Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về món cốm Hà Nội

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về món cốm Hà Nội dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý chi tiết

I. MỞ BÀI

- Cốm Vòng - một thức quà thanh nhã và tinh khiết.

- Một món án đượm hồn làng quê, dân dã và bình dị.

II. THÂN BÀI

1. Chuẩn bị và cách làm

- Cốm nguyên là cái hạt non của ‘‘thóc nếp hoa vàng”.

-Người làng Vòng đi ngắt lúa về và nội trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ phải bắt tay vào việc chế hóa hạt thóc ra thành cốm.

- Lúc ngắt đem ở cánh đồng về, kỵ nhất là không được vò hay đập, mà phải tuốt để cho những hạt thóc vàng rơi ra.

- Người ta cho rằng bí quyết của cốm Vòng là ở lúc đem đảo ở trong những nồi rang.

- Tất cả cái khéo tay, cộng với những kinh nghiệm lâu đời giúp cho người dân bà làng Vòng đảo cốm trong những nồi rang vừa dẻo; lửa lúc nào cũng phải đều; nhất là củi đun phải là thứ củi gỗ cháy âm, chứ không được dùng đến củi rơm hay củi đóm.

-Công việc xay, giã cũng cần phải gượng nhẹ, chu đáo, chày giã không được nặng quá, mà giã thì phải đều tay, không được chậm vì cốm sẽ nguội đi, thứ nhất là ai đảo từ dưới lên, từ trên xuống cho đều, không lỏi.

- Thóc giã xong rồi, người ta sàng, trấu bay ra cùng với những hạt cốm nhẹ nhàng nhất: cốm đó là cốm đầu nia.

- Người ta lấy mạ giã ra, hòa với nước, làm thành một thứ phẩm xanh màu lá cây rồi hồ cốm cho thật đều tay: cốm đương mộc mạc, nổi hẳn màu lên và duyên dáng như cô gái dậy thì bỗng tự nhiên đẹp trội lên trong một buổi sáng mùa xuân tươi tốt.

2. Trình bày

- Cốm được tãi ra thật mỏng trên những mảnh lá chuối hay những cái lá sen (người ta gọi thế là lá cốm hay mẻ cốm) rồi xếp vào thúng để gánh đi bán, tinh khiết và thơm tho lạ lùng.

- Đặc biệt là hàng nào cũng có một cái đòn gánh cong hai đầu; người bán hàng bước thoăn thoắt hai cái thúng đu đưa, trông thật trẻ.

- Người hàng cốm xẻ từng mè cốm sang chiếc lá sen to để gói lại cho khách hàng.

- Lấy lá sen gói cốm.

- Lấy rơm tươi của cây lúa đem buộc gói cốm.

3. Thưởng thức

- Khi ăn ta phải ăn từng chút một, lấy ngón tay nhón lấy từng chút một.

- Ta vừa nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm thoang thoảng mùi lúa đòng đòng, tính chất ngọt của cốm phiêu phiêu như khí trời trong sạch ta sẽ thấy rằng ăn một miếng cốm vào miệng là ta nuốt cả hương thơm của những cánh đồng quê của ông cha ta vào lòng.

- Muốn thưởng thức được hết hương vị của cốm phải ăn cốm không, và chỉ ăn cốm không thôi.

III. KẾT BÀI

- Cốm là những hạt ngọc của Trời.

- Tùy theo khẩu vị từng người mà chế biến cốm thành những món quà khác nhau.

Văn thuyết minh - Thuyết minh món cốm mẫu 1

Chứa đựng sự tinh túy được chắt lọc từ cây lúa và lòng người đất Hà thành.

"Hà Nội mến yêu của ta, thủ đô mến yêu của ta". Hình ảnh thân thương của đất Thăng Long luôn ngự trị trong trái tim của mỗi con người đất Việt. Với 36 phố phường, với sen Hồ Tây và xanh ngắt nước Hồ Gươm, với ngọt ngào hương hoa sữa...

Không chỉ có vậy, Hà Nội còn quyến rũ lòng người bằng nét văn hóa ẩm thực gần gũi và đặc sắc.

Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng với nhiều thứ đặc sắc: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì, Tương Bần, Húng Láng còn gì ngon hơn". Trừ tương Bần thuộc tỉnh Hưng Yên, ba thứ còn lại đều thuộc ngoại thành Hà Nội.

Cốm ra đời trong hoàn cảnh ngẫu nhiên, đặc biệt.

Câu ca dao xưa, không rõ tự khi nào đã nhắc đến cốm. Cả nước ai cũng biết đến cốm làng Vòng là thứ đặc sản của thủ đô. Riêng người Hà Thành coi nó như một cái gì đó quý giá, tự hào, linh thiêng...

Chuyện kể rằng: Vào một năm trời đói rét, nước ngập mênh mông. Có một gia đình nọ ở làng Vòng thuộc Dịch Vọng, cầu Giấy gặt chạy được một tí lúa nếp non, đói quá phải rang lên mà ăn.

Không ngờ lúa nếp non rang lại có vị thơm ngon đặc biệt. Nhà nọ truyền nhà kia... Cốm ra đời từ khi đó.

Cốm làm bằng thứ nếp hoa vàng được ghi chép từ thời Lê Quý Đôn vào thế kỉ XIII là ngon và thơm nhất.

Nếp hoa vàng làm nên món ăn thanh tao.

Vào vụ Đông Xuân, không cấy được nếp hoa vàng, chỉ cấy được nếp mới, ít thơm hơn. Nhưng với đôi bàn tay khéo léo thì cốm vẫn ngon, vẫn thắm đượm lòng người.

Nghề làm cốm làng Vòng lan truyền tới các làng lân cận: Mai Dịch, Mễ Trì... và trở thành đặc sản của 36 phố phường. Hàng năm, vào dịp Tết Trung Thu, tiết trời se lạnh, đã có cốm. Trên trời, trăng thu sáng trong, ôm trọn cánh đồng lúa đang dần trĩu bông đón chờ mùa gặt tháng Mười.

Chẳng biết tự bao giờ đã có tên "cốm", về cách phát âm, "cốm" với "cơm", hay đó là một thứ cơm không nấu mà rang lên?

Cốm được đem bán rộng rãi khắp phố phường. Các bà, các chị gánh cốm bằng chiếc đòn gánh đầu cong vút, với đi quang nhỏ, cái thúng, cái mẹt xinh xinh có xếp lá sen, hồn nhiên rao: "Ai muốn cốm hoa vàng..."

Hương cốm và hương sen hòa quyện vào nhau.

Món cốm hà nộiNgười xa quê cầm gói cốm bọc trong lá sen, được buộc bằng mấy cọng rơm nếp non còn xanh, cảm thấy lòng lâng lâng khó tả. Đó là cảm giác nhớ về quê hương, đứng trước đồng lúa chín và đầm sen dịu mát. Làng quê chợt hiện về, có mẹ già còng lưng vất vả, có ruộng đồng xanh ngát một màu.

Khi mở gói cốm ra, giữa nền lá sen xanh thầm, những hạt cốm xanh tỏa ra mùi thơm ngọt ngào của mùa màng. Đặt mấy hạt cốm lên lòng bàn tay, thấy nhẹ tênh.

Tôi nhớ ngày còn bé, mẹ tôi hay làm chè cốm mỗi khi có dịp. Anh em tôi thường hí hửng xung quanh mẹ chờ nồi cốm chín. Chè mẹ nấu thì thật tuyệt.

Cốm ăn với chuối tiêu trứng cuốc vào mùa thu thì khỏi chê. Đôi khi, dạo quanh phố phường trong tiết thu se lạnh, bất chợt bắt gặp đôi ba cô bé, cậu bé ngồi quay quần bên gánh cốm ven đường, cảm thấy tâm hồn lắng đọng. Hồn Hà Nội chợt ngập tràn trong tôi.

Cốm sẽ đi xa.

Giờ đây, cốm được chế biến thành nhiều món như: cốm xào, chè cốm, bánh cốm, chả cốm, kem cốm, kẹo cốm...

Cốm nhẹ nhàng góp mặt vào văn hóa ẩm thực Việt Nam. Cốm du lịch khắp đất nước. Thậm chí vượt biên giới ra các nước khác.

Văn thuyết minh - Thuyết minh món cốm mẫu 2

Cốm làng Vòng nổi tiếng khắp Hà Nội. Trước thời kì chiến tranh tiếng thơm của cốm làng Vòng truyền đưa vào đến Thanh Nghệ, đến Huế Quảng, đưa xuống Nam Định, Hải Phòng và vào thấu đến Sài Gòn Nam Bộ. Mỗi năm cứ thấy gió mùa thu nổi sóng trên đồng lúa miền Bắc là nhiều người lại nhắc đến cốm Vòng – cái món quà thổ ngơi thơm lành của ruộng lúa nếp ngoại thành Thủ đô. Khi những cây sấu đứng đường của Hà Nội mà bắt đầu lộp độp rụng xuống những trái sấu chín cây thì trên vỉa hè Hà Nội cũng bắt đầu hiện ra cái hình ảnh người gánh cốm đi bán rong. Trái với thói thường của hàng rong, gánh cốm cứ êm ả mà đi, người bán cốm không cất tiếng rao hàng. Hình thù người gánh cốm cũng phần nào gợi lên phẩm chất như thứ quà giản dị thơm thảo hiền hậu, vừa chắc chắn vừa tinh tế. Đứng trên ban công nhìn xuống, đứng trong ngõ hoặc đứng trong quầy nhìn ra, mà nhận được gánh cốm thì khắc gọi lấy mà mua. Cái gánh cốm Vòng cổ truyền đã quá quen với con mắt của nhiều người chết đi sống lại nhiều lần với Hà Nội. Ai mà lầm được cái gánh cốm Vòng có cái đòn gánh dị thường một đầu thẳng một đầu cong vút lên như cái ngọn chiếc hia tuồng Bình Định.

Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi nhớ rằng tôi không nhớ Tết, không nhớ những ngày vui và những gì đã qua bằng nhớ một ngày nào đã mờ rồi, tôi hãy còn nhỏ, sáng nào về mùa thu cũng được mẹ mua sẵn cho một mẻ cốm Vòng, để ăn lót dạ trước khi đi học.

Thế thôi, nhưng nhớ lại như thế thì buồn muốn khóc. Tại sao? Chính tôi cũng không biết nữa..

Ờ, mà lạ thật, chẳng riêng gì mình, sao cứ đến đầu thu thì người Hà Nội nào, ở phiêu bạt bất cứ nơi đâu cũng nhớ ngay đến cốm Vòng? Chưa cần phải ăn làm gì vội, cứ nghĩ đến cốm thôi, người ta cũng đã thấy ngất lên mùi thơm dịu hiền của lúa non xanh màu lưu li đặt trong những tàu lá sen tròn cũng xanh muôn muốt màu ngọc thạch!

Không, cốm Vòng quả là một thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội – đặc biệt vì mỗi khi thấy gió vàng hiu hắt trở về thì lại nhớ đến cốm, mà đặc biệt hơn nữa là khắp các “nẻo đường đất nước” chỉ có Hà Nội có cốm thôi.

Cốm là một thứ quà của đồng ruộng quê hương mang đến cho ta nhưng hầu hết các vùng quê lại không có cốm. Tôi còn nhớ lúc tản cư ở vùng Hà Nam, mỗi khi thấy mây thu phủ ngang trời, người ta gặp nhau ở chợ vẫn thường chỉ nói một câu: “Bây giờ ở Hà Nội là mùa cốm!”. Thế rồi nhìn nhau, không nói gì nữa, nhưng mà ai cũng thấy lòng ai chan chứa biết bao nhiêu buồn…

Thực tế, cốm chỉ là một thứ lúa non, nhưng bao vùng quê bạt ngàn sơn dã lúa mà không có côm… Chỉ Hà Nội có cốm ăn… Và mỗi khi tiết hoa vàng lại trở về, người ta nhớ Hà Nội là phải nhớ đến cốm – mà không phải chỉ nhớ cốm, nhưng nhớ biết bao nhiêu chuyện ấm lòng chung quanh mẹt cốm, bao nhiêu cảm tình xưa cũ hiu hiu buồn, nhưng thắm thiết xiết bao.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Thuyết minh về món cốm Hà Nội cho các bạn tham khảo. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm