Tối ưu khoảng thời gian vàng cho học sinh lớp 1
Khoảng thời gian vàng cho học sinh lớp 1
Tối ưu khoảng thời gian vàng cho học sinh lớp 1 theo Quyết định số 2551 Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của Bộ GDĐT.
- Bộ GD-ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022
- Bộ GDĐT yêu cầu không tăng học phí năm học 2021 - 2022
Trong khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, Bộ GDĐT ra Quyết định số 2551 thì đối với lớp 1 tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8, các lớp khác tựu trường sớm nhất vào ngày 1.9. Như vậy học sinh lớp 1 sẽ tựu trường sớm hơn một tuần lễ so với các lớp khác, nhằm giúp cho các em có thể làm quen với trường lớp, cô giáo cũng như rèn nếp đi học hàng ngày.
Đây là điểm mới trong khung kế hoạch thời gian năm học năm nay của Bộ GDĐT, thể hiện tầm quan trọng của tuần 0 đối với lớp 1.
Bước vào lớp 1, học sinh (HS) còn bỡ ngỡ và xa lạ với các hoạt động ở trường. Các em đang quen với những hoạt động ở mẫu giáo đó là vừa học, vừa chơi và chơi vẫn là chính. Năm nay dịch bệnh làm nhiều trẻ 5 tuổi phải dừng đến trường, do đó sẽ càng bỡ ngỡ và xa lạ.
Để tạo tâm thế và sẵn sàng bắt nhịp vào các hoạt động học tập cho HS lớp 1, ngay từ những buổi học đầu tiên, giáo viên (GV) cần tạo không khí thân thiện, hình thành cho HS thói quen học tập tích cực.
Trong buổi đầu đón HS vào lớp 1, GV phải là những người nổi bật nhất, thân thiện nhất, xinh tươi nhất có thể và quan trọng hơn là phải thường trực lời khen và nụ cười trên môi khi cầm tay từng HS vào lớp. Ấn tượng về cô giáo lớp 1 trong buổi học đầu tiên sẽ chẳng thể phai mờ trong tâm thức của mỗi HS.
GV nên dẫn các em tham quan khuôn viên trường, giới thiệu với các em về lớp học, phòng truyền thống, nhà ăn, sân chơi, khu vệ sinh,…
Đến với những tiết học đầu tiên tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm đối với HS lớp 1. Mọi thao tác, tư thế, cách nói năng, giao tiếp (nhận việc, trả lời) được hình thành trong giai đoạn này là hết sức quan trọng.
Những thao tác, những thói quen, những tư thế, tác phong đúng, đẹp sẽ rất có lợi về lâu dài và ngược lại đối với HS. Bởi thế, rèn luyện các thao tác, tư thế,… trong những buổi học đầu tiên của GV cần phải hết sức chuẩn mực, rõ ràng, dứt khoát (không sai, không thừa, nhẹ nhàng nhưng không khoan nhượng).
Nếu thực hiện tốt tuần làm quen, HS biết hết các thao tác, cô và trò thống nhất các quy ước, ký hiệu thì việc dạy - học sẽ trở nên nhẹ nhàng, sẽ không còn tình trạng GV khản giọng và mệt mỏi.
Để làm được việc này, GV cần phải giúp HS biết nhận việc thông qua các động hình và ký hiệu học tập như: Ký hiệu ngôn ngữ cơ thể (ngồi ngay ngắn, không nói chuyện, không làm việc riêng…), ký hiệu gõ thước ở bảng lớp (lấy và cất vở, sách, đồ dùng; đọc cá nhân, nhóm, tổ…), ký hiệu phân tích vần, tiếng, đọc trơn, đọc phân tích... Từ đó hình thành cho các em tác phong nhanh nhẹn, mạnh dạn, nề nếp và kỉ luật.
Khi giao việc cho HS, GV cần lưu ý: Chỉ giao việc một lần, câu lệnh hoặc ký hiệu phải rõ ràng, đảm bảo tất cả HS nghe và hiểu. Khi giao việc và làm mẫu GV phải đứng ở vị trí thích hợp để tất cả HS đều nghe và quan sát được (trung tâm trước bục giảng).
Khi giao việc xong GV phải đi xuống lớp để kiểm soát việc làm của tất cả HS, giúp đỡ những HS chưa làm được; phải đảm bảo tất cả HS hoàn thành mới giao việc khác.
Để cho HS lớp 1 thấy "Đi học là hạnh phúc", "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" đòi hỏi GV lớp 1 phải đa dạng hóa việc tổ chức dạy học, đặc biệt cần coi trọng việc tổ chức các trò chơi để củng cố kỹ năng.
GV lớp 1 là người mang trên mình sứ mệnh quan trọng trong việc hình thành kỹ năng học tập, hành vi, ngôn ngữ giao tiếp, thói quen sinh hoạt và tất cả những gì khởi đầu cho việc hình thành nhân cách HS.