Bình giảng bài thơ "Tự do" của Ê-luy-a
Những bài văn mẫu hay lớp 12
Văn mẫu lớp 12: Bình giảng bài thơ "Tự do" của Ê-luy-a gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng bài thơ "Tự do" của Ê-luy-a
Ê-luy-a (1895 – 1952) là một trong những nhà thơ lớn của nước Pháp trong thế kỉ XX. Ông đã hai lần khoác áo lính ra trận (năm 1914 và năm 1939). Trong những năm đen tối dưới ách thống trị của phát xít Đức xâm lược, ông hoạt động trong chiến hào các chiến sĩ du kích và những trí thức yêu nước Pháp.
Bài thơ "Tự do" của Ê-luy-a từng được in trên truyền đơn, được trích ghi trên lá cờ Tổ quốc của các chiến sĩ du kích, được khắc lên báng súng và tâm hồn của hàng triệu người dân Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai.
"Tự do" được viết theo thể thơ 7 âm tiết, gồm có 20 khổ thơ bốn dòng và một khổ thơ năm dòng. Chữ "trên" xuất hiện 60 lần và đứng ở vị trí đầu của ba dòng thơ, trong mỗi khổ thơ; câu thơ "Tôiviết tên em" như một điệp cú, điệp khúc vang lên ở dòng cuối mỗi khổ thơ trong 20 khổ thơ đầu. Khổ thơ thứ 20, nói rõ tên em mà nhà thơ hằng yêu mến và quý trọng.
Tôi viết tên em trên mọi không gian bao la và mênh mông: "Trên rừng hoang sa mạc,... Trên các mảnh trời xanh,... Trên đồng ruộng chân trời,... Trên mặt biển thân tàu,... Trên ngọn núi điên cuồng,..".
"Tôi viết tên em" trên mọi thời gian: "Trên những mùa cưới hỏi,... Trên mỗi thoáng bình minh,... Trên ngọn đèn mới khêu - Trên ngọn đèn đang tắt,...".
"Tôi viết tên em", trên mọi sự vật gần gũi, bình dị và mến thương: trên quyển vở nhà trường, trên những trang trắng tinh, trên tổ chim, trên bánh trắng, trên cánh chim đang bay, trên gương soi và phòng ngủ, trên cửa nhà ta, trên trán yêu bè bạn, trên cửa kính, trên làn môi...
"Tôi viết tên em" trên mọi biểu trưng của sức mạnh và uy quyền: "Trên vũ khí chiến binh – Trên mũ miện vua chúa".
Và cả những nơi chết chóc, những lúc nguy nan, "trên bậc thềm cái chết" trên mọi hi vọng,... "Tôi viết tên em".
Bằng biện pháp liệt kê, sử dụng điệp ngữ và điệp khúc theo kiểu "xoáy tròn" trùng điệp, tầng tầng lớp lớp, tác giả đã tạo nên một giọng thơ tha thiết, khắc khoải, bồi hồi.
Khổ thơ 21, khổ cuối bài thơ có 5 dòng. Cánh cửa tâm hồn bị đóng kín được mở toang:
"Và do sức mạnh một từ
Tôi làm lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em
Tự do"
Tên em không phải tên một loài hoa đẹp, tên một báu vật, cũng không phải tên của một giai nhân. Tên em chỉ một từ, do "sức mạnh" làm nên. Tên em là khát vọng sống cho mọi cuộc đời, làm nên ý nghĩa cuộc sống cho mọi con người. Thật giản dị và đáng yêu: "Tự do" là tên em, để tha thiết gọi, tha thiết nhớ, và để "Tôi viết tên em".
Không thể sống trong nô lệ. Phải sống trong tự do. Cái giá của tự do phải trả bằng nhiều máu và nước mắt.
Trong hoàn cảnh lịch sử nặng nề và đen tối những năm 1942..., bài thơ đã trở thành "Thánh kinh", lời thề chiến đấu của các chiến sĩ yêu nước Pháp.
Những người Việt Nam quen cảm thụ ca dao, thơ lục bát, thơ thất ngôn... giàu vần điệu, hình tượng và biểu cảm, nên khi tiếp cận bài thơ "Tự do" của Ê-luy-a, chúng ta gặp phải một khoảng cách lớn.
"Tự do" là bài thơ mang tính trí tuệ, của thơ hiện đại Pháp, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Ê-luy-a. Đọc bài thơ, ta tưởng như đi tìm một thứ ánh sáng mới lạ trên trang sách thời áo trắng. P.H Mô-ri-ắc đã viết: "Đối với thế hệ của ông, Ê-luy-a chính là hiện thân của thi ca. Ngay trong những năm đất nước bị chiếm đóng, qua bài thơ "Tự do", ông vẫn biểu thị được niềm tin chung của chúng ta. Đây là bài thơ mà mọi học sinh của nước Pháp cần học thuộc lòng".
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Bình giảng bài thơ "Tự do" của Ê-luy-a. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.
Bài tiếp theo: Bình luận về ý kiến của Tố Hữu “Ôi! Sống đẹp là gì hỡi bạn”