Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang

Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và tổng hợp giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần thuyết minh: di tích lịch sử ở Tiền Giang: Rạch Gầm - Xoài Mút.

2. Thân bài

a. Khái quát chung

Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây và nằm trên tỉnh lộ 864.

Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong.

Rạch Gầm – Xoài Mút là 2 nhánh sông nhỏ đổ vào sông Tiền, một nhánh lớn của dòng sông Cửu Long (Mekong). Hiện nay, Khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút có một vị trí khá đẹp và thoáng mát bên bờ sông Tiền hiền hòa.

b. Thuyết minh chi tiết

Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ:

- Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng trong tư thế rút gươm rất uy dũng; bên cạnh ông là một binh sĩ đang giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất hài hòa.

- Nhà trưng bày số 1: trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật có liên quan đến trận đánh.

- Nhà trưng bày số 2: trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm - Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên.

- Nhà cổ Nam Bộ: 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện lại cuộc sống những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa của di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút.

Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang - Cù Lao Thới Sơn

Tiền Giang là một tỉnh có thế mạnh về loại hình du lịch sinh thái miệt vườn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, cù lao Thới Sơn với hệ sinh thái đặc trưng tiêu biểu của vùng sông nước Miền Tây là một địa danh du lịch Tiền Giang không thể bỏ qua.

Cồn Thới Sơn là cồn lớn nhất trong 4 cồn trên đoạn sông này, với diện tích khoảng 1.200ha, và được coi là hài hòa nhất trong bộ Tứ linh Cồn (Long – Lân – Quy – Phụng). Tuy cùng nằm trên một khúc sông, nhưng Cồn Thới Sơn và Cồn Tân Long (cồn Long) thì thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; còn cồn Quy và cồn Phụng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Theo lịch sử, Cù lao Thới Sơn – Mỹ Tho còn là vùng đất gắn với sự kiện mùa xuân năm 1785, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã lập nên chiến công oanh liệt, phá tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược. Đến thời kháng chiến chống đế quốc, Cồn Thới Sơn ghi dấu những chiến công của quân dân miền Tây với vành đai thế trận bao quanh căn cứ Đồng Tâm, làm nên chiến thắng Bình Đức vang tiếng một thời.

Trước đây, người dân Cồn Thới Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, cùng với trồng cây ăn trái luân canh, cho nhiều loại trái ngon ngọt như: nhãn, sapôchê, cam, quít, bưởi, sầu riêng, chuối, mít, xoài… Về sau, người dân trên cồn đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ còn làm bánh phồng, bánh tráng, kẹo dừa, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ… phục vụ khách đến du lịch Tiền Giang tham quan, tìm hiểu..

Tên Cồn Thới Sơn còn có khu nhà xưa cổ kính, mang kiến trúc đặc trưng Nam bộ, với ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, cùng hàng cột bằng gỗ quý. Trong nhà, cách bài trí cũng theo phong cách cổ với chiếc tủ thờ cẩn xà cừ lóng lánh, tràng kỷ chạm trổ tinh xảo, cùng với đôi liễn chạm câu đối sơn son thếp vàng. Trước nhà có khoảng sân trồng cây cảnh được chăm tỉa công phu, chung quanh là vườn cây xanh mát..

Du lịch Cù lao Thới Sơn, du khách sẽ có dịp ngồi trên những chiếc xuồng ba lá, được cô thôn nữ xinh xắn khua mái chèo điệu nghệ, xuôi theo những con lạch nhỏ ngoằn ngoèo ngắm nhìn hàng dừa nước mọc san sát nhau hai bên bờ, những hàng thủy liễu xanh tươi nghiêng mình chào đón. Tận hưởng bầu không khí trong lành thoảng hương phù sa.

Dạo chơi quanh cồn trên chiếc xe đạp hay chiếc xe ngựa lốc cốc, hồi tưởng về chút kỷ niệm xa xưa… rồi tản bộ dọc theo những lối quê, đến thăm vườn cây ăn trái, tham quan làng nghề truyền thống: cơ sở làm kẹo, bánh tráng, nấu rượu, nuôi ong.

Du khách sẽ thích thú khi tự tay hái trái chín trên cây, sau đó nếm món trà mật ong hoa nhãn đậm đà hương vị và trò chuyện cùng người dân Cồn Thới Sơn chất phác.

Đặc biệt, tại Cồn Thới Sơn, du khách còn có dịp trở thành những nông dân thực thụ trong bộ đồ bà ba, khăn rằng Nam bộ đặc trưng, cùng nhau tát mương bắt cá đầy phấn khích, để rồi bùn đất lắm lem nhưng cười tươi hết cỡ. Tham gia vào các trò chơi dân gian Nam Bộ hấp dẫn: như đánh đu, bắt vịt dưới ao, chọi gà, chọi cá, đua thuyền…

Sau khi vui chơi thỏa thích, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đậm chất miệt vườn tại Cồn Thới Sơn như cá trê nướng, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù, lẩu cá kèo… vừa nghe đờn ca tài tử rồi ngã lưng trên những chiếc võng giữa vườn cây ăn trái xanh mát.

Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang - Lăng Tứ Kiệt

Lăng Tứ Kiệt đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là niềm vui lớn của nhân dân trong huyện Cai Lậy trước đây (nay là thị xã Cai Lậy) đối với một di tích gắn liền với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm vào giữa thế kỷ XIX.

Nằm ở trung tâm thị xã Cai Lậy, với cổng nhìn ra đường 30-4, lăng Tứ Kiệt đã được trùng tu, xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống chia làm 2 khu vực rõ rệt: chính tẩm và nhà mộ.

Chính tẩm được thiết kế theo lối thờ phụng có bàn thờ, lư hương, đôi hạc; chính giữa có bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và bài vị, tạo nét nghiêm trang.

Phía sau là nhà mộ có 4 ngôi mộ tượng trưng dán gạch tráng men khá tươm tất. Khuôn viên quanh lăng được tôn tạo, bố trí thêm các loại kiểng quý lúc nào cũng được cắt tỉa cẩn thận, tạo nên nét hài hòa với cảnh quan chung quanh.

Du khách đến tham quan sẽ hài lòng với khung cảnh và càng thích thú hơn khi được nghe về lai lịch của di tích này.

Nhân viên thuyết minh sẽ đưa du khách trở về những năm đầu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tứ Kiệt (hay Bốn ông) là cách gọi tôn kính của nhân dân đối với 4 vị anh hùng đã lãnh đạo nhân dân chống Pháp từ năm 1868 đến năm 1870. Đó là các ông: Trần Công Thận, Nguyễn Thanh Long, Ngô Tấn Đước và Trương Văn Rộng.

Sau khi giặc Pháp hạ thành Mỹ Tho và chiếm toàn bộ tỉnh Định Tường (năm 1861), Bốn ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Thiên Hộ Dương khởi xướng và lãnh đạo, góp phần cùng nghĩa quân tạo nên những chiến thắng oai hùng.

Căn cứ Đồng Tháp Mười bị vỡ, Bốn ông về Cai Lậy chiêu mộ nghĩa quân tiếp tục phất cao cờ khởi nghĩa. Trong hàng loạt những chiến công của nghĩa quân Tứ Kiệt, cuộc tấn công vào thành Mỹ Tho và thiêu hủy đồn Cai Lậy có thể xem là 2 chiến công chói lọi nhất.

Sau 2 năm hoạt động gây cho giặc nhiều tổn thất, cuộc khởi nghĩa Tứ Kiệt đành chịu thất bại trước sự bao vây và đàn áp tổng lực của Pháp. Bốn ông cùng 150 nghĩa quân bị bắt. Bọn chúng đem vinh hoa phú quý ra dụ dỗ các ông trong nhiều ngày nhưng không thành.

Ngày 14-2-1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ), giặc đưa Bốn ông ra pháp trường xử trảm, bêu đầu ở chợ Cai Lậy nhằm uy hiếp tinh thần của dân chúng, sau đó vùi dập ở bến sông cạnh chợ. Thân nhân mang thân mình các ông về quê nhà, gắn chiếc đầu giả làm bằng đất sét vào chôn cất.

Cảm kích 4 vị anh hùng, nhân dân Cai Lậy đã bí mật mang chôn thủ cấp của Bốn ông và đắp mộ, hương khói trang nghiêm. Ở làng Mỹ Trang, ông Nhiêu học Đặng Văn Ngưu dựng trước nhà 1 ngôi miếu thờ ngay khu đất giặc bêu đầu Bốn ông. Ngôi miếu lợp ngói âm dương và để che mắt chính quyền thực dân, người ta gọi đó là chùa Ông ( vì phía trước lập bàn thờ Quan Công tượng trưng cho trung nghĩa), còn phía sau lập bài vị khắc 4 chữ Tứ vị thần hồn sơn son thiếp vàng rực rỡ (nên có người gọi là Miếu cô hồn).

Mặc dù vậy nhưng ai ai cũng biết đó là miếu thờ Tứ Kiệt. Trận bão năm Giáp Thìn (1904) làm ngôi miếu đổ sập. Ông Nhiêu dời ngôi miếu về làng Thanh Sơn (trước thuộc xã Thanh Hòa nay là thị trấn Cai Lậy). Hiện ngôi miếu tọa lạc tại KP.1, thị trấn Cai Lậy, cách lăng hơn trăm mét. Còn ngôi mộ nơi chôn 4 thủ cấp từ năm 1871 được đắp bằng đất, xung quanh có hàng rào bằng cau sơn vôi trắng. Gần đó có cây còng cổ thụ tỏa bóng mát tạo bầu không khí linh thiêng.

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, người ta đồn rằng: Những đêm thanh vắng ở khu mộ Bốn ông có tiếng quân reo, ngựa hí. Huyền thoại về Bốn ông được lan truyền khắp vùng. Năm 1938, trong đội lính mã tà có ông Đội Lung vì cảm mộ tấm lòng trung nghĩa của Bốn ông nên thuê thợ làm tấm bia đá đặt tại đầu mộ. Bia khắc dòng chữ “Đại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, tứ vị cựu quan chi mộ”.

Mãi đến năm 1954, quận trưởng Lê Văn Thai đồng ý cho nhân dân xây dựng lại ngôi miếu và 4 ngôi mộ tượng trưng bằng xi măng song song và gần sát nhau, xung quanh có hàng rào sắt kiên cố ngay trên nấm đất cũ. Khu vực này gọi là lăng Tứ Kiệt. Năm 1967, nhân dân Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và khu mộ Bốn ông quy mô hơn, trong có miếu thờ, ngoài có nhà khách. Tại lăng có Ban Quí tế lo việc trùng tu cúng bái.

Hàng năm, vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc về đây tảo mộ và làm giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Bốn ông vì nước quên mình, vì dân giết giặc, nêu tấm gương sáng ngời cho hậu thế. Nghi thức tế lễ theo lối cổ truyền có sự cố vấn của ông Trương Ngọc Tường – nhà nghiên cứu về Nam bộ, quê ở Cai Lậy.

Năm 1998, Sở Văn hóa – Thông tin Tiền Giang kết hợp UBND huyện Cai Lậy dành ra một ngân khoản đáng kể để trùng tu toàn diện khu lăng mộ Tứ Kiệt, tương xứng với tầm vóc và khí phách anh hùng của Bốn ông đúng như hai câu đối được chạm khắc tại cổng:

Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm

Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn.

Nhân kỷ niệm 128 năm ngày Bốn ông hy sinh, lăng được khánh thành. Từ đó đến nay, đông đảo nhân dân khắp nơi đến viếng và thắp hương tưởng niệm người đã khuất. Đến thăm lăng Tứ Kiệt, chắc chắn du khách sẽ hiểu thêm tấm lòng của người dân địa phương với Bốn ông – những người đã góp phần điểm tô cho 4 chữ vàng Địa Linh Nhân Kiệt của Tiền Giang luôn ngời sáng.

Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang - Chùa Vĩnh Tràng

Thời gian gần đây, mô hình du lịch văn hóa tâm linh ở vùng ĐBSCL ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan, nghiên cứu. Trong đó, chùa Vĩnh Tràng, ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với những nét kiến trúc độc đáo, cổ kính, phong cảnh đẹp là một trong những điểm đến của du khách trong và ngoài nước.

Chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi là Tổ đình Vĩnh Tràng, tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, được ông Bùi Công Đạt - vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840) xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Kiến trúc của chùa Vĩnh Tràng thuộc dạng độc đáo ở Nam Bộ. Ngôi chùa gồm bốn hạng mục nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu với diện tích trên 14.000m².

Hầu hết các vật liệu để xây dựng chùa Vĩnh Tràng là xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m. Riêng mặt trước của chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Âu – Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Cổng tam quan với nghệ thuật ghép bằng mảnh sành, sứ qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đã xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời… với sự hòa sắc tuyệt vời như tranh vẽ.

Trong chùa Vĩnh Tràng có trên 60 tượng phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng. Tất cả các pho tượng đều được thếp vàng óng ánh. Bên cạnh những pho tượng, hiện vật chùa còn có Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo. Chuông cao 1,2 mét, nặng khoảng 150 kg và hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Bên trong chánh điện và nhà tổ lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam, các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo và tinh xảo với những hình ảnh vui tươi và sống động. Không gian bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tại chùa còn có Bộ tượng mười tám vị La Hán không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương.

Gần đây, Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, Ban trụ trì chùa Vĩnh Tràng còn sử dụng nguồn kinh phí từ phật tử, khách thập phương ủng hộ trên 80 tỷ đồng để tiếp tục trùng tu, sửa chữa ngôi cổ tự này. Trong đó, có nhiều hạng mục được xây mới như: Công viên Di Đà trước cổng chùa rộng 3.000m2; pho tượng phật Di Đà cao 24m.

Trong khuôn viên chùa có tượng Phật Di Lặc trong tư thế ngồi giữa công viên, có chiều dài 27m, chiều rộng 18 m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Bên trong pho tượng này được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người. Phía sau chùa là Đài Quan Âm với pho tượng Phật Quan Âm trong tư thế nằm. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hạng mục mới đầu tư xây dựng như: Quảng trường, hồ nước, hệ thống đèn chiếu sang, bồn hoa, cây xanh, sân bãi… rất trang nhã, sạch đẹp.

Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Trị sự Hội Phật Giáo tỉnh Tiền Giang kiêm trụ trì chùa Vĩnh Tràng cho biết, việc chỉnh trang, nâng cấp mở rộng quần thể chùa Vĩnh Tràng không chỉ để phục vụ cho việc tu học, sinh hoạt Phật giáo của chư công đức, tăng ni và đồng bào phật tử, phục vụ khách tham quan mà còn góp phần làm cho thành phố Mỹ Tho xứng tầm là đô thị loại I.

Du lịch tiền giangTrong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Vĩnh Tràng còn là nơi che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng. Dù địch phát hiện và nhiều lần tàn phá nhưng vẫn không thể làm hư hỏng được ngôi cổ tự. Qua các đời trụ trì, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp và trở thành ngôi cổ tự hoành tránh nhất tỉnh Tiền Giang. Năm 1984, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận chùa Vĩnh Tràng là tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2007 Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục "Chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa Việt."

Chính những nét độc đáo đó, nên ngôi cổ tự này ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu và thắp hương. Mỗi ngày, chùa đón tiếp gần 1.000 khách tham quan; trong đó có khoảng 300 khách quốc tế. Vào những ngày rằm, ngày Tết thì du khách tăng lên đột biến. Đây cũng là một trong những điểm viếng thăm không thể thiếu được trong các tour, tuyến du lịch của các công ty lữ hành.

Để phục vụ du khách, chùa Vĩnh Tràng mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Các chư tăng, chức sắc trong chùa đều thay nhau trực tiếp khách, sẵn sàng thuyết minh, hướng dẫn khi du khách cần.

Hiện nay, chùa Vĩnh Tràng vẫn đang tiếp tục đầu tư, xây dựng một số công trình để phục vụ cho công tác Phật sự và nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách như: Giảng đường, Bảo Tháp,Cổng, hàng rào...

Hòa Thượng Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Trị sự Hội Phật Giáo tỉnh Tiền Giang kiêm trụ trì chùa Vĩnh Tràng cho biết: “Hiện nay, đang xây dựng Bảo Tháp Xá Lợi cao 35m và làm thêm 1 giảng đường Tịnh độ để cho phật tử tu. Đồng thời dự kiến sẽ làm cổng chùa Vĩnh Tràng”.

Quần thể Chùa Vĩnh Tràng được chỉnh trang, tu sửa và nâng cấp trở thành trung tâm Hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Nơi đây vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách với những kiến trúc, phong cảnh đẹp, trang nghiêm; đồng thời chùa Vĩnh Tràng còn là một địa chỉ văn hóa, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang qua bao thế hệ, trường tồn mãi với thời gian.

Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang - Rạch Gầm - Xoài Mút

Di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang, nằm bên bờ sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho chừng 12km về phía Tây và nằm trên tỉnh lộ 864, Khu di tích chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong.

Rạch Gầm – Xoài Mút là 2 nhánh sông nhỏ đổ vào sông Tiền, một nhánh lớn của dòng sông Cửu Long (Mekong). Năm 1784 nhận được sự cầu viện từ Nguyễn Ánh, vua Xiêm đã nhanh chóng cử Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân sang xâm lược Đại Việt bằng cả hai ngã thủy, bộ. Được tin quân Xiêm hoành hành, tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đã kéo quân vào Nam đóng tại Mỹ Tho đại phố, chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7km, rộng từ 1 - 2 km, nơi giữa sông có cù lao Thới Sơn với cây cối rậm rạp rất thuận tiện cho việc giấu quân và mai phục để làm điểm quyết chiến.

Đêm 19 rạng 20 tháng 1/1785 (mùng 9 - 10 tháng 12 năm Giáp Thìn) lợi dụng thủy triều trôi theo dòng sông, Chiêu Tăng đã chủ động tấn công Mỹ Tho đại phố với ý đồ phá vỡ đội thuyền của quân Tây Sơn. Tương kế tựu kế, quân Tây Sơn đã giả thua rút chạy để nhữ địch lọt vào trận địa mai phục Rạch Gầm - Xoài Mút. Khi pháo lệnh của quân Tây Sơn nổ vang cũng là lúc Nguyễn Huệ đã cho khóa chặt ở đầu và đuôi, pháo hỏa hổ ở hai bờ đã nã đạn tới tấp, cùng lúc đó đội thuyền cảm tử quân chở đầy rơm cùng những vật liệu dễ cháy đã đâm thẳng vào thuyền giặc. Bị đánh bất ngờ, toàn bộ thuyền chiến của quân Xiêm bị nhấn chìm chỉ trong một đêm, 5 vạn quân Xiêm chỉ còn vài ngàn thoát nạn, Nguyễn Ánh may mắn được Mạc Tử Sanh bảo vệ trốn sang Xiêm, còn Chiêu Tăng, Chiêu Sương nhảy lên bờ tìm đường trở về Xiêm. Trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử của xứ Đàng Trong và là trận thủy chiến lớn nhất trong 5 thế kỹ của dân tộc ta sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đã toàn thắng.

Hiện nay, Khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút có một vị trí khá đẹp và thoáng mát bên bờ sông Tiền hiền hòa, nằm ngay cạnh tỉnh lộ 864 nên rất thuận tiện cho du khách đến cả bằng đường bộ lẫn đường thủy. Với tổng diện tích hơn 2ha, khu di tích gồm tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, hai nhà trưng bày và một ngôi nhà cổ Nam bộ.

- Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nằm ngay trung tâm của di tích. Tượng làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 mét, được đặt trên bệ cao mô phỏng hình chiến thuyền. Tượng vị anh hùng trong tư thế rút gươm rất uy dũng; bên cạnh ông là một binh sĩ đang giương cung và một người dân bản địa đang chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất hài hòa.

- Nhà trưng bày số 1: trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật có liên quan đến trận đánh.

- Nhà trưng bày số 2: trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm - Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí của cả hai bên.

- Nhà cổ Nam Bộ: 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, có diện tích 225 m2. Trong nhà các vật dụng được xếp đặt nhằm tái hiện lại cuộc sống những người dân phú nông của đất Nam Bộ xưa.

.....................

Ngoài Thuyết minh về một di tích lịch sử ở Tiền Giang. các bạn có thể xem thêm chuyên mục

Soạn Văn 9 cả năm mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Văn hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
21
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm