Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình II

Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình II là tài liệu tham khảo gồm dàn ý hướng dẫn chi tiết và những bài văn mẫu hay nhất giúp các em ôn luyện đạt kết quả cao.

Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong Tự tình II

1. Dàn ý chung Tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình II

1.1 Dàn ý Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ Tự tình 2.

2. Thân bài

a. 2 câu đầu

Thời gian: đêm khuya, vắng vẻ, tĩnh lặng.

Không gian: tiếng trống dồn canh, nữ thi sĩ lẻ loi, đơn chiếc một mình.

Âm thanh: “văng vẳng”: lấy động tả tĩnh nhằm nhấn mạnh sự tĩnh lặng của đêm khuya.

“Trơ”: từ tượng hình mạnh mẽ diễn tả nỗi cô đơn, lẻ bóng pha chút cay đắng của người phụ nữ lẻ loi trong chính tình cảm của mình với một trái tim khao khát yêu thương.

b. 2 câu tiếp

“say lại tỉnh” trong nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy người phụ nữ đã tìm đến chén rượu để giải sầu nhưng rượu không những không làm cho bà say mà còn khiến cho bà thêm tỉnh táo hơn, sự bất hạnh của cuộc đời lại hiện ra rõ nét hơn.

“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”: Mượn hình ảnh ánh trăng để nói về chuyện tình cảm còn dang dở, chưa được trọn vẹn của mình.

→ Con người chơi vơi giữa một thế giới mênh mông hoang vắng - bất lực trước nỗi cô đơn trơ trọi của chính mình.

c. 2 câu tiếp

Động từ mạnh “xiên ngang, đâm toạc”: mạnh mẽ pha chút ngang ngược, độc lập → khát vọng “nổi loạn”: phá tung đạp đổ tất cả những trói buộc đang đè nặng lên thân phận mình.

“rêu từng đám, đá mấy hòn” ít ỏi nhỏ nhoi trên nền không gian rộng lớn mênh mông của chân mây mặt đất.

→ Nghệ thuật đảo ngữ diễn tả cá tính mạnh mẽ của tác giả trước số phận lẻ loi đơn chiếc của mình.

d. 2 câu cuối

“Ngán” tâm trạng chán chường.

“xuân đi xuân lại lại”: sự tuần hoàn của tự nhiên nhưng trong bối cảnh cô đơn của tác giả, sự tuần hoàn, trôi chảy này dường như thêm trở nên vô nghĩa. “Xuân” cũng chính là tuổi trẻ của nữ thi sĩ đang trôi đi lững lờ, khao khát tình yêu nhưng không có được tình yêu.

“Mảnh tình san sẻ tí con con”: mối tình duyên nhỏ bé của riêng mình nhưng phải san sẻ với người khác khiến cho mảnh tình ấy càng thêm nhỏ bé chẳng còn đáng bao nhiêu để sưởi ấm trái tim thi sĩ.

→ Nỗi bất hạnh, buồn sầu của thi sĩ đồng thời thể hiện niềm khát khao hạnh phúc trong tình yêu.

e. Khái quát chung

Nội dung: thể hiện tâm trạng vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của nữ thi sĩ.

Nghệ thuật: đảo ngữ, sử dụng từ ngữ táo bạo,…

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

1.2 Dàn ý Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình mẫu 2

I. Mở bài:

- Giới thiệu chung: Hồ Xuân Hương là một nhà thơ lớn của Việt Nam thời kì trung đại, bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm

- Giới thiệu về bài thơ "Tự tình 2"

II. Thân bài:

Bài thơ thể hiện nỗi buồn và tâm sự của nhà thơ về số phận lẻ loi của mình và niềm khát khao được hạnh phúc, được quân tử yêu thương.

* Hai câu đề:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non"

- Hoàn cảnh: giữa đêm khuya, hao thức, nghe tiếng trống dồn dập sang canh

- Thấy mình cô độc giữa cuộc đời.

- Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ mạnh, nghe thật thấm thía

* Hai câu thực:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn"

Nói lên suy nghĩ của nhà thơ:

- Buồn, uống chén rượu để quên nhưng càng uống càng tỉnh, tỉnh lại càng buồn hơn. (Hình ảnh người con gái lấy chính mình ra làm đồ nhắm)

- Nhìn trăng thấy trăng đã xế bóng mà lại chưa tròn. Vầng trăng như là thân phận của nhà thơ"Khuyết chưa tròn": Chưa tuyệt vọng vẫn còn ấp ủ niềm hi vọng.

* Hai câu luận:

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn"

- Mở rộng tầm nhìn: những đám rêu trên mặt đất, mấy hòn đá phía chân trời. Những hình ảnh rất thực, ước lệ.

- Cái nhìn khoẻ khoắn. Có một sự phản kháng, sự vươn lên để khẳng định chỗ đứng của mình.

* Hai câu kết:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con."

- Từ thiên nhiên xung quanh, nhìn lại bản thân mình, cảm thấy ngán nỗi, buồn cho mình, nghịch lí.

- Thời gian cứ trôi qua xuân đi xuân lại lại, một sự tuần hoàn liên tục nghe mà ngán ngẩm cho duyên phận của mình. Tuổi xuân trôi qua ma lại không có tình duyên trọn vẹn.

- Sự chia sẻ ít ỏi

- Một nỗi buồn chán và thất vọng.

III. Kết bài:

- Một bài thơ chứa đựng nỗi buồn và niềm khát khao chân thành

- Trong nền thơ trung đại, lần đầu tiên mới có một người phụ nữ dám nói lên điều ấy

2. Bài văn mẫu tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II hay nhất

Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài thơ Tự tình 2 mẫu 1

Hình ảnh người phụ nữ luôn là đề tài quen thuộc khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ. Viết về đề tài người phụ nữ, cụ thể hơn là viết về cuộc sống của chính mình, Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương đã mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực nhất về hình ảnh người phụ nữ cùng số phận của họ trong xã hội cũ qua bài thơ Tự tình 2.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh đêm khuya tĩnh mịch:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non

Thời gian được Hồ Xuân Hương dùng để miêu tả, khắc họa tâm trạng của mình chính là vào đêm khuya, vắng vẻ, tĩnh lặng, khi mà trong không gian chỉ có tiếng trống dồn canh vang lên trong đêm tĩnh mịch, khi mà nữ thi sĩ lẻ loi, đơn chiếc một mình. Cái thứ âm thanh văng vẳng ấy, cái nghệ thuật lấy động tả tĩnh càng làm nhấn mạnh sự tĩnh lặng của đêm khuya. Không những thế, từ tượng hình “Trơ” cũng đã mạnh mẽ diễn tả nỗi cô đơn, lẻ bóng pha chút cay đắng của người phụ nữ lẻ loi trong chính tình cảm của mình với một trái tim khao khát yêu thương. Thời gian vẫn đang chảy trôi, còn người phụ nữ thì lại chìm đắm trong một cảm giác xót xa, buồn tủi. Người phụ nữ ấy biết được giá trị của mình là hồng nhan, nhưng xưa nay, “hồng nhan bạc mệnh”, càng nhận thức về nhân cách và phẩm giá của mình bao nhiêu thì lại càng thêm ngậm ngùi, cay đắng bấy nhiêu.

Hai câu thơ tiếp theo vẫn tiếp tục bộc bạch tâm trạng, hiện trạng của người con gái ấy:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Thông thường, con người tìm đến rượu khi người ta cảm thấy đau khổ, bế tắc, thất vọng để nó trở thành một liều thuốc làm khuây khỏa tâm hồn. Trong nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy người phụ nữ đã tìm đến chén rượu để giải sầu nhưng rượu không những không làm cho bà say mà còn khiến cho bà thêm tỉnh táo hơn, sự bất hạnh của cuộc đời lại hiện ra rõ nét hơn khiến cho người con gái ấy thêm giằng xé, đau đớn hơn. Hồ Xuân Hương đã khéo léo mượn hình ảnh ánh trăng để nói về chuyện tình cảm còn dang dở, chưa được trọn vẹn của mình. Ai cũng mong muốn cuộc sống của mình được trọn vẹn, tròn đầy như ánh trăng, nhưng ánh trăng hiện hữu trước mắt nữ thi sĩ lại là vầng trăng khuyết, cũng giống như bà đang thiếu đi rất nhiều phần sức sống trong tâm hồn mình. Người con gái ấy chơi vơi giữa một thế giới mênh mông hoang vắng - bất lực trước nỗi cô đơn trơ trọi của chính mình.

Hai câu thơ tiếp theo là hình ảnh ngang tàng của thiên nhiên hay tính cách ương ngạnh của người phụ nữ:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn

Động từ mạnh “xiên ngang, đâm toạc” rất mạnh mẽ pha chút ngang ngược, độc lập cũng giống như khát vọng muốn “nổi loạn”, phá tung đạp đổ tất cả những trói buộc đang đè nặng lên thân phận mình của nữ thi sĩ. Rêu từng đám, đá mấy hòn gợi lên hình ảnh ít ỏi, nhỏ nhoi, trơ trụi trên nền không gian rộng lớn mênh mông của chân mây mặt đất. Những sinh vật tưởng như nhỏ nhoi, yếu đuối thành những thứ đầy sức sống, vươn lên đầy thách thức với đời. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu thơ luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của thân phận đất đá cỏ cây, cũng là sự phẫn uất của tâm trạng nữ thi sĩ.

Khép lại bài thơ là hình ảnh rất “xuân”:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Tính từ “ngán” được đảo lên đầu câu thể hiện tâm trạng chán chường trước sự tuần hoàn của tự nhiên, của mùa xuân. Trong bối cảnh cô đơn của tác giả, sự tuần hoàn, trôi chảy này dường như thêm trở nên vô nghĩa. “Xuân” ở đây cũng chính là tuổi trẻ của nữ thi sĩ đang trôi đi lững lờ, khao khát tình yêu nhưng không có được tình yêu. Mối tình duyên nhỏ bé “tí con con” của riêng mình nhưng phải san sẻ với người khác khiến cho mảnh tình ấy càng thêm nhỏ bé chẳng còn đáng bao nhiêu để sưởi ấm trái tim thi sĩ. Điều ấy đối với một người bình thường đã là ít ỏi lắm rồi thì với một người bản lĩnh như Hồ Xuân Hương lại càng khó chấp nhận. Ý thức cá tính khiến tình cảnh trở nên éo le, xót xa và tội nghiệp hơn. Câu thơ được viết nên từ tâm trạng của một người mang thân đi làm lẽ nhưng có tầm khái quát cao hơn để trở thành tiếng nói cho tất cả những người phụ nữ phải chịu kiếp “lấy chồng chung” trong xã hội bấy giờ.

Bài thơ khép lại với nỗi cay đắng, bất hạnh trong tình yêu của một nữ thi sĩ, một người con gái tài sắc vẹn toàn với cá tính nổi bật càng làm cho thêm đồng cảm, xót thương hơn. Nhiều năm tháng qua đi nhưng chất riêng trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn còn đó, vẫn làm lay động bao trái tim bạn đọc và để lại ấn tượng mạnh khó có thể xóa nhòa.

Bài văn mẫu Tâm sự của hồ xuân hương trong bài thơ tự tình II ngắn gọn mẫu 2

Trong hệ thống những bài thơ mang chứa tâm sự của Hồ Xuân Hương, "Tự Tình" là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn thầm thía của người yêu đời, tràn đầy sức sống nhưng gặp những cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng gặp toàn dang dở bất hạnh. Đó là sự bất hạnh của một ước mơ không thành.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió (nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX), Hồ Xuân Hương là người chứng kiến và phần nào chịu ảnh hưởng của không khí sôi sục của phong trào quần chúng đòi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Không khí ấy tác động đến tâm hồn vốn thông minh và giàu lòng trắc ẩn của bà. Bà uy nghiêm, thức tỉnh, trắc trở về đời mình, một cuộc đời đầy éo le, bạc phận, lấy chồng hai lần, hai lần làm lẻ và hai lần chồng đều chết sớm. Điều đó, với bà là những biểu hiện cụ thể, đầy nước mắt của nỗi đau "hồng nhan bạc phận".

Mở đầu bài thơ Tự tình, tác giả gợi ra một khoảng thời gian, một góc xao xác tiếng gà. Đây là một thứ không gian, thời gian nghệ thuật được vận dụng làm cho sự thổ lộ tâm trạng tác giả:"canh khuya văng vẳng trống canh dồn". "Văng vẳng" chính là từ tượng thanh nhưng ở đây nó biểu thị tâm trạng, không khí, cái không khí buồn vắng lặng của một người thao thức giữa đêm khuya thanh vắng. Câu thứ hai nhức nhói một tâm sự :

"Trơ cái hồng nhan với nước non"

Hay nhất của câu thơ thứ hai là từ "trơ". Trơ là trơ trọi, cô đơn, lẻ loi. Nhà thơ cảm nhận nỗi buồn hồng nhan. Một nỗi buồn cá thể càng kinh khủng hơn khi cọ xát với toàn xã hội, toàn cuộc đời: "nước non". Một nỗi buồn đè nặng lên tâm sự bà, lên số phận của người phụ nữ. Không chịu đựng nổi, bà muốn chống lại, thoát khỏi. " Chén rượu hương đưa" là một phương tiện. không phải là phương tiện duy nhất mà hầu như là cuối cùng cho một đè nén quá mức. Thế nhưng, bi kịch vẫn cứ là bi kịch :

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh"

Câu thơ nữ sĩ gợi nhớ một câu thơ đầy trầm tư của Lý Bạch :

"Dùng gươm chém nước, nước chẳng dứt
Uống rượu tiêu sầu, sầu vẫn sầu".

Bất lực, câu thơ chuyển sang một sự cám cành si tình. Hồ Xuân Hương nói :

"Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn".

Trong quan điểm thẩm mỹ xưa, vầng trăng tượng trưng cho cuộc đời, tuổi tác của người phụ nữ. Câu "vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" vừa là hình ảnh đẹp, có thực nhưng đượm buồn. Cái buồn của một "vầng trăng khuyết". Đối với thơ xưa cảnh là tình, cảnh trăng khuyết man mác, gợi nhớ cuộc đời bà. Trong "mời trầu" bà đã ẩn ý như vậy.

Sang câu 5, 6 tứ thơ như đột ngột chuyển biến. sự cụ thể trong miêu tả khiến việc tả cảnh trở nên thuần khuyết. Một cảnh thực hoàn toàn :

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn".

Nghệ thuật đảo ngữ và đối tạo nên sự sinh động và cảnh đầy sức sống. Một sức sống của bà như vẫy đạp, cựa mình. Cảnh này chỉ có thể là cảnh của "bà chúa thơ Nôm" chứ không phải của ai khác. Rò ràng, dẫu đang rất buồn, rất cô đơn nhưng điều đó vẫn không làm suy giảm chất riêng của Hồ Xuân Hương. Bản lĩnh, sức sống mãnh liệt, sự khát khao với cuộc đời khiến cho lòng đầy cám cảnh bà vẫn nhìn cảnh vật với con mắt yêu đời, tha thiết, chứa chan sức sống. Đó là lý giải về những phản kháng, đối nghịch trong bản chất của bà, tạo nên những vần thơ châm biến đối lập. Vũ khí ấy hơn hẳn chén rượu "say rồi tỉnh". Đó là phương tiên kỳ diệu nâng đỡ tâm hồn bà. Chỉ như thế mới có thể hiểu tâm trạng, tiếng thở dài của Hồ Xuân Hương, ở hai câu kết :

"Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!".

Yêu đời là thế, sức sống mãnh liệt là thế, mà cuộc đời riêng thì vẫn:"xuân đi xuân lại lại.", điệp từ chỉ cái vòng luẩn quẩn đáng ghét, vô vị của ngày tháng, cuộc đời. Điều này khiến bà không tránh khỏi một tiếng thở dài chua xót. Càng chua xót hơn khi giữa cái tuần hoàn thời gian ấy là một "mảnh tình" đang bị san đi, sẻ lại... chia xới. Đối với trái tim thiết tha với đời kia, điều đó như một vết thương, nhức nhối.

Người ta nói rằng thơ là tâm trạng, là một bức thông điệp thẩm mĩ. Đọc "tự tình", ta thấu hiểu tâm sự ẩn chứa bi kịch của Hồ Xuân Hương. Là một nhân cách luôn khát khao hạnh phúc, là một tâm hồn tràn đầy sức sống, yêu đời lại bắt gặp toàn những dang dở, bất hạnh, điều đó tạo nên thơ bà có khi là một tiếng thở dài. Một tiếng thở đáng quý của một người có hoài bão nhưng không thể thực hiện được, trách nhiệm là ở phía xã hội phong kiến, một xã hội mà hạnh phúc riêng đã đối lập gay gắt với cơ cấu chung, trong chiều hướng ấy, "tự tình" là một bà thơ đòi quyên hạnh phúc, một lời phản kháng độc đáo lại chứa chan tiếng nói bênh vực của người phụ nữ, tạo được sự thấu hiểu , đồng cảm với cảnh ngộ éo le, trắc trở.

Bài văn mẫu Tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II mẫu 3

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt trong văn học trung đại Việt Nam. Đặc biệt vì đó là một nữ thi sĩ, mà nữ thi sĩ ấy lại có một lối làm thơ khác thường, không giống như những nữ thi sĩ khác như bà Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan. Có lẽ hơn bất kì một nhà thơ nào khác, bạn đọc khi đến với thơ Xuân Hương đều cảm nhận một cách sâu sắc thế giới tâm hồn của người phụ nữ làm thơ trong xã hội phong kiến có nhiều bất công. Chính vì vậy mà tuy chủ đề phong phú nhưng thơ Xuân Hương nhất quán một cảm hứng nhân văn: Tinh thần thương yêu trân trọng người phụ nữ, tâm hổn nồng nhiệt với cuộc sống, với thiên nhiên và thái độ phủ định quyết liệt thế lực thống trị tinh thần (đạo đức, lễ giáo phong kiến), thế lực thống trị xã hội (vua chúa, quan lại, tăng lữ, nam giới).

Trước hết, Xuân Hương là nữ thi sĩ rất có ý thức về giá trị và quyền sống của người phụ nữ. Thơ bà là tiếng nói đẻ cao và ca ngợi về người phụ nữ. Bà đã dành những câu thơ dịu dàng, tươi thắm và mĩ lệ nhất để nói về đề tài này:

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình

Chị cũng xinh, mà em cũng xinh

Đôi lứa in như tờ giấy trắng

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

(Đề tranh tố nữ)

Không chỉ ca ngợi tuổi trẻ tươi mát, trắng trong của các cô gái đang xuân, Xuân Hương còn ca ngợi cái cơ thể đẹp của người phụ nữ trong bài Thiếu nữ ngủ ngày:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

Trong văn học trung đại, Nguyễn Du cũng đã từng miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều như một tòa thiên nhiên trong trắng, ngọc ngà. Nhưng chỉ có Xuân Hương mới có những câu thơ thể hiện sức sống tràn xuân căng nhựa của người thiếu nữ. Vẻ đẹp ấy hãy còn đang e ấp, tinh khôi, trinh nguyên, chưa chút gì vẩn bợn.

Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ cũng là một nội dung quan trọng trong thơ Xuân Hương. Nếu như ở bài Bánh trôi nước, tác giả vừa ca ngợi vẻ đẹp bên ngoài lẫn phẩm chất thủy chung, son sắt của người phụ nữ:

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Thì đến Ốc nhồi, Quả mít... bà lại có cách thể hiện khác. Tuy “Thân em như quả mít trên cây... vỏ nó xù xì, múi nó dày...” nhưng thấy rõ cái tráo trở của đàn ông, nhân vật trữ tình sẵn sàng xù gai nhắn nhủ họ nên đứng đắn thêm nữa đối với ái tình, đừng có ỡm ờ trêu hoa ghẹo nguyệt:

Quân tử cố yêu thì đóng cọc

Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Bên cạnh việc đề cao ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương còn thông cảm và bênh vực họ, chỉ ra sự bất công của xã hội đối với họ.

Nếu bài Lấy chồng chung là lời phẫn uất, nguyền rủa chế độ đa thê của xã hội phong kiến khiến cho Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng thì bài thơ Không chồng mà chửa lại là tiếng nói bênh vực người phụ nữ ở phương diện lỡ làng:

Cả nể cho nên sự dở dang

Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng!

Trong những câu thơ của mình, Xuân Hương còn trình bày cảnh khổ của người phụ nữ ở nhiều phương diện như: Cảnh muộn chồng, góa bụa, vất vả trong cuộc sống vì chồng con:

Hỡi chị em ơi có biết không

Một bên con khóc, một bên chồng?

Nhưng trên hết, có lẽ người đọc không thể quên được người từng có những tâm sự chua chát về số phận:

Chiếc bánh buồn về phận nổi nênh

Giữa dòng ngao ngán nổi lênh đênh.

Lại luôn tự tin ở mình:

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!.

Và sắc sảo khẳng định:

Sáng mồng một lòng then tạo hóa,

Mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân nào!

Viết về người phụ nữ trong xã hội cũ không phải là nhiều, song sự thực cũng không hiếm tài năng ở đề tài này. Nhưng Xuân Hương đã có cái vinh dự của phụ nữ phải chẳng một phần xuất phát từ những nội dung trên? Xuất phát từ cuộc đời riêng: muộn chồng, lận đận trong tình duyên cộng với tấm lòng đồng cảm và cá tính sắc sao cho đến ngày nay thơ Xuân Hương vẫn đang là những vần thơ rất mới về người phụ nữ.

Đọc thơ Xuân Hương, ta còn cảm nhận được một tâm hồn nồng nhiệt với cuộc sống, giàu biểu tượng phồn thực và cảnh thiên nhiên thì hữu tình, phơi bày vẻ đẹp đầy ấn tượng:

Trời đất sinh ra đá một chòm

Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom...

(Hang Cắc Cớ)

Hay:

Cầu trắng phau phau đôi ván ghép

Nước trong leo lẻo một dòng thông.

Xuân Hương tả về cái giếng thật, nhưng ta còn cảm nhận được hình ảnh cái giếng thanh tân ở thời điểm dậy thì của người con gái. Ngay cả khi vịnh đèo Ba Dội, nghĩa thực và nghĩa biểu tượng, giọng thơ nghiêm trang mực thước của luật Đường và tiếng thơ thôn dã, sôi nổi khó có thể tách bạch đâu hơn đâu kém:

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

(Qua đèo Ba Dội)

Dường như mỗi chữ, mỗi vần, mỗi hình ảnh thơ đều mang một sức sống dào dạt, một tấm lòng sôi nổi. Qua đó Xuân Hương đã thể hiện lòng yêu đời, yêu cuộc sống mãnh liệt của mình.

Đọc thơ Xuân Hương, ta còn cảm nhận được thái độ quyết liệt phủ định thế lực thống trị tinh thần (đạo đức, lễ giáo phong kiến), thế lực chính trị xã hội (vua chúa, quan lại, tăng lữ, nam giới).

Loại người đầu tiên mà Xuân Hương vạch mặt chửi thẳng là bọn vua chúa, “hiền nhân quân tử”. Đây là bọn có quyền chức nhưng lại sống rất phàm tục. Chúng thường lấy luân lí, đạo đức của thánh hiền ra để che đậy cho những hành vi phàm tục của mình. Qua bài Vịnh cái quạt (I, II), sau khi miêu tả cái quạt bằng phương pháp tượng trưng, Xuân Hương đã chế giễu và chỉ thẳng thói dâm ô của chúng:

Chúa dấu vua yêu một cái này!

Không những thế, Xuân Hương còn hạ uy thế của bọn chúng bằng cách đặt bọn chúng vào những tình thế khó xử:

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở, ở không xong.

(Thiếu nữ ngủ ngày)

Vậy là sau khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ trong giấc ngủ trưa, Xuân Hương đã chỉ thẳng sự thèm muốn của bản chất dâm ô được che đậy bằng vẻ uy nghi của bọn người quân tử. Xuân Hương còn tỏ thái độ khinh miệt đối với bọn nho sĩ rởm. Bà đưa bọn chúng ra chế giễu sự dốt nát:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ.

(Lũ ngẩn ngơ)

Tóm lại, đối với vua chúa và bọn người hiền nhân quân tử, Xuân Hương đã đứng trên lập trường trần thế để phê phán chúng. Bà quan niệm: đã là người ai cũng như ai, vua chúa không phải cái gì cao siêu, không phải là thần Phật mà trốn thoát cuộc đời, cần sống thật và sống là một con người với những khát khao chính đáng, đừng đem luân lí đạo đức ra để che giấu cho những việc làm của mình. Chính vì vậy mà bà đã vạch bộ mặt giả đạo đức, thói dâm ô của bọn chúng.

Có nhà phê bình gọi Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm (Xuân Diệu); có người còn gọi Xuân Hương là nhà thơ độc đáo vô song... Xuân Hương trước hết là nhà thơ của con người. Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến nước ta lúc bấy giờ, Xuân Hương đã dám bộc lộ chính kiến của mình về vẻ đẹp con người, vẻ đẹp của người phụ nữ với nghĩa đầy đủ nhất của từ này; khẳng định những khát khao chính đáng của con người; phê phán những gì là giả tạo, khuôn sáo, gò ép. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng thay!

Bài văn mẫu Tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II mẫu 4

Có một người phụ nữ được người ta gọi là “Bà chúa thơ Nôm”, là “thiên tài và kỳ nữ”, người đã vượt qua mọi cuộc tranh luận xưa nay, tự mình đứng sừng sững trong làng thơ Việt Nam với một di sản không phải là nhiều nhưng vô cùng đặc sắc, người phụ nữ ấy chính là Hồ Xuân Hương. Người đời nhớ đến nữ thi sĩ họ Hồ ở cái cười phá phách nhưng cũng không thể quên một người đàn bà với số phận bất hạnh và những nỗi niềm riêng sâu kín buồn tủi. Bài thơ Tự tình (II) cũng là một trong số những bài thơ thể hiện tâm trạng ấy:

“Đêm khuy văng vẳng trống canh dồn

...

Mảnh tình san sẻ tí con con."

Tình duyên đã trở thành trò đùa của con tạo để người trong cuộc càng say thì lại càng tỉnh

“Tự tình II” ở trong số những bài thơ mà Hồ Xuân Hương bộc lộ trực tiếp cái tôi đầy xúc cảm trong nỗi niềm riêng éo le, ngang trái. Bài thơ mở đầu với một không - thời gian:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”

Thời gian là đêm khuya, khi mọi vật đã chìm trong bóng đêm. Trong thời điểm ấy, vạn vật trở nên tĩnh lặng, không gian trở nên hoang vắng, đủ để nghe thấy tiếng trống canh từ nơi xa vọng lại. Đó là một thứ âm thanh được cảm nhận rất hay. Là “văng vẳng” có nghĩa là nó được vọng lại từ một nơi rất xa xôi, dường như âm thanh tiếng trống canh chỉ nghe thấy thấp thoáng theo từng cơn gió thổi và người nghe phải lắng tai lắm mới nghe được. Vậy nhưng vẫn đủ để nhận ra nhịp dồn dập của nó. Tiếng trống canh báo hiệu một thời khắc nữa của thời gian trôi qua, nó như có gì đó nhắc nhở, có gì đó thúc giục người đang thao thức. Mà người thao thức ấy lại là một người phụ nữ, đa sầu, đa cảm.

“Trơ cái hồng nhan với nước non”

Đêm khuya thanh vắng là lúc con người thường đối diện với chính bản thân mình, để xót thương, để tự vấn, tự nhìn lại mình và đó cũng là thời điểm mà người ta thật với mình nhất. Khi những âm vang của cuộc sống ban ngày dường như đã lắng lại thì người ta lại cảm nhận rõ hơn bước đi của thời gian, bước đi của cả một đời người. Thời gian vẫn đang chảy trôi, còn nhân vật trữ tình - ở đây là một người phụ nữ - thì lại chìm đắm trong một cảm giác xót xa, buồn tủi. Người phụ nữ ấy biết được giá trị của mình: là hồng nhan - một người đàn bà đẹp, có tài sắc. Nhưng xưa nay, “hồng nhan bạc mệnh”, càng nhận thức về nhân cách và phẩm giá của mình bao nhiêu thì lại càng thêm ngậm ngùi, cay đắng bấy nhiêu. Vì sao vậy? Thúy Kiều đêm trước khi bán mình chuộc cha đã một mình đối diện với chính mình:

“Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn

Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn”

Còn Hồ Xuân Hương một mình đối diện với chính mình trong đêm để nhận ra tình cảnh bi đát: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Từ “cái” đặt trước danh từ “hồng nhan” khiến cho hai chữ này không còn giá trị. Hồng nhan nhưng lại là “cái hồng nhan” ẩn chứa đằng sau một cái gì đó như xem thường. Nó tuy không xót xa như cụm từ “kiếp hồng nhan” hay “phận hồng nhan” nhưng thể hiện rõ ràng ở đây sự tự ý thức của người trong cuộc. Sự tươi xinh, đẹp đẽ kia chỉ có giá trị tự nó mà thôi và người sở hữu nó cũng chỉ biết ngậm ngùi mà chấp nhận. Bởi thế nên cũng tự mình nhận mình chỉ là “cái hồng nhan”. Chưa hết, trước “cái hồng nhan” còn là tính từ “trơ”. Đó là một tính từ chỉ trạng thái đơn độc, lẻ loi, không nơi nương tựa.

Kết hợp với cả câu thơ, người ta còn cảm nhận thấy ở đó một cái gì như tủi hổ: Giữa không gian vắng lặng của buổi đêm, khi mọi vật đang chìm trong sự nghỉ ngơi, yên tĩnh còn mình lại vẫn ngồi đây với rất nhiều nỗi lòng, rất nhiều tâm sự, “trơ cái hồng nhan”. Và hơn thế nữa, sự cô độc, tủi hổ càng tăng lên khi nó đối lập với không gian rộng lớn: “nước non”. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi đau vẫn là bản lĩnh Xuân Hương. Chữ “trơ” còn hàm chứa trong đó sự thách thức. Nó cũng có cùng hàm nghĩa với chữ trơ trong thơ Huyện Thanh Quan: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Người ngồi đó như đang tự soi lại cuộc đời mình, để tự vấn về mình và rồi cũng để nhận ra tình cảnh bất hạnh mà mình đang phải đối mặt. Xót xa nhưng vẫn đầy bản lĩnh.

Hai câu thơ tiếp theo khắc sâu thêm vào cái tình thế đáng buồn đó:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Nếu như trước đó, người ta mới có cảm nhận chung rằng nhân vật trữ tình đang có những tâm sự, cô đơn, thì đến đây, người ta lại tiếp tục bắt gặp hình ảnh nàng, cũng chất chứa nhiều tâm tư như vậy. Tìm đến chén rượu để giải khuây đối với một người đàn ông trong xã hội phong kiến là một điều bình thường nhưng với người phụ nữ thì không. Vậy mà nhân vật người phụ nữ trong bài thơ lại đã không ít lần trải qua cảm giác ấy. Thông thường, con người tìm đến rượu khi người ta cảm thấy đau khổ, bế tắc, thất vọng để nó trở thành một liều thuốc làm khuây khỏa tâm hồn. Nhân vật trữ tình ở đây cũng làm như vậy nhưng cuối cùng, vẫn không thể trốn tránh được hiện thực xót xa của mình. Cụm từ say, tỉnh gợi lên cái vòng luẩn quẩn.

Nhưng xưa nay, “hồng nhan bạc mệnh”, tình duyên đã trở thành trò đùa của con tạo để người trong cuộc càng say thì lại càng tỉnh. Giữa người và vầng trăng có sự tương đồng khiến cho sự thực “bóng xế khuyết chưa tròn” càng trở nên nhức nhối. Để miêu tả về vầng trăng, Hồ Xuân Hương đã dùng một lúc đến tận ba cụm từ: bóng xế, khuyết, chưa tròn. Cả ba từ này đều có ý nghĩa diễn tả về một vầng trăng không trọn vẹn. Nó là ta nhớ đến số phận éo le của chính nữ sĩ: “Người thơ phong vận như thơ vậy”. Là một người phụ nữ tài năng và bản lĩnh vậy mà chính bà lại bị rơi vào một trong những bi kịch đau đớn nhất của người phụ nữ: làm lẽ. Bà là đứa con của một người vợ lẽ. Rồi chính bà cũng lấy chồng hai lần, cả hai lần đều làm lẽ. Hạnh phúc lứa đôi lẽ ra là thứ không thể san sẻ lại bị san sẻ, thành ra không trọn vẹn:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

và ngao ngán:

“Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh

Giữa dòng ngao ngán phận lênh đênh”

Chính sự tương đồng này đã khiến cho nỗi niềm tâm sự của nhân vật trữ tình càng trở nên sâu sắc và giàu sức ám ảnh. Nhưng một lần nữa, người ta vẫn gặp lại bản lĩnh Xuân Hương trong mọi hoàn cảnh vẫn thật ngang tàng, ngạo nghễ:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Hai câu thơ gợi tả cảnh thiên nhiên và cảnh được cảm nhận qua tâm trạng như cũng mang nỗi niềm phẫn uất của con người. Người phụ nữ đã từng chỉ vào “bọn đàn ông” mà khẳng khái:

“Tài tử văn nhân đâu đó tá

Thân này đâu đã chịu già tom”

giờ đây đã biến những sinh vật tưởng như nhỏ nhoi, yếu đuối thành những thứ đầy sức sống, vươn lên đầy thách thức với đời. Đám rêu phải mọc xiên, lại còn là “xiên ngang mặt đất”. Đá đã rắn chắc, lại càng phải trở nên rắn chắc hơn để có thể vượt lên “đâm toạc chân mây”. Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu thơ luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của thân phận đất đá cỏ cây, cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Bên cạnh đó, những động từ mạnh “xiên”, “đâm” được kết hợp với bổ ngữ “ngang”, “toạc” độc đáo thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh. Cách dùng từ như vậy thể hiện một phong cách rất Xuân Hương, nó cũng là lời thách thức của nhân vật trữ tình hay của chính nhà thơ. Thách thức là bởi đó là bản lĩnh trong con người Hồ Xuân Hương. Thế nhưng sự thực vẫn là sự thực. Nó chân thực như chính những éo le trong cuộc đời bà vậy:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Dù có bản lĩnh, dù có bướng bỉnh thế nào thì người phụ nữ ấy cũng không thể tránh khỏi một điều là thời gian vẫn đang chảy trôi còn mình thì vẫn còn dang dở. Ngán là chán ngán, là ngán ngẩm. Hồ Xuân Hương đã chán lắm rồi cuộc đời éo le, bạc bẽo, chán lắm rồi thế cục xoay vần của tạo hóa mà mình thì vẫn cô độc. "Xuân" vừa là mùa xuân mà cũng chính là tuổi xuân. Mùa xuân quay vòng với tạo hóa nhưng tuổi xuân của con người đã đi qua thì không bao giờ trở lại. Hai từ “lại lại” nghe ngao ngán, nó khiến cho khoảng đối lập giữa con người và tự nhiên càng lớn và nghịch cảnh lại càng éo le hơn.

“Mảnh tình san sẻ tí con con”. Đã là một “mảnh tình” nghĩa là rất nhỏ bé tội nghiệp rồi mà giờ đây còn là “san sẻ” đến nỗi cuối cùng chỉ là “tí con con”. Điều ấy đối với một người bình thường đã là ít ỏi lắm rồi thì với một người bản lĩnh như Hồ Xuân Hương lại càng khó chấp nhận. Ý thức cá tính khiến tình cảnh trở nên éo le, xót xa và tội nghiệp hơn. Câu thơ được viết nên từ tâm trạng của một người mang thân đi làm lẽ nhưng có tầm khái quát cao hơn để trở thành tiếng nói cho tất cả những người phụ nữ phải chịu kiếp “lấy chồng chung” trong xã hội bấy giờ. Đến cuối bài thơ, người ta nhận ra một điều rằng: Đằng sau tiếng cười ngạo nghễ, thách thức kia còn là những giọt nước mắt xót xa tủi hận của một người ý thức được tài năng và số phận của mình nhưng vẫn chưa thể tự mình vượt thoát ra khỏi những mờ ảo, tối tăm đang bao quanh nó.

Cùng với hai bài thơ trong chùm ba bài thơ Tự tình, Tự tình II đã nói lên bi kịch và cả khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Vừa đau buồn, vừa thách thức duyên phận, gắng gượng vượt lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch, vì cả hai điều ấy mà ý nghĩa nhân văn của bài thơ càng trở nên sâu sắc hơn, thấm thía hơn.

Bài phân tích tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II mẫu 5

Hồ Xuân Hương là một tác giả thơ có bản sắc tương đối rõ nét. Bản sắc ấy càng được khẳng định và biểu hiện dưới nhiều sắc thái qua mỗi bài thơ. Thơ Hồ Xuân Hương giàu tâm trạng, giàu nỗi niềm tâm sự. Nếu thi ca là sự tự thể hiện ở mức cao nhất cái tôi trữ tình của nhà thơ, thì ở Hồ Xuân Hương đặc điểm bản chất này của thơ càng được bộc lộ nổi bật. Nhiều bài thơ của bà là sự giãi bày tâm sự. Một trong số đó là thi phẩm Tự tình.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã nêu lên bối cảnh của một không gian và thời gian. Giữa đêm khuya thanh vắng, thấp thoáng hiện lên hình dáng một người phụ nữ. Đứng trước không gian bao la, rộng lớn của non sông, Hồ Xuân Hương đối diện với sự vô cùng vô tận của không gian, cũng là đối diện với cõi lòng sâu thăm thẳm, u uất tâm sự, nỗi niềm của chính mình. Thật là khó tránh khỏi cảm giác rợn ngợp, thanh vắng, buồn tẻ, trống trải đến nao lòng. Với tâm trạng cô đơn chán chường, “Bà chúa thơ Nôm” đã cảm nhận kiếp người thật là nhỏ nhoi, phù du. Sự cô đơn đã bám riết lấy bà ngay cả lúc đêm khuya. Nó như con sâu, con mọt gặm nhấm, cắn xé, đục khoét tâm hồn bà khiến bà bứt rứt, đứng ngồi không yên, ngay cả khi nghe tiếng trống canh cũng thây ngột ngạt, bối rối.

Không thể cứ mãi “thu chân bó gối” mà thấm thía cô đơn, bẽ bàng, phũ phàng mãi được! Bà đã tìm ra một giải pháp tạm thời: “Mượn rượu giải sầu”. Thế nhưng cay đắng thay:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh.

Càng uống lại càng tỉnh. Càng muốn quên thì những kí ức đau buồn lại thi nhau ùa về như muốn “trêu ngươi” người nữ sĩ tài hoa này. Vòng đời luẩn quẩn, bế tắc, sự chán chường, trầm uất của tâm hồn đang dâng ngập trong ánh mắt u buồn, bờ môi run rẩy, “thu cuối mùa” của Hồ Xuân Hương. Bà đang chờ đợi điều gì? Người phụ nữ tài hoa, sắc sảo, thông minh bậc nhất lúc bây giờ nhưng lại lận đận về đường tình duyên, hai lần sang ngang đều bị đứt gánh giữa đường này, luôn khao khát yêu đương, khát vọng tình yêu luôn cháy bỏng trong con người “Bà chúa thơ Nôm”. “Khát vọng tình yêu” khác với “ước vọng tình yêu”. Ước vọng chỉ mới là ước mong, còn khát vọng thì đã đạt đến “đỉnh” của sự đam mê cháy bỏng, mãnh liệt, rạo rực, “bồi hồi trong ngực trẻ”, không có giới hạn. Khát vọng sôi sục mà vẫn tinh tế, đầy nữ tính. Thế nhưng, khốn nạn thay, đau xót thay, bẽ bàng thay cho Hồ Xuân Hương khi:

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Đời người là hạn hẹp, thời gian là vĩnh hằng, vũ trụ thì vô tận... Bánh xe thời gian như bóng câu bên cửa sổ mà con gái thì có thì... Thời gian lặng lẽ trôi, tuổi xuân cũng qua đi mà tình duyên vẫn không trọn vẹn, hạnh phúc vẫn lỡ làng. Hạnh phúc giống như một thứ quả ngọt xa xôi, quá tầm tay với của nữ sĩ, nó khiến bà khắc khoải, day dứt không thể níu kéo. Vầng trăng trên cao dường như cũng soi thấu những run rẩy, thảng thốt, hoảng hốt trong lòng bà khi chạnh lòng nghĩ về thân phận lẻ loi, hẩm hiu của mình. Giọng điệu ngôn ngữ, hình ảnh của câu thơ giống như một tiếng nấc nghẹn ngào, chua xót, thổn thức đến trào nước mắt, phải cắn chặt môi đến bật máu tươi mới ngăn tiếng khóc thành lời! Thử hỏi, đọc đến đây ai mà không xúc động, thương xót, cám cảnh thay cho Hồ Xuân Hương? Và tự hỏi phải chăng “khách má hồng” luôn gặp nhiều nỗi truân chuyên? Phải chăng “bạc mệnh” là lời chung cho những người phụ nữ tài hoa khi xưa?

Ông vua thơ tình Xuân Diệu cho rằng:

Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo

Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu.

Với Hồ Xuân Hương, cảm xúc đã tự chọn được ngôn ngữ riêng trong thơ của bà. Hậu sinh chúng ta nhìn thấy bà vĩ đại ở chỗ: sử dụng Tiếng Việt một cách tài hoa tinh tế, đã phát huy cao độ khả năng biểu cảm của ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) một cách khéo léo tài tình mà trước đó đến cả sau này ít có ai sánh kịp.

Ở câu thơ thứ ba, mầm mống phản kháng, vùng lên đã bắt đầu được nhen nhóm khi bà trích dẫn mình “nốc rượu ào ào” giữa đêm khuya. Hình ảnh vốn dĩ dành cho mày râu, đến những nho sĩ “dài lưng tốn vải” còn chưa dám thử chứ đừng nói gì đến phận gái dịu dàng, thùy mị, đoan trang, thướt tha nơi khuê phòng như Hồ Xuân Hương.

“Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã tận đầy”. “Con giun xéo mãi cũng quằn”. Tâm trạng bức bối, bị đè nén cũng sẽ bị bùng nổ, cũng giống như trái bóng bay quá căng thì sẽ “Bùm!”.. Bức tranh thiên nhiên dưới bàn tay tài hoa, góc nhìn mới lạ, mô tả bằng những từ rất “đắt”, hiện lên giống như một con sóng lớn chuyển động mạnh mẽ, khuấy đạp, chao đảo mãnh liệt. Cái buồn không có đất sống lâu trong con người có bản tính vui nhộn, lạc quan, yêu đời như Hồ Xuân Hương. Sự phẫn uất của thiên nhiên cũng là sự phẫn uất của tâm trạng “không thể sống mãi như vậy được!”. Sự phẫn uất, tinh thần đấu tranh, vùng lên, phản kháng cũng đã nổi sóng trong con người bà. Câu thơ hào sảng, khí phách, táo bạo, mãnh liệt, dữ dội, mang màu sắc “tự do chủ nghĩa”, điểm thêm một chút “phố xá” như chính con người thật của bà. Con người khi đã trải qua biết bao đau đớn, khổ nhục, nếm đủ mọi điều bi ai trần thế nhưng không vì thế mà tâm hồn chai sạn, sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời vẫn âm ỉ cháy sục sôi trong lòng bà, chờ thời cơ bùng nổ:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Bằng hai câu thơ trên, Hồ Xuân Hương đã phá vỡ nghi thức hàn lâm, đạo mạo trong văn chương lúc bấy giờ. Câu thơ mang sắc thái táo bạo, dữ dội, pha chút chân thành, không hề giấu diếm khát vọng tình yêu của mình. Bà là một tiếng thơ - có thể nói là sớm nhất của một người phụ nữ đã chủ động yêu và đòi quyền được yêu (Ở thời phong kiến nam quyền xưa, vốn khinh rẻ phụ nữ. Người ta quen nhìn phụ nữ dưới vai trò yếu đuôi, thụ động).

Khi tự mình lên gân, hết mình chống đỡ, vận dụng lí trí, nghị lực để vực mình đứng dậy, Hồ Xuân Hương lại chùng xuống khi đối diện với chính mình. Bà lại ngao ngán, chấp nhận số phận trong cơn phẫn uất cực điểm. Bà lại bật lên tiếng thở dài ai oán “Một mình mình lại thương mình xót xa” trong căn phòng không, chiếc gối lẻ loi một mình. Câu thơ bất lực, chứa đầy nét thương thân

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con!

Giọng thơ uất ức, hờn tủi cũng “góp phần” tạo thêm sự tù túng, bức bối, ngột ngạt với bao cay đắng, chán chường của nữ sĩ. Thế nhưng, càng đau khổ, càng bế tắc, cô đơn thì Hồ Xuân Hương càng khao khát sẻ chia, khao khát hạnh phúc, khao khát yêu và được yêu, vẫn chờ đợi tình yêu đích thực băng cả sự trinh bạch của tâm hồn: cái mà không một sự tàn phá, va đập nào của thời gian chạm tới được.

Sự tự tin, cá tính mạnh mẽ, sức sống mảnh liệt dường như đã bén rễ trong tâm hồn bà. Sóng gió, bão táp khắc nghiệt của đường đời không làm nó lụi tàn mà dường như tiếp thêm động lực để nó ra hoa, kết trái, tươi tốt thêm.

Tâm sự của bà cũng là nỗi lòng, tiếng nói của người phụ nữ lúc bấy giờ. Bà thấu hiểu nỗi niềm tiếng lòng của chị em phụ nữ từ xưa và đến cả bây giờ. Khao khát yêu đương, khao khát vươn lên, khao khát sống hạnh phúc là mong muốn của mọi phụ nữ. Một nhà thơ chân chính là phải đi sâu vào hiện thực để nghe tâm hồn của thời đại. Hồ Xuân Hương đã thực hiện điều này rất thành công. Đề tài về cuộc sống, thân phận, khát vọng vẻ đẹp của người phụ nữ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của bà. Tiếng nói, hành động của bà đã góp phần mở đường cho phong trào giải phóng phụ nữ. Với tài năng độc đáo như vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Trung Thông đã viết:

Ai thẹn thì cúi đầu,

Ai thích thì nghĩ láu.

“Bà chúa thơ Nôm” - Hồ Xuân Hương đã chiếm một vị trí quan trọng trên thi đàn Việt Nam và trong lòng bạn đọc yêu thơ hôm nay và mãi mãi về sau.

Bài phân tích tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II mẫu 6

Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ viết về hình tượng người phụ nữ, tuy nhiên mỗi người lại có cách cảm nhận, tái hiện rất riêng về hình tượng ấy. Nếu Nguyễn Du cảm thương cho số phận người phụ nữ "tài hoa bạc mệnh", Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm thương cho số phận người chinh phụ trong các cuộc chiến tranh thời phong kiến thì Hồ Xuân Hương lại khóc thương cho những người phụ nữ có số phận hẩm hiu. Đọc Tự tình II của Hồ Xuân Hương sẽ giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc điều đó đặc biệt là tâm sự, những cung bậc, sắc thái cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Hai câu thơ mở đầu bài thơ đã diễn tả sâu sắc nỗi buồn, nỗi cô đơn, trống vắng đến tột cùng và cả sự bẽ bàng, tủi hổ trước số phận, cảnh ngộ của mình.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Đêm đã về khuya ấy vậy mà nhân vật trữ tình vẫn thức bởi lẽ trong lòng bà đang chất chứa biết bao nỗi muộn phiền, bao niềm suy tư, trăn trở. "Đêm khuya" có lẽ không đơn thuần là thời gian thực mà đó còn là thời gian nghệ thuật bởi đấy là thời gian mọi vật, mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ tĩnh mịch đến lạ lùng. Và cũng chính thời gian ấy đã khiến con người suy nghĩ về tất cả mọi thứ xung quanh mình, sống thật nhất với cõi lòng mình để từ đó làm bật nổi, tô đậm cái cô đơn, trống trải trong lòng nhân vật trữ tình. Giữa cái tĩnh mịch của đêm khuya, cái mênh mông của "non nước", nhân vật trữ tình một mình lắng nghe tiếng trống canh "văng vẳng" từ chòi xa vọng lại. Tiếng trống từ xa vọng lại, "dồn" lại hay chính nhịp bước của thời gian đang trôi hoài, trôi mãi và tuổi xuân, "cái hồng nhan" của nhân vật trữ tình cũng theo bước thời gian mà trôi đi mất. Tác giả Hồ Xuân Hương đã thật sự tài năng khi đặt "cái hồng nhan" vào trong sự đối lập với "non nước". Đồng thời, với việc sử dụng phép đảo ngữ "trơ cái hồng nhan" càng tô đậm nỗi bẽ bàng, tủi hổ của người phụ nữ.

Nếu hai câu mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình bộc lộ nỗi cô đơn, trống trải và sự bẽ bàng thì hai câu thực lại bộc lộ sự xót xa, bẽ bàng, chán nản của nhân vật trữ tình.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Hai câu thơ với việc sử dụng rất tài tình cụm từ "say lại tỉnh", "khuyết chưa tròn" đã tô đậm bi kịch về thân phận của người phụ nữ với tình duyên lỡ dở. Người phụ nữ ấy mượn rượu để giải sầu, muốn say để có thể quên đi hết bao nỗi buồn thương, tiếc nuối, bao nỗi cô đơn đang chất chứa trong lòng nhưng "say lại tỉnh", càng cố say lại càng nhận ra mình cô đơn hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, với cách nói ẩn dụ "vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" đã thể hiện một cách sâu sắc rằng tuổi xuân, thời son trẻ của người phụ nữ đã qua đi nhưng tình yêu, hạnh phúc vẫn chưa vẹn tròn, viên mãn. Những điều ấy đã thể hiện một cách chân thực và sâu sắc tình cảnh chua xót và bẽ bàng của nhân vật trữ tình.

Bẽ bàng, cô đơn song nhân vật trữ tình không âm thầm chịu đựng mà người phụ nữ còn thể hiện nỗi phẫn uất và tinh thần phản kháng trước "bi kịch duyên phận" và số phận hẩm hiu của mình. Nỗi niềm tâm sự ấy được nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương thể hiện rõ nét qua hai câu luận của bài thơ.

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hồn.

Với việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ cùng việc sử dụng hàng loạt các động từ mạnh "xiên ngang", "đâm toạc" đã làm nổi bật cái dữ dội, quyết liệt của sự phản kháng. Hai câu thơ như vẽ nên trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên tiềm tàng sức sống dù bị nén xuống nhưng vẫn đang cố gắng vùng vẫy, cựa quậy vươn lên thật mạnh mẽ chứ nhất quyết không chịu đầu hàng số phận. Sự phản kháng, phẫn uất ấy của thiên nhiên hay phải chăng đó chính là sự phẫn uất, phản kháng của người phụ nữ trước số phận của mình. Đồng thời, hai câu thơ ấy đã thể hiện bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương - luôn tự tin, yêu đời và mạnh mẽ để vượt qua tất cả. Con người ấy dẫu đã phải trải qua nhiều bi kịch song vẫn cố gắng gượng với đời, vẫn phản ứng mạnh mẽ, cố gắng vượt qua tất cả dẫu biết rằng thực tại chua xót, bẽ bàng, tủi hổ vẫn mãi còn đó.

Nhưng có lẽ, dẫu có mạnh mẽ, dẫu có cố phản kháng, vùng vẫy, cố gắng như thế nào đi chăng nữa thì nhân vật trữ tình cũng không thể nào thoát ra được sự cô đơn, bẽ bàng nên đến cuối cùng đã khép lại bài thơ bằng một tiếng thở dài bất lực, buông xuôi và ngán ngẩm để chấp nhận tất cả.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.

"Xuân đi xuân lại lại" chính là bước chuyển của thời gian, mùa xuân này đi mùa xuân khác sẽ lại tới song "mỗi năm mỗi tuổi như xuân đuổi đi" bởi vậy mùa xuân của đất trời trở lại cũng là lúc tuổi xuân của người phụ nữ đã mãi mãi mất đi. Chắc bởi vậy mà người phụ nữ cảm thấy "ngán". Một chữ "ngán" thôi nhưng cũng đã đủ diễn tả nỗi đau, sự ngán ngẩm, chán chường của người phụ nữ chán thì quá lứa, lỡ dở tình yêu và hạnh phúc. Tình yêu đã bị vỡ tan thành nhiều "mảnh" thế mà còn chua chát hơn khi lại "san sẻ tí con con". Có lẽ đến đây, nhân vật trữ tình đã thể hiện rõ nét nỗi đau đớn, sự ngán ngẩm và buông xuôi đầy bất lực của chính mình.

Tóm lại, bài thơ "Tự tình" đã diễn tả một cách chân thực và sâu sắc mọi nỗi niềm tâm sự, cung bậc tình cảm của nhân vật trữ tình. Đồng thời, qua bài thơ cũng giúp chúng ta cảm nhận rõ nét về bản lĩnh của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương - một phụ nữ có tài, có sức sống mãnh liệt trước số phận hẩm hiu và đầy nghiệt ngã.

Bài phân tích tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II mẫu 7

Tình yêu khi hạnh phúc như đôi cánh thiên thần nâng tâm hồn người ta bay vào giữa chốn thiên đường lung linh. Nhưng khi đau khổ vì yêu mà chẳng được yêu, con người ta lại như rơi vào vực thẳm của khổ đau và tuyệt vọng. Hồ Xuân Hương – Bà Chúa thơ Nôm – dù tài sắc vẹn toàn nhưng cũng chẳng được hưởng trọn vẹn một cuộc tình thực sự. Bao nhiêu nỗi niềm tủi hờn và cay đắng, Xuân Hương dồn hết vào tập thơ Tự tình đầy xót xa. Trong đó bài Tự tình II thể hiện rõ nhất tâm trạng của nữ thi sĩ trước tình yêu dang dở, trái ngang.

Ai khi yêu mà không mong được hạnh phúc, được gần người mình yêu. Không biết Xuân Hương yêu từ bao giờ, được hưởng hạnh phúc chừng nào. Nhưng khi viết lên bài thơ này, tâm trạng của nàng đang rất buồn, rất cô đơn.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Giữa đêm khuya chỉ một mình Xuân Hương chống chọi lại với bóng đêm hoang vắng, âm u và lạnh lẽo. Từng câu, từng chữ như tạc vào lòng người một nỗi buồn sâu thẳm. Đêm khuya vốn dĩ đã gợi lên nhiều tâm trạng, lại cộng thêm tiếng trống canh dồn, văng vẳng càng làm cho lòng người rơi vào tâm trạng đau buồn, thương nhớ. Ở đó, có một người con gái đang phó mặc số phận hồng nhan của mình cho nước non. Nàng bẽ bàng, và tự cười cho cái phận hồng nhan. Chỉ một từ trơ đủ nói lên nỗi tủi hổ, nỗi cay đắng đến xé lòng của người con gái đang khát khao yêu mà chẳng được yêu. Nàng tìm đến rượu nhưng rượu càng khiến nỗi buồn sâu thêm. Nàng say bởi men rượu hay say bởi men tình? Để vầng trăng kia khuyết mãi chẳng tròn? Trăng là hình ảnh quen thuộc trong những bài thơ nói về tình yêu. Vầng trăng tròn tượng trưng cho sự trọn vẹn của một cuộc tình đẹp. Nhưng vầng trăng của Xuân Hương lại là vầng trăng khuyết khiến cho nàng phải ôm bao đớn đau, tủi hờn. Cảnh vật vắng vẻ, còn lòng người quạnh hiu. Người và thiên nhiên hòa với nhau làm một.

Dù có lúc Xuân Hương cũng khát khao sống, khát khao yêu nhưng niềm khát khao ấy được bao nhiêu?

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Ước gì Xuân Hương có thể mạnh mẽ như những đám rêu kia. Chúng đã đua nhau mọc lên thành từng đám dù mặt đất có khô cằn, thô cứng. Ở phía chân trời xa, những đám mây bồng bềnh tưởng chừng như yếu ớt nhưng cũng vẫn đủ sức trôi vào giữa không trung sau khi thoát khỏi những ngọn núi đá sắc nhọn, cao vút. Hai câu thơ đã hiện rất sâu sắc niềm ước mong và khát vọng của Bà Chúa thơ Nôm giữa lúc đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất. Đến cỏ cây, đến mây trời còn có thể vượt qua được nghịch cảnh để tồn tại, huống chi là con người?

Nhưng thật đáng buồn khi thêm một lần nữa Xuân Hương nhận ra bi kịch của cuộc đời:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con

Rêu kia dù yếu ớt vẫn vươn mình đâm lên khỏi mặt đất, và mây trời mong manh thế vẫn bay vẫn trôi. Nhưng đời người đâu có thể đi ngược lại quy luật bất biến của tự nhiên. Thời gian trôi đi có bao giờ trở lại? Xuân đến, xuân lại đi theo vòng tuần hoàn vốn có, nhưng đời người đâu có sự tuần hoàn như thế? Mỗi một mùa xuân đến là một lần tuổi xuân qua đi. Sự thật ấy ai cũng hiểu. Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn nhận sâu sắc như Xuân Hương. Hay tại vì nàng đang ôm ấp trong mình một cuộc tình dang dở? Tuổi xuân sẽ chẳng kịp để nữ thi sĩ được hưởng trọn vẹn tình yêu mà mình vẫn hằng khát khao. Đau đớn, tuyệt vọng, Xuân Hương chẳng thể làm được điều gì khác để chống lại quy luật nghiệt ngã của thời gian. Xuân đi xuân lại lại. Hai từ lại xuất hiện cùng lúc như để nhấn mạnh hơn về sự thật mà Xuân Hương đang chiêm nghiệm. Rằng xuân đến, xuân đi rồi xuân lại về. Nhưng qua mỗi mùa xuân, mảnh tình bé nhỏ của Xuân Hương lại bị san sẻ tí con con. Câu thơ sử dụng lượng từ theo thứ tự từ lớn đến bé dần, bé dần rồi dường như mất hẳn. Có lẽ nàng Hương đang rất đau khổ khi tình yêu cứ thứ tuột khỏi tay mình theo thời gian mà chẳng thể nào níu lại được.

Toàn bộ bài thơ gồm bảy câu mang tâm trạng buồn là chủ yếu. Dù có lúc Xuân Hương có khát khao, có hi vọng vào tương lai, nhưng sau cùng nàng vẫn tuyệt vọng khi nhận ra mình không thể đi ngược lại với quy luật vĩnh hằng của thời gian, của tự nhiên. Nàng đau khổ khi phải ôm mối tình dang dở và bất lực nhìn tuổi xuân đang dần trôi đi theo từng mùa xuân của đất trời.

Qua nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng, Hồ Xuân Hương đã gửi gắm hết những tâm tư, những nỗi niềm của mình vào trang giấy. Ở đó, nàng đã khát khao được yêu, được sống nhưng tiếc rằng chỉ có thời gian vô hạn, còn đời người lại là hữu hạn.

Bài phân tích tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài tự tình II mẫu 8

Người phụ nữ từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhà văn, nhà thơ. Nhắc đến những cây bút chuyên sáng tác về người phụ nữ, không thể không nhắc tới Hồ Xuân Hương. Trong khi tàng tác phẩm bà để lại cho văn học dân tộc, "Tự tình" chính là một phẩm tiêu biểu. Bài thơ chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình hay chính là tâm trạng người nữ sĩ. Đặc biệt là nỗi đau buồn tủi trước thân phận éo le của mình.

Mở đầu bài thơ, người đọc cảm nhận được tâm trạng cô đơn, buồn tủi của nhân vật trữ tình:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non"

Đêm khuya thanh vắng, người ta bắt đầu suy tư và tâm trạng. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy. Màn đêm buông xuống, không gian tĩnh lặng, chỉ nghe thấy tiếng "trống canh" vọng lại từ xa. Thời gian lặng lẽ trôi qua, những cơn sóng cảm xúc dần cuộn xoáy khiến lòng người trăn trở, thao thức. "hồng nhan" thường được dùng để chỉ phụ nữ nói chung và những người con gái đẹp nói riêng. Trong câu thơ, nó là hình ảnh hoán dụ cho nhân vật trữ tình. "Hồng nhan" kết hợp nghệ thuật đảo từ "trơ" lên đầu câu thơ nhấn mạnh sự buồn tủi, cô đơn đến bẽ bàng của người phụ nữ.

Trước cuộc đời rộng lớn, người phụ nữ ấy nhận ra sự nhỏ bé, lẻ loi và thân phận éo le của mình. Tiếng trống canh vang vọng giữa đêm khuya chỉ càng sát muối thêm vào nỗi cô liêu, trống vắng trong cảnh vật và tâm trang buồn tủi trong tâm hồn người nữ sĩ.

Trong dòng cảm xúc ngổn ngang ấy, bà tìm đến rượu để quên sầu:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."

Những tưởng bấy nhiêu chua xót đã khiến tâm hồn người phụ nữ chai sạn lại. Nhưng, bởi vì trái tim vẫn đập nên nỗi đau vẫn còn. Giống như người xưa thường mượn rượu giải sầu. Nữ sĩ cũng muốn mượn men say để quên đi hết thảy. Song càng uống càng tỉnh, càng càng cảm nhận thấm thía nỗi đau khổ của bản thân. Nỗi đau thân phận không mảy may xê dịch, ngược lại ngày càng quặn thắt.

Người nữ sĩ dời mắt ra xa kia để ngắm vầng trăng sáng, mong muốn kiếm tìm niềm vui nhỏ bé. Nhưng lại chẳng viên mãn. Trăng kia "khuyết chưa tròn" phải chăng cũng ngụ ý cho bi kịch và hạnh phúc không trọn vẹn của bà. Tuổi xuân đã dần qua đi mà hạnh phúc vẫn chưa tới bến đỗ.

Đau xót dồn nén dần chuyển hóa thành nỗi bi thương, phẫn uất và ý muốn đấu tranh:

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn"

Rêu trong câu thơ mang ngụ ý vô cùng sâu sa. Nó vốn chỉ là sinh vật yếu ớt, nhưng từng đám vẫn hiên ngang vươn mình xiên ngang mặt đất để đón ánh mặt trời. Đá cũng vậy, dù nhỏ bé so với bầu trời nhưng vẫn đua nhau đâm toạc chân mây, khẳng định sự hiện diện của mình. Nghệ thuật đảo ngữ trong câu thơ đã nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Sự phản kháng, phẫn uất ấy của thiên nhiên phải chăng cũng chính là sự phẫn uất, phản kháng của người phụ nữ trước số phận hẩm hiu của mình.

Người phụ nữ cô độc, tủi hờn khoảnh khắc đó dường như giật mình tỉnh ngộ. Không cam chịu không lặng lẽ gặm nhấm bi ai mà muốn mạnh mẽ sống như rêu như đá, phá hủy tất cả những thứ ràng buộc, giam cầm và chà đạp cuộc đời mình.

Tuy vậy, khao khát chỉ là trong nghĩ suy. Thực tế với bao dối trá, bất hạnh vẫn còn đó. Nhân vật trữ tình lại quay về với hiện thực phũ phàng của tình duyên ngang trái:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con"

Nỗi chán chường mới phai nhạt chưa được bao lâu đã vội vàng trở lại trong lòng thi sĩ. Thuận theo quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, xuân đi rồi xuân sẽ lại tới. Nhưng con người thì không như vậy. Tuổi thanh xuân của người phụ nữ một khi đã trôi qua sẽ không bao giờ trở lại. Bà đã chờ, nhưng không chờ được niềm hạnh phúc trọn vẹn.

"Mảnh tình" bé nhỏ vô cùng còn phải san sẻ với người khác. Ngay từ đầu không có được tình yêu trọn vẹn, đến khi tìm đến được lại phải san nhỏ, bi ai biết bao. Nhân vật trữ tình dường như đã rơi vào tâm trạng bế tắc, không lối thoát. Dù khát khao đấu tranh đến đâu, trước sự chèn ép của thực tại, nhân vật trữ tình cuối cùng vẫn lại quay về với nỗi buồn đau canh cánh ấy thôi.

Bài thơ khép lại nhưng những suy tư của nhân vật trữ tình thì vẫn quẩn quanh mãi. Trong bài thơ, tác giả đã vận dụng sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường Luật. Các từ ngữ giản dị kết hợp với nhiều động từ mạnh và từ láy tượng thanh đã thể hiện khao khát cháy bỏng và sự nổi loạn trong tâm hồn tác giả. Đặc biệt dùng những hình ảnh giàu sức gợi để diễn tả chân thực những cung bậc cảm xúc trong tâm trạng của người phụ nữ. Từ đó, người đọc không chỉ cảm nhận được nỗi cô đơn, đau xót của người phụ nữ mà còn cảm nhận được sự cứng cỏi, mạnh mẽ và tâm hồn nhạy cảm của họ.

"Tự tình 2" vừa là tiếng lòng riêng của Hồ Xuân Hương vừa là tiếng lòng chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Với những giá trị ấy, bài thơ xứng đáng là một trong những thi phẩm xuất sắc ấn tượng nhất của nữ sĩ Xuân Hương. Đồng thời là thi phẩm tiêu biểu mà cả dân tộc luôn trân trọng.

-------------------------

VnDoc xin giới thiệu tới các em bài văn mẫu 11 Tâm sự của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em ôn luyện và đạt kết quả cao. Để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các em tham khảo thêm các tài liệu khác tại mục Tài liệu học tập lớp 11 do VnDoc tổng hợp và đăng tải như: Trắc nghiệm Tiếng Anh 11, Trắc nghiệm Hóa hoc 11, Trắc nghiệm Sinh học 11,...

Để giúp bạn đọc có thể thuận tiện hơn trong việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tài liệu học tập cũng như giảng dạy, VnDoc.com mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
6 79.065
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm