Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Văn mẫu lớp 9: Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình giảng tác phẩm Bếp lửa

Thuở ấu thơ, lớn lên trong chốn làng quê nghèo khó, thường lưu lại trong lòng mỗi đứa trẻ nhiều kỷ niệm khó quên. Đó có thể là gốc đa, giếng nước, hay những hôm đợi mẹ, đợi bà đi chợ về cho cái kẹo bột, cái bánh rán phủ đường. Đặc biệt đối với những con người phải xa quê hương, xa gia đình thì nỗi nhớ mong về quá khứ lại càng sâu sắc hơn cả. Trong trái tim người đi xa lúc nào cũng có một nỗi niềm mong nhớ về quê cũ, như trong Bếp lửa ấy là nỗi nhớ bà và bếp lửa hồng hồng ấm áp bà nhen mỗi sớm chiều.

Bằng Việt sinh năm 1941, quê ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay), ông là một trong những nhà thơ trẻ trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Phong cách thơ ông giàu tính suy tưởng, triết lý, trong sáng và gắn liền với tuổi trẻ, đặc biệt là tầng lớp sinh viên.

Bếp lửa được sáng tác vào năm 1963, khi Bằng Việt còn là lưu học sinh đang du học tại Liên Xô cũ. Trong cái nỗi nhớ thương về người bà đã nuôi nấng mình từ thuở ấu thơ, Bằng Việt đã viết bài thơ để thể hiện những ân tình, ân nghĩa sâu nặng. Trước hết là đối với người bà tần tảo, lam lũ giàu đức hi sinh vô cùng thiêng liêng cao cả của mình, đồng thời thể hiện lòng yêu thiết tha đối với cội nguồn, đối với quá khứ, với quê hương đất nước, với gia đình và làng xóm của mình. Bài thơ được in trong tập Hương cây - Bếp lửa, tập thơ in chung với Lưu Quang Vũ, xuất bản năm 1968.

Toàn bộ tác phẩm là thế giới của kỷ niệm, là những dòng hồi tưởng thiết tha của Bằng Việt về tuổi ấu thơ của mình, về hình ảnh người bà thân yêu bên cạnh bếp lửa.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!"

Mở đầu bài thơ là hình ảnh bếp lửa, đây là hình ảnh khơi nguồn nên mạch cảm xúc của tác giả, là hình ảnh trung tâm gắn liền với hình ảnh người bà thân yêu của nhà thơ. Tuy được viết trong hiện tại, nhưng hình ảnh bếp lửa ở đây là hình ảnh trong quá khứ, trong những năm tháng của tuổi ấu thơ hiện về, đang sống dậy đang tỏa sáng lung linh trong tâm hồn của tác giả. Từ láy "chờn vờn", gợi được hình ảnh của một ngọn lửa đang nhảy nhót, vui mừng trong sương sớm, lại cũng vừa thể hiện được cái hình ảnh bếp lửa in đậm trong nỗi nhớ khôn nguôi của đứa cháu, nỗi nhớ da diết về bà. "Một bếp lửa ấp iu nồng đượm" nó thể hiện được cái khéo léo, kiên nhẫn, cái tháo vát đảm đang tần tảo của người bà, phải nhen ngọn lửa lên từ khi còn rất nhỏ, chăm chút, che chắn từng ngọn gió, ấp ủ bằng tất cả tấm lòng để nó được "nồng đượm" trong sương sớm, trong tâm trí của đứa cháu mãi về sau này. Từ những kỷ niệm về bếp lửa, tác giả đã bộc lộ cái nỗi lòng của đứa cháu đối với bà. Chỉ một chữ "thương" thôi mà ẩn giấu biết bao nhiêu tình cảm, lòng yêu thương, bao nhiêu sự biết ơn và lòng trân trọng của đứa cháu đối với bà. Dù đứa cháu ấy bây giờ đã lớn, đã trưởng thành, đã rời xa vòng tay, rời xa bếp lửa ấm áp của bà. Chi tiết "biết mấy nắng mưa" đã gợi lên bao nhiêu thời gian đã trôi qua, gợi nên cái lam lũ, vất vả của cuộc đời bà.

"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!"

Những hình ảnh, những kỷ niệm thuở ấu thơ hiện lên như một thước phim quay chậm, rất sống động, sâu sắc qua từng mốc thời gian. Bắt đầu là những kỷ niệm khi người cháu có nhận thức, đó là "Lên 4 tuổi cháu đã quen mùi khói". Điều đó chứng tỏ cháu đã biết bao nhiêu lần cùng bà nhóm lửa, mùi khói đã trở thành một mùi hết sức thân quen, gắn liền với cuộc đời với nỗi nhớ, gắn liền với tâm trạng của đứa cháu này. Khói là một mùi vị bình dị, thân thuộc với cuộc sống, nếu bình thường sẽ chẳng ai để tâm tới, nhưng đối với Bằng Việt đối với ký ức của một đứa trẻ lên 4 lại trở thành một nỗi nhớ tha thiết không nguôi, lại trở thành một thứ được trân trọng gìn giữ trong tâm hồn. Ngoài mùi khói, tác giả còn nhớ đến những kỷ niệm khác, là những ngày khó khăn vất vả nhất của hai bà cháu. Đó "năm đói mòn đói mỏi", nạn đói năm 1945 đã hằn sâu và trong ký ức của tác giả, cái đói quấn quýt lấy từng người đến mòn mỏi, sự sống trở nên hữu hạn, héo hắt vô cùng. Nhưng người cháu nhỏ nhớ nhất vẫn là hình ảnh "khói hun nhèm mắt cháu", mà cho đến tận bây giờ, người cháu dường như vẫn cảm nhận được cái cay cay vì hít phải khói. Ngoài ra cái "cay" ấy còn là nỗi lòng xót xa của tác giả khi nhớ về những năm tháng ấu thơ nghèo đói, về sự nhọc nhằn của bà, của bố.

"Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về,

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"

Khi lớn hơn một chút, bố mẹ đều đi xa tham gia vào kháng chiến, tác giả đã có 8 năm sống cùng bà, được bà chăm sóc nuôi nấng. Nó cứ chảy trôi trong dòng hồi tưởng của Bằng Việt, thật êm đềm và nhiều cảm xúc. "Tám năm ròng" thể hiện một khoảng thời gian vô cùng, vô cùng dài, trong khoảng thời gian thật dài ấy, trước hết bà đã dạy cho cháu biết nhóm lửa, ngọn lửa của niềm tin, của sự sống, của ấm áp tình thân. Ngọn lửa ngày ngày cháu cùng bà nhen nhóm đã trở thành một ký ức sâu sắc trong tâm trí nhà thơ, trở thành mạch cảm xúc chính cho cả tác phẩm. "Tiếng tu hú" kêu vang vọng trên khắp cánh đồng xa, trở đi trở lại trong cả đoạn thơ tới ba lần vừa khắc khoải vừa tha thiết. Gợi ra không gian xa rộng trên những cánh đồng xa, rồi lại gợi lên cảnh căn nhà tranh nghèo khó bên bếp lửa nồng đượm. Tiếng chim ấy còn gợi về biết bao kỷ niệm nơi tâm hồn của người bà bình dị lam lũ tần tần. Bà thường kể cho cháu nghe những chuyện ở Huế và những câu chuyện ấy cứ sống mãi trong tâm trí của người cháu, của Bằng Việt. Giọng thơ như tâm tình, như thủ thỉ với bà mang lại cảm giác thật ấm áp, gần gũi. Dường như khoảng cách giữa bà và cháu chẳng phải là nửa vòng trái đất mà là cháu đang bên bà cùng bà nhóm lửa. "Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà/Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa", câu thơ như có sự ái ngại, xót thương cho chút chim bé bỏng sao không được ở cùng bà, để được bà nâng niu, chăm sóc mà phải lang bạt kêu tha thiết trên những cánh đồng vô tận. Cháu ở cùng bà, được bà dạy dỗ, chăm chút, bảo ban thật ân cần, bà đã thay bố thay mẹ cháu nuôi nấng cháu bằng tất cả những tình thương. Bà không chỉ là chăm sóc cho đứa cháu của mình, mà còn góp phần nuôi dạy thế hệ tương lai, đảm bảo hậu phương vững chắc cho những người đi xa được yên tâm kháng chiến, với một niềm tin dai dẳng sau này đất nước được độc lập, tự do. Hơn thế nữa hình ảnh của đứa cháu cũng hiện lên rất hiếu thảo, rất ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó. Cháu tuy nhỏ nhưng đã hiểu được nỗi vất vả của bà, không muốn bà phải nhọc lòng hơn nữa.

"Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

"Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"

Lời thơ mở ra những kỷ niệm về sự mất mát đau thương mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc cho đất nước, cho cả ngôi làng quê bé bỏng của nhà thơ. Lời thơ cũng gợi nên nỗi căm phẫn trước tội ác của kẻ thù, "Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi" là một kỷ niệm đau xót mãi nhói lên trong lòng của nhà thơ. Nhưng cũng trong tình cảnh lầm than ấy, thì hình ảnh của người bà và bếp lửa vẫn nổi bật lên. Trước cảnh hàng xóm bốn bên đều lầm lụi, vật vã thì người bà kiên cường lại một tay dựng lại túp lều tranh, còn đinh ninh dặn cháu không được cho cha mẹ biết. Bởi bà không muốn vì chuyện nhà con cái của mình lo lắng, không tập trung chiến đấu, bà luôn vững vàng mạnh mẽ như vậy, luôn là hậu phương vững chắc cho những người đi xa.

"Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng..."

"Rồi sớm rồi chiều" gợi lên một khoảng thời gian lặp đi lặp lại, ngày ngày sớm chiều bà nhóm lửa, chẳng thiếu hôm nào. Đó không phải là một công việc bình dị hằng ngày mà nó còn là một hành động rất kiên nhẫn, bền bỉ và tảo tần của người bà. Ngọn lửa bà hằng nhen không chỉ là ngọn lửa đang bập bùng mỗi sớm chiều mà nó còn là ngọn lửa bà luôn ủ sẵn trong lòng mình. Là hiện diện của niềm tin dai dẳng, tin vào một ngày mai đất nước được bình yên, con cái lại trở về sum họp, đứa cháu của bà lớn khôn, tài giỏi, là niềm tin về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Hình ảnh người bà trong thơ Bằng Việt không chỉ là người nhóm lửa, người giữ lửa mà còn là người truyền lửa, ấy là ngọn lửa niềm tin đầy lạc quan về sự sống cho người cháu, cho những thế hệ trẻ thơ.

Sau rất nhiều những hồi tưởng của cảm xúc của kỷ niệm, nhà thơ bắt đầu đi đến những suy tư về người bà của mình.

"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!"

Lời thơ nổi lên với mạch suy tư kết hợp với mạch cảm xúc rất nhuần nhuyễn. Câu "Lận đời bà biết mấy nắng mưa/Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ", vừa bộc lộc cảm xúc của Bằng Việt vừa thể hiện những suy tư của tác giả về người bà của mình. Từ láy"Lận đận" được đảo lên đầu câu đã nhấn mạnh cái nỗi vất vả lam lũ, cái chịu thương chịu khó trong cuộc đời của người bà, bà chẳng quản ngại nắng mưa. Bà là người phụ nữ rất tần tảo, chăm chỉ bà quen dậy sớm, đã mấy chục năm chưa bao giờ đổi. Bà quen nhóm bếp sáng chiều, từ bếp lửa hồng ấy, bà đã nấu những bữa ăn tuy giản dị khoai sắn, nhưng đầy ắp tình thương yêu, chia sẻ ngọt bùi, nắng mưa cùng chịu. Ngọn lửa của bà tùy thân thuộc và bình dị, nhưng nó lại nhen vào lòng đứa trẻ là tác giả những kỷ niệm khắc sâu, những niềm tin dai dẳng về sự sống, về tình thương trong gia đình. Chính vì ngọn lửa của bà mang nhiều ý nghĩa triết lý như vậy nên nhà thơ đã phải cảm thán một câu thật sâu sắc để ca ngợi bếp lửa ấy: "Ôi kỳ lạ và thiêng liêng bếp lửa!".

"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?..."

Quay trở về với thực tại, nhà thơ tuy đã đi xa, đã nhìn thấy biết bao nhiêu ngọn khói, bao nhiêu bếp lửa và bao nhiêu niềm vui khác. Nhưng tất cả cũng chẳng thể nào xóa nhòa đi cái ký ức đẹp đẽ, gian khổ đã khắc sâu vào lòng tác giả. Nhà thơ băn khoăn một nỗi niềm suy tư tha thiết: "Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?". Cháu đi xa biền biệt tin của bà, nỗi nhớ thương khắc khoải cứ hằn lên trong tâm trí, cháu nhớ bà nhớ cả ngọn lửa của bà nữa, chẳng biết liệu bà có còn khỏe mạnh, còn dậy sớm nhen bếp như khi cháu còn ở nhà không. Câu hỏi ấy là lời tâm tình, là sự lo lắng, là nỗi nhớ sâu sắc mà cháu dành cho bà ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất.

Bếp lửa là thế giới của nỗi nhớ, là dòng kỷ niệm thiết tha là mạch hồi tưởng, suy ngẫm của một đứa cháu đã trưởng thành về kỷ niệm của một thời ấu thơ. Qua đó Bằng Việt bộc lộ niềm xúc động lòng tri ân sâu nặng đối với người bà tảo tần, lam lũ, kiên cường, bền bỉ, chịu thương chịu khó. Không những thế nhà thơ còn thể hiện lòng kính yêu trân trọng, biết ơn của một người cháu đối với bà, đối với đất nước, đối với quê hương, gia đình.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm