung quanh. Một chỉ số ít, số chín chỉ rất nhiều, chỉ cần chúng ta nhẫn nhịn một chút nhưng cái lợi mang về thì vô cùng to lớn. Trong cuộc sống đôi khi chúng ta sẽ gặp những câu chuyện, những lời nó chướng tai gai mắt, là cho ta cảm thấy buồn phiền, giận dữ nhưng trong những lúc như thế, nếu chúng ta nhẫn nhịn, nhún nhường thì mọi chuyện sẽ êm đẹp mà qua đi. Cuộc sống ngày càng phát triển khiến cho con người sống trong xã hội ngày càng bận rộn với công việc, chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nên dễ nổi cáu. Nếu chúng ta biết áp dụng lời dạy của cha ông thì sẽ giảm được những tranh cãi, va chạm đáng tiếc. Sự “nhịn” này thể hiện sự khéo léo, tinh tế của mỗi con người, người khôn ngoan luôn xử lí vấn đề lúc bình tĩnh, kẻ hiếu thắng thì cố gắng tranh chấp dành phần đúng về mình. Mỗi con người khi biết nhẫn nhịn sẽ làm chủ được tình huống, làm chủ được mối quan hệ từ đó giúp mọi chuyện đi theo hướng tốt đẹp hơn. Nhịn cũng không có nghĩa là nhu nhược, hèn nhát, khi cần vẫn phải biết đấu tranh để thắng cái ác, cái phi lí. Chúng ta nên biết áp dụng câu nói này đúng lúc, đúng chỗ, và đúng sự việc, không nên nhẫn nhịn với tội phạm, để chúng có cơ hội phát triển lọt lưới pháp luật. Nhịn như vậy chẳng những không lành cho bản thân về lâu dài mà còn để hoạ cho xã hội. Để học được chữ “nhịn” thực sự là rất khó, ta cần phải biết im lặng những lúc cần thiết. Lắng nghe để thấy mình đúng và sai ở đâu để lần sau rút kinh nghiệm, nghe để người khác cảm thấy họ được tôn trọng. Để có được cuộc sống bình an và tốt đẹp ta cần phải nỗ lực rất nhiều. Hãy nỗ lực hoàn thiện bản thân mình thật tốt để trở thành người công dân có ích cho xã hội.

4. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 4

Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi sự va vấp khiến bản thân khó xử. Tuy nhiên thay vì tranh cãi, hơn thua, ta nên chọn cách im lặng để bình tĩnh rồi mới đưa ra cách xử lí vấn đề, bởi lẽ: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Khi gặp sự nóng nảy của người khác; bị người khác đối xử không tốt hoặc cố ý làm hại mình thì không nên làm lớn chuyện hoặc phản kháng quá mức mà nên chọn cách im lặng để bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết êm đẹp thì mới có được sự bình yên, an lành. Câu nói mang ý nghĩa: trước sự nóng giận, nông nổi của người khác, mỗi con người cần biết kiềm chế bản thân mình để tránh những hậu quả không hay và giữ cho mọi thứ bình yên. Sự “nhịn” này thể hiện sự khéo léo, tinh tế của mỗi con người, người khôn ngoan luôn xử lí vấn đề lúc bình tĩnh, kẻ hiếu thắng thì cố gắng tranh chấp dành phần đúng về mình. Mỗi con người khi biết nhẫn nhịn sẽ làm chủ được tình huống, làm chủ được mối quan hệ từ đó giúp mọi chuyện đi theo hướng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, người biết nhường nhịn là người có bản lĩnh và được người khác tôn trọng. Nếu con người không có tính nhường nhịn thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không hay xảy ra. Nhường nhịn là một đức tính tốt đẹp của con người, phản ánh nhân cách của người đó. Là một người học sinh, một người trẻ, chủ nhân của đất nước, chúng ta cần phải biết nhường nhịn, bình tĩnh trong mọi tình huống để có thể xử lí tốt vấn đề cũng như cố gắng rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình theo chiều hướng tích cực để có được một cuộc sống tốt nhất. Mỗi người chỉ được sống một lần, hãy sống thật đẹp, thật trọn vẹn và để lại nhiều tiếng thơm cho đời.

5. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 5

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không khỏi xảy ra những tranh cãi, quan điểm trái chiều nhau. Tuy nhiên, mỗi người lại có một cách giải quyết, xử lí những quan điểm trái chiều đó một cách khác nhau. Để khuyên nhủ con người ta không nên nóng giận dù có chuyện gì xảy ra, người xưa đã có câu: “Một điều nhịn, chín điều lành”.

Khi chúng gặp sự nóng nảy của người khác; bị người khác đối xử không tốt hoặc cố ý làm hại mình thì không nên làm lớn chuyện hoặc phản kháng quá mức mà nên chọn cách im lặng để bình tĩnh và nghĩ cách giải quyết êm đẹp, ấy chính là “một điều nhịn”. Chín điều lành mang ý nghĩa chỉ sự bình yên, an lành. Câu nói khuyên nhủ con người ta: trước sự nóng giận, nông nổi của người khác, cần biết kiềm chế bản thân mình để tránh những hậu quả không hay và giữ cho mọi thứ bình yên.

Mỗi con người khi biết nhẫn nhịn sẽ làm chủ được tình huống, làm chủ được mối quan hệ từ đó giúp mọi chuyện đi theo hướng tốt đẹp hơn. Không phải ai cũng biết nhường nhịn nên người biết nhường nhịn là người có bản lĩnh và xứng đáng được người khác tôn trọng. Trong cuộc sống, nếu chúng ta không có tính nhường nhịn thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không hay xảy ra. Những cuộc cãi vã, xô xát sẽ trở thành bạo lực và làm rạn nứt tình cảm con người. Nhường nhịn là một đức tính tốt đẹp mà mỗi con người nên rèn luyện.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người sống với bản ngã, tính hiếu thắng của mình, nóng nảy, tức giận trong mọi trường hợp; sẵn sàng cãi vã đến cùng để dành phần thắng. Tính cách này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường với chính người đó và những người này đáng bị chỉ trích, phê phán.

Mỗi con người được tự lựa chọn cho mình cách sống, cách cư xử với người khác. Hãy luôn bình tĩnh trong mọi trường hợp, suy nghĩ kĩ càng trước khi nói và hành động để sau này không phải hối tiếc với những gì bản thân mình đã làm ra.

6. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 6

Từ xưa, ông cha ta luôn có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ giáo dục con người cách sống sao cho tốt đẹp, con cái phải có hiếu với cha mẹ, học trò phải có nghĩa với thầy cô, đối với những người xung quanh thì phải sống nhẫn nhịn. Câu tục ngữ “một điều nhịn là chín điều lành” cũng dạy chúng ta cách sống đó.

Sở dĩ, xung quanh ta có rất nhiều mối quan hệ, có những mối quan hệ thân thiết và có những mối quan hệ chỉ mang tính chất xã giao. Có một thực tế là, con người ta ai cũng coi bản thân mình là nhất. Trong các cuộc thảo luận, tranh luận, ai cũng cố gắng bảo vệ ý kiến của mình bằng mọi cách, ai cũng cho rằng mình đúng, không ai nhận sai thì kết quả là buổi thảo luận không thành công, mọi người không hài lòng về nhau vì chưa đưa ra được ý kiến thống nhất. Lời khuyên dành cho chúng ta trong tình huống đó là “một điều nhịn là chín điều lành”

“Nhịn” là biểu hiện của đức tính biết nhẫn nại và khiêm tốn, những người biết nhịn là những người luôn biết lắng nghe người khác và biết nói đúng lúc, đúng chỗ. “Lành” là kết quả tốt đẹp, hài hòa, tốt cho tất cả mọi người. Chỉ một lần nhịn thôi, bạn sẽ nhận lại được rất nhiều những điều tốt đẹp, ngoài ý muốn. Ở lứa tuổi của tôi và các bạn, chúng ta đang cố gắng khẳng định cái tôi của mình rằng ta đã trưởng thành, ta đủ lớn để quyết định cuộc sống của ta. Về với gia đình, bố mẹ nhiều khi quan tâm đến ta một cách thái quá ví dụ như nói nhiều, hỏi nhiều, những lúc đó theo bản năng chúng ta có thể cãi lại lời bố mẹ để bảo vệ quan điểm của mình. Có những cuộc cãi vã làm cho mối quan hệ của bố mẹ và con cái trở nên căng thẳng, bởi vì không hiểu nhau và không ai lắng nghe ai. Lời khuyên dành cho bạn là, những lúc bố mẹ nóng giận bạn hãy nhịn, chỉ lắng nghe thôi bạn nhé! Bố mẹ nói xong, dù đúng hay sai thì hôm sau ta sẽ nói chuyện lại với họ, khi đó chắc chắn họ sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn, mà mối quan hệ vẫn tốt đẹp.

Trên lớp, mỗi khi thầy cô nói bạn sai hoặc bạn bè của bạn không đồng ý với ý kiến của bạn, bạn hãy bình tĩnh lắng nghe và phân tích tình huống, đừng vội cãi lại hoặc tỏ thái độ không hài lòng, điều đó sẽ làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng và sẽ không có lợi cho bạn. Nếu bạn biết nhẫn nhịn thì mọi lời nói, hành động bạn đều có thể kiểm soát được. Từ đó, bạn sẽ làm chủ các mối quan hệ và những người xung quanh bạn sẽ nể phục và yêu mến bạn. Bởi nếu ai cũng cố gắng cho mình là nhất và cố gắng bảo vệ cái tôi của mình thì sẽ khiến mọi người căng thẳng với nhau và làm rạn nứt các mối quan hệ.

“Một điều nhịn là chín điều lành” là một triết lý sống mà chúng ta cần phải rèn luyện từng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi. Để học được chữ “nhịn” thì thực sự là rất khó, bởi vì bạn phải biết im lặng những lúc cần thiết, con người ta vốn thích nói hơn thích nghe, nhưng thực tế thì chúng ta có 2 cái tai và chỉ có 1 cái miệng mà thôi, điều đó có nghĩa là chúng ta phải nghe nhiều hơn nói. Nghe để thấy mình đúng và sai ở đâu để lần sau rút kinh nghiệm, nghe để người khác cảm thấy họ được tôn trọng. Nếu bạn làm được điều đó, bạn chắc chắn sẽ là người thành công!

7. Suy nghĩ về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Mẫu 7

Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn coi trọng hoà khí “Dĩ hoà vi quý". Vì vậy, trước những sự xích mích, trước những điều bực bội, dân gian thường nhắc nhở nhau: “Một điều nhịn, chín điều lành”. “Một” và “chín” chỉ là những con số ước lệ, chúng thể hiện quan niệm của dân gian về mối quan hệ giữa tính nhẫn nhịn và sự bình yên: nếu biết nhẫn nhịn một chút thì sẽ có được hoà khí, sự yên bình lâu dài. Ý cả câu khuyên con người nên bình tĩnh, biết nhẫn nhịn, tránh nóng nảy để giữ hoà khí. Ở đây, ta cần hiểu “nhịn” không có nghĩa là thua kém, mà là nhường nhịn, im lặng, lùi một bước; nhịn khi người khác không đủ bình tĩnh, tỉnh táo.

Trong cuộc sống, chỉ có kẻ tầm thường, tiểu nhân mới không biết nhường nhịn, hay so đo, chấp vặt. Bạn đang đi ngoài đường, bất chợt có người sấn sổ lại mắng bạn tới tấp vì những lí do bạn không hiểu nổi. Kẻ tầm thường sẽ nóng nảy đối lại, đôi bên to tiếng không ai chịu ai có thể xảy ra xô xát. Người biết nhẫn nhịn sẽ chờ người kia bình tĩnh lại, hỏi đầu đuôi sự việc, tìm ra những nhầm lẫn để giải quyết. Làm như vậy không những tránh được xô xát mà còn giành được sự tôn trọng, vị nể của người khác.

Nhưng “nhịn” cũng không có nghĩa là nhu nhược, hèn nhát, khi cần vẫn phải biết đấu tranh để thắng cái ác, cái phi lí. Trong cơ quan, công sở, là nhân viên biết rõ những hành vi phi pháp, tham ô, nhận hối lộ của cấp trên, sẽ có người im lặng không dám tố cáo. Đó là biểu hiện của sự nhu nhược, hèn nhát. “Nhịn” như vậy chẳng những không lành cho bản thân về lâu dài mà còn để hoạ cho xã hội. Lại có khi, trong cuộc sống, bạn bị một người khác, một thế lực khác khống chế về mặt nào đó chẳng hạn như tống tiền, bạo lực gia đình,… nêu bạn im lặng, không dám tố cáo, đấu tranh thì bạn sẽ phải gánh chịu những hậu quả thật tồi tệ. Tình cảnh đất nước ta trong một thời gian dài lịch sử cũng là một minh chứng sinh động cho điều này. Giặc phương Bắc xâm lược, đô hộ hơn một ngàn năm, thực dân Pháp, đế quốc Mĩ xâm chiếm áp bức, bóc lột,… nếu dân ta cứ nuốt nhục mà không đứng dậy khởi nghĩa, đánh đuổi lũ xâm lăng thì ngày nay hỏi nước ta sẽ đi đến đâu? Vậy là, “Một điều nhịn, chín điều lành” nhưng cần hiểu rõ bản chất đích thực của từ “nhịn” ở đây để tránh những điều đáng tiếc.

---------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Một sự nhịn chín sự lành". Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Suy nghĩ của em về hiện tượng thích đọc truyện tranh của giới trẻ hiện nay

Đánh giá bài viết
12 25.681
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm