5 lưu ý giúp thí sinh làm tốt bài thi trắc nghiệm Hóa học

5 lưu ý giúp thí sinh làm tốt bài thi trắc nghiệm Hóa học

Xác định trọng tâm kiến thức, phân bổ thời gian ôn tập hợp lý, giữ gìn sức khỏe và tâm lý vững vàng sẽ giúp các em có một bài thi đạt kết quả như mong đợi.

Những lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm THPT Quốc gia

Các công thức giải nhanh trắc nghiệm Hóa học

Cô giáo Nguyễn Đặng Thị Ngọc Huyền - Tổ trưởng môn Hóa học, Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý học sinh kỹ năng ôn tập và làm tốt bài thi trắc nghiệm Hóa học - kỳ thi THPT quốc gia.

1. Kỹ năng ôn tập lý thuyết Hóa học

Với phần kiến thức lý thuyết, cô Ngọc Huyền khuyên các em nên ôn theo từng phân môn: hóa vô cơ, hóa hữu cơ. Ôn xong phần nào, các em nên chốt trọng tâm, ghi ra sổ tay phần đó.

Các em cần chú ý kỹ những kiến thức trọng tâm như: Công thức các chất phổ biến trong thực tế; Các số đồng phân của các hợp chất hữu cơ thông dụng; Cách viết công thức cấu tạo và cách gọi tên các hợp chất đã học; Thuộc lòng dãy điện hóa và cách vận dụng; Ôn cách cân bằng phản ứng oxi hóa – khử.

2. Kỹ năng ôn tập phần bài tập Hóa học

Về phần bài tập, cô Ngọc Huyền lưu ý học sinh nên ôn theo các dạng toán cụ thể: định luật bảo toàn khối lượng (tăng giảm khối lượng), bảo toàn e, bảo toàn điện tích, bảo toàn nguyên tố...

Với mỗi dạng, học sinh cần xem cách giải của 1, 2 bài cụ thể để nắm được nguyên tắc chung. Đồng thời xem lại cách giải một số bài toán tổng hợp; Tập phân tích đề để có hướng giải thích hợp, nhanh, gọn.

3. Kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm Hóa học

Để giúp học sinh làm tốt bài thi trắc nghiệm Hóa học, cô Ngọc Huyền chia sẻ một số kinh nghiệm và kỹ năng cơ bản:

  • Đọc kỹ đề (cả đáp án) để xác định dạng bài tập mà suy ra cách giải phù hợp.
  • Dựa vào đáp án để có thể chọn theo phương pháp loại trừ hoặc có thêm dữ kiện để giải bài hoàn chỉnh.
  • Nên làm câu dễ trước (ít tốn thời gian).
  • Với dạng bài lạ cứ bình tĩnh đọc kỹ đề và giải từng bước sẽ ra.

Ví dụ: Với bài chỉ có 1 phương trình mà 2 ẩn số, cứ giải sẽ rút gọn được thôi.

  • Tận dụng tối đa cáccông thức đã được học cho mỗi dạng bài để giải nhanh, không cần giải tự luận.
  • Với một số bài có thể dựa vào con số đề bài cho mà dự đoán được ngay đáp án, không cần giải (nếu thời gian không còn nhiều).

Ví dụ: Cho 10,8g KL → Xác định KL → Thường là Al.

11,2g KL → Xác định KL → Thường là Fe

  • Nếu chưa chắc với lựa chọn, các em nên thử kiểm tra lại.
  • Tuyệt đối không bỏ câu. Nếu không chắc chắn một đáp án nào, hãy chọn một đáp án theo trực quan.

4. Thời gian ôn tập hợp lý

Về thời gian ôn tập, cô Ngọc Huyền đưa ra những hướng dẫn cụ thể: Trước ngày thi 1 tháng, cùng với việc ôn tập kiến thức các môn học khác, cứ 2 ngày học sinh dành khoảng 2 tiếng ôn 1 chương của lớp 12 (7 chương x 2 = 14 ngày). Sau đó ôn kiến thức lớp 10: chủ yếu phản ứng oxi hóa – khử và tốc độ phản ứng, cân bằng hóa học (2 ngày). Ôn kiến thức lớp 11: chủ yếu chương HNO3 và hiđrocacbon (3 ngày).

  • Trước thi 10 ngày:
    • Ôn các công thức cần nhớ, các câu lý thuyết trọng tâm.
    • Xem lại vài bài tập khó → Cách giải.
  • Trước thi 3 ngày:
    • Nghỉ ngơi cho tinh thần thoải mái.

5. Bí quyết giữ sức khỏe trước kỳ thi

Với kinh nghiệm nhiều năm giúp học sinh chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho những kỳ thi quan trọng, cô Ngọc Huyền đặc biệt lưu ý học sinh nên giữ gìn sức khỏe và tâm lý vững vàng để "hái quả" thành công.

Các em cần ngủ đủ giấc và đúng giờ (khoảng 6 tiếng vào buổi tối: từ 22 giờ 30 phút đến 5 giờ sáng), trưa nghỉ khoảng 30 phút sau ăn trưa; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây (có thể chú ý đến táo).

Hạn chế hoặc tạm "cai" lướt web vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc nhớ kiến thức, tốn thời gian. Các em nên tập thể dục nhẹ nhàng vào mỗi buổi sáng thức dậy để tinh thần sảng khoái cho 1 ngày ôn tập mới.

Sưu tầm

Đánh giá bài viết
1 304
Sắp xếp theo

Bí quyết làm bài thi tốt

Xem thêm