Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về món bún cá Long Xuyên

Bún cá Long Xuyên là món ăn nổi tiếng ở An Giang. Tài liệu Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về món bún cá Long Xuyên được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm sau đây sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng hoàn thiện bài văn thuyết minh của mình hay hơn và sinh động hơn. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.

1. Thuyết minh về món bún cá Long Xuyên - Mẫu 1

Nhắc đến miền đất An Giang, ta không thể không nhắc đến món bún cá Long Xuyên. Đây không chỉ là món ăn trứ danh, gắn bó lâu đời với con người miền sông nước mà còn thể hiện tinh hoa văn hóa riêng biệt.

Về nguồn gốc, món bún cá Long Xuyên xuất phát từ Campuchia. Nó được những Khmer vào Việt Nam đem đến Việt Nam và phát triển. “Nhập gia tùy tục”, càng về sau thì món bún cá càng được cải tiến để phù hợp khẩu vị người Việt.

Chắc chắn rằng, để có một món hoàn hảo, ta cần cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế, nấu cho đến khâu trình bày. Món bún cá Long Xuyên phải được làm từ những nguyên liệu đồng quê tươi ngon, không cầu kì mà vẫn rất tạo được hương vị quyến rũ, ăn là nhớ. Cá lóc, củ ngải bún, mắm ruốc, bún, bông điên điển và các loại rau ăn sống ăn kèm, tất cả đều có sẵn trong đồng ruộng miền Tây. Cá sau khi mang về sẽ được sơ chế sạch sẽ, ướp gia vị để khử mùi tanh và thêm phần đậm đà. Củ ngải bún sau khi rửa sạch sẽ thì sẽ nghiền nhuyễn cùng với nghệ tươi để lấy nước cốt. Nguyên liệu không thể thiếu làm nên đặc trưng của tô bún cá Long Xuyên chính là mắm ruốc. Mắm ruốc sẽ được bọc trong lá chuối và đem nướng cho đến khi dậy mùi thơm, sau đó lọc cặn và nấu cùng với nước dùng.

Phần nước lèo của món bún cá An Giang được chế biến rất cầu kỳ. Nước dùng sẽ được lấy từ nước hầm xương và nước luộc cá, hòa lẫn với nhiều nguyên liệu khác như sả, củ ngải bún. Trong khi ninh nước dùng, ta sẽ lấy phần thịt cá ướp cùng với nghệ và đem đi chiên vàng sao cho không bị nát. Khi nước dùng được ninh đủ thời gian, ta sẽ cho cá, mắm ruốc, nghệ tươi, nước cốt ngải bún vào và nấu sôi là hoàn tất. Nồi nước dùng phải có màu vàng ươm hấp dẫn, tỏa ra hương thơm thoang thoảng của nghệ tươi, ngải bún và sả cây.

Khâu cuối cùng chính là khâu trình bày. Bún sẽ được trụng với nước nóng rồi cho vào tô. Ta xếp lần lượt từng miếng cá tươi mềm vàng màu nghệ tươi. Cuối cùng, chan nước dùng nóng hổi vào tô, ăn kèm với rau sống. Ở một số nơi, bún cá Long Xuyên còn được ăn kèm với hột vịt lộn, thịt heo quay và đầu cá lóc.

Món bún cá Long Xuyên là món ăn ý nghĩa, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, thể hiện nét đẹp của ẩm thực miền Tây. Nếu có dịp đến đây, ta nhất định phải thưởng thức món ăn dân dã mà tinh tế này!

2. Thuyết minh về món bún cá Long Xuyên - Mẫu 2

Việt Nam là một quốc gia có nền ẩm thực đa dạng. Nhiều trang du lịch nước ngoài đã coi Việt Nam như một thiên đường ẩm thực, một trong những quốc gia có những món ăn ngon và độc đáo nhất thế giới. Ngoài phở hay bún chả, bạn đã được thưởng thức món bún cá Long Xuyên - một hương vị miền Tây độc đáo chưa?

Bún cá Long Xuyên một trong những niềm tự hào của bà con miền Tây nói chung và còn cả vùng Long Xuyên, An Giang nói riêng. Họ thường ví món ăn này là món "bún cá kỷ lục" nổi tiếng ở nơi đây. Tuy nhiên có một điều không phải ai cũng biết, món ăn này cũng không phải do người Việt sáng tạo, mà xuất phát từ Campuchia, được những người Khmer xa xưa đến nước ta sinh sống mà hình thành. Sau một thời gian dài tồn tại với cuộc sống người Kinh, món ăn này đã có những thay đổi, biến tấu khác nhau tùy vào từng đặc điểm vùng miền, cũng như thói quen ăn uống của cộng đồng tại một vùng miền cụ thể.

Đầu tiên, ta phải chọn cá lóc tự nhiên, khác với cá lóc nuôi. Công đoạn quan trọng nhất là khâu làm cá. Cá lúc mua phải tươi, rồi mang về phải làm sạch rồi sửa rất kỹ cho cá bớt tanh. Khi tẩm ướp phải cho cá thêm chút sả, nghệ vừa là để tạo màu, vừa giúp cá khử tanh. Luộc xong thì phải gỡ thịt bằng tay. Phải thật là khéo thì miếng nạc cá mới còn giữ nguyên vẹn, không bị bể nát. Nồi nước lèo được nấu ngọt bằng chính cá lóc. Điểm chung nhất và cũng là thứ làm nên sự thành công của món ăn này đó chính là ở phần nước lèo được nấu bằng các loại gia vị đặc biệt như: mắm ruốc, mắm cá linh, củ ngải bún, sả, cùng chút củ nghệ tạo mùi thơm và màu vàng đặc trưng.

Còn về rau thì ta có thể lựa chọn rau răm, bắp chuối, bắp cải, rau muống,... Ngoài ra, mọi người còn hái thêm bông điên điển vào ăn kèm. Vừa làm tăng thêm màu sắc vàng đặc trưng của bông, lại còn thơm ngon, có vị đắng nhẹ của cuống bông ngon một cách khó tả. Thường thì bún được bày trí ra tô rau nhút bẻ cọng, rau muống bào thêm ít bắp chuối thái trông rất bắt mắt. Bên cạnh tô bún là sự trang trí với là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me. Chính điều đó giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn. Công thức làm nên món "bún cá kỷ lục" này tưởng dễ nhưng hoàn toàn không phải dễ. Đó là sự nghiên cứu, tìm tòi mất rất nhiều thời gian và kinh nghiệm để đúc kết rồi kết hợp với khả năng xử lý nguyên liệu, cách nấu và chế biến kỹ lưỡng thì mới có thể làm nên thành công. Một số người dân ở miền Tây đã chia sẻ rằng thưởng thức món bún cá Long Xuyên ngon miệng nhất là lúc trời gần tối, trời mát bụng đói. Hương thơm của vị bún sẽ xua tan đi cái đói, cái mệt nhọc của một ngày lao động.

Nền ẩm thực Việt Nam không chỉ để sử dụng trong những bữa ăn mà nó còn được truyền tải truyền thống và giá trị văn hoá. Những món ăn Việt Nam đều được truyền từ thế hệ này cho đến thế hệ khác. Chính vì vậy mà món bún cá Long Xuyên ngày càng vang danh. Hầu như tất cả thực khách đã từng thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên đi hương vị đậm đà ấy.

3. Thuyết minh về món bún cá Long Xuyên - Mẫu 3

Rất nhiều du khách thắc mắc không biết đến An Giang sẽ ăn món gì, du lịch An Giang nên chọn đặc sản nào hoặc du lịch An Giang mua gì làm quà cho người thân, bạn bè, v... đó là mắm Châu Đốc, đường thốt nốt, bò cạp Bảy Núi, bò bảy món núi Sam… Trong đó phải kể đến có món bún cá Long Xuyên, một món ăn dân dã nhưng khi du khách một lần nếm thử qua sẽ nhớ mãi không quên mùi vị.

Bún cá không phải là món ăn của người Việt Nam mà du nhập từ đất nước láng giềng Campuchia. Trải qua thời gian cũng như sự biến tấu trong thành phần, hương vị, ngày nay bún cá trở thành món ăn thân quen của người miền Tây. Có thể kể ra rất nhiều thương hiệu như bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang, bún cá Long Xuyên, bún cá Châu Đốc... Trong những thương hiệu kể trên thì bún cá Long Xuyên nổi tiếng hơn cả bởi cách nấu và hương vị đặc biệt, hấp dẫn nhiều thực khách.

Bún cá long xuyênBún cá Long Xuyên được xem là một trong những đặc sản An Giang nổi tiếng. Nguyên liệu để làm nên món này rất đơn giản với cá lóc, nước lèo, bún tươi và một số loại rau. Trong đó, thành phần chính không thể không nhắc đến của món bún cá là cá lóc đồng. Đây là loài cá có thân tròn dài, phần đuôi dẹp bên, đỉnh đầu rộng, dẹp bằng, miệng rất lớn, xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây. Trong các khâu làm món bún cá thì chọn cá là bước quan trọng nhất, phải chọn đúng loại cá lóc đồng, thịt cá ngọt và dai chứ không bị bở và tanh như cá lóc nuôi. Sau khi chọn được cá thì làm sạch rồi bỏ vào nồi nước lèo (nước dùng để ăn với bún) luộc chín. Khi luộc nhớ cho thêm một ít sả và củ nghệ đập dập để nước lèo có màu vàng đẹp mắt và không có mùi tanh của cá. Cá luộc chín thì vớt ra, gỡ phần thịt và phần xương tách riêng ra. Lấy phần thịt cá ướp chung với một ít gia vị rồi cho lên chảo xào sơ qua với nghệ để thịt cá vừa săn lại vừa có mùi thơm cùng màu vàng bắt mắt.

Nấu nước lèo để ăn bún cá cũng không kém phần quan trọng vì nước lèo ngọt, ngon mới cho ra món bún cá theo đúng vị. Để nấu nước lèo, người dân Long Xuyên thường sử dụng xương ống để ninh, vừa ninh vừa vớt bọt để nước lèo trong và có vị ngọt. Khi thưởng thức bún cá chỉ cần lấy bún tươi được chần qua nước sôi rồi cho vào bát, bên trên là vài lát cá vàng ươm, nước lèo chan ngập bún, cho thêm ít rau thơm. Ngoài ra, để có món bún cá ngon cũng không thể thiếu các loại rau. Thông thường, người ta ăn bún cá chung với rau muống, giá hoặc rau răm. Một số địa phương miền Tây có thể thêm đậu đũa và bông điên điển. Bát bún cá bưng ra nóng hổi, có màu vàng ươm của nước lèo và của cá, màu xanh của rau, điểm tô thêm màu trắng của giá, trông rất đẹp mắt. Bún ăn nóng thơm ngon, húp miếng nước lèo ngọt thanh, gắp miếng cá lóc chấm nước mắm ớt, dư vị nồng trên đầu lưỡi, ngon không gì bằng.

Bún cá Long Xuyên với vị ngọt của nước lèo, vị béo béo của cá, vị the hơi cay của sả cùng một chút đắng của rau khiến cho món ăn này ngon “khó cưỡng”. Không chỉ hấp dẫn với người dân địa phương, bún cá Long Xuyên còn thu hút nhiều du khách từ trong và ngoài nước tìm về thưởng thức. Quý khách có thể tìm đến các quán dọc theo đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang) để thưởng thức món bún cá đặc trưng.

------------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về món bún cá Long Xuyên. Hy vọng đây là tài liệu hay giúp các em nắm được những thông tin cơ bản cần có khi triển khai bài văn thuyết minh về bún cá Long Xuyên. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu văn mẫu lớp 8 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
14
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm